(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Văn học nghệ thuật là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, mang đến cho các em những cảm xúc dịu ngọt thời thơ ấu và hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, ở Thanh Hóa mảng đề tài này chỉ có một chỗ đứng khá khiêm tốn trong dòng chảy văn học nghệ thuật của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khoảng trống đề tài thiếu nhi

(VH&ĐS) Văn học nghệ thuật là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, mang đến cho các em những cảm xúc dịu ngọt thời thơ ấu và hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, ở Thanh Hóa mảng đề tài này chỉ có một chỗ đứng khá khiêm tốn trong dòng chảy văn học nghệ thuật của tỉnh.

Có thể điểm danh một số các văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đang theo đuổi đề tài thiếu nhi như: Hoàng Ngọc Dũng, Cao Xuân Lộc (Mỹ thuật); Đào Hữu Phương, Nguyễn Văn Đệ (Truyện ngắn)...

Nhà văn Đào Hữu Phương – với 11 tập sách viết về thiếu nhi đủ khẳng định sự theo đuổi của ông với đề tài này. Ông kể: Niềm đam mê đọc sách theo và ngấm vào tôi tự lúc nào, thôi thúc tôi kể lại những kỷ niệm của mình cùng bạn bè làng xóm. Truyện ngắn đầu tay “Trận địa sông Chu” ra đời, ông hú họa gửi đi, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện có thể được in. Thật bất ngờ, tập san “Người bạn văn hóa” in ngay trong số Tết năm 1966. Điều đáng nói là hơn một nửa trong số các cuốn sách đã in của nhà văn này là có giải thưởng. Nhà văn Đào Hữu Phương chia sẻ: Cáikhó khăn lớn nhất của tôi là vốn văn hóa thấp, vốn sống ít. Tôi chỉ quanh quẩn với vùng quê của mình mà thôi. Còn thuận lợi là mảng thực tế cuộc sống vùng quê thì mìnhhiểu, thuộc, gần gũi. Viết cho các em, với ông không chỉ là niềm đam mê mà còn là nhu cầu được chia sẻ. Và dù cuộc sống có nhiều điều không may mắn, đặc biệt là một bên cánh tay bị máy xén đi, nhưng vượt lên tất cả ông đã đem tình cảm, tài năng của mình trút lên trang giấy.

Ông cũng rất thật lòng chia sẻ: Tôi bắt đầu thấy khó khăn với đề tài thiếu nhi. Như một kiểu cạn nguồn. Chính bởi thế, từ sau khi in xong tập Tiếng vọng rừng xanh, lâu lâu ông mới viết được 1 truyện ngắn về thiếu nhi. Là một trong hiếm có nhà văn sống bằng nghề viết, dù rất đạm bạc, giản đơn - nhưng nếu không có nguồn thu nhập đó, cuộc sống gia đình ông sẽ càng vất vả. Hầu như truyện nào cũng được in ở Thanh Hóa, sau đó có thể gửi đi đến Báo Thiếu niên Tiền phong, chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam, và rồi tập hợp lại gửi sang Nhà Xuất bản Kim Đồng để in. Hơn nửa số đầu sách đã in của ông là được bao cấp. Chỉ có 2-3 cuốn là in theo dạng phối hợp cùng nhà xuất bản như cuốn Báu vật trở về, Mèo hoang...

Cơm áo không đùa với khách thơ, dẫu là con số hiếm hoi những tác giả viết về đề tài thiếu nhi ở xứ Thanh, nhưng với nhà văn Đào Hữu Phương, từ 5-6 năm nay, ông làm kế toán cho các doanh nghiệp, vì thế thời gian dành cho văn chương bị bó hẹp. Áp lực kiếm tiền vì người vợ bị bệnh, khiến ông đang rời xa văn chương, xa ngôi nhà thiếu nhi, vốn đã nhỏ, thiếu vắng người qua lại, nay càng quạnh quẽ hơn.

Ngoài nhà văn Đào Hữu Phương, nhà văn Nguyễn Văn Đệ đã từng được giải thưởng của Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam cho truyện “Điều thằng Lượng không nói thật”. Ông chia sẻ: Đến nay, tôi không còn viết đề tài này.

Họa sĩ Hoàng Ngọc Dũng - một thành viên của CLB Họa sĩ trẻ Lam Sơn, người theo đuổi gần 15 năm đề tài thiếu nhi. Nhưng khi tôi đề nghị xem các tranh thiếu nhi, anh rất khiêm tốn: Tôi vẽ xấu lắm. Minh chứng là tôi chỉ bán được mấy bức ở Thanh Hóa.

Tranh sơn dầu của họa sĩ Hoàng Ngọc Dũng.

Những bài thơ, bài viết về đồng giao đã ngấm vào anh qua lời ca của ba của mẹ. Sau khi tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Huế, Hoàng Ngọc Dũng có quyết định về trường cấp 2 Hoằng Quang dạy và anh đã chủ động xin xuống cấp 1. Đơn giản anh thích gần gũi với trẻ con. Điều anh có phần thất vọng chính là sau bao nhiêu năm, cái ngô nghê, hồn nhiên, đáng yêu của trẻ con trong tranh ảnh không còn. Hầu hết, các thầy, cô giáo đều hướng dẫn các em phải vẽ thế này, phải thế kia. Trẻ con bao giờ cũng nhìn 2 chiều, chứ không như người lớn là nhìn 3 chiều. Ví dụ như để vẽ một đứa trẻ dắt xe đạp thì trẻ con vẽ cái tay đằng trước rất ngắn, tay kia thì vẽ vòng sang nên dài hơn nhiều. Chỉ có các thầy cô tạo, thậm chí vẽ giúp các em kiểu chồng lấn hình. Tranh trẻ con nếu thực sự tự vẽ thì sẽ không lệ thuộc vào kỹ thuật, và chính đó là cái hay. Tôi hỏi: Anh nhớ vẽ bao nhiêu bức tranh thiếu nhi không? Anh cười: Tranh tôi ngoài số ít đã bán được, thì vẽ nhiều, cho nhiều, và tặng nhiều.

Ban Thơ chiếm số lượng lớn lực lượng của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, nhưng hiện nay hoàn toàn không có người theo đuổi đề tài thiếu nhi. Chia sẻ những khó khăn đó, nhà thơ Lâm Bằng – người đã nhiều năm làm việc ở Tạp chí xứ Thanh cho rằng: Ngay cả Tạp chí xứ Thanh - tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa hiện nay cũng không tìm được thơ viết về đề tài thiếu nhi để in. Trước đây, có một số tác giả như Đỗ Xuân Thanh, Xuân Thơm, Lã Hoan thì các tác giả này đã mất; Nguyễn Ngọc Quế chuyển ra Hà Nội sống và hiện lại dành thời gian viết thơ người lớn. Như đúng dịp này, chúng tôi cũng đã dành đất để in những sáng tác phục vụ ngày 1/6 nhưng không thể tìm được nguồn bài. Tôi đành phải gọi điện mời mấy người viết quê Thanh Hóa hiện đang sống ngoài tỉnh cộng tác.

Lý giải cho điều đó, nhà thơ Lâm Bằng cũng không ngần ngại cho rằng: Nguyên nhân chính là trẻ con chỉ thích đọc truyện tranh, nhất là truyện tranh Nhật Bản, vì lẽ đó người viết cũng mất cảm hứng.

Theo con số thống kê từ các đơn vị xuất bản đến các nhà phát hành thì trong suốt 10 năm qua, mảng sách thiếu nhi luôn là mảng sách có số lượng sách xuất bản lớn nhất nước (không tính sách giáo khoa). Thế nhưng nếu phải điểm danh đội ngũ nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi trong nước cũng chỉ trên đầu ngón tay. Hầu hết những tác giả viết cho thiếu nhi được xuất bản vừa qua đều là những tay ngang, thi thoảng nhảy qua viết một vài tác phẩm thiếu nhi để tự làm mới chính mình.

Điều đáng nói là khoảng trống sáng tác cho thiếu nhi không có dấu hiệu sẽ thu nhỏ lại. Đặc biệt ở một tỉnh như Thanh Hóa thì lực lượng này càng ngày càng thiếu, thậm chí chỉ vài năm nữa là hoàn toàn trống trơn. Đây chắc chắn là điều không ai mong muốn, nhưng lực bất tòng tâm, khi không có đam mê, không yêu thích chẳng ai hoặc cơ chế nào có thể ép buộc người sáng tạo phải nặn ra những “đứa con” mình không mong muốn.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]