(vhds.baothanhhoa.vn) - Bây giờ mới viết nên những mẩu chuyện đời thường mà tôi đã có dịp gần gũi nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức không phai

Bây giờ mới viết nên những mẩu chuyện đời thường mà tôi đã có dịp gần gũi nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Ký sự của Vương Anh

1. Bây giờ mới viết nên những mẩu chuyện đời thường mà tôi đã có dịp gần gũi nhà thơ Nông Quốc Chấn. Ngày 17 tháng 8 năm 1980nhận được tin từ Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, 65, phố Nguyễn Du, Hà Nội thông báo tôi được công nhận là hội viên chính thức của Hội. Thế là từ năm 1977 tôi được anh Nông Quốc Chấn và anh Xuân Diệu giới thiệu kết nạp làm hội viên dự bị nay đã hoàn thành. Năm ấy đất nước trong thời kỳ bao cấp nên giao thông đi lại khó khăn. Mua chiếc vé tàu chợ 3 đồng 6 hào đi từ Thanh Hóa ra Ga Hàng Cỏ tôi lần đầu ra thủ đô cái gì cũng bỡ ngỡ. Xuống sân ga nhộn nhịp người tôi nhìn mãi nhận ra phố Trần Hưng Đạo. Đúng là cái phố anh Nông Quốc Chấn dặn trong thư.

Tôi ngồi lên xe xích lô của ông tài có cái mũ lá cọ tuềnh toàng. Ông có giọng nói ồ ồ chậm rãi. Hỏi giá tiền tải đến số 51 Trần Hưng Đạo, ông ồ lên: “Ngắn hề! Cho lão 3 hào thôi!”. Đến nhà số 51, tôi trình việc với chú bảo vệ. Nghe nhắc đến tên nhà thơ Nông Quốc Chấn, chú bèn đứng lên và dẫn tôi quành ra sau tòa nhà Tây nhiều tầng, chú trỏ tay về góc cuối: “Cháu cứ lên cầu thang nhỏ ấy, tầng 4 là chỗ ở của ông ấy!”. Tôi đằng hắng và gõ cửa. Có tiếng hỏi vọng ra: “Ai đó? mời vào!”. Thế là lần đầu tiên tôi được nhà thơ Nông Quốc Chấn tiếp tại góc xép của khu nhà Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Thời khắc đó đang tầm nghỉ trưa. Anh Chấn đang loay hoay với bếp dầu và xoong chảo. Anh bảo tôi rằng: “Chúng ta cùng ăn cơm trưa tạm nhé!”. Thế là anh xúc ra mỗi người một tô cơm rang. Thật sự là người nhà mới xởi lởi và chân tình ăn cơm rang với măng ớt. Anh bảo cái tục măng ớt này chỉ có ở phố Kỳ Lừa tỉnh Lạng Sơn mới làm nên đặc sản nêm thêm quả mác mật cho hương vị thơm ngon là lạ. Tôi mang theo cái đãy vải xô đựng cơm lam, nải chuối ngự mà bố mẹ tôi sắm từ hôm trước biết tôi ghé về mường rồi hẹn ra thủ đô Hà Nội thăm cái"Ông ngài nhà thơ dân tộc ở Trung ương ấy”. Anh Chấn suýt xoa nói lời cảm ơn các cụ rồi mở cặp tài liệu, đưa cho tôi phong bì của Hội Nhà văn, trong có tờ giấy pô-luya, chữ đánh máy màu mực xanh, có dấu đỏ và chữ ký của Tổng thư ký - Nhà văn Tô Hoài. Anh mỉm cười và vỗ vai tôi : “Thế là từ khi cậu được giải Nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1969, rồi mình và ông Xuân Diệu giới thiệu nhà văn trẻ xứ Mường là hội viên dự bị từ năm 1977 đến nay 1980 đã ba năm kết trái rồi nhé !”. Tôi thì như mở cờ trong bụng và chỉ rưng rưng ngắm tờ giấy có dấu đỏ của Hội Nhà văn Việt Nam và nắm tay anh Chấn cứ lắc lắc hoài.

Khi chia tay vị Vụ trưởng Văn hóa Dân tộc Bộ Văn hóa, nhà thơ Nông Quốc Chấn tôi nhớ mãi lời dặn dò chân tình và cụ thể, dễ hiểu của anh, rằng: “Người cầm bút phải lắm tay, nhiều tai. Tay ghi chép, tay vơ lấy vốn sống, nhất là vốn sống dân tộc. Bản sắc dân tộc phải rõ ràng, đặc sắc, cái riêng của tinh hoa văn hóa ở mỗi dân tộc nó ngồn ngộn và đánh đố người cầm bút... Còn nhiều tai tức là lượng âm thanh vốn sống đa thanh bổng trầm, sâu lắng, lan tỏa, cái tai của người cầm bút là biết chắt lọc ngôn từ dân dã, dân gian, dân tộc mình và các dân tộc khác. “Năng nhặt, chặt tai” hay là “Năng nhặt chặt bị” đều là công việc cày cấy vun trồng của một nhà văn...”.

Các nhà thơ (từ trái sang): Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông (ảnh: Internet).

2. Ban Đại diện Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch hội Nông Quốc Chấn đặc cách cho thành lập vào dịp cuối mùa thu năm 1994. Vào buổi tối 23 tháng 10, tôi nhận được cú điện thoại từ Hà Nội báo tin anh Chấn và đoàn văn phòng Hội sẽ vào xứ Thanh sớm hơn dự định. Anh Chấn sẽ đến chào UBND tỉnh rồi sang trụ sở Ban Dân tộc tỉnh ở phố Triệu Quốc Đạt là địa điểm tổ chức Đại hội. Sau này anh Mai Xuân Minh, Chủ tịch tỉnh mới tâm sự rằng khi anh Chấn đến bắt tay, chào thăm hỏi sức khỏe xong thì anh Mai Xuân Minh mở tệp giấy, cầm lên đôi trang khổ 13x19. Đó là bản thảo “LỜI ĐẦU SÁCH” của tập Mo - Sử thi - Thần thoại Dân tộc Mường do Vương Anh chủ biên, anh Mai Xuân Minh đang gạch, xóa, thêm bớt đôi chữ. Anh Chấn cầm lấy bản thảo và đọc nhẩm rồi gật đầu nói: “Những chi tiết trên là hợp lý, hợp tình, đầy đủ và gọn rõ cả. Riêng phần cuối kết nên nói về người giới thiệu là vị Chủ tịch người dân tộc với nhau chứ , với Mo sử thi - thần thoại dân tộc Mường chứ...”. Vậy là phần kết anh Mai Xuân Minh viết chữa lại là: “Là người dân tộc được đào tạo theo chính sách dân tộc của Đảng trở thành cán bộ khoa học và cán bộ quản lý, lại là hội viên Hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nên muốn làm được cái gì đó thực sự góp phần với nhóm soạngiả và trang trọng giới thiệu Mo- Sử thi – Thần thoại Dân tộc Mường với bạn đọc.”(*).

Ngôi nhà sàn cổ của Ban Dân tộc tỉnh có hai cầu thang lên sàn. Khi khách lên cầu thang chính thì tiếng trống chiêng dồn thúc, tiếng khèn bè của nghệ sĩ Cao Bằng Nghĩa ngân rung chào mừng.

Anh Chấn chắp tay chào và khingồi cùng anh Mai Xuân Minh thì thốt lên rằng: “Ta làm Hội vì các dân tộc, nghe âm thanh của cồng chiêng, khèn bè là tôi nhớ lắm các giaiđiệu củatính tẩu dân tộc Tày. Tiếng nhạc cụ dân gian cứ rót vào lòng người như uống rượu cần không biết say cảnh , hay say tình?”.

Thành công của đại hội còn vang lên nhịp vỗ tay râm ran khi anh Nông Quốc Chấn tuyên bố dõng dạc rằng: “Tôi vô cùng cám ơn Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh và đồng bào các dân tộc Thanh Hóa đã quyết tâm cho thành lập Ban Đại diện Hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa...” Hội trường lại vang lên những tràng pháo tay.

Bây giờ thì các vị hội viên tán trợ đã ra đi, nhưng công lao vun đắp cho phong trào xây dựng hội mãi mãi trân trọng khi Ban Đại diện phát triển về số lượng và chất lượng như kết nạp nhiều hội viên mới là người dân tộc Mường, Thái... Các ấn phẩm giới thiệu sắc thái dân tộc, sáng tác văn thơ, nhạc, họa, ảnh của hội viên được ra mắt như các tập san: Hoa ban tím; Vòng tay đèo mây; Trăng Ngàn Lam Kinh, Rừng đào trăng, Lời suối mùa xuân, Võng núisang xuân; Tiếng cồng ngàn Nưa; Vầng sáng trăng thu; Lộc biếc; Xòe vòng Điện Biên... Các tác phẩmmới của hội viên và cộng tác viên, như: “Nghiêng” thơ Trương Thị Mầu; “Vọng ngàn” thơ Bùi Dáng Hương; “Hương quế” thơ Thanh Triều Tâm ; “Kể chuyện trò cười” của Bùi Nhị Lê...

3. Nhớ dạo Bộ Văn hóa và Thông tintổ chức hội nghị điển hình xây dựng nếp sống mớimiền Bắc tại bản Cò Trúc, xã Điền Lư , huyện Bá Thước năm 1971. Các thành viên của Tổ sáng tác Ngọc Trạo đang đi thâm nhập thực tế tìm hiểu trò diễn Phường Roóng ở xã Điền Quang cũng được mời dự. Tổ sáng tác Ngọc Trạo có Bùi Nhị Lê, Phùng Gia Lộc; Bùi Văn Khuyên, Hà Thanh Liền, Vi Lập Công, Phạm Sĩ Tý; Phạm Minh Quang , Phạm Thành Công, Phạm Vân Du... cùng Vương Anh tổ trưởng. Được tin nhà thơ Nông Quốc Chấn cũng vào thăm Trò Phường Roóng, các thành viên tổ sáng tác Ngọc Trạo cùng ông Vũ An, Trưởng phòng Văn hóa Bá Thước chia nhau đến từng nghệ nhân trao đổi trước về cuộc diễn trò lần này. Phường Roóng được các cụ nghệ nhân trình diễn các khúc đoạn múa gậy, múa dao lù, xen kẽ cất lên lời ca. Đây là trò diễn làm vui cho hồn ma.

Khi trò diễn kết thúc anh Nông Quốc Chấn tọa đàm theo trình tự cuộc trò. Anh so sánh với trò Pụt của người Tày rằng: “Pụt có nhiều loại như: Pụt kỳ yên, Lẩu pụt, Pụt cúng an long mạch, Pụt tạ mồ mả, Pụt cúng cho người ốm... Lời ca cũng kết hợp với diễn xướng như Trò Roóng của người Mường ta. Vậy trò Roóng và Pụt thực sự đạt được hiệu quả nhất định trong việc giáo dục cộng đồng, góp phần phê phán những thói hư, tật xấu, khuyên răn con người làm việc thiện, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người... mà không dễ hình thức tuyên truyền nào cũng làm được...”.

Khi chia tay ở hội nghị để đoàn về Hà Nội, tôi nhớ chi tiết thân mật cuối cùng mà ai thấy cũng cảm động, khi anh chào mọi người rồi tiến về phía cuối đám đông. Anh nắm lấy tay của nhà văn Phùng Gia Lộc và nói rằng: “Chúc nhà văn viết nhiều tác phẩm như “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” nhé ! ”...

(*) Trang 9, Mo - sử thi - thần thoại Dân tộc Mường. N.X.B Văn hóa Dân tộc, 1997.

Vương Anh


Vương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]