(vhds.baothanhhoa.vn) - Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc - 2017: Mới lạ, khó quên

Tin liên quan

Đọc nhiều

Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc - 2017: Mới lạ, khó quên

Nghệ sĩ tụ hội đông đủ

Nếu như Liên hoan này lần đầu năm 2014 được tổ chức tại TP Đà Lạt coi như là kỳ đầu tiên sát hạch chuyên môn để các nghệ sĩ tích lũy thành tích nghệ thuật, thì Liên hoan lần này ngoài ý nghĩa đó ra còn là cơ hội khẳng định tài năng nghề nghiệp, là dịp để các nhạc công có cơ hội trải nghiệm mới mẻ, đầy cảm xúc trong vai trò nghệ sĩ biểu diễn độc lập, thực thụ.

Cũng vì đặc thù nghề nghiệp của nhạc công sân khấu mà ở lần Liên hoan đầu, chỉ có nhạc công ở các nhạc viện, đoàn ca múa nhạc tham gia, còn nhạc công sân khấu vắng bóng. Chính vì thế,Liên hoan lần thứ ba này “xôm tụ” hơn hẳn. Liên hoan năm nay có sự tham gia của hơn 900 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 35 đơn vị nghệ thuật công lập, các học viện âm nhạc, nhạc viện, cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên ngành biểu diễn âm nhạc dân tộc trên toàn quốc. Các đơn vị tham dự liên hoan biểu diễn 35 chương trình với gần 80 tiết mục.

Điều quan trọng hơn là chất lượng của kỳ liên hoan đã được nâng lên đáng kể. Hầu hết các nghệ sĩ từ Hà Giang, đến Bạc Liêu xa xôi đã tụ hội về Thanh Hóa đông đủ tham dự với một thái độ trân trọng nghề và vui với nghề.

Các nghệ sĩ đa zi năng

Mỗi đoàn tham gia đều có những tiết mục và những loại nhạc cụ rất đặc biệt và có thể nói là rất riêng. Và hầu như các loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam đều đã được góp mặt. Đáng chú ý là tại liên hoan lần này rất nhiều nghệ sĩ không chỉ chơi một loại nhạc cụ. NSƯT Xuân Vinh - Nhà hát Cải lương Việt Nam - chỉ vẻn vẹn trong 10 phút đã biểu diễn cùng lúc với 7 nhạc cụ: Đàn kìm, đàn cò, đàn sến, đàn tranh, sáo, ghi ta phím lõm, violon. Hơn thế anh còn vừa đàn, vừa hát. Với hình thức biểu diễn ấy, tiết mục “Một số làn điệu trong nhạc cải lương và vọng cổ”, NSƯT Xuân Vinh đã nhận được rất nhiều tràng vỗ tay của khán giả và đồng nghiệp. Ngay cả với 21 nhạc công của Nhà hát Tuồng Việt Nam trong hòa tấu Hiếu thảo dựa trên tích Tuồng “Xuân Đào cắt thịt”, thì mỗi nghệ sĩ đều có thể chơi ít nhất 2 nhạc cụ.

Hòa tấu Lê Lai cởi áo của Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa.

Ngoài ra, âm nhạc chính là chiếc cầu nối để mỗi một nghệ sĩ có thể giới thiệu với bạn bè mảnh đất và văn hóa quê mình, họ là đại sứ du lịch. Nhà hát Tuồng Đào Tấn từ những ngày đầu đến đây đã mải mê luyện tập Đất Võ lửa thiêng bao gồm 6 tiết mục: 4 hòa tấu “Liên khúc các bài bản nhạc tuồng”, “Hội xuân Đất Võ”, “Ánh sáng lửa thiêng”, “Những chàng trai Tây Sơn” và 2 độc tấu “Vượt sóng ra khơi” (dàn trống - Trung Nghĩa biểu diễn), “Hành khúc Tây Sơn” (kèn - Quang Hiếu thể hiện). “Nét đặc trưng, thế mạnh độc đáo nhất của nhạc tuồng Bình Định là chất bi hùng. 6 tiết mục được chọn thể hiện rõ nét và quảng bá về nét riêng này của nhạc tuồng Bình Định” - nghệ sĩ Trung Nghĩa cho biết. Hay như Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đăk Lăk, qua tiếng T’rưng, Ching Kram, Ching Jhô đã phần nào phác họa về con người và văn hóa Tây Nguyên, hùng vĩ nhưng cũng đầy lãng mạn. Còn các nghệ sĩ đất Chèo Thái Bình qua tiếng đàn bầu da diết đã làm lay động trái tim khán giả. Để ai nghe tiếng đàn ấy, cũng muốn được đến thăm và tìm hiểu mảnh đất đẹp này.

Một sân chơi lớn đang mở ra

Để có được những chương trình đặc sắc, hầu hết các đoàn nghệ thuật đã bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết để chuẩn bị. Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Với những tiêu chí rõ ràng hơn so với các liên hoan truyền thống khác, đây chính là cơ hội để những nghệ sĩ có được một sân chơi chuyên nghiệp, quy mô lẫn sự tưởng thưởng xứng đáng đối với công sức và sự cống hiến của mình”.

Chỉ tính riêng 3 đoàn nghệ thuật truyền thống ở Thanh Hóa là Đoàn Nghệ thuật Chèo, Đoàn Nghệ thuật Cải lương và Đoàn Nghệ thuật Tuồng, ngay từ cách đây 2 tháng, các nghệ sĩ đã bắt đầu luyện tập. NSƯT Trương Hải Thọ chia sẻ: Đoàn Nghệ thuật Chèo tham dự Liên hoan với 3 tiết mục là độc tấu nhị, độc tấu đàn tranh và hòa tấu. Chúng tôi luôn động viên anh em dự thi với tinh thần hết mình và nghiêm túc. Còn với nhạc sĩ Lê Thế Cử - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Thanh Hóa - người có gần 25 năm đứng chân trong dàn nhạc thì cho rằng: Đây là chủ trương đúng của Bộ VH,TT&DL và Cục Nghệ thuật Biểu diễn, rất là kịp thời chính xác để các nhạc công, đặc biệt là các nhạc công của các đoàn nghệ thuật truyền thống được thể hiện biểu diễn - người luôn phải ngồi sau cánh gà, giờ đây được biểu diễn và thả mình trên sân khấu. Thêm nữa, đây còn là dịp để các nghệ sĩ có thêm cơ sở tốt trong việc xét các danh hiệu NSUT, NSND. Đoàn Nghệ thuật Cải lương Thanh Hóa được sự chỉ đạo của Sở VH,TT&DL, anh em nhạc công cũng rất chịu khó luyện tập và lãnh đạo đoàn đã đầu tư mời NSND Trọng Đài vào viết và dàn dựng một bản hòa tấu.

Hay như Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa với hòa tấu “Lê Lai cởi áo”, ngay từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc các nhạc công đã kể lại một câu chuyện lịch sử bằng tiếng trống, tiếng đàn và nhận được sự say mê của khán giả.

Rõ ràng, đây mới chỉ là lần thứ III Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống diễn ra, song đã tạo sự thăng hoa cho không chỉ riêng các nghệ sĩ, người yêu nhạc. Đáng kể nhất phải ghi nhận là công tác quảng bá. Lượng khán giả đến tham dự liên hoan đêm nào cũng chật cứng, không chỉ các nghệ sĩ, rất nhiều người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi đến xem và cổ vũ.Hy vọng rằng sau mỗi kỳ liên hoan, lượng khán giả say mê sân khấu nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng sẽ ngày càng tăng.

Có những điều ngỡ như xưa cũ, có những câu chuyện tưởng biến mất từ lúc nào, qua các nhạc cụ đã có dịp hồi sinh. Liên hoan Độc tấu, Hòa tấu nhạc cụ truyền thống 2017 khép lại, nhưng những giai điệu âm nhạc vẫn tiếp tục ngân vang, để chúng ta háo hức chờ đón mùa liên hoan tiếp theo.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]