(vhds.baothanhhoa.vn) - Xưa nay nhiều người đã biết Việt Nam ta và cả vùng Á Đông có một hình thức sinh hoạt văn hóa thanh cao và văn nhã. Đó là làm câu đối tặng nhau, đặc biệt là vào dịp tết đến xuân về, hoặc là những dịp vui, những sự kiện lớn trong cuộc đời mỗi con người, của một dòng họ, làng mạc, đền chùa, của đất nước. Xưa và nay thường đã nghe, đọc thưởng thức nhiều, nhưng không mấy ai đi sâu vào thể loại này để khám phá ra cái hay cái đẹp, cái thú vị tao nhã của nó.

Ngày Xuân đọc “Câu đối và những giai thoại”

Xưa nay nhiều người đã biết Việt Nam ta và cả vùng Á Đông có một hình thức sinh hoạt văn hóa thanh cao và văn nhã. Đó là làm câu đối tặng nhau, đặc biệt là vào dịp tết đến xuân về, hoặc là những dịp vui, những sự kiện lớn trong cuộc đời mỗi con người, của một dòng họ, làng mạc, đền chùa, của đất nước. Xưa và nay thường đã nghe, đọc thưởng thức nhiều, nhưng không mấy ai đi sâu vào thể loại này để khám phá ra cái hay cái đẹp, cái thú vị tao nhã của nó.

Ngày Xuân đọc “Câu đối và những giai thoại”

Khi được ông Lê Văn Bài tặng cuốn “Câu đối và những giai thoại” (NXB Hội Nhà văn), tôi rất trân quý và đọc liền một mạch, rồi đọc lại nhiều lần. Thật tình trước đây tôi cũng biết ông Bài đã làm câu đối vào dịp tết, tặng anh em bạn bè không ít. Trong đó chúng tôi có lần cũng được ông làm câu đối tặng. Thường thì làm được câu đối là việc đã không dễ. Còn viết hẳn một công trình khảo cứu tìm tòi lý giải về nó, tìm ra cái bản chất, cái hồn của nó thì dễ mấy ai có thể làm được? Ấy vậy mà ông Lê Văn Bài đã cố gắng làm và thành công. Ông nguyên là một giáo viên dạy Khoa học tự nhiên ở trường cấp 2, có nhiều năm công tác ở miền núi, được đi du học ở Liên Xô cũ. Về nước ông làm công tác thư viện của tỉnh. Thường thì người muốn làm câu đối hay phải là người có học chữ Hán và học Văn học, phải là người hay chữ, là bậc tài cao đức trọng, người có tư tưởng lớn và nhân cách lớn. Bởi câu đối bao hàm khen chê, đánh giá, ca ngợi hoặc phê phán, răn dạy, khuyên bảo và an ủi người khác. Vì thế, tôi nghĩ ông Bài đã phải vật vã, trăn trở để tìm ra con đường đi đến với câu đối hay của những bậc tiền nhân để thực hiện công trình của mình.

Sau khi lướt qua khái niệm về câu đối, sự khác nhau giữa câu đối và cách đối trong văn học, nhất là văn biền ngẫu xưa, công trình “Câu đối và những giai thoại” đưa người đọc vào các chương: Các biện pháp tu từ nâng cao chất lượng câu đối; Câu đối tết; Tiêu chí đánh giá câu đối; Đối trong văn chương; Chức năng của câu đối; Các tác giải câu đối nổi tiếng trong lịch sử; Đối đáp sứ Tàu bằng câu đối; Câu đối trong đời sống xã hội và Câu đối Việt Nam thử nhìn tổng thể.

Đáng chú ý nhất là chương “Các biện pháp tu từ nâng cao chất lượng câu đối”, có 20 đề mục nhỏ, chiếm tới 1/3 số trang của cuốn sách. Ở phần này tác giả đã cơ bản nêu lên được các loại câu đối Việt Nam xét về phương diện ngôn ngữ. Trong 20 loại câu đối đó có nhiều câu đối và giai thoại tiêu biểu của những tác giả nổi tiếng. Ví dụ ở mục 9: “Thêm bớt tạo chữ câu đối”, tác giả đã chọn trường hợp Cao Bá Quát là một danh nho cho câu đối một phụ nữ mang bầu sang Xuân sắp sinh con:

Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm

Xuân mãn càn khôn phúc mãn.

(Trời thêm năm tháng, người thêm

Xuân đầy trời đất, phúc đầy).

“Đúng là câu đối cho người sắp sinh: sang năm thêm năm tháng và thêm người tương ứng trời thêm Xuân, phúc thêm đầy. Hơn nữa trong chữ Hán, âm phúc còn có nghĩa là cái bụng, phúc đầy là bụng to đúng là người có chửa”.

Thời gian sau có ông già làm nghề đóng quan tài, nhân ngày tết đến xin Cao Bá Quát câu đối. Cao Bá Quát lấy ngay câu đối tặng bà bầu kia, chỉ thêm một chữ cuối để tặng người đóng hòm:

Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ

Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.

(Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi

Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà).

“Rất hay, ông làm nghề đóng quan tài để bán mà vẫn mong cho thiên hạ sống thêm nữa, rất đạo đức và rất nhân văn... Nét độc đáo của câu đối này là hai từ cuối thêm vào đọc liền nhau thành chữ Thọ Đường mà thọ đường cũng có nghĩa là cỗ quan tài là nghề mưu sinh của ông. Chỉ thêm hai chữ mà thành câu đối khác. Thật là tài tình”.

Ở một mục khác, loại câu đối “Liên kết các tác phẩm lại với nhau để diễn đạt nội dung”. Loại câu đối này gần như thuần Việt và mới xuất hiện cuối năm 1930 đầu năm 1940 nhiều hơn sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay.

Thí dụ:

Đọc Nhật ký trong tù, Đất nước đứng lên, Từ ấy.

Nghe Bình Ngô đại cáo, Lam Sơn tụ nghĩa, Xưa nay.

Ở đây có một số tác phẩm mà bạn đọc có thể ít biết: “Lam Sơn tụ nghĩa” vở kịch của Hà Khang, “Xưa nay” là tạp chí của Hội Khoa học lịch sử. Đó là những tác phẩm của nhiều người ghép lại thành câu đối hoàn chỉnh.

Nói đến câu đối Việt Nam không thể không nói đến câu đối tết tác phẩm dẫn ra những câu quen thuộc mà mọi người đều biết:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Vui tết cũng là dịp giáo dục con cái trở nên hiếu thảo chăm chỉ học tập nên người:

Tứ thời Xuân tại thủ

Bách hạnh hiếu vi tiên.

(Bốn mùa, Xuân đứng đầu

Trăm đức hạnh, hiếu là trước hết).

Và luôn nhớ công ơn cha mẹ:

Ơn dưỡng dục non cao khó sánh

Nghĩa sinh thành biển cả khôn đong.

Ngày đầu xuân, nhắc nhở con cháu sống có đức, có thiện tâm và chăm lo học hành giỏi giang. Đó là một tiền lệ, hơn thế là một truyền thống và nó được thể hiện trong câu đối treo trước cột giường thờ ông bà:

Bách kế bất như nhân đức thiện

Thiên kim mạc nhược tử tôn hiền.

(Trăm mưu kế không bằng nhân đức thiện

Ngàn vàng bạc không so được với con cháu giỏi giang).

Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước. Tinh thần yêu nước thể hiện trong câu đối và những giai thoại còn là những câu đối đáp với các sứ Tàu khi đón đưa sứ và khi đi sứ. Tác giả đã ghi giai thoại có lẽ sớm nhất về việc này là chuyện đón sứ Tàu. Ông ta đang được chở trên thuyền thì đánh một phát trung tiện. Để chữa thẹn và tỏ ra nước lớn, coi khinh nước nhỏ, bèn đọc vế đối: Lôi động Nam bang! (Sấm rền trời Nam). Người đưa đò của ta cũng không vừa, bèn lên mũi thuyền vạch quần tiểu tiện: Vũ qua Bắc hải (Mưa qua biển Bắc). Câu đối thật thông minh chuẩn chỉnh hết mức!

Khi đi sứ, chắc các sứ ta qua nhiều lần, nhiều năm bị vua Tàu không ít lần kỳ thị. Tác phẩm đã ghi lại một giai thoại về một câu đối nổi tiếng, kể rằng năm ấy Giang Văn Minh được cử đi sứ sang nhà Thanh. Để thử tài và cũng là thử chí khí của sứ An Nam. Họ ra câu đối:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục.

(Cột đồng đến nay rêu đã xanh).

Cái hiểm, ác của vế ra này là nhắc lại một nỗi đau buồn của dân ta sau khi nhà Hán đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đặt ách Bắc thuộc lên nước ta. Đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, trước khi về Tàu, Mã Viện cho dựng cột đồng trên đó có dòng chữ ác độc:

Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt.

(Cột đồng (này) gãy (đổ) thì nước Nam bị diệt vong).

Câu này xúc phạm đến quốc thể. Phải đối lại sao đây để khỏi nhục và để khỏi bị khinh rẻ lại phải nhanh chóng. Giang Văn Minh đã đổi lại ngay:

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng!

(Sông Bạch Đằng từ xưa mà máu vẫn còn đỏ!).

Câu đối như cảnh báo rằng máu trên sông Bạch Đằng còn đỏ, các người hãy coi chừng! Vua quan Tàu khi ấy tức lắm đã tìm cách hại ông bằng mổ bụng ông. Ông mất ngày 12-7-1638 thi hài được đưa về nước. Vua Lê cảm phục tài năng và khí phách của ông đã bảo vệ được quốc thể. Nhà vua có thơ điếu:

Sứ bất nhục quân mệnh

Khả vi thiên cổ anh hùng.

(Đi sứ mà bảo vệ được quốc thể (mệnh Vua)

Xứng đáng là bậc anh hùng lưu danh ngàn đời).

Trong phần kết luận tác phẩm “Câu đối và những giai thoại”, tác giả rất đúng, khi cho rằng câu đối là một loại văn học đặc biệt, một loại sinh hoạt văn hóa trí tuệ, đem lại niềm vui lý thú, bồi dưỡng con người trí thức tâm hồn, lòng nhân ái, nâng cao năng lực thẩm mỹ. Nay vẫn còn sáng tác câu đối và hay không kém nhân ái, nâng cao năng lực thẩm mỹ. Nay vẫn còn sáng tác câu đối không kém xưa, nó gần với hiện thực cuộc sống bớt đi yếu tố kinh viện gần đời thường. Cần bảo vệ và phát huy.

Đây là một tác phẩm khảo cứu về câu đối, về những giai thoại một cách tương đối hệ thống và toàn diện. Người viết không chỉ sáng tác được câu đối mà còn là người giàu kiến văn về câu đối và giai thoại. Giá như trong phần định nghĩa về câu đối, mối tương quan giữa văn học có đối với câu đối được lý giải rõ hơn nữa. Phần chức năng của câu đối có hoàn toàn trùng với văn học không? Đành rằng câu đối cũng là một loại thể văn học, nhưng nó là văn học đặc biệt. Có phải người ta đến với câu đối để chỉ được tăng nhận thức, được bài học giáo dục và có được quan điểm thẩm mỹ không; hay còn là gì nữa? Về mặt kết cấu tác phẩm như vậy đã thật hoàn chỉnh và hợp lý chưa? Đó là những vấn đề còn cần phải bàn. Cho dù như vậy, tác phẩm “Câu đối và những giai thoại” của ông Lê Văn Bài là một tác phẩm tốt, có những đóng góp mới cho học thuật và khêu gợi lên sự bảo tồn và phát huy một thể loại văn học đặc biệt và nếp sống sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cao Sơn Hải



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]