Tôi biết chị Lê Gái từ trang facebook. Hình ảnh một người phụ nữ vừa vặn trong bộ quân phục mới tinh, màu xanh, với nụ cười không có tuổi là ấn tượng để lại. Có người nói chị từng là bộ đội thời đánh Mỹ, tôi bán tin bán nghi vì nhìn ảnh thấy chị quá trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhóm kỷ niệm hong niềm mộng ảo

Tôi biết chị Lê Gái từ trang facebook. Hình ảnh một người phụ nữ vừa vặn trong bộ quân phục mới tinh, màu xanh, với nụ cười không có tuổi là ấn tượng để lại. Có người nói chị từng là bộ đội thời đánh Mỹ, tôi bán tin bán nghi vì nhìn ảnh thấy chị quá trẻ.

Cuối năm 2021, gặp chị ở Sầm Sơn, tôi mới biết Lê Gái là bút danh, tên trong chứng minh thư của chị là Lê Hải Chinh, sinh năm 1955, tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Lạ nhỉ, phần lớn các cây bút, nhất là cây bút nữ, thường đổi tên khai sinh có dáng dấp quê mùa để lấy bút danh hiện đại, còn ở đây, chị Lê Gái lại làm điều ngược lại.

Năm 1971, mười sáu tuổi, chị nhập ngũ, vào Trường Sơn lái xe vận tải, không biết bao nhiêu lần chở hàng, đưa quân vào Nam, ra Bắc. Chị bảo mình là người may mắn, lái xe ba năm, thay năm cái Zin ba cầu, mà không bị cháy xe lần nào, trong khi nhiều đồng đội, xe cháy, người hy sinh, người mang thương tật suốt đời! Sau khi nghe qua “trích ngang lý lịch” của chị, tôi nhìn chị bằng con mắt nể phục, nên khi có ý nhờ tôi biên tập và viết lời giới thiệu cho tập thơ “Nghiêng chiều”, tôi vui vẻ nhận lời.

“Nhóm kỷ niệm hong niềm mộng ảo” là một câu thơ của chị trong bài “Ký ức Trường Sơn” tôi mượn làm tiêu đề cho bài viết của mình. Tôi hiểu chữ “nhóm” không chỉ mang nghĩa “gom lại”, mà quan trọng hơn là “đốt lên” như người ta nhóm bếp, có như thế mới có năng lượng sưởi ấm tương lai, kể cả “niềm mộng ảo”. Mặc dù cuộc chiến đã lùi xa non nửa thế kỷ, với chị Lê Gái, ký ức Trường Sơn thường trực trong lòng như than ủ, hễ có chút “gió nguyên cớ” là bùng lên thành ngọn lửa, ngọn lửa ký ức trần trụi, chân thật và có khi cũng rất nên thơ: Đường Trường Sơn dốc trơn chống gậy/ Đường Hai Mươi đèn gầm rất nhỏ/ Ôm vô lăng vượt cái chết đang rình. ​(Ngày xưa).

Với ký ức, thơ chị Lê Gái thật cụ thể, chi tiết chuyện sinh hoạt hàng ngày cũng như ý nghĩ thật của nữ “lính xế”: Những nắm cơm bẻ miếng cầm tay/ Nhai nuốt vội rồi ra bờ suối lạ ​(Tháng Bảy); Viên thuốc đắng cố dằn lòng mà nuốt/ Nuốt cả nghẹn ngào nỗi nhớ quê hương ​(Em là lính xế)...

Đọc khổ thơ: “Đêm ngủ giữa rừng giấc mơ treo hai đầu Nam - Bắc/ Nửa làm nũng mẹ, nửa leo dốc đèo/ Khóc chưa xong lại sằng sặc cười reo/ Con gái lái xe chúng em là thế đó!” ​(Đường xưa); tôi thích nhất “giấc mơ treo hai đầu Nam - Bắc”. Sao lại “treo”? là vì ngủ võng! Lính Trường Sơn nói chung toàn ngủ võng, lính lái xe có khi ngủ trong buồng lái, nhưng phần lớn ngủ võng, buộc vào hai cây rừng hay hai cột nào đó trong căn hầm. Sự thật cánh võng ấy căng theo hướng nào là do hai cây buộc quyết định, nhưng trong ý nghĩ của người chiến sĩ lái xe vì công cuộc giải phóng miền Nam thì hướng cánh võng khi nằm ngủ phải là Nam - Bắc, Bắc - Nam. Giấc mơ ấy đưa người lính nữ lái xe khi trở về quê hương “làm nũng mẹ”, khi gặp công việc hàng ngày của mình là “leo dốc đèo”.

Về tình cảm gia đình, Lê Gái nhớ thương nhất là người mẹ của mình. Nhà nghèo, lại đông con, mười chị em tất cả, tám người lao vào cuộc chiến, sáu bộ đội, hai thanh niên xung phong, chiến trường nào cũng có con của mẹ. Thế nhưng khi tan cuộc chiến, năm 1975, chị trở lại quê nhà thì không còn mẹ nữa: Thương con mà chẳng kịp chờ/ Con về đếm bước bơ vơ đi tìm/ Nằm trong lòng đất im lìm/ Cỏ xanh ôm ấp một miền cháo rau ​(Nhớ mẹ). Đọc câu thơ cuối: “Cỏ xanh ôm ấp một miền cháo rau”, lòng bạn đọc rưng rưng cảm thương.

Rồi em trai sát chị, em Thành nhập ngũ, hành quân vào Nam. Ngờ đâu tiễn biệt trở thành vĩnh biệt: Mưa rào cứ đổ giậu thưa/ Cửa nhà chị mở em chưa thấy về...​(Chờ em).

Phần lớn các bài thơ trong tập “Nghiêng chiều” là thơ tình. Phải khẳng định đây là thế mạnh của tác giả. Các trạng thái tình yêu như thấp thỏm đợi chờ, cô đơn thất vọng, hạnh phúc sum vầy hay nghi ngờ trách móc... đều có đủ. Về hình thức nghệ thuật, với “Nghiêng chiều”, Lê Gái sử dụng các thể thơ Lục bát, Ngũ ngôn, Thất ngôn, Thất ngôn biến thể và Tự do. Ở thể thơ nào chị sử dụng vần điệu cũng chuẩn, không câu nào trúc trắc, đặc biệt là thơ Lục bát. Trong tập thơ này, tất cả các câu lục cũng như câu bát đều chuẩn, đặc biệt Lê Gái sử dụng khá nhiều tiểu đối 4/4, tạo cho bạn đọc cảm giác cân xứng mang tính cổ điển và dân gian. Ví dụ như: Thu non ngúng nguẩy dỗi hờn/ Mưa nhòe nhoẹt tím/ nắng hơn hơn vàng ​(Thu ơi); Lạc mình ai đón ai đưa/ Lung lay chữ đợi/ lưa thưa quãng chờ ​(Đông về); Nếu không có những bình minh/ Bông duyên sao nở, nhánh tình sao xanh? ​(Anh chỉ là thơ);...

“Nghiêng chiều” là tập thơ thứ ba của Lê Gái xuất bản sau hai tập “Người về từ độ thanh xuân” (2016) và “Tự khúc chiều xuân” (2018). Trong tập thơ này, nhiều bài chị dùng từ “chiều” như muốn ẩn dụ tuổi tác của mình, nhưng thực tế chị còn sung sức lắm, cả về thể chất cũng như sức sáng tạo thi ca.

VƯƠNG TRỌNG



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]