(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở đời người ta phấn đấu để đạt được ‘một vài nhà’ đã khó mà anh đã đạt đến ‘năm nhà’ đó là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ và nhà ảnh Phú Thang nổi tiếng ở Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một vài cảm nhận ‘Nhặt lại văn mình’ của Phạm Phú Thang

Ở đời người ta phấn đấu để đạt được ‘một vài nhà’ đã khó mà anh đã đạt đến ‘năm nhà’ đó là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ và nhà ảnh Phú Thang nổi tiếng ở Thanh Hóa.

“Nhặt lại văn mình”, mới nghe tên sách sẽ không có điều hấp dẫn để lôi kéo người đọc, “nhặt” tức là của đã đánh rơi hoặc sót lại, vì thế của rơi và sót lại thì mấy ai ham để ý. Ấy thế nhưng khi đọc “Nhặt lại văn mình” của Phú Thang, có rất nhiều những mẩu chuyện nhỏ lại không nhỏ, cũ mà không cũ, anh cứ thế viết tự nhiên những điều anh từng trải, mắt nhìn thấy, cả lúc gió bụi của cuộc đời ở cái thuở mà gia đình anh lưu lạc cả đất khách quê người: Lào và Thái Lan, cho đến những năm gần đây khi Phú Thang đã trở thành ông chủ đi đâu có xe sang, tài xế xịn.

Những mẩu chuyện nhỏ nhưng có sức lôi cuốn, có nhiều sự kiện diễn ra ở ngay đất Thanh Hóa mà ngay người Thanh Hóa chỉ mới nghe nên khi đọc “Nhặt lại văn mình” của Phú Thang mới hiểu ra hết.

Bề ngoài tưởng Phú Thang cứ chậm chạp trong lời ăn tiếng nói và cả bước đi, nhưng bên trong (nghề nghiệp) thì anh thật nhanh nhạy, đối với Phú Thang khi mắt đã nhìn ngắm chỗ nào thì thành thơ, thành văn, thành ảnh để đời: Từ hai nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ: một Tổng thống và một phó Tổng thống Mỹ cao hứng lẫy Kiều, Phú Thang đã có cách tán riêng của anh, mặc dù đài báo tứ phương đã đề cập đến rồi, anh đã Kiều hóa cả lời đáp từ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bữa tiệc phó Tổng thống Mỹ Joe Bidel: Tổng Bí thư đáp lại bằng 16 chữ vàng: Gác lại quá khứ/ vượt qua khác biệt/ phát huy tương đồng/ hướng tới tương lai. Phú Thang ca dao hóa: Chuyện xưa gác lại tương đồng/ Vượt qua khác biệt biển Đông xanh màu.

Không biết những bạn đọc cảm nhận “Nhặt lại văn mình” của Phú Thang như thế nào. Riêng tôi, trong đó anh đã viết lại nhiều tư liệu quý hóa mà anh tái hiện lại cụ thể rõ ràng rành mạch cho người đọc. Ví dụ sự kiện 1969 khi Bác Hồ đi xa, đoàn ra dự lễ tang để vĩnh biệt Người của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa có 27 người, các đồng chí Ngô Thuyền, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, Võ Nguyên Lượng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính làm phó trưởng đoàn, tất nhiên anh Phú Thang khi đó là thành viên chính thức của đoàn, anh sung sướng tự hào đại diện cho hàng ngàn nhà giáo Thanh Hóa được ra Vườn hoa Ba Đình tiễn đưa Bác Hồ vào ngày 9/9/1969.

Cuộc đời của Phạm Phú Thang chẳng phẳng lặng chút nào, đã sống ở nhiều địa phương khác lúc còn tuổi ấu thơ, trong đó kể cả Lào và Thái Lan. Có mặt ở Thanh Hóa trên 60 năm trước, thế rồi không hiểu sao Thanh Hóa lại là điểm dừng, từ đây anh phấn đấu làm một nhà giáo mẫu mực, viết báo, viết văn, làm thơ. Anh có suy nghĩ giữ kín “Thanh Hóa là nơi ưu ái tôi nhiều”. Từ lúc lập gia đình ở Yên Định kéo dài thời chống Mỹ và bao cấp... biết bao những cheo neo gian khổ nhưng đều vượt qua. Đặc biệt là từ năm 1986 khi có chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, anh đã thật sự vươn lên để trở thành một ông chủ, tức nhà ảnh Phú Thang có thương hiệu ở Thanh Hóa và một số tỉnh thành lân cận.

Nặng lòng với văn thơ báo chí, chưa bao giờ thấy Phú Thang thoát khỏi “cái nghiệp” đó để chỉ yên bề làm kinh doanh nghề ảnh.

“Nhặt lại văn mình” hơn 300 trang sách, xuất bản một nghìn cuốn, sách không bán, người được anh tặng sách trân trọng xem và chuyền tay cho nhiều người đọc. Có những bài đọc đến hai, ba lần mà chưa chán, bởi người đọc cứ muốn nhập tâm bởi đó là nỗi lòng rất thực có phải đâu là chỉ có Phạm Phú Thang? Chỉ riêng mẩu chuyện nhỏ: có lần anh đang lộ trình, xe chạy tốc độ vừa vừa, có một xe con khác muốn vượt lên nhưng không bóp còi xin mà có vẻ rất dè dặt, cứ lên ngang xe anh rồi lại giảm tốc lại sau... Đến khi như nhận rõ điều gì đó, chiếc xe vượt lên rồi đứng lại bên vệ đường, xe của Phú Thang cũng dừng lại, một cán bộ lớn của tỉnh Thanh Hóa ra xe và tiến lại: “Em chào thầy” lúc đó Phú Thang nhận ra học trò cũ của mình khi anh dạy ở trường cấp III Vĩnh Lộc. Người học trò nói tiếp: “Em không cho lái xe bóp còi vượt vì biết đó là xe của thầy, nếu bóp còi em thấy có điều gì không phải với thầy, mặc dù em có việc rất cần dự một hội nghị quan trọng... em xin phép thầy đi trước” Phú Thang xúc động khi xe của ông cán bộ to đó đã đi, người lái xe của Phú Thang lẩm bẩm: “Ông ta làm to cũng là điều phải”.

Phú Thang luôn coi đó là những hạnh phúc lớn của nghề thầy mà bạc tỉ chẳng bao giờ mua được. Phú Thang vẫn tỉnh táo và hàng ngày vẫn cứ nghiệp văn thơ báo chí... mặc dù tuổi đã cao nhưng mặc, anh tự đặt cho mình: Một ngày không viết một trang/ coi tôi đã chết lâm sàng từ lâu.

Đó là vì lòng say nghề mà anh tự đề ra lời dặn cho mình bằng câu lục bát trên, thật hiếm và như thế chắc sẽ có “Nhặt lại văn mình” tập hai sẽ dày dạn hơn, lí thú hơn, ta sẽ được thưởng ngoạn văn chương của anh khi chẳng còn mấy nữa Phú Thang sẽ vẫn đĩnh đạc bước sang tuổi 90.

Việt Đức - Hà Chi


Việt Đức - Hà Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]