(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Giữa bộn bề những thông tin báo chí, người đọc thấy lòng bình yên khi tiếp cận Chạm mặt - Tuyển tập các bài phỏng vấn văn nghệ sĩ của tác giả Kiều Thu Huyền. Những vấn đề nóng của đời sống văn học, nghệ thuật đương đại được chính người trong cuộc thẳng thắn nhìn nhận; đời sống của nghệ sĩ được tác giả khai thác, nhưng không phải để gây sự chú ý, câu view, mà để công chúng hiểu hơn về những con người lấy nghệ thuật chân chính làm trọng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điều ‘tử tế’ phía sau một Chạm mặt

(VH&ĐS) Giữa bộn bề những thông tin báo chí, người đọc thấy lòng bình yên khi tiếp cận Chạm mặt - Tuyển tập các bài phỏng vấn văn nghệ sĩ của tác giả Kiều Thu Huyền. Những vấn đề nóng của đời sống văn học, nghệ thuật đương đại được chính người trong cuộc thẳng thắn nhìn nhận; đời sống của nghệ sĩ được tác giả khai thác, nhưng không phải để gây sự chú ý, câu view, mà để công chúng hiểu hơn về những con người lấy nghệ thuật chân chính làm trọng...

Với độc giả quan tâm tới đời sống văn học nước nhà đương đại, hẳn sẽ tìm được không ít câu trả lời thú vị trong phần “Văn hay như tiếng chim gọi đàn” với tất cả 16 bài phỏng vấn những cây bút có dấu ấn trong đời sống văn học hiện nay.

Ở “Chuyện một thời và chuyện muôn đời” với nhà văn Trần Quang Huy, đơn giản chỉ là những câu hỏi và trả lời về thể loại phóng sự song đằng sau đó, là sự tiếc nuối và cả những hi vọng. Ông vua phóng sự đất Bắc Vũ Trọng Phụng được nhắc đến với những tác phẩm “tượng đài” tạo nên một “thương hiệu” Vũ Trọng Phụng trong lòng độc giả, dẫu đã ngót gần thế kỷ đi qua. Tác giả lí giải được câu hỏi vì sao các tác phẩm như Lục xì, Làm đĩ...không chỉ đáp ứng được tính nóng hổi của đời sống xã hội những năm trước cách mạng mà đến ngày nay vẫn còn mang “tính nghệ thuật, hàm chứa tư tưởng”.

Hay như “Con người và sự vô cảm” với nhà thơ Văn Công Hùng, đó chính là sự đau đớn của mỗi chúng ta trước thực tế một xã hội chảy trôi với vô vàn sự vụ đau lòng. Và đau lòng hơn cả là sự “vô cảm” của con người trước cái xấu, cái ác, sự vô cảm ở ngay cả sự chia sẻ trên mạng xã hội... Tuy nhiên, vấn đề được đẩy lên một bình diện khác khi đụng chạm tới sự vô cảm của chính những “công bộc” của dân.

Và một bộ phận của văn học mọi thời đại chính là văn học dịch cũng được tác giả Kiều Thu Huyền trong cuộc trò chuyện với dịch giả Phạm Xuân Nguyên đem ra mổ xẻ. Trong đó đáng chú ý nhất khi dịch giả Phạm Xuân Nguyên đưa ra nhận định “dịch không đơn thuần là chuyển ngữ”. Điều mà không phải dịch giả nào cũng ý thức được. Như cách nói của dịch giả Phạm Xuân Nguyên: “Văn học dịch một dân tộc cần biết mình thiếu gì. Giống như một bà mẹ nuôi con, biết con cần gì ở mỗi giai đoạn, mỗi dân tộc cần biết lấy cái gì ở nước ngoài về cho mình”...

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ được đánh giá cao bởi những tác phẩm mang màu sắc “đương đại” mà còn bởi chính lối viết, cách tiếp cận vấn đề của một nhà văn có tài, có đam mê. Trong lần Chạm mặt với Nguyễn Huy Thiệp, tác giả Kiều Thu Huyền đã khéo léo để chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tự nói ra “yếu tố” tạo nên sự thành công trên con đường văn nghiệp của mình. Và nó chính là trí tưởng tượng. Nhà văn phê phán sự nghèo nàn trong “trí tưởng tượng” của một số cây bút 8X. “Trí tưởng tượng với những cây bút trẻ rất quan trọng, nó có thể đẩy con người ta đi xa thêm trong nghiệp văn học, chứ không chỉ quằn quại, giữ riệt lấy cái hiện thực cuộc sống trần trụi... Cuộc sống càng khắc nghiệt, hiện thực càng ghê gớm, miếng ăn manh áo trở thành vấn đề riết róng thì văn học càng phải nâng đỡ con người”.

Khép lại “Văn hay như tiếng chim gọi đàn”, tác giả Chạm mặt lại đưa người đọc sang địa hạt văn hóa gần gũi với số đông hơn với những “Nỗi niềm văn hóa”. Cái cách đặt tên cho phần 2 cuốn sách “Nỗi niềm văn hóa” thật dễ khiến người ta chạnh lòng suy nghĩ. Và khi đã đọc thì quả thực, những nỗi niềm cứ từ từ khơi gợi, bộc bạch...

Người đọc chú ý tới nhận định thẳng thắn của nhà thơ Y Phương khi ông nói về hiện trạng các lễ hội - một thành tố quan trọng của đời sống văn hóa hiện nay: “Văn hóa dân tộc hiện nay đang bị biến dạng. Bởi những người làm văn hóa không được trang bị kiến thức làm văn hóa. Nhất là ở cơ sở xã, phường. Họ làm tùy tiện, ngẫu hứng. Nên bây giờ ở khắp nơi, khắp chốn đang bị thương mại hóa văn hóa tâm linh...”. Vấn đề nhức nhối được đặt ra và chờ đợi câu trả lời thích đáng.

Và rồi trong câu chuyện với NSND Trần Văn Thủy, tác giả lại đề cập tới vấn đề tưởng chừng khó nói “Làm sao để sự tử tế không ngủ sâu”. Đó lại là câu chuyện mà người hỏi, người trả lời nói nhiều về sự “diễn” trong đời sống hiện nay. Cái sự “diễn” đó hiện hữu cả trong những tác phẩm tưởng chừng chỉ có sự thật: phim tài liệu! Điều đó chỉ ra lý do vì sao những tác phẩm nghệ thuật bị đóng khung, rơi vào vòng xoáy nhàm chán.

Đến với Chạm mặt, người đọc còn phát hiện ra những điều thú vị về đời sống nghệ sĩ với những gương mặt quen thuộc: một Tùng Dương vẫn thường xuất hiện với phong cách quái dị; một Lê Cát Trọng Lý những tưởng ngây ngô mà sâu sắc và một Hoàng Quyên sau những bỡ ngỡ của những buổi ban đầu là sự định hình con đường nghệ thuật. Dưới con mắt của tác giả Kiều Thu Huyền, người trẻ có quan điểm, lí lẽ của riêng họ, và họ đang được khích lệ, cổ vũ hơn là sự dè chừng cùng những vùi dập.

Khép cuốn sách lại, sau tất cả những lần chạm mặt, tác giả đã dần dần gợi mở những chân dung, những cuộc đời. Đó có thể là một lát cắt nhỏ nhưng đọc và suy ngẫm có thể hình dung được phần nào nét mặt của từng nhân vật. Không có những vấn đề gây sự chú ý, giật gân... bởi Kiều Thu Huyền hiểu, ai cũng cần có những “bí mật” cần được tôn trọng, chỉ cần những bí mật đó không đi ngược lại với những cống hiến nghệ thuật của người nghệ sĩ...

Tìm đọc đến trang sách cuối cùng, hẳn không riêng mình tôi đã lý giải được băn khoăn vì sao tựa sách không phải gặp mặt, đối mặt mà lại là Chạm mặt - một sự gặp gỡ vừa đủ!

Bùi Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]