(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với sự phát triển đa dạng, phong phú của văn học viết, văn học dân gian tiếp thu kế thừa vốn quý của các thời đại trước tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị ca ngợi khởi nghĩa Lam Sơn và chủ tướng Lê Lợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn trong tác phẩm văn học, nghệ thuật

Cùng với sự phát triển đa dạng, phong phú của văn học viết, văn học dân gian tiếp thu kế thừa vốn quý của các thời đại trước tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị ca ngợi khởi nghĩa Lam Sơn và chủ tướng Lê Lợi.

(tiếp theo và hết)

Hình tượng Lê Lợi và nghĩa quân được khắc họa bằng tất cả niềm tin yêu, mến phục của người dân. Lối xây dựng cốt truyện mộc mạc dân dã, gắn liền với sự tích hòn đá, ngọn núi, khúc sông, cánh đồng, cây đa, tên làng, tên xóm, đều mang tính huyền thoại, kỳ vĩ về sức mạnh niềm tin của cộng đồng với vị chủ soái và nghĩa quân song đều mang cốt lõi lịch sử. Phương pháp lãng mạn và hiện thực cùng với lý tưởng hóa người anh hùng có sự kết hợp hài hòa càng làm tăng thêm giá trị tác phẩm. Những yếu tố thần kỳ xuất hiện trong giai đoạn đầu như lúc Lê Lợi sinh ra ánh sáng đỏ bay khắp nhà, mùi hương lạ bay khắp xóm, mắt sáng, miệng rộng, đi như rồng, bước như hổ... được trao gươm thần, ấn báu, mộ tổ tiên được táng vào huyệt đế vương, gươm thần chỉ vào núi, núi lở, chỉ vào sông, sông cạn, hoặc Lê Lợi được Hồ ly phu nhân cứu nạn khi bị giặc truy đuổi...

Ngoài mảng chuyện mang yếu tố thần kỳ như trên thì mảng chuyện xây dựng hình tượng Lê Lợi gắn với gia đình, quê hương, các tướng sỹ trong đội quân phụ tử là phần lớn. Mảng chuyện này là sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lý tưởng, giữa cái cao thượng và sự bình thường giản dị. Bằng tâm đức của mình Lê Lợi đã thu phục được nhiều tướng lĩnh như Trương Lôi, Võ Uy, Trịnh Khả, Nguyễn Thận, Lê Lai, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú... Tất cả họ đều tin tưởng trung thành với Lê Lợi vì họ vững tin Lê Lợi là người được trời, phật ủng hộ giao sứ mệnh lớn. Nhiều truyện mô tả sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong kháng chiến. Đó là những con người có tên hoặc không tên (phiếm chỉ), nhưng tất cả đều sẵn lòng cưu mang, đùm bọc giúp đỡ nghĩa quân thuở ban đầu khó khăn như bà hàng dầu đốt đèn báo hiệu cho nghĩa quân hàng đêm, ông bà già làng Sắt (Ngọc Lặc) không khai báo địa điểm ẩn nấp của nghĩa quân mặc dù bị tra tấn dã man, em gái thành Tây Đô đóng sập cửa rương xe lúc giặc ngủ và chất rơm thiêu sống bọn chúng, bà hàng nước, vợ chồng ông lão bắt cá, tép, cô gái ba ba... tìm mọi cách lừa địch giúp Lê Lợi và nghĩa quân thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ thù. Hàng loạt truyện về tên đất, tên làng được Lê Lợi đặt tên để nhớ ơn sự giúp đỡ của người dân mà ông và nghĩa quân đi qua. Đó là làng Tiên Nông, xã Định Thành (Yên Định); làng Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa); thôn Chí Cẩn, xã Thiệu Hưng, thôn Đoán Quyết xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa); làng Bái Trật, xã Xuân Giang, làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, làng Tâu, làng Tó xã Xuân Lam, làng Bất Căng xã Thọ Nguyên, Thọ Xuân, chòm Thúc, chòm Đỏ xã Phú Lệ, Quan Hóa, làng Bà, làng Trò xã Vân Am, làng Túng, đốc Ngán, núi Tran xã Ngọc Khê, Ngọc Lặc, làng Nhân ở Thường Xuân, làng Năng Cát, thác Ma Hao xã Trí Nang, Lang Chánh...

Anh hùng dân tộc Lê Lợi - tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai.

Hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn không chỉ được phản ánh qua các truyện dân gian mà còn in đậm qua tục ngữ, ca dao, thơ ca dân gian. Người dân rất tôn trọng, tự hào về công lao sự nghiệp của người anh hùng:

“Sâu nhất là sông Bạch Đằng

Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan”

“Cao nhất là núi Lam Sơn

Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra”

“Ai lên Biện Thượng Lam Sơn

Nhớ vua Lê Lợi chặn đường giặc Minh”

Hoặc đó còn là khí thế nô nức của nhân dân từ nhiều vùng miền tìm về đất Lam Sơn tụ nghĩa như:

“Người kéo về dằng dặc

Người rước nhau ùn ùn

Từ đất Đô Kỳ, Đô Lam kéo đến

Người Mường cũng vác dao, vác kiếm

Đi chật suối, chật rừng

Để hòng giết hết giặc đang đến mường ta cướp phá”

Đó còn là niềm tin son sắt vào sự nghiệp chính nghĩa đánh đuổi giặc Ngô mà người dân gửi gắm và vững tin sự tất thắng ở “minh chủ” của mình:

“Muốn cho lúa đầy bồ

Muốn cho kê đầy dón

Mùa tháng hai, tháng ba trọn

Anh đi theo ông Lê Lợi ở đất làng Cham”.

Cuộc kháng chiến oanh liệt, hào hùng của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn vẫn khắc sâu trong tâm thức dân gian và được truyền tụng:

“Quê tôi ở đất Cẩm Bào

Ai muốn đánh giặc thì vào quê tôi

Ăn trầu thì nhớ đến vôi

Ai muốn đánh giặc nhớ thời vua Lê”.

Cuộc chiến đấu những năm đầu tại núi rừng miền Tây Thanh Hóa gặp bao gian nan thử thách nhưng người dân vẫn vững tin sự thành công của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn:

“Ăn củ nâu, củ môn trong rừng

Dẫu người có phải hóa ra trâu

Thì trâu mài sừng theo vua Lê”.

Hình tượng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn còn hiện lên qua sự hân hoan chào đón của người dân:

“Nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

“Lạy trời cho cả gió lên

Cho cờ vua Bình Định bay trên kinh thành”.

Hoặc:

“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Con dắt, con bế, con bồng, con mang”.

Hình tượng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn còn hiện lên đẹp đẽ bởi ông là con người nghĩa tình trọn vẹn với những người đã từng cưu mang giúp đỡ khi ông và nghĩa quân gặp nạn. Người dân Thanh Hóa đời đời truyền tụng câu:

“Hăm mốt Lê Lai

Hăm hai Lê Lợi

Hăm ba giỗ mụ hàng dầu”.

Những tình cảm yêu mến, sự trân trọng, ngưỡng mộ và thành kính của nhân dân ta đối với Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn xuất phát từ lòng chân thành, sự tri ân với những đóng góp vĩ đại trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Quan niệm, lý tưởng thẩm mỹ đó lại càng khẳng định truyền thống yêu nước nồng nàn, khát khao hòa bình sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn để giành, giữ vững độc lập dân tộc.

Cùng với văn học dân gian, diễn xướng dân gian thời Lê trong quan điểm khắt khe của tư tưởng Nho giáo với nghệ thuật sân khấu vẫn phát triển trong đời sống xã hội. Các gánh hát tuồng, chèo ngoài việc phục vụ nhân dân ở các làng còn lưu diễn ở nhiều vùng thu hút đông đảo người xem ngay cả trong thời kỳ giáp hạt. Sinh hoạt văn nghệ cung đình diễn ra còn lưu lại trong sách Việt sử Thông giám cương mục: “Mùa xuân năm Đại Hòa thứ 6 (1448) vua Nhân Tông ban yến, quần thần múa hát khúc “Bình Ngô phá trận”. Năm Diên Ninh thứ 3 (1456) nhà vua tuần du đến Lam Kinh bái yết lăng miếu, hàng quan võ biểu diễn múa “Bình Ngô phá trận”, hàng quan văn biểu diễn múa “Chư hầu lai triều”. Hai khúc diễn xướng vũ nhạc này được Ngô Sỹ Liên và các sử thần ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm Kỷ Tỵ (1449) triều vua Lê Nhân Tông đã cho múa khúc nhạc “Bình Ngô phá trận” công thần nghe có người cảm động đến phát khóc.

Sau đó năm 1456, cũng triều vua này Toàn thư chép: “Vào năm Bính Tý (1456) triều Lê Nhân Tông, nhà vua về bái yết sơn lăng, quân lính hò reo ứng theo. Quan võ múa nhạc “Bình Ngô phá trận”, quan văn múa nhạc “Chư hầu lai triều”. Rất tiếc thư tịch không nêu rõ diễn trình, diễn xướng của hai khúc nhạc này và đến nay cũng đã thất truyền. Suy luận của một số nhà nghiên cứu cho rằng hai khúc diễn xướng trên mô tả những tháng ngày mà Lê Lợi và nghĩa quân cùng nằm gai nếm mật nên được triều đình và người dân kính trọng. Toàn thư đã chép: “Trong buổi hành lễ một số quan lại biểu diễn không đúng đã bị Điện trung ngự sử hặc tâu nhu Lê Bí tập nghi thức trái lễ, Thiếu bảo Lê Diễn làm mất thứ tự, Lễ bộ Thượng thư Đào Công Soạn không biết xét tâu lên đều phải phạt tiền theo thứ bậc khác nhau”. Điều đó chứng tỏ cách diễn xướng trên có niêm luật chặt chẽ.

Ngoài hai khúc diễn xướng tiêu biểu nêu trên còn nhiều diễn xướng liên quan đến Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn. Đó là “trò Ngô” trong đó có lớp diễn Lê Lợi chém Liễu Thăng được nhân dân yêu thích. “Trò Chạy chữ” trình diễn ở đền vua Lê (Lam Kinh, Thọ Xuân) tổ chức trong các kỳ lễ hội. “Trò Thủy” ở Đông Ninh, Đông Sơn tái hiện cuộc tấn công vào Nghệ An bằng đường thủy theo mưu kế của công thần Nguyễn Chích. “Trò Lân lang ngũ quốc đồ tiến cống” mang bóng dáng của các nước chư hầu đến thần phục nhà Lê khi đất nước hòa bình thống nhất.

Trong sinh hoạt dân gian có các trò diễn tiêu biểu như: “Trò Xuân Phả ở Xuân Trường, Thọ Xuân” với 5 điệu múa chính là Hoa Lan, Xiêm Thành, Lục, Hồn Nhung, Ai Lao và Ngô quốc. Trò Xuân Phả được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch. Ở Thiệu Tiến, Thiệu Hóa có “Trò Chuộc”.

Rối cạn thế kỷ thứ XV cũng được phục hồi phát triển với các phường nổi tiếng như Rủn (Thạch Khê - Đông Sơn), Chuộc (Ngọc Trục, Thiệu Hóa), Mía (Ngọc Quang, Thọ Xuân), Cao Khê (Ngọc Lặc), Thổ Hoàng (Nga Sơn). Rối nước nổi tiếng ở làng Si (Yên Định) với tích trò độc đáo Lê Lợi khởi nghĩa kể chuyện Lê Lợi từ lúc còn cày ruộng cho đến lúc làm vua.

Điệu múa hát rí ren (lý liên) là sinh hoạt văn nghệ dân gian phổ biến ở nhiều làng quê Thanh Hóa. Toàn thư chép: “Năm Thái Hòa thứ 6 (1448), vua ngự giá về Lam Kinh, dân Thanh Hóa thấy xa giá đến, trai gái đem nhau tới hát rí ren ở hành tại. Tục hát rí ren này một bên con trai, một bên con gái, dắt tay nhau ca hát có lúc tréo chân, tréo cổ nhau gọi là cắm hoa, kết hoa”. Điệu hát này đã bị triều đình cấm nhưng nó vẫn tồn tại trong dân gian.

Nghệ thuật kiến trúc thời Lê chủ yếu tập trung ở khu Lam Kinh với 3 tòa điện Quang Đức, Sùng Hiếu, Diễn Khánh, nhà Tả vu, Hữu vu, Nghinh môn, sân Rồng, lăng mộ, bia của các vua, hoàng hậu thời Lê Sơ, 9 tòa thái miếu, đền thờ vua Lê ở Thọ Xuân, đền Tép thờ Lê Lai ở Kiên Thọ, Ngọc Lặc... Nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ đã tiếp thu, phát triển từ thời Lý, Trần để xây dựng và phát triển một phong cách kiến trúc nghệ thuật mới.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã diễn ra tròn 600 năm nhưng hình tượng của người anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất Lê Lợi cùng tướng sỹ Lam Sơn vẫn được truyền tụng qua tác phẩm văn học, nghệ thuật và tâm thức dân gian. Với những đóng góp vĩ đại cho nước cho dân Lê Lợi là biểu tượng đẹp đẽ của một nhà chính trị, tư tưởng kiệt xuất, nhà quân sự tài ba, nhà binh vận, ngoại giao khôn khéo, nhà văn hóa lớn của thế kỷ XV. Noi gương ông, hiện nay Đảng, Nhà nước ta tập trung xây dựng khối đoàn kết thống nhất, phát huy năng lực, trí tuệ toàn dân, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, quyết tâm giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong hội nhập và phát triển.

Phạm Minh Trị


Phạm Minh Trị

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]