(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam thì năm 1905 Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh ở phố Cửa Đông - Hà Nội, nhưng theo sử liệu của làng Lai Xá tỉnh Hà Tây thì ông Nguyễn Đình Khánh học nghề ảnh trong nước ở hiệu Du Chương (người Tàu) ở phố Hàng Bồ - Hà Nội vào năm 1890 và 2 năm sau (1892) mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da - Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người cắm cột mốc cho nhiếp ảnh Thanh Hóa

Theo Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam thì năm 1905 Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh ở phố Cửa Đông - Hà Nội, nhưng theo sử liệu của làng Lai Xá tỉnh Hà Tây thì ông Nguyễn Đình Khánh học nghề ảnh trong nước ở hiệu Du Chương (người Tàu) ở phố Hàng Bồ - Hà Nội vào năm 1890 và 2 năm sau (1892) mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da - Hà Nội.

Lần theo lộ trình thì nghề ảnh đến Thanh Hóa vào khoảng năm 1903. Những vị cao niên như ông Nguyễn Phúc Giáp, người có học vấn thời bấy giờ, Nhà giáo Ưu tú Cao Hữu Nhu và ông Quốc Kỳ, người thợ ảnh có thâm niên tuổi đời cho biết, ông tổ của nghề ảnh Thanh Hóa là cụ Nguyễn Khắc Khoan, người làng Cuội, nay là xã Hoằng Hợp. Ông sinh năm 1882, học hành đến bậc Primaire, biết chữ Tàu. Sau ngày không làm công cho một nhà pha chế thuốc tân dược tại thị xã Thanh Hóa. Ông được dân phố và khắp nơi trọng dụng. Hành nghề được ít lâu gặp phải đối thủ chèn ép đầy thế lực và tiềm lực của Phan Văn Giáo, một dược sỹ cao cấp, chân tay của phòng Nhì ông phải bỏ nghề xoay đi tầm sư học đạo ở đất Hà Thành, theo học chụp ảnh với ông Khánh Ký.

Ông mở hiệu ảnh mang tên Photo - Nguyễn Khắc Khoan ngay giữa phố lớn nay là phố Trần Phú, có logo viết bằng sơn men, trải qua hơn thế kỷ vẫn còn sắc nét, hiện đang treo ở gian chính cửa hiệu Nguyễn Tâm, người con thứ 8 của ông lưu giữ ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân.

Trong ký ức của ông Nguyễn Phúc Giáp thì hiệu ảnh của ông Khoan nằm cách nhà ông chừng 50 mét, cửa hiệu không đồ sộ lắm, nhưng nội thất thì lộng. Mỗi lần đi học ngang qua, cậu bé tò mò dí mũi vào vách kính nhìn rõ bên trong càng thấy ngợp mắt. Bộ ngà trắng muốt uốn cong dài gần một mét được đặt trên một cái bệ có hình đầu voi, đôi sừng hươu nhiều gạc treo trên vách, cặp sừng bò tót đen nhánh, nhọn hoắt trông rất dữ tợn. Ông thợ ảnh trang phục áo dài, đầu đội khăn xếp, chân đi guốc mộc, mắt đeo kính trắng dáng tròn, trông rất lịch lãm đứng bên chiếc máy ảnh, đặt trên một cái chân bằng gỗ ba chạc, to như máy quay phim thời nay được phủ kín bằng tấm vải đen. Khi có người chụp ảnh, ông phủ kín đầu bằng tấm vải đen, rồi loay hoay làm gì bên trong tấm vải, mấy phút sau mắt ông nhìn thẳng vào người ngồi chụp, ra hiệu cho người phụ việc chỉnh lại thế ngồi, vuốt gọn mái tóc. Nhìn thẳng dáng đẹp, ông nói to - ong đơ tờ roa (một - hai - ba) không được nháy mắt tôi chụp. Tay phải ông cầm một cái nắp ống kính bằng nhựa, lượn một vòng tròn rất dẻo trước mắt, rồi đặt cái nắp nhựa lên đầu ống kính chiếc máy ảnh. Một thao tác uyển chuyển linh hoạt đáng yêu như vậy, tôi nhớ như in cho đến bây giờ. Hiệu ảnh của ông nổi tiếng chụp đẹp, trang trí cầu kỳ, hiếu khách càng thu hút tính tò mò của lớp học trò kéo nhau đến xem và chụp ảnh.

Cụ Nguyễn Khắc Khoan sinh hạ được 15 người con (8 con trai), theo nghề của ông là 6 người. Con cả là Nguyễn Khắc An, thân sinh ông Nguyễn Khắc Viên, cả hai cha con đều làm việc tại Công ty Nhiếp ảnh tỉnh Thanh Hóa, hậu duệ là Nguyễn Khắc Hải cũng làm ảnh tại gia ở phố Trần Phú, địa điểm cụ Nguyễn hành nghề ngày trước. Con thứ là Nguyễn Khắc Hồng, theo lời kêu gọi của Việt Minh đã lên đường Nam Tiến đánh giặc giữ nước. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông về mở hiệu ảnh lấy tên Thịnh Hồng (Hồng là tên vợ) ở phố Tịch Điền. Tiếp đến là Nguyễn Khắc Cung, nhiều năm ở bộ đội làm đại đội trưởng, sau này, được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Người thứ 4 là Nguyễn Khắc Huy, một chàng trai hào hoa, lắm tài, có năng khiếu thể thao cũng vào bộ đội chống giặc Pháp xâm lược. Sẵn có nghề ảnh gia truyền, ông Huy phát huy sở trường của mình trong bộ đội nên được thủ trưởng bố trí đi theo chân đơn vị để ghi hình chiến đấu và sinh hoạt của quân đội. Lần duyệt binh ở Nông Cống do tướng Nguyễn Sơn chỉ huy, ông được đến chụp ảnh là một vinh dự hiếm có trong đời lính. Khi giải ngũ, ông Huy cùng vợ làm nghề ảnh tại Công ty Nhiếp ảnh tỉnh... Người con trai thứ 8 là ông Nguyễn Khắc Tám mở hiệu ảnh Nguyễn Tâm tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân quê mẹ, là người vợ thứ 3 của cụ Nguyễn.

Ông Nguyễn Khắc Khoan đã để lại cho đời, cho gia đình và xã hội một cái nghề cao sang, quyền quý. Ông đã du nhập nhanh chóng sự văn minh của phương Tây về cho xứ sở. Ông làm giàu bằng chính đôi tay của mình, được bà con trong thị xã nể trọng. Ông thích chơi đồ cổ, vừa thưởng ngoạn vừa làm lay động lòng khách hàng. Ông tạo được một chiếc lộc bình rất hiếm, tên quan tuần phủ đến xem, trả giá đến 12.000 đồng tiền Đông Dương có thể mua được 400 mẫu ruộng, nhưng ông không bán để ngắm chơi, mua ruộng để làm địa chủ ông không nghĩ tới. Năm 1943, ông qua đời vào tuổi 61, đám tang của ông kéo dài 3 cây số, khi quan tài đã đến đầu nghĩa trang mà người đi cuối chưa ra khỏi nhà. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Chợ Nhàng, tấm bia bằng đá đen núi Nhồi được khắc bằng 2 thứ chữ, chữ Việt và chữ Tàu còn đậm nét.

Tiếp bước ông, dưới thời Pháp thuộc đã có nhiều cửa hàng ảnh ở thị xã Thanh Hóa mọc lên. Hiệu ảnh Tân Vinh ở phố Hàng Đồng, hiệu ảnh Nguyễn Mật ở Bến Cọc, hiệu ảnh Thiệu Vy ở phố Lê Lợi, A-nam Photo ở Hàng Than, Hiệu ảnh Nguyễn Hán, hiệu ảnh Quốc Kỳ...

Nghề chụp ảnh.

Sau Cách mạng Tháng 8 do yêu cầu của xã hội nhiều hiệu ảnh lại tiếp tục mọc lên ở trong thị xã và các vùng lân cận. Đó là Sông Hương ở Đò Lèn, Văn Hương ở Yên Định, Trường Xuân ở Ghép...

Rồi toàn quốc kháng chiến, thực hiện tiêu thổ, vườn không nhà trống, các hiệu ảnh phá cửa hàng cửa hiệu, mang máy tản cư về khắp nơi trong tỉnh. Nhà cụ Khoan đi lên Rừng Thông, đi sang Hậu Hiền để tránh giặc, con cái của ông đã lên đường vào Nam kháng chiến chống Pháp. Cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược bùng nổ, nhiều hiệu ảnh mọc lên để phục vụ thời cuộc.

Công ty Nhiếp ảnh Thanh Hóa được thành lập hoạt động sôi nổi, nhiều năm giữ vai trò chủ đạo trong việc làm chứng minh nhân dân, chụp ảnh thời sự, lễ hội du lịch. Đến năm 1989, do xã hội hóa nghề ảnh, Công ty Nhiếp ảnh giải thể. Số người ở công ty tung về khắp nơi. Huyện nào cũng có vài hiệu ảnh với nhiều tay máy nghiệp dư. Nhằm đáp ứng được yêu cầu của thợ, nhiều lò làm ảnh màu thủ công lại mọc lên, đầu tư khá tốn kém. Một bộ lò màu chí ít cũng phải tính bằng vài cây vàng. Lò màu Phùng Hưng mọc lên ở đường Tống Duy Tân, Trần Lợi ở Quang Trung, Thanh Hùng ở Đài Phát thanh, Hải Thảo ở Cao Thắng, Phú Thang ở Cầm Bá Thước, Xuân Thắng ở Lê Lợi, Nguyễn Khánh ở Quang Trung, Duy Sông ở trước cửa Kho bạc Nhà nước ngày nay... Sự ra đời các lò màu phục vụ các tay máy chụp ảnh bằng phim màu không phải chạy ra Hà Nội để làm ảnh như trước đây theo cơ chế thị trường thật linh hoạt.

Đến năm 1992, các nước trong khu vực phát triển, việc nắm bắt thông tin nhanh nhạy, ngành ảnh đã bước vào một kỷ nguyên mới, thay đổi diện mạo là sự đổi mới và công nghệ in và phóng ảnh bằng máy điện tử. Người làm ảnh khôngphải ngồi trong buồng tối, được bấm máy ở trong phòng lạnh có điều hòa nhiệt độ, đạt chất lượng cao, tốc độ nhanh, mỗi giờ làm được dăm trăm ảnh bằng một lò màu thủ công phóng cả ngày lẫn đêm. Các máy minilab Phú Thang ra đời đã thu hút lượng khách của các lò màu thủ công. Lúc bấy giờ giấy ảnh rẻ, thuốc phim rẻ, giá ảnh lại bình đẳng nên gây sự chú ý của các nhà kinh doanh thả vốn đầu tư mua máy minilab. Vào những ngày lễ, tết lượng khách chờ lấy ảnh đông hơn người xếp hàng mua vé tàu dịp Quốc khánh. Tiền thu về xếp trong bao tải. Chẳng có kinh doanh nào mà đắc địa như ảnh minilab. Ông Đoàn Văn Cung, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tính toán nhanh, với đà này chỉ trong dăm tháng là thu hồi vốn. Ông đã huy động 400 triệu đồng mua máy lab, thuê thợ tỉnh ngoài, cho con trai hành nghề tại đại lộ Lê Lợi, ông Lê Viết Dược, Giám đốc Nhà máy Thuốc lá khai trương máy lab bằng tiệc đứng, uống bia Nhật, xài thuốc sang, ông Nguyên Cầu, từ Hà Nội nhảy vào Công ty Than, hiệu ảnh Hà Mi chiếm lĩnh vị trí phía Tây thị xã, ông Trần Lợi liên kết với một cán bộ ngành Công an có mặt ở đường Nguyễn Trãi, ông Tạ Thuần, chủ hiệu thuốc bắc tận Hà Nội cũng vào phố Lê Hoàn dựng biển tại Bờ Hồ, đèn hoa tưng bừng. Rồi Kodak Việt Hồng thuê cửa hàng của Công ty Điện máy, cạnh nhà trồng răng Quý Châu, khai trương máy lab, mời đủ quan khách của tỉnh về dự.

Về sau máy minilab của các cửa hàng ảnh truyền thống mới mọc lên đều khắp thị xã. Đó là Nguyễn Tiến, Công Thắng, Xuân Thắng, Trường Giang, Triệu Vi, Thúy Từ, các huyện có Duy Hay (Triệu Sơn), Nguyễn Hùng, Sơn Hằng, Sơn Hiển (Tĩnh Gia), Hoa Quý (Bỉm Sơn), Nguyễn Thống (Thọ Xuân).

Người làm ảnh có chừng, máy lab đầu tư nhiều quá, nên có sự sàng lọc của khách hàng để tồn tại. Các máy lab tự đào thải, rút khỏi cuộc chiến một cách âm thầm lặng lẽ, bán nhanh, bán tháo không thì vỡ nợ. Máy lab ông Đoàn bán ngay cho Hòa Bình, máy ông Dược bán sang tận bên Nga, các máy ông Tạ, ông Nguyên, Hà Mi đưa xe cẩu móc về Hà Nội, Thúy Từ thì từ mặt với nghề ảnh, chỉ trong một đêm ông đã tháo biển quảng cáo trao trả cho Kodak, máy ông Trần bỏ của chạy lấy người, máy ông Hay đắp chiếu để lại ngắm, không hoạt động được. Sự đổ vỡ trong vụ kinh doanh máy lab là thế. Tồn tại chỉ có những gương mặt sống chết với nghề, hành nghề chính đáng, có hồng có chuyên. Tiêu biểu là Phú Thang, Xuân Thắng,Nguyễn Tiến và các huyện thì gặp Nguyễn Thông, Hoa Quý, Sơn Hiển.

Sự tín nhiệm của khách hàng là thương hiệu vĩnh cửu nuôi lớn thanh danh đảm bảo cho nghề nghiệp phát triển. Ngoài những yếu tố đã có, các chủmáy lab đã chú trọng đến công nghệ tiên tiến, in phóng ảnh bằng laser, bằng kỹ thuật số mới tồn tại lâu dài.

Ông Nguyễn Khắc Khoan là người cắm cột mốc cho nghề nhiếp ảnh. Nhà ảnh Phú Thang là người đầu tiên đưa máy phóng ảnh màu điện tử, máy phóng ảnh kỹ thuật số bằng tia laser về Thanh Hóa. Cách nhau hơn một thế kỷ, những chặng đường đã đi qua, càng quý trọng cụ Khoan, thêm tự hào về đồng đội đã chung lưng đấu cật, kinh doanh ngành ảnh văn hóa, văn minh, đoàn kết, xứng là học trò nhỏ của cụ Nguyễn Khắc Khoan.

Phạm Phú Thang


Phạm Phú Thang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]