(vhds.baothanhhoa.vn) - Tập thơ “Hồn trinh nữ” là tập sách thứ năm của nhà văn Viên Lan Anh do Nxb Văn hóa Dân tộc ấn hành quý IV năm 2018, sau tập: “Hát với đồng làng”, “Đêm triều cường”, “Tiếng cuốc gọi bầy”, “Chuột vu quy”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngọn lửa trong “Hồn trinh nữ” của Viên Lan Anh

Tập thơ “Hồn trinh nữ” là tập sách thứ năm của nhà văn Viên Lan Anh do Nxb Văn hóa Dân tộc ấn hành quý IV năm 2018, sau tập: “Hát với đồng làng”, “Đêm triều cường”, “Tiếng cuốc gọi bầy”, “Chuột vu quy”.

Đọc “Hồn trinh nữ” ta thấy ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cái làng Tiền Thôn thơ mộng với những người nông dân lam lũ, với cha, mẹ, ông, bà thân thương, qua đó ta thấy một Viên Lan Anh được thừa hưởng dòng máu kiên cường của người cha khi lần tái ngũ thứ hai ông chích máu viết huyết tâm thư,tình nguyện trở lại chiến trường đánh Mỹ, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, và ông đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Sự hy sinh của cha đã đem lại cho chị nỗi đau chia lìa không dễ nguôi ngoai. Sự hụt hẫng khiến chị có thêm sức mạnh để tạo ra ngọn lửa thắp sáng tâm hồn mình, yêu thương cha mẹ, ngọn lửa đó sau này tỏa lượng năng trong mỗi vần thơ giàu suy cảm và gợi tưởng. Hình ảnh cha, mẹ luôn thắp sáng trong những trang thơ của Viên Lan Anh:

“Có phải cha vẫn về mỗi bận,

Làm cây gậy bên giường cho mẹ vững bàn chân

Mẹ khóc nhiều nên mắt mờ hơn,

Cha lại dắt mẹ đi men tường hoa nụ.

Cha nhắc mẹ gọi tên “mình” như cũ,

Như cái hồi cha mẹ yêu nhau”.

(Có phải cha đã về)

Thơ của Viên Lan Anh viết nhiều về nỗi niềm của người mẹ, người vợ, người con ở hậu phương. Chị luôn thì thầm kể lại bao hồi ức, những câu chuyện như mạch ngầm, cứ róc rách như dòng suối truyền bao huyền thoại về bà, về làng, về cha mẹ và người thân. Tất cả đã gieo vào tâm hồn chị để những hạt mầm văn chương được xanh tươi, tạo nên thi cảm trong mỗi vần thơ thắp lửa hôm nay. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lan ra miền Bắc, cầu Hàm Rồng là tọa độ lửa. Câu chuyện mẹ kể về những cô gái sinh viên còn trinh trắng đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ đê sông Mã và cô Hồng cùng mười bảy người dân làng Tiền, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương cũng hy sinh trong đêm ấy. Mẹ Viên Lan Anh chính là người chỉ huy thanh niên bảo vệ các đoàn xe trong những ngày chiến đấu Mỹ gian nan ở thập niên 60 ấy. Viên Lan Anh đã dùng ngôn ngữ để xây tượng đài tri ân sâu sắc các cô dân quân làng Tiền Thôn và 64 nữ sinh trường Y hy sinh bên bờ sông Mã ngã xuống cho hòa bình và độc lập dân tộc:

“Đêm ấy sương đầm vạt áo,

Mẹ xách súng ra chiến hào.

Tiếng đoàn xe đi rầm rập,

Đất rùng, bom bỏ thấp cao”.

Cầu Hàm Rồng, Đò Lèn, Phà Ghép... là những tọa độ lửa. Cuộc đối đầu giữa những máy bay Mỹ được mệnh danh là con ma, thần sấm với những tay súng dân quân và pháo binh ta quyết liệt đêm ngày. Ta đã bắn rơi gần một trăm máy bay Mỹ, cầu Hàm Rồng, cầu Lèn, phà Ghép vẫn vươn cao đưa bộ đội và vũ khí rùng rùng vào Nam chiến đấu:

“Bao nàng nữ sinh ra trận,

Vội vàng giấy bút mang theo.

Bom vùi cô nơi lòng đất

Giấy bay như tiếng quân reo.

Và:

“Cuộc chiến giữ từng tấc đất,

Đời đời luôn nối tiếp nhau

Từ đó cây đa ven sóng

Bóng bao thiếu nữ vẫn về...”

Viết theo lời kể, theo dòng ký ức của mẹ, Viên Lan Anh đã dùng thể thơ tự do, mỗi câu năm, sáu từ cứ thủ thỉ như lời thì thầm của mẹ, mô tả một cuộc chiến oai hùng của dân tộc, sự hy sinh bằng máu và nước mắt để góp phần có được độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Ở một tâm thế khác khi viết về tâm trạng của một cô gái mồ côi bước chân đi lấy chồng, tác giả thể hiện bản lĩnh của những người con của lính đã thay cha chăm sóc mẹ, chăm lo những việc mà chỉ đàn ông có thể làm:

“Con lớn thay cha lợp nhà,

Ngày mưa thay cha che mái.

Mẹ buồn thương đứa con xa,

Ngày con xuống đò, rời bến,

Không người tiễn bước cô dâu”

(Con gái của cha)

Lời thơ nấc nghẹn, thương nhớ cha, thương tủi cho số phận của mình không còn cha tiễn đưa khi về nhà chồng. Cái mạch thơ nhớ cha vẫn cứ trào dâng khi chị nhìn thấy chiếc ba lô kỷ vật của cha để lại. Nó là hiện thân của cha, là hình bóng cha giữa chiến hào đánh Mỹ.

Nhà văn Viên Lan Anh may mắn có mộtngười mẹ đoan trang, cương trường. Với tấm lòng yêu kính mẹ vô vàn, Viên Lan Anh viết về mẹ nhưng như viết cho bao người, nói hộ cho những đứa con nhớ về người mẹ một nắng, hai sương nơi đồng chua, nước mặn, một đời gắn với cây lúa quê nhà để hy vọng cho quê hương, trong đó có gia đình mình có một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai:

“Cánh đồng ơi, thương nhớ mẹ ta không?

Đôi tay gầy hình củ gừng, củ tỏi

Đôi chân ấy có một thời son rỗi,

Có một thời cha mải miết nhìn theo

Cánh đồng hôm nay bát ngát bao nhiêu

Nhưng chưa hết lo âu trong mắt mẹ

Mưa tháng tám cho lòng con dâu bể

Nhớ vại cà, hủ mắm buổi ngày ngâu

Tình xa xưa mẹ ủ ấm trầu cau

Dành cả cho con chân trời mơ ước”

(Cánh đồng mùa thu)

Ngọn lửa tình yêu gia đình cứ rừng rực tỏa sáng, soi vào bao ký ức, Viên Lan Anh yêu bà, yêu các em, yêu những đứa con mình bằng những vần thơ gan ruột ở các bài: Con gái ơi, Em trai yêu, Mẹ và con gái, Mùng tám tháng ba, Nói với con trai, Quê ngoại, Tấm áo hải quân... mỗi bài thơ là một câu chuyện, mỗi câu chuyện đều có các nhân vật mang dấu ấn đậm nét trong thơ Viên Lan Anh.

Trong tập thơ, Viên Lan Anh đã dành nhiều bài thơ thắp lửa cho tình yêu quê hương đất nước, mạch thơ hòa quyện với người và đất. Mỗi miền đất Viên Lan Anh yêu mến mà thắp lửa thành thơ ấy, mỗi bước chân chị đi qua, thì với chị nơi ấybỗng “hóa tâm hồn”. Thể hiện ở những bài thơ: Cánh buồm xa, Cung đàn ngân giữa lòng Thành phố, Đất và người xứ Thanh, Đi về phía cổng trời, Mây xanh về phía kho Mường, Miền quê Thanh, Quê ta bốn mùa mưa nắng, Trên đỉnh Pù Luông...

Ngọn lửa tình yêu đôi lứa chiếm số lượng không ít trong tập “Hồn trinh nữ”. Với thể thơ tự do, nhịp thơ khi mạnh mẽ, lúc dịu êm và tha thiết xen đớn đau, day dứt, những diễn biến tâm trạng của một người phụ nữ khi bị tổn thương tinh thần tưởng không thể gượng dậy, nhưng chúng ta tìm thấy bản lĩnh của người phụ nữ biết vượt qua những cơn đau tinh thần bằng chính trái tim thiện lương của mình bằng cách chúc cho người khiến mình bị tổn thương sẽ hạnh phúc. Trong bài “Em tự hỏi”, Viên Lan Anh viết:

“Em tự nhủ lòng mình đau buốt,

Những tháng ngày qua hạnh phúc lẫn ưu phiền

Và:

“Đã từ lâu em không là em nữa,

Bởi đớn đau, bởi hậm hực ghen hờn

Chẳng có lẽ em - trái tim kiêu hãnh,

Cầu xin anh yêu chỉ một mình em?”

Người ta nói “thi sĩ là nhà tiên tri của chúa về cái đẹp”. Những trang thơ của Viên Lan Anh trong tập “Hồn trinh nữ” là những lời thì thầm về những câu chuyện, các nhân vật có số phận, nhân cách xúc động lòng người đọc. Ở đề tài nào Viên Lan Anh cũng dùng những ngôn từ cô đọng, giàu hình ảnh, nặng sự gợi tưởng và giàu suy cảm để thắp lên một ngọn lửa kết nối, lan tỏa tình người, soi sáng vào không gian, thời gian, địa chỉ gắn với bối cảnh lịch sử dân tộc trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thơ của Viên Lan Anh luôn biểu hiện tinh thần lạc quan kể cả khi tâm thế nhân vật trong thơ phải chịu những gian nan, thử thách. Qua những dòng thơ đó chúng ta càng thêm yêu quê hương, đất nước, trân trọng từng tấc đất cha ông đã trải hàng ngàn năm dựng xây, gìn giữ... Nhà thơ nữ Viên Lan Anhđang có bút lực dồi dào với tình yêu văn chương sâu đậm và những tác phẩm thơ, truyện ngắn đang tiếp tục hoàn thiện để ra mắt bạn đọc trong thời gian tới. Hy vọng, nhà thơ sẽ cho bạn đọcnhững tác phẩm văn học có tầm cỡ, dài rộng hơn, thu hút bạn đọc nhiều hơn.

Tháng 01-2019

Trần Đàm


Trần Đàm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]