(vhds.baothanhhoa.vn) - Du khách đến Sầm Sơn không thể không ngoạn cảnh Trường Lệ, bồi hồi dừng chân bên hòn Trống Mái. Cảm xúc của du khách đến độ lắng đọng, sẽ chợt thốt lên: Sao lại có thiên nhiên kỳ thú này? Bấy giờ, du khách sẽ được nghe lời tự bạch như gần, như xa của hòn Trống và hòn Mái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đọc “Trống Mái” - một thoáng về Đinh Ngọc Diệp

Du khách đến Sầm Sơn không thể không ngoạn cảnh Trường Lệ, bồi hồi dừng chân bên hòn Trống Mái. Cảm xúc của du khách đến độ lắng đọng, sẽ chợt thốt lên: Sao lại có thiên nhiên kỳ thú này? Bấy giờ, du khách sẽ được nghe lời tự bạch như gần, như xa của hòn Trống và hòn Mái.

Xa xưa lắm rồi, chúng tôi đã là vợ, là chồng của nhau, êm ấm sống giữa làng chài. Nhưng có một năm mưa lũ lớn, cuốn đi nguồn sống của làng, vợ chồng chúng tôi cùng chết bên nhau. Bầy tiên nữ trên trời hóa phép cho chúng tôi sống lại để đón về trời. Chúng tôi từ chối, tiên nữ về trời, còn chúng tôi thì biến thành hòn Trống Mái như người đời gọi...

Huyền thoại bao phủ lên thiên nhiên hay thiên nhiên lan tỏa thành huyền thoại. Chắc chắn cả hai đều có cái cốt lõi của thế sự chua xót - ân tình.

Đinh Ngọc Diệp nuôi dưỡng mãi nguồn cảm xúc từ cái cốt lõi ấy, để viết thành thơ “Trồng Mái”... Đọc khổ thơ đầu, tôi giật mình trách Đinh Ngọc Diệp sao viết như một du khách, nghe mãi bây giờ mới thấy: “Ngự trên núi nghe làng ru sóng/ Trống Mái gối mây trắng ngủ lưng trời/ Mây dưới núi bồng bềnh hay nón trắng/ Nón mẹ già gánh cá đem phơi”. Nếu tách khổ này ra, rất xứng đáng là một bài thơ độc lập, nhưng sẽ là thơ vịnh, thơ du ngoạn và không còn là Đinh Ngọc Diệp quê biển viết về biển quê mình. Chính vì thế mà đọc nhanh một lượt, rồi chậm rãi đọc từng khổ, từng câu tôi mới thấy kết cấu trữ tình của “Trống Mái”. Cấu tứ chặt chẽ của toàn bài không xây dựng trên cơ sở phép tắc làm thơ, kỹ thuật thơ, nên đáng ra bài thơ có thể khép lại ở khổ thứ năm: “Không tiên, thánh lại đi vào huyền thoại/ Chạnh niềm xưa, trai gái vẫn mang sầu/ Bước hành hương ngẩn ngơ tìm dấu cũ/ Hỏi mẹ già tóc cước trắng phau”.

Tuy vậy khổ thứ sáu vẫn nằm trong mạch cảm xúc, ý tưởng của bài thơ được khơi rộng nên vẫn có thể chấp nhận: “Đôi lứa được theo tay mẹ chỉ/ Mẹ xuống làng, vai trĩu gánh yêu thương/ Chân héo gót bước lần theo nhịp thở/ Thức dậy hồn Trống Mái thuở quê hương...”

Là người làm thơ, qua “Trống Mái” Đinh Ngọc Diệp muốn nói gì với quê hương? Với đời? Đặt ra câu hỏi như vậy sẽ là to tát, quan trọng với tác giả, vì tôi biết Đinh Ngọc Diệp vốn khiêm tốn trong nghiệp thơ, giản dị trong cuộc sống. Nhưng chỉ với nhà thơ xứ Thanh, trong hàng tỉnh, mà được coi là có trách nhiệm với quê hương, với đời là hạnh phúc rồi. Cái trách nhiệm gắn liền với cái tình. Sự này thì đáng nói về Đinh Ngọc Diệp lắm, bởi anh đã viết: “Ngỡ giây phút tìm quên vào khoảng biếc/ Cánh ôm choàng tha thiết đất chôn rau”. Đôi vợ chồng hóa đá trong huyền thoại chôn rau ở quê hương, thì Đinh Ngọc Diệp từ quê mẹ đẻ là vùng nông thôn Thiệu Hóa nhưng lớn lên, làm thơ ở làng chài, nay là thành phố du lịch Sầm Sơn. Quá khứ và hiện tại cùng một điểm xuất phát.

Cái “tôi” trữ tình của tác giả thật nặng lòng với quê hương: “Biển mắc trong thông từng miếng xanh ngời/ Biển tràn khắp gầm trời - cơn hồng thủy/ Tai họa một thời...thương mãi đá mồ côi”. Tôi phải nói, Đinh Ngọc Diệp có kiến thức và có vốn sống trong câu thơ: “Biển mắc trong thông từng miếng xanh ngời”. Bằng trực giác, ta nhận biết dấu ấn của biển ghi trên lớp đá và tầng địa chất. Nhưng phải có tri thức mới nhận biết dấu ấn của biển trên đồi thông, trong sự phát triển của sinh vật. Đinh Ngọc Diệp là nhà thơ cộng với tri thức ấy, cho ta thưởng thức câu thơ hay về hình tượng trí tuệ.

“Tai họa một thời... thương mãi đá mồ côi” lại là câu thơ nặng tình của Đinh Ngọc Diệp. Ta, mọi người nhìn Trống Mái chỉ cảm nhận cái kỳ thú, vui mắt mà chưa hẳn nặng lòng. Với Đinh Ngọc Diệp, tác giả cảm nhận Trống Mái từ trong huyền thoại, từ trong sâu thẳm của tấm lòng và từ trong sự hiện diện trực giác hàng ngày Trống Mái “dầu dãi nắngmưa”. Phải chăng Đinh Ngọc Diệp muốn bày tỏ sự đồng cảm của mình. Diệp cũng “mồ côi” nhưng chỉ mồ côi về việc học hành mà không được như các nhà thơ khác, vì cha mẹ nghèo; mồ côi về nghề nghiệp, vì không phải là công chức, không phải thợ lành nghề. Diệp cứ lang thang làm thơ, viết báo kiếm sống, báo hiếu với cha mẹ, nuôi vợ con...

Huyền thoại Trống Mái có bầy tiên nữ, thơ “Trống Mái” của Đinh Ngọc Diệp có: “Đôi lứa được theo tay mẹ chỉ/ Mẹ xuống làng, vai trĩu gánh yêu thương”. Là tác giả nói với đời; lớp trẻ trong cuộc sống hôm nay đa phần là “tiên”, “thánh”; hưởng hạnh phúc trọn vẹn của cha ông ban cho, thì hãy ghi nhận: “Chân héo gót, bước lần theo nhịp thở/ Thức dậy hồn Trống Mái thuở quê hương...”

Cái hướng mở của thơ là chỗ ấy.

Đinh Ngọc Diệp tha thiết với quê hương, trăn trở với đời trong bài thơ “Trống Mái” là như vậy.

Nguyễn Mạnh Hùng


Nguyễn Mạnh Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]