(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 ở làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà thơ Hữu Loan với ‘Màu tím hoa Sim’

Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 ở làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Hữu Loan những ngày còn trẻ

Ông đến với cách mạng, với thơ từ thuở còn trẻ. Ở tuổi 22 Hữu Loan đậu tú tài triết học (1938), trước đó ông đã đứng trong hàng ngũ của Đoàn thanh niên dân chủ (1936). Hồi ấy mà có một cậu thanh niên đậu tú tài toàn phần đã là một vinh dự cho quê hương và gia đình. Anh Tú Loan đi dạy học tư rồi tham gia Mặt trận Việt Minh, trở về quê gây dựng phong trào cách mạng. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Hữu Loan đã là Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Hữu Loan đã chỉ huy toàn quân vào huyện đường tiếp nhận đầu hàng của huyện trưởng, sắp xếp các cơ quan quyền lực ngày đầu cách mạng.

Chỉ một tháng sau khởi nghĩa, ông Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện trở thành Ủy viên văn hoá của Ủy ban nhân dân lâm thời của tỉnh, phụ trách các ty giáo dục, thông tin, thương chính và công chính. Trong bộ sưu tập của Thanh Hóa còn lưu giữ 2 văn bản do Hữu Loan ký. Văn bản thứ I là quyết định về ngày khai giảng năm học mới và văn bản thứ 2 là đơn xin đi dạy của anh Trịnh Hiệt ở Tổng Dương, Thủy phủ Hoằng Hoá.

Tôi gặp Hữu Loan lần đầu vào năm 1959 ở nhà của nhà văn Minh Đệ. Ông tham gia đoàn xe thồ chuyển gạo cho ngành giao thông. Lúc chở nhận hàng ông vào thăm bạn. Làm cái chân xe thồ, ông vẫn lạc quan, lăn vào chén rượu, rồi ngâm thơ.

Đầu những năm 1960 tôi và nhà văn Hoàng Hùng đã có mấy lần về thăm ông ở Nga Sơn. Ông làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi 8 đứa con.

Giữa năm 1995 ông ra Hà Nội và ghé qua chỗ tôi ở.

Nhà thơ Hữu Loan.

Gặp Nhà thơ Hữu Loan ở Hà Nội

Sống xa chốn phồn hoa đô hội và làm đủ nghề: Kéo lưới, xe thồ, đi cày, đốn củi... nhưng tâm hồn Hữu Loan vẫn rất thi sĩ và vẫn giữ đủ cái cốt cách xứ Thanh: Bộc trực, thẳng thắn. Lần ấy anh ra Hà Nội mươi ngày và tôi lại được gần anh.

Tôi ngẩng lên đã thấy nhà thơ Hữu Loan lững thững vào đến cửa. Cụ già 79 tuổi bận bộ đồ tàng tàng: Chiếc quần bò mặc lại của con có vài chỗ mạng, khéo nhìn mới thấy, chiếc áo vilaket chắc đã dùng dăm ba vụ rét, đôi giày vải màu tím cũ kỹ. Tôi bóc thuốc mời anh, anh xua tay và nói:

- Mình thôi lâu lắm rồi.

Tôi đem chai rượu mời, anh cười và nói:

- Cái này thì được vài chén

Tôi nghĩ bụng: Anh già đi nhiều, bộ râu đã bạc và dài hơn hẳn lần gặp trước mà khen cánh thợ ở gần chợ Đông Ba cố đô Huế có hai câu chào thật hóm hỉnh.

"Chào người màu tím hoa sim

Chào chòm râu bạc đi tìm ban sơn"

Lạ lùng thật, còn 9 tháng nữa anh tròn 80 tuổi, vất vả cực nhọc là vậy mà anh vẫn khoẻ, vẫn vào Nam ra Bắc, và hôm nay lang thang trên đường phố Hà Nội. Tôi hỏi:

- Anh đi được những đâu rồi?

- Đi đến chỗ các nhà sư chùa Hương để ngâm thơ.

Tôi hỏi:

Họ trả bao nhiêu?

- Năm chục!

Tiếp đó, anh kể chuyện vừa rồi các cô gái Huế lặn lội ra Thanh (chứ không phải Đào Huế ra Kinh bắc tìm Tuần Ty), dừng chân ở đâu hỏi thăm Hữu Loan người ta cũng biết, cũng chỉ đường. Các cô biết nhà thơ trước hết qua nhạc rồi mới đến thơ và nay là người. Tôi hỏi:

- Cái bản nhạc suốt ngày rên rỉ "nàng có ba anh đi quân đội" là của ai?

- Phạm Duy. Lúc ấy Thanh Hóa là "Thủ đô văn nghệ" kháng chiến. Các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, Lưu Trọng Lư...và cả các tri thức Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Nguyên Mạnh Tường, Trương Tửu đều về ta cả. Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Duy và Tôi là lính của tướng Nguyễn Sơn. Mình cưới vợ thời ấy. Phạm Duy phổ nhạc nhưng lúc vào Thanh mới đem ra hát. Chuyện trong bài thơ là chuyện thật của đời mình!" - Cả cái câu: "Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới/ Tôi bận đồ quân nhân/ Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo".

- Cả, y nguyên như chuyện ngoài đời chỉ dùng lời để đưa vào thơ nên có thể làm một mạch. Cuộc sống đọc, nhà thơ ghi lại.

- Giữa lúc cuộc kháng chiến đang ở hồi gay go quyết liệt, đang cần hàng vạn thanh niên lên đường ra trận sao anh dám viết: "Lấy chồng thời chiến chinh/ Mấy người đi trở lại/ Nhỡ khi mình không về/ Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê".

- Thì chuyện là như vậy, và mình cũng không ngờ là đã có những câu chuyện thơ như vậy. Nhưng có ai đọc thơ mình mà không lên đường ra trận cứu nước đâu? Còn nếu mình lên giọng "xung phong" thì biết đâu hôm nay không còn ai biết Hữu Loan là ai cả!

- Đúng như vậy! Một em học sinh của tôi - anh Lê Đình Bằng - kể rằng: Năm em đi bộ đội, trong đáy ba lô có cuốn sổ nhỏ ghi bài thơ Màu tím hoa sim và cả Bên kia sông Đuống nữa! bài thơ đã theo em đi suốt cuộc đời cầm súng và em đã trở về lành lặn, chững chạc!

Tôi mừng là thấy anh vẫn khỏe, vẫn vui. Cốt cách của người lính Cụ Hồ: Giản dị, trung thực, yêu đời, dũng cảm... vẫn còn ở lại trong anh. Tôi hỏi:

- Bao giờ anh mừng thọ 80, báo cho em biết để có bài chào mừng.

- Chả bao giờ. Chỉ tốn kém và rồi lại thêm những lời đàm tiếu không đâu. Lẽ đời: kẻ yêu cũng không nhiều mà người ghét cũng lắm.

Tôi nhớ lại có nhiều người đã hỏi tôi về chuyện riêng của nhà thơ Hữu Loan, nên tôi hỏi anh:

- Trong bài Màu tím hoa sim câu mở đầu: Nàng có ba người anh đi bộ đội là chuyện văn chương hay có địa chỉ hẳn hoi?

- Nàng là Lê Đỗ Thị Ninh, vợ mình là con ông Lê Đỗ Kỳ, đại biểu Quốc hội khoá I, Chủ tịch UBKTHC huyện Nông Cống. Ba người anh là Lê Đỗ Khôi, Tiểu đoàn trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh ở đồi Him Lam. Người thứ hai là Lê Đỗ Nguyên nay là Trung tướng Phạm Hồng Cư. Còn người thứ ba là Lê Đỗ An tức đồng chí Nguyễn Tiên Phong -Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cứu Quốc Việt Nam.

- Hình như đến bây giờ anh vẫn yêu chị Ninh.

- Bà ấy là một người đẹp, dịu dàng, một cô gái tân thời, có học thức ra đi từ lúc vừa tròn 18 tuổi. Bài Màu tím hoa sim viết từ năm 1949 và bằng con đường truyền miệng đã đến với bạn đọc trước khi in vào năm 1956. Nhiều năm sau cái chết của vợ, mình vẫn nhớ khuôn mặt thanh tú ấy, chiếc áo nàng mặc "Màu tím hoa sim". Bà vợ hiện nay của mình vẫn nói: Anh ăn ở với người đang sống nhưng vẫn yêu người đã mất...

Đúng là cái chuyện văn chương mà! Ngày xưa Tương Phố đã khóc chồngvà Đông Hồ đã khóc vợ, tưởng như phải chết theo rồi mà họ vẫn phải lo chuyện của phần đời còn lại. Anh Hữu Loan cũng vậy, anh đã lập gia đình và có 8 con, con gái út là hoạ sĩ mới ra trường. Cuộc đời anh như mơ như thật, biết đâu sau này sẽ có một cuốn phim tình sử về Màu tím hoa sim...

Hữu Loan về quê sống hơn nửa thế kỷ. Anh đúng là một người tài hoa, giỏi giang, luôn thích nghi được với cuộc sống. Đậu tú tài toàn phần, không xin đi làm thông phán, ngủ nhà lầu lại đi làm Việt Minh. Trở thành nhân vật lãnh đạo của huyện, của tỉnh. Tưởng cứ thế mà bước những bước mới, nào ngờ anh lại lên đường ra trận. Màu tím hoa sim ra đời ở thời kỳ ấy. Anh cưới vợ ở thời kỳ ấy. Tưởng anh sẽ sống chết với thơ, nào ngờ anh lại tham gia "nhân văn", tham gia "nhân văn" anh chẳng làm thơ chống đối, chẳng làm gì hại cách mạng. Rồi anh trở thành dân thường, không lương, không phiếu gạo.

Nguyễn Hữu Loan vĩnh biệt cuộc đời đem theo cả những kỷ niệm đẹp và buồn của gần một thế kỷ sống và làm thơ vào một ngày giữa mùa xuân năm 2010.

Cuốn Địa chí Thanh Hóa của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa ở phần nhân vật Chí đã viết về Hữu Loan: "Ông nổi tiếng với bài thơ "Màu tím hoa sim" được sáng tác trong thời gian kháng chiến chống Pháp và được lưu hành rộng rãi trong vùng kháng chiến. Hữu Loan để lại khoảng 60 bài thơ, tiêu biểu như: "Cũng những thằng nịnh hót", "Đèo Cả", "Đêm", "Màu tím hoa sim", "Hoa lúa", "Ngày mai", " Thánh mẫu hài đồng", "Tình thủ đô", Yên Mổ",... Thơ ông thường làm theo thể tự do, có âm điệu, giàu nhạc tính để chuyển tải tâm sự vì thế những bài thơ hiếm hoi đã được phổ biến của ông đều sống mãi trong lòng độc giả. Nói đến Hữu Loan, người ta nhớ đến "Màu tím hoa sim", bài thơ xuất phát từ nỗi lòng của riêng ông, nhưng gây xúc động và nhận được sự đồng cảm của người đọc. Bài thơ đã được nhạc sĩ Dũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng phổ nhạc vào tháng 10 năm 2004, Màu tím hoa sim đã được Công ty Cổ phần Công nghệ Việt mua bản quyền.

Ông từ trần vào ngày 18 tháng 3 năm 2010 tại quê nhà, hưởng thọ 95 tuổi.

Ghi nhận những đóng góp của ông cho nền văn học - nghệ thuật nước nhà, Nhà nước đã truy tặng ông giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012".

Lê Xuân Kỳ


Lê Xuân Kỳ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]