(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tôi nhặt tập thơ từ một rổ thơ. Cái rổ bằng nhựa, đường kính chưa đầy nửa mét, trong đó có nhiều tập sách, tập thơ. Tôi phải dùng chiếc khăn của mình lau lớp bụi phủ dày mới hiện ra bốn chữ “Dòng sông hoài niệm”. Đó là một tập thơ. Vừa lau bụi, vừa thương người làm thơ đã vắt kiệt những sợi tơ lòng để có những giọt thơ, vậy mà...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Có một ‘Dòng sông hoài niệm’

(VH&ĐS) Tôi nhặt tập thơ từ một rổ thơ. Cái rổ bằng nhựa, đường kính chưa đầy nửa mét, trong đó có nhiều tập sách, tập thơ. Tôi phải dùng chiếc khăn của mình lau lớp bụi phủ dày mới hiện ra bốn chữ “Dòng sông hoài niệm”. Đó là một tập thơ. Vừa lau bụi, vừa thương người làm thơ đã vắt kiệt những sợi tơ lòng để có những giọt thơ, vậy mà...

Lau hết bụi, tôi lần giở từng trang và đọc, mới giật mình thấy bên trong lớp bụi thời gian ấy là lấp lánh những viên ngọc li ti. Một khung trời yêu hiện ra - một tập thơ tình. Tác giả Văn Đình Thuận. Chưa quen biết người thơ này là ai, nhưng đọc từng bài, từng bài mới hay đây là một thầy giáo vùng biển làm thơ. Tập thơ mỏng, xinh có hơn 40 bài vì thế chưa hết tuần cafe tôi đã lướt xong. Mỗi bài thơ là một câu chuyện tình lãng mạn, một tình yêu đơn phương, tình yêu trong tâm tưởng. Những câu chuyện tình ấy phần lớn là ở làng quê, ở phố nhỏ, ở trường học, ở biển.

Tôi phải dừng lại thật lâu để đọc và ngẫm về bài “Viếng mộ người xưa”. Một cuộc tình đã có hẹn ước, nhưng anh ra đi và thời gian đã làm anh quên lời đã hẹn. Khi trở về thì người yêu chỉ còn là nấm mộ. Và: Chén rượu nhạt anh tưới vòng quanh/ Cứ trong vắt như những dòng nước mắt/ Khói nhang quyện mưa xuân buồn quay quắt/ Nấm mồ xanh như mắt em xanh. Biết bao hoài niệm ập về với những hình tượng người con gái hàng ngày chăm sóc hàng rào trà mạn, bụi hồng gai - nơi hò hẹn của hai người, những tiếng nói, tiếng cười của em vẫn vang đâu đó. Thế mà bây giờ: Thôi em nhé, hãy bình tâm an nghỉ/ Bể trầm luân em trải xong rồi/ Có lẽ em chẳng buồn đâu em nhỉ/ Mãi muôn đời em trong trắng tinh khôi. Câu chuyện số phận con người, số phận tình yêu bi thương mà không bi lụy. Ta tiếc cho một cuộc tình đẹp dang dở.

Bài thơ “Quê mẹ” như một bức tranh quê mà ai đọc lên cũng thấy như quê mình, với những mùi ẩm mốc của rơm rạ, mùi bùn non và những khốn khó, cực nhọc sau cuộc chiến. Nhưng cái đáng suy ngẫm, cái buồn man mác của làng quê hiện nay là sự đổi khác: Cả tình người cũng văng vắng thưa thưa/ Nhàn nhạt cả câu tình làng nghĩa xóm/ Buồn man mác gió đông về lạnh chớm/ Bổng thấy thèm một sớm buổi xa xưa.

Dòng sông hoài niệm cứ trôi hoài theo cảm xúc, theo dòng thời gian khi vắng em: Chiều bơ vơ đi qua cả câu thề/ Tàn tro cũ bay đầy trong mắt ướt/ Nắng đổ bóng xuống hình hài sóng sượt/ Trên con đường nay vắng bước chân ai (Chiều thứ bảy vắng em).

Ở sân trường nơi anh dạy học có một cây xà cừ. Đó là một cây cao bóng cả đã có tuổi đời lâu lắm, chả biết cây có từ bao giờ, nhưng thuở anh biết, thì cây trở thành một chứng nhân của lịch sử và thời gian. Nó chứng giám mỗi vui buồn của các thế hệ học trò, hết lớp này đến lớp khác ra đi và kế tiếp: Bên xà cừ ta tìm mãi vần thơ/ Đã ghi dấu cái thời bao luyến nhớ/ Sao chỉ thấy một nỗi niềm trăn trở/ Nhói trong lòng khi chạm vết đau xưa.

Khi ngôi trường làng của anh có thêm một cô giáo thì cái làng quê ấy, mái trường ấy bỗng rộn rã tiếng cười, đường làng bỗng tươi ánh nắng mới, quê anh bỗng tươi đẹp hẳn lên như thể cô giáo ấy đã mang đến cho làng anh một điều kỳ diệu:

Cho anh hỏi em ơi từ đâu đến/ Từ thướt tha mộc mạc của đồng quê?/ Hay đài các nơi phồn hoa đô hội?/ Mà bướm hoa theo ngợp nẻo em về. Và: Rặng tre buồn nay bổng hát say mê.

Dòng sông hoài niệm của Văn Đình Thuận cứ cuồn cuộn đem phù sa đến cho cánh đồng thơ anh tốt tươi. Dù là mối tình chỉ còn là hoài niệm, chỉ còn sống trong tâm tưởng nhưng nó đã ca lên những khúc hát tình đời, những âm thanh dịu ngọt và vị chát đắng của những mối tình ngang trái. Xin nhặt ra những câu thơ đã nói lên điều ấy: Sao bỗng giờ đây còn vớt lại/ Cái buổi chiều xưa những giọt buồn (Sao còn vớt lại). Một mảnh hồn hoang phế/ Một khoảng đời trống trơn/ Một dòng mưa lạnh lẽo/ Trôi cùng ta cô đơn (Sợi mưa buồn). Ta khát tắm trong em mùa thu cũ/ Mà sông xưa đã chảy tự lâu rồi/ Chỉ còn con nước mới trong mùa lũ/ Vẫn tuyệt vời nhưng chỉ... giống em thôi (Tắm sông mùa lũ). Ta muốn chấp nhận tận cùng được mất/ Sợ u buồn che phủ mắt ngây thơ/ Sợ đông về không lời ru ấm áp/ Tuổi thơ kia vĩnh viễn mảnh trăng gầy (Tận cùng). Con đường cũ em cùng người yêu mới/ Qua chốn xưa góc tối chẳng còn anh/ Kẻ lặng đứng giữa lòng hoang tóc rối/ Đón thu trong mưa xối đổ tơi bời (Tĩnh lặng).

Dòng sông hoài niệm vang lên những khúc nhạc trầm buồn những mảng mầu lạnh của bức tranh quê. Văn Đình Thuận hoài niệm và hoài niệm để cả tập thơ toát lên những tình yêu đơn phương, một sự nuối tiếc, cứ như một cơn khát, một cơn khát giữa dòng sông, một cơn khát giữa dòng đời. Anh muốn đi tìm một cái gì đó, một vỉa quặng chăng? Một bông hoa, một mùa gặt hay một tình yêu đích thực? Thơ anh bình dị và sáng trong, chẳng cần ẩn dụ cầu kỳ nó cứ thủ thỉ tuồn tuột kể hết câu chuyện này đến câu chuyện khác của đời sống xã hội, của đời sống tình yêu.

Chưa phải là lực điền trong cánh đồng thơ nhưng Văn Đình Thuận không dễ dãi trong sử dụng ngôn từ nên mỗi bài thơ đều thấy lấp lánh những hạt ngọc li ti, làm ta đi hết chiêm nghiệm này đến chiêm nghiệm khác.

Tôi không trách anh chừng ấy bài thơ mà không có vần thơ nào có giai điệu tươi vui hào sảng. Tôi trân trọng mạch thơ tư duy rất riêng của tác giả khi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Hy vọng những tập thơ tiếp theo anh sẽ cho độc giả nghe âm thanh của tiếng máy xay bột nghệ rộn rã, tiếng reo vui của học trò, tiếng tí tách của những cánh hoa phượng nở bừng sáng một khung trời thơ.

Tháng 6/2017

Trần Đàm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]