(vhds.baothanhhoa.vn) - Hòa Lộc nằm về phía Đông Nam huyện Hậu Lộc, nơi có cửa Lạch Trường nổi tiếng trong những ngày đầu đánh Mỹ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng Cửa Lạch

Hòa Lộc nằm về phía Đông Nam huyện Hậu Lộc, nơi có cửa Lạch Trường nổi tiếng trong những ngày đầu đánh Mỹ.

Bút ký của Nguyễn Văn Đệ

Một hôm tôi gặp anh Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch xã Hòa Lộc, Hậu Lộc, anh bảo tôi: Người dân Hòa Lộc trước kia chủ yếu trông vào mấy cánh đồng muối, nông nghiệp thì lạc hậu, manh mún, bà con bao năm trời khó khăn. Chừng gần mười năm nay, từ khi xã thực hiện chương trình nông thôn mới theo chủ trương của Trung ương, mọi mặt đời sống nhân dân khởi sắc dần. Năm 2016, xã cán đích 19/19 tiêu chí. Bây giờ Đảng bộ và nhân dân trong xã vẫn phải phấn đấu là một xã nông thôn mới bền vững.

Nghe anh Tuấn nói, tôi liền về xã Hòa Lộc với ý nghĩ xem các anh ở Hòa Lộc đã làm cách gì để từ một xã với bao nhiêu bộn bề khó khăn mà nghe nói nay đã là bộ mặt sáng giá của Hậu Lộc.

Lạch Trường khi màn đêm buông xuống.

Hòa Lộc nằm về phía Đông Nam huyện Hậu Lộc, nơi có cửa Lạch Trường nổi tiếng trong những ngày đầu đánh Mỹ. Trận mở màn không kích miền Bắc 5/8/1964 của thế kỷ trước làm cả nước biết đến Lạch Trường - hòn Nẹ. Trong chống Mỹ, Hòa Lộc là một xã trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ vì đây là tuyến giao thông đường thủy quan trọng giữa Hậu Lộc và Hoằng Hóa, giao lưu với Tào Xuyên sông Mã. Tôi vẫn nhớ ngày 1/12/1972 dân quân xã Hòa Lộc bắn rơi một máy bay Mỹ. Hòa Lộc cũng là mảnh đất đã sinh ra Phạm Thanh, là Quốc triều á trạng, thời nhà Nguyễn. Cho đến chống Pháp, Phạm Bành, vị chủ tướng của cuộc khởi nghĩa Ba Đình từng ra đời và lớn lên ở đây. Rồi Nguyễn Chí Hiền, một trong những nhà hoạt động cách mạng đầu tiên của Thanh Hóa từ những năm 1927.

Những năm trước đây, nhất là thời chiến tranh, Hòa Lộc nổi tiếng với nghề làm muối. Muối Hòa Lộc được nhiều nơi biết đến với độ trắng mịn của nó. Nhưng nghề làm muối vốn gian nan nhọc nhằn mà kết quả không xứng đáng với công sức. Chị Lượt, người quen cũ của tôi từ những năm 1968 - 1969 của thế kỷ trước gặp tôi phàn nàn:

- Anh thấy đấy, cái nghề muối thật khốn khổ. Nắng người làm muối phải chạy ra đồng để múc nước chạc lên nại phơi đón nắng cho thành những hạt muối. Mưa cũng phải chạy ra nại để thu nhanh những hạt muối vào kho, không thì công muối phơi nắng trở thành công cốc. Thế mà giá muối mỗi ngày một bèo bọt. Người làm muối làm sao ngẩng mặt lên được.

Thấu hiểu thực trạng của người làm muối, nhiều năm trước, các đồng chí lãnh đạo xã cùng Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Lộc đã tìm ra lối đi cho một vùng quê vốn có truyền thống cách mạng mỗi ngày một khởi sắc. Anh Nguyễn Văn Tuấn nói với tôi:

- Chúng tôi tiếp tục những sáng kiến của các lãnh đạo lớp trước: Xã cần đứng lên từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay chương trình NTM của Hòa Lộc đã được gần mười năm. Sau khi được công nhận, không tự thỏa mãn, xã quyết tâm trở thành một xã NTM nâng cao. Trong nhiều năm Đảng bộ và nhân dân trong xã được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND, MTTQ huyện, lãnh đạo xã cũng nhận thấy tình hình Hòa Lộc nếu chỉ chú trọng vào nghề muối thì không thể vươn xa hơn nữa, mà cần thiết phải phát triển theo hướng đa ngành nghề.

Tôi nói:

- Cái cửa Lạch Trường này từ đời nhà Hồ (1400 - 1407) có tên là cửa Ngu giang. Nghĩa là cửa sông đẹp. Nhưng sau chiến tranh, dân ở đây cũng gian nan lắm, nhất là nghề muối. Hậu Lộc có hai cửa sông: Cửa sông Sung và cửa sông Trường, cửa sông Sung ở phía Bắc thì hàng năm được bồi lấp, bãi bồi đang nổi dần, cửa Lạch Trường phía Nam thường bị cạn. Tôi từng chứng kiến những cơn bão, nhiều tàu thuyền không cập lạch được nên tàu thuyền dễ đắm, ngư dân chết làm cả nước nhức nhối.

Anh Tuấn nói:

- Chính vì thế nên tỉnh, huyện nhiệt tình ủng hộ Hòa Lộc xây cảng cá đấy anh. Giờ thì cảng cá Hòa Lộc là nơi ra vào hàng ngày của ngư dân các xã biển. Nhất là những ngày sóng to gió lớn, cảng là bến đỗ đáng tin cậy của tàu thuyền nghề cá Hậu Lộc và nhiều nơi khác đấy anh ạ. Những ngày bão, từ cảng cá Hòa Lộc này, tàu thuyền len lên tận sông De trú ngụ.

Tôi gật đầu thở phào. Hòa Lộc những năm gần đây không chỉ có cảng cá làm nơi đi về của tàu thuyền Ngư Lộc xã tôi. Mà đã nhiều năm rồi, dân quê tôi đã có hàng trăm gia đình sang Hòa Lộc định cư. Anh Trịnh Xuân Hán - Phó Chủ tịch xã nói với tôi: Anh làm báo nên đi nhiều nơi. Xã tôi thì về đích nông thôn mới năm 2016 rồi, nhưng đang phấn đấu thành xã nông thôn mới nâng cao, anh thấy nơi nào làm tốt hơn thì anh trao đổi để xã học tập.

Tôi cười: Thì Hòa Lộc cứ là một xã nông thôn mới bền vững thế đã, rồi từng bước mà phát triển cho khá hơn.

Thực tình, những năm gần đây, tôi đã phải đi rất nhiều nơi để tìm hiểu phong trào xây dựng nông thôn mới. Tôi đã đến tận Nga An, Ba Đình, Nga Thắng của Nga Sơn; Phú Nhuận, Bến Sung của Như Thanh; Kim Tân, Thạch Sơn của Thạch Thành, rồi Tế Lợi, Tế Thắng của Nông Cống. Tôi cũng đã vào tận Nghi Sơn, Hải Bình, Hải Thượng của Tĩnh Gia. Cũng từng nhận thấy rằng công cuộc xây dựng nông thôn mới của nhiều nơi là xác đáng. Nhiều nơi không những bộ mặt làng xã thay đổi đáng mừng cả về hình thức và nội dung. Nhưng cũng có những nơi người ta chỉ chú ý đến hình thức. Chẳng hạn họ chỉ tập trung xây dựng các công trình phúc lợi xã hội thật khang trang hoành tráng mà không chú ý đến việc nâng cao đời sống cho dân, nhất là đời sống văn hóa. Có những nơi gọi là làm nông thôn mới nhưng đám ma đám cưới vẫn còn dềnh dang, cỗ bàn linh đình ầm ĩ, tệ nạn xã hội không kiểm soát được. Rồi thì phong hóa tập quán chưa được thay đổi theo nếp sống mới. Thậm chí có xã bắt nông dân còng lưng đóng góp tiền vốn xây các công trình, rồi vay nợ, nhiệm kỳ này chưa trả hết thì cán bộ nhiệm kỳ sau lo trả, lòng dân không thuận.

Ở Hòa Lộc chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn nói rằng trong suốt những năm toàn xã phấn đấu để đạt các tiêu chí, bất cứ thực hiện chương trình nào cũng phải thuận lòng dân: Hòa Lộc cơ chế giao quyền chủ động cho người dân và cộng đồng trong việc thực hiện xây dựng các công trình. Việc xây dựng tại địa bàn như làm nhà văn hóa xã, nhà văn hóa các thôn, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư, xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xóm, giao thông nội đồng, xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, phong trào thể dục, thể thao... xã giao cho các tiểu ban xây dựng nông thôn mới ở các thôn, các làng văn hóa tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Đảng ủy, ủy ban xã chịu trách nhiệm thành lập tổ thẩm định từ khâu xây dựng kế hoạch, nghiệm thu các phương án và kết quả các công trình của từng đơn vị.

Anh Tuấn nói thêm: Đảng ủy, ủy ban xã Hòa Lộc chúng tôi cũng phải vận dụng chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, đồng thời vận dụng thêm một số cơ chế chính sách sao để phù hợp với địa phương anh à. Như chính sách cấp xi măng cho các công trình xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa...; chính sách hỗ trợ để các thôn mua máy gặt đập liên hợp, rồi thì xây trụ sở xã, trạm y tế...

Tôi đi khắp đường làng, ngõ xóm của Hòa Lộc, ngất ngây nhìn dãy núi Trường sừng sững ngàn đời, dòng sông Trường thơ mộng có dòng nước trong xanh mà những năm chiến tranh, bên kia sông đã sản sinh trung đội các cụ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ. Hòa Lộc bây giờ đã là một xã đổi thay toàn diện. Theo anh Tuấn hồ hởi chia sẻ: Hòa Lộc ngay từ những năm đầu thực hiện chương trình NTM, cả xã đã phát triển đa ngành nghề. Những cánh đồng muối vốn có năng suất thấp và kém hiệu quả đã được bà con chuyển đổi thành những cánh đồng tôm.

Lúc đến xã, gặp vài chị đang xắn quần lội từ đồng tôm ven con đê sông Trường, tôi hỏi: - So với làm muối, nuôi tôm năng suất chứ các chị?.

Một chị còn khá trẻ vui vẻ trả lời tôi: - Anh ở xa đến phải không? Có lẽ anh ở xa nên chưa biết mới hỏi. Hòa Lộc không chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm thì bao giờ mới khá được hả anh?

Tôi lại hỏi: - Bà con ở đây nuôi tôm gì vậy?

Chị ta rất vui tiếp: - Ở xã tôi chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, những ruộng muối trước kia được cải tạo thành các ao nuôi tôm cho năng suất cao hàng chục lần làm muối.

“Chà”, tôi tặc lưỡi. Suốt buổi chiều tôi rong ruổi trên con đê sông Trường, ngắm nhìn cửa lạch với cảng cá mới xây dựng đang cuốn hút những tàu thuyền từ biển cập bến. Rồi tôi thong thả đi trên con đường bê tông bền chắc của các thôn xóm mà trong ký ức của tôi trước đây nó là những con đường lầy thụt. Hòa Lộc thay da đổi thịt bằng những con đường mới, bằng những công trình trường học, bệnh xá, trụ sở khang trang và đâu cũng thấy những ngôi nhà hai, ba tầng của bà con Hòa Lộc đang ăn nên làm ra. Điều đáng nói của Hòa Lộc là xây dựng các cơ sở hạ tầng, không xảy ra thắc mắc và không nợ đọng. Chỉ sau mấy năm chuyển đổi sản xuất, đã có 24 hộ nuôi 26,3ha tôm. Lao động nông nghiệp ở Hòa Lộc giờ đã giảm mạnh để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, nhiều thanh niên nam nữ đã trở thành công nhân các nhà máy dệt đóng gần địa bàn. Người làm nông nghiệp ở Hòa Lộc đã trở nên nhàn nhã nhờ có máy gặt đập liên hợp, máy làm đất. Những ruộng lúa trước kia cho thu hoạch kém dần chuyển đổi thành những vườn cây ăn quả như cây thanh long ruột đỏ, cây cam, cây bưởi diễn, bưởi da xanh... Nhìn chung, các mô hình kinh tế của Hòa Lộc phát triển tốt và ổn định. Gần đây, xã cũng mở được 14 lớp học đào tạo lái tàu đánh cá biển, đáp ứng yêu cầu của ngư dân trong xã vươn khơi.

Tôi rời Hòa Lộc một ngày mùa thu nắng chói vàng mặt sông Trường, con sông vẫn lấp lánh dòng nước mặn cho những cánh đồng muối bội thu. Giờ thì cảng cá vừa đi vào hoạt động ngày đêm tấp nập thuyền bè, một phần những cánh đồng muối giờ là những cánh đồng nuôi tôm. Đồng ruộng Hòa Lộc xen giữa những vạt lúa giống mới là những ruộng lạc, những vườn cây ăn quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hòa Lộc đã đi được mười năm. Mười năm của Hòa Lộc từng giống như một cơ thể vốn gầy nhom ốm yếu giờ trở thành một người khỏe mạnh. Nó giống như con tàu đánh cá đang băng băng từ cảng cá ra cửa Lạch Trường mênh mang sóng nước để vươn ra đại dương trước mắt tôi, giữa một chiều hè nắng vàng.

Tháng 9 năm 2019

Nguyễn Văn Đệ


Nguyễn Văn Đệ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]