(vhds.baothanhhoa.vn) - Lâu lâu rồi chúng tôi mới được đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử mà nhân vật chính gắn kết cả sinh mệnh cuộc đời với một bậc anh hùng cái thế lỗi lạc. Thân phận nhân vật đó tuy bị giản lược chìm lấp trong dòng sử liệu chính thống nhưng lại có “đời sống” huyền sử, giai thoại thần phả khá phong phú trong nhân gian xứ Thanh. Có lẽ vì lý do trên mà tác giả Lê Ngọc Minh đã đặt cho cuốn tiểu thuyết của mình cái tên “Nội tướng” chăng?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một cách nhìn nhân vật lịch sử

Lâu lâu rồi chúng tôi mới được đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử mà nhân vật chính gắn kết cả sinh mệnh cuộc đời với một bậc anh hùng cái thế lỗi lạc. Thân phận nhân vật đó tuy bị giản lược chìm lấp trong dòng sử liệu chính thống nhưng lại có “đời sống” huyền sử, giai thoại thần phả khá phong phú trong nhân gian xứ Thanh. Có lẽ vì lý do trên mà tác giả Lê Ngọc Minh đã đặt cho cuốn tiểu thuyết của mình cái tên “Nội tướng” chăng?

Đọc “Nội tướng”, tiểu thuyết của Lê Ngọc Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2018.

Nội tướng viết về Quốc mẫu Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, người vợ cả của đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi. “Nội tướng” là “nhũ danh” mà chàng trai Lê Lợi phong tặng cho người vợ tào khang của mình từ thuở mới cưới. Kể cả đến tận trước lúc băng hà, ngài vẫn trăng trối gọi: “Ngọc Lữ, nội tướng của ta!”. Nhưng rồi vì sao mà nghị lực, công lao, đức tin của một vị nội tướng được làm vợ đức vua khai mở triều đại Hậu Lê, từ buổi hàn vi cũng như khi được hưởng nếm mùi chung đỉnh ở ngôi mẫu nghi thiên hạ lại lâm vào cảnh oan khiên thất sủng trước khi Lê Thái Tổ từ trần có mười hai ngày? Đó là một câu hỏi còn để ngỏ của lịch sử và trong tác phẩm Nội tướng, nhà văn Lê Ngọc Minh đã cố gắng góp những lời kiến giải tâm huyết.

Nội tướng, ngay từ những dòng mở sách đã lôi cuốn độc giả bởi câu văn hết sức tinh tế miêu tả dồn dập những rung động đầu đời của chàng trai trẻ, cậu Rốt, Lê Lợi, con trai chủ sự đất Lam Sơn, Lê Khoáng bên tả ngạn Lương Giang với người con gái đẹp Trịnh Thị Ngọc Lữ, ái nữ của hào trưởng đất Bái Đô Trịnh Quốc Hoàn, nơi chàng đến thụ giáo đại danh sư Minh Quang. Giữa hàng trăm sĩ tử bầu rượu túi thơ, văn chương lai láng, võ nghệ siêu quần, nền nức của trường Bái Đô chuyên luyện văn, học võ có tiếng trong miền, cô gái từng đánh tiếng kén chồng ba năm đã chủ động phải lòng chàng trai Lê Lợi, kém nàng hai tuổi trước những con mắt “đau buồn, ngơ ngác” của không ít chàng trai con nhà quyền quí môn đăng hộ đối và nhiều học trò của thầy Minh Quang. Những người bấy lâu nay đơn phương mòn mỏi theo đuổi nàng. Tình yêu thì thời nào cũng thế, không bao giờ phân biệt xưa, nay, qua ngòi bút của nhà văn, mối tình Ngọc Lữ, Lê Lợi đã hiện lên thật mãnh liệt mà trong sáng, lay động. Có nhiều đoạn miêu tả cảm xúc yêu đương của đôi trai tài gái sắc này dễ khiến cho người đọc rung rinh theo: “Bốn bàn tay run rẩy trong nhau. Những tình cảm được bộc phát bằng ngôn từ giao duyên trai tài, gái lịch từ hôm bên bờ suối nay đã bùng nổ khỏi bức màn thầm kín, ấp e. Rừng núi im ắng và dòng suối trong lành hiền hòa trôi tĩnh lặng như bầu chủ cho tình yêu, cho mọi thứ cường lực, mọi vồ vập nồng nàn đắm say” (tr.51, 52). Nhà văn đủ tinh nhạy để tiết chế cảm xúc qua ngôn từ khi viết về tình yêu của nhân vật của lịch sử, hay các nhân vật khác, đủ dư vị để người đọc cảm, rung, mà không sa đà, quá trớn. Nhờ vậy mà các mối tình Ngọc Lữ - Lê Lợi, Ngọc Trần - Lê Lợi, Lam Thu - Trương Lôi,...mỗi tình yêu mỗi trường đoạn là mỗi sắc thái khác nhau, rất đời, rất riêng, vừa điển, vừa nhã.

Với Nội tướng, trên hết Lê Ngọc Minh đã dồn nhiều tâm sức dựng truyện, sáng tạo tình huống, chi tiết thật đặc biệt, có phần huyền ảo tâm linh, mà cũng rất đời thường để xây dựng lên nhân vật Trịnh Thị Ngọc Lữ một cách toàn vẹn từ nhan sắc đến phẩm giá. Được ông bà hào trưởng Lê Khoáng tín trao chiếc chìa khóa cơ nghiệp gia truyền bằng vàng cho nàng dâu út Ngọc Lữ gìn giữ thôn ổ họ Lê đất Lam Sơn, nàng đã toàn tâm toàn ý với chức phận và bổn phận thiêng liêng đó. Không chỉ là người vợ hiền thục, đảm đang, quán xuyến mà Ngọc Lữ còn là người sát cánh động viên, khích lệ, giúp rập Lê Lợi khơi ngọn lửa nhỏ thổi bùng thành ngọn lửa lớn, để có Hội thề Lũng Nhai năm 1416 và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1418. Với vai trò là hậu phương, là nội tướng, nàng âm thầm đem đầy tớ gia nhân đi học cách dệt thổ cẩm làm quân trang, quân phục cho nghĩa sĩ; nàng đã cất công đi tìm người thợ già Kẻ Rị rèn gươm báu, và sẵn sàng nhảy vào lửa tạo “nhân khí” để rèn đúc gươm thiêng Đại Định; nàng đã khéo léo giữ được Nguyễn Trãi ở lại căn cứ làm quân sư cho Bình Định Vương để từ ngay buổi đầu dựng cờ, nghĩa quân Lam Sơn đã có cặp đôi thủ lĩnh hoàn hảo: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Khi mộ tổ họ Lê đất Lam Sơn bị bọn quân tướng nhà Ngô, Sơn Thọ - Mã Kỳ ở thành Tây Giai tập kích đào, cướp, nàng đã mưu trí cùng các nữ gia nhân Lam Thu, Lam Đông giành lại được... Bản chất của tình yêu là không san sẻ, Ngọc Lữ cũng có buồn khi phải chia nhường chồng mình với hai người phụ nữ khác mà chính tay nàng dàn xếp cưới về. Đó là vì nàng đã tiên liệu được đại cục của cuộc khởi nghĩa, tiền đồ kinh bang tế thế của chồng, đó còn là bổn phận, số phận của người được làm vợ vua thời phong kiến.

Thế mà trước cái chết của Lê Thái Tổ có mười hai ngày, Quốc vương Lê Tư Tề bị biếm chức, bị tước hết binh quyền. Cuộc đời của Thần phi, Quốc mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ, mẹ của vị nguyên Quốc vương cũng theo đó mà gánh theo bao hệ lụy, đến nỗi, chính sử chỉ chép về đức bà: “Thần phi Trịnh Thị Lữ, người trang Bái Đê, huyện Lôi Dương, sinh ra quận vương Tư Tề. Mất vào năm Thái Hòa(1443-1453) đời vua Nhân Tông.

Bên cạnh Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, trong Nội tướng, còn có nhiều hình ảnh phụ nữ khác cũng được nhà văn dụng công xây dựng, mỗi người một tính cách, nhưng đều tiêu biểu cho vẻ đẹp người phụ nữ xứ Thanh khi xưa và cả ngày nay, tháo vát, đảm đang, tài giỏi võ nghệ, mưu trí hơn người.

Bàn về nhân vật lịch sử Trịnh Thị Ngọc Lữ, không thể không nhắc tới nhân vật Lê Lợi - người đã quán xuyến và chi phối cốt truyện. Đó là chân dung một vị Anh hùng giải phóng dân tộc có cuộc sống đời thường dân dã mà phong phú hấp lực cuốn hút trang lứa, cộng đồng; có nhuần nhã bản lĩnh cương nhu mà anh hoa đảm lược hơn người...Thế nên Nội tướng “không chỉ là câu chuyện trong nhà của Quốc mẫu mà nó ôm trùm sự nghiệp vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh mười năm liền của dân tộc ta với những tên tuổi chói sáng...”. (tr 13).

Đọc Nội tướng, chúng tôi còn thấy nhà văn Lê Ngọc Minh có một thế mạnh trong việc đưa những kiến văn của các bậc thánh hiền, danh sĩ vào ngôn ngữ giao tiếp của các nhân vật một cách uyển chuyển. Thao tác bút pháp này làm cho phông tiểu thuyết vừa có “không khí ” lịch sử, vừa tôn vinh thêm tầm vóc nhân vật. Những đoạn chàng trai Lê Lợi “hầu chuyện” tri huyện Lôi Dương Hà Bá Trí đọc thật hấp dẫn và thú vị.

Nhớ lại hơn hai năm trước, chúng tôi cùng hơn chục nhà văn trong đó có Lê Ngọc Minh tham gia trại viết của báo Văn Nghệ tại TP Sầm Sơn, sau đó đi thực tế ở các vùng miền nổi tiếng của xứ Thanh. Mỗi người đều thu nạp và gặt hái được ít nhiều công quả nghệ thuật. Nhận được Nội tướng của “đồng môn” Lê Ngọc Minh gửi tặng, chúng tôi háo hức đọc và ghi lạicảm nhận tức thời với tấm lòng trân quí giới thiệu đến độc giả cùng lời thưa, đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn, dễ đọc, và đọc xong khiến đầu óc không bứt ra được sự ngẫm ngợi...

Cẩm Giàng, 23/11/2018

Nguyễn Thu Hằng


Nguyễn Thu Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]