(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể nói không có bất kỳ một thi sĩ nào trong cuộc đời của mình lại không có những nỗi buồn rất riêng đến mức không biết thổ lộ cùng ai trong cuộc sống thường nhật, nên họ đành chọn cách gửi chúng vào thơ. Nhà thơ Hồ Dzếnh sinh thời cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ có điều niềm vui rất dễ giống nhau, còn nỗi buồn thì mỗi người một vẻ, nhất là đối với các thi sĩ thuộc thế hệ Phong trào Thơ Mới, điều này thể hiện rất rõ ở nhà thơ mang hai dòng máu này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Có nỗi chiều buồn mỏng tựa sương giăng

Có thể nói không có bất kỳ một thi sĩ nào trong cuộc đời của mình lại không có những nỗi buồn rất riêng đến mức không biết thổ lộ cùng ai trong cuộc sống thường nhật, nên họ đành chọn cách gửi chúng vào thơ. Nhà thơ Hồ Dzếnh sinh thời cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ có điều niềm vui rất dễ giống nhau, còn nỗi buồn thì mỗi người một vẻ, nhất là đối với các thi sĩ thuộc thế hệ Phong trào Thơ Mới, điều này thể hiện rất rõ ở nhà thơ mang hai dòng máu này.

Nhà thơ Hồ Dzếnh.

1. Nhà thơ Hồ Dzếnh có tên khai sinh là Hà Triệu Anh. Ông sinh năm 1916 tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Hoa từ Quảng Đông di cư sang Việt Nam rồi gặp bà Đặng Thị Văn, người lái đò trên bến sông Ghép, nơi giáp ranh giữa hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia của Thanh Hóa, hai người nên duyên vợ chồng.

Ngoài bút danh Hồ Dzếnh, ông còn một bút danh nữa là Lưu Thị Hạnh. Hiện nay chưa có tài liệu nào nói về nguồn gốc xuất xứ của bút danh thứ hai này.

Nhà thơ Hồ Dzếnh là hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ khi thành lập, năm 1957. Ông mất ngày 13/8/1991 tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.

Ngay từ 1937, Hồ Dzếnh đã làm thơ, viết truyện ngắn gửi đăng trên các báo: Trung Bắc chủ nhật, Tiểu thuyết Thứ Bảy, tập san Mùa gặt mới... Trong cuộc đời cầm bút của mình, thi sĩ Hồ Dzếnh đã để lại cho đời khá nhiều tác phẩm văn chương có giá trị như: Dĩ vãng (truyện vừa, 1940); Chân trời cũ (tập truyện ngắn, 1942); Quê ngoại (tập thơ, 1943); Những vành khăn trắng (truyện dài, ký bút danh Lưu Thị Hạnh, 1942); Tiếng kêu trong máu (truyện dài, 1942); Một chuyện tình 15 năm về trước (ký bút danh Lưu Thị Hạnh, 1943); Hoa xuân đất Việt (tập thơ, 1946); Cô gái Bình Xuyên (truyện vừa, 1946); Người nữ cứu thương Trung Hoa (kịch một màn, công diễn 1947); Đi hay ở (kịch một màn, công diễn 1955); Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc (tuyển chọn, 1988); Cuốn sách không tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất),...

Nhà thơ Hồ Dzếnh đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, đợt II, năm 2007 cho cụm tác phẩm: Chân trời cũ (tập truyện ngắn 1942), Quê ngoại (thơ 1943), Hoa xuân đất Việt (in lại thơ 1969), Tác phẩm chọn lọc (1988).

Bút danh Hồ Dzếnh được gắn với nhiều giai thoại khá thú vị. Bố ông là người Quảng Đông, Trung Quốc chạy loạn sang Việt Nam, vào tận huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa gặp cô lái đò ở bến phà Ghép, nơi giáp ranh giữa hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia của Thanh Hóa rồi nên duyên vợ chồng. Cái bút danh Hồ Dzếnh của ông nếu phát âm theo giọng Quảng Đông là Hồi - Tsìu - Díng, thu gọn lại là Hồi- Díng, chắc vì khi phiên âm sang tiếng Việt hai tiếng Hồi- Díng nghe không được hay lắm nên ông đã ghi là Hồ Dzếnh. Tuy vậy dân làng văn nghệ vẫn cứ trêu đùa gọi ông là Hồ Dính, có người còn đặt một vế đối: Hồ Dính dính hồ hồ chẳng dính để thách đối. Có người đối lại là: Ngọc Giao giao ngọc ngọc không giao (mượn tên nhà văn, nhà báo Ngọc Giao). Cũng có người đối lại: Vũ Bằng bằng vũ vũ chưa bằng (mượn tên nhà văn Vũ Bằng). Tuy nhiên, những vế đối ấy chưa thật được chỉnh về nhiều phương diện theo luật đối.

2. Ngay sau truyện vừa Dĩ vãng (1940), tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942) của Hồ Dzếnh đã có tiếng vang trên văn đàn lúc bấy giờ. Và đến hôm nay, khi đọc lại, với nhiều người vẫn còn cảm thấy thật sự xúc động từ những nỗi niềm day dứt ruột gan mà tác giả đã gửi gắm vào đây, sau gần 80 năm trôi qua.

Chân trời cũ là một cuốn sách tự truyện gồm các truyện ngắn độc lập. Nhưng sợi dây duy nhất xuyên suốt liên kết chúng lại là dòng chảy của ký ức tuổi thơ về quê hương, gia đình, người thân của tác giả. Theo logic ấy, Chân trời cũ không đơn thuần là những bức chân dung vẽ bằng ngôn ngữ về những người thân trong gia đình của tác giả, mà hơn thế, đấy chính là những bức chân dung tự họa của người viết ở vào những hệ quy chiếu không gian và thời gian sinh tồn khác nhau. Ngay cả những khi tưởng chừng như không còn một lối thoát khả dụng nào trên con đường dấn thân đầy cam go ấy, Hồ Dzếnh vẫn nói không với sự bi cảm trong cách lựa chọn một giọng điệu văn chương cho riêng mình. Đấy phải chăng là một giọng điệu mang sắc thái xót xa thương cảm, nhưng thâm trầm chấp nhận như một định mệnh dành riêng cho ông không thể nào chối bỏ được, vì đấy là một phần trong cái mẫu số chung mang tên nhân sinh.

Đơn giản mà sâu sắc, cụ thể mà khái quát, ảo đấy mà thực đấy đích thị là hiện thân của đời sống thực trong văn của Hồ Dzếnh.

3. Nói đến Hồ Dzếnh, không thể không nói đến sự thành công và đóng góp của ông như những hạt phù sa màu mỡ bồi đắp và làm đầy thêm những bãi bờ trong dòng chảy văn chương Việt gần thế kỷ qua. Thế nhưng, trong danh sách 42 nhà thơ có mặt trong Thi nhân Việt Nam của hai ông trùm thẩm bình thơ thời kỳ Phong trào Thơ Mới (1932 - 1941) lại không có tên Hồ Dzếnh. Theo tôi có lẽ do sự xuất hiện của tập Quê ngoại (1943), khi Phong trào Thơ Mới đã đi vào vãn hồi. Ngay sau đấy, một số người quy tụ lại với nhau thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Vậy là Hồ Dzếnh trở thành người lỡ đò trong mắt của Hoài Thanh và Hoài Chân. Tuy nhiên, chỉ cần với hai bài thơ Màu cây trong khói và Rằm tháng Giêng cũng đủ làm nên tên tuổi một thi nhân.

Sau này có người hỏi về xuất xứ bài Màu cây trong khói nhà thơ đã chia sẻ rằng: Bài Chiều (tức là tên ca khúc của Nguyễn Xuân Khoát phổ bài thơ Màu cây trong khói của Hồ Dzếnh) chỉ làm ngẫu hứng tại Lạng Sơn, khi đó ông là một chàng trai lên chơi với người anh làm hỏa xa (đường sắt)... Ở đó, chàng đứng một mình giữa rừng biên giới, lòng buồn vô hạn vì thấy quê cha Trung Quốc xa vời, còn quê mẹ Việt Nam cũng sương giăng khuất nẻo. Hai quê hương mà không có nơi chốn nào đi về. Cả hai đất nước đều bị xâm chiếm. Hồ Dzếnh đứng giữa thấy một nỗi buồn lạ lùng. Và bài thơ thả vào không gian nỗi buồn đó.

Màu cây trong khói (Chiều) là một trong số những bài thơ hay của thi sĩ Hồ Dzếnh không chỉ tại thời điểm ấy (1943), mà sức sống của nó có thể còn kéo dài hàng thế kỷ.

Đến hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ, nhưng đọc lại Rằm tháng Giêng của thi sĩ Hồ Dzếnh, nếu không quá lời như Bùi Giáng trong cuốn Thi ca tư tưởng thì: Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ Rằm tháng Giêng của Hồ Dzếnh, thì thực sự bài thơ như một cô gái trẻ, tuy không xinh lắm, nhưng mà có duyên, dễ mến, dễ gần, rồi bị ám ảnh đến mức hút hồn lúc nào không hay biết.

Chị tôi vào lễ trong chùa

Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:

- “Lòng thành lễ vật đầu niên

Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!”

Chị tôi phụng phịu má hồng

Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi....

Hình tượng người chị đi lễ chùa trong bài Rằm tháng Giêng của thi sĩ Hồ Dzếnh hồn nhiên và trong sáng không khác xa là bao so với cô gái quê đi vãn cảnh trong bài Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, cũng như cô gái quê lần đầu ra tỉnh trong bài Chân quê của Nguyễn Bính hay cô thôn nữ trong bài Gởi thôn nữ Vĩnh Trinh, như là biểu tượng chung cho các cô gái trẻ Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX. Có lẽ vì thế mà nó luôn ám ảnh, day dứt trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt chúng ta. Đấy chính là đẳng cấp của những tài năng thơ đích thực.

Đỗ Ngọc Yên


Đỗ Ngọc Yên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]