(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể nói Nguyễn Minh Khiêm đang là một hiện tượng thơ gây “bão” ở Xứ Thanh. Khi kết thúc sự nghiệp “trồng người” (2012) với gần 40 năm làm nghề dạy học và làm quản lý giáo dục. Giờ đây như là một “cơ hội vàng” để anh toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp văn chương của mình, số lượng tác phẩm “nườm nượp” ra đời khiến bạn đọc và người trong giới cũng phải nể trọng. Bình quân hàng năm anh cho in 2- 3 đầu sách và hàng chục bài thơ lẻ của anh được in ấn trải khắp trên các báo và tạp chí từ Bắc vào Nam. Qua đó đủ thấy sức làm việc phi thường của anh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những cơ sở của niềm tự hào

Có thể nói Nguyễn Minh Khiêm đang là một hiện tượng thơ gây “bão” ở Xứ Thanh. Khi kết thúc sự nghiệp “trồng người” (2012) với gần 40 năm làm nghề dạy học và làm quản lý giáo dục. Giờ đây như là một “cơ hội vàng” để anh toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp văn chương của mình, số lượng tác phẩm “nườm nượp” ra đời khiến bạn đọc và người trong giới cũng phải nể trọng. Bình quân hàng năm anh cho in 2- 3 đầu sách và hàng chục bài thơ lẻ của anh được in ấn trải khắp trên các báo và tạp chí từ Bắc vào Nam. Qua đó đủ thấy sức làm việc phi thường của anh.

Nhân đọc bài thơ “Cứ về Thanh Hoá một lần” của Nguyễn Minh Khiêm

Quả thực khi bài thơ “Cứ về Thanh Hoá một lần” của Nguyễn Minh Khiêm ra đời đã có nhiều người bình phẩm, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Có những bạn đọc chỉ viết đôi ba dòng hoặc có khi dài tới vài ba trang giấy. Nhưng tựu chung đều ánh lên niềm tự hào về một miền đất địa linh nhân kiệt. Thú vị hơn là đã có nhiều nghệ sỹ chuyển thể thành nhiều thể loại âm nhạc, có bản là ca khúc trữ tình, có bản là hát chầu văn, có bản là ngâm vịnh, diễn xướng... Tất cả đều toát lên vẻ thành kính, ngưỡng mộ.

“Cứ về Thanh Hoá một lần” chỉ với 30 câu thơ lục bát đã lột tả toàn bộ thần thái về mảnh đất và con người xứ Thanh. Giờ đây trong anh như hội tụ đầy đủ tư duy của một nhà địa lý - khi anh liệt kê từng địa danh được trải khắp từ miền xuôi đến miền ngược, từ đầu Bắc đến đầu Nam, từ vùng biển đến miền núi và từ đồng bằng đến các vùng trung du xứ Thanh... Nơi nào cũng đặc sắc và ám ảnh. Rồi anh lại có tư duy của một nhà sử học - những sự kiện có thể là giả sử, có thể là chính sử; có thể là truyền thuyết xa xưa hay những nhân vật bằng xương bằng thịt rất gần với chúng ta, như: Từ Thức, thần Độc Cước, ông Bùng, Bà Triệu, Lê Lợi, Trạng Quỳnh... Tất cả đều lấp lánh niềm tự hào không phải chỉ khoanh vùng trong một không gian bó hẹp là những người con quê Thanh mà là của nước Việt Nam ta từ bao đời nay. Rồi anh lại có tư duy của một nhà văn hoá dân gian, được trải nghiệm, được thấm đẫm để nêu bật những nét đặc trưng không trộn lẫn với bất cứ vùng, miền nào:

Vì sao hát lại dô huầy

Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang

Vì sao đi cấy sáng trăng

Vì sao hạt cát cũng vang trống đồng.

Bài anh không hề mê hoặc, dẫn dụ bạn đọc về với Thanh Hóa bằng những lời giới thiệu về một vài địa danh có tính chất tham quan du lịch như: Sầm Sơn, Suối cá thần, Am Tiên, động Hàm Rồng, làng đúc đồng, làng dân ca Đông Anh... Hay một số sản vật “tiến vua”: bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng, nem chua, bánh đa... Ngay cả cái tựa đề “Cứ về Thanh Hoá một lần” đủ thấy không có gì là đon đả, chèo kéo cả. Nhưng ẩn chứa bên trong là một sự chân thành, nồng ấm và thịnh tình đón khách. Từ “cứ” đã nói lên được sự thẳng thắn, dứt khoát, không do dự về một lời đề nghị. Nếu thay bằng từ “xin” thì hơi bóng bẩy, nghệ thuật; thay bằng từ “hãy” thì mang tính mệnh lệnh. Vậy, “cứ” là lột tả được bản chất, phong thái của con người xứ Thanh. Và lời đề nghị này cũng không khẩn khoản lắm, chỉ cần “một lần” khi bạn có điều kiện ghé qua thăm. Xin thưa, không ai mê hoặc bạn cả, chỉ cần đến một lần thôi thì tự bạn đã yêu và “hiểu hết người dân xứ này”. Và một khi đã hiểu rồi thì cảm mến vô cùng về sự chân thành, thuỷ chung, nhiệt huyết, chịu thương, chịu khó. Bởi ở con người họ luôn có ý chí, lòng quả cảm để chống giặc giữ nước và dựng xây Tổ quốc đẹp giàu.

Trong toàn bài là sự gợi mở mang tính tò mò cho du khách. Tác giả không giải thích về một hiện tượng, một trường hợp nào. Hàng chuỗi các câu hỏi “vì sao” được đặt ra đang chờ bạn khám phá và lý giải về nó. Nếu chỉ nghe kể, chỉ xem các kênh thông tin là báo chí, tài liệu không thôi thì không đủ để hiểu hết được người dân xứ này.

Bởi:

Ngõ quê rung tiếng Trạng cười

Rạ rơm ấm áp những lời giao duyên

Hay:

Vượt sông thì vượt Hang Ma

Vượt biển thì phải vượt qua Thần Phù

Đất thì sông Mã, sông Chu

Hết Pù Nooc Cooc lại Pù Eo Cưa

Núi thì đâu cũng núi Nưa

Làng thì sinh Chúa, sinh Vua khắp vùng

Sức ai cũng sức ông Bùng

Chí ai cũng chí anh hùng cưỡi voi

Để rồi, nếu cứ tìm hiểu qua đống tài liệu ấy thì bạn đâu có một cảm giác lãng mạn như thế này được: “Yêu nhau đem cả biển về rửa chân”. Một ý thơ chất ngất tinh thần khoáng đạt đã mở ra chiều kích cho sự lãng mạn đến tột cùng. Nếu phía trên không có câu “Mở trang sử cứ tưởng chơi hú hà” thì câu này thiếu đi sức bật của một vẻ đẹp vừa lãng mạn, trữ tình; vừa lột tả được ý chí, sức mạnh, lòng quả cảm và tinh thần bạo liệt của người dân xứ này.

Bài thơ ngắn, gọn, đẹp, đã lột tả được đầy đủ cảnh sắc và con người xứ Thanh. Tưởng là rất tự nhiên, thuần khiết như tự trời sinh ra. Nhưng nghiên cứu kỹ càng lại cho ta thấy phải trải qua luyện rèn mới tôi đúc được những con người vĩ đại như thế. Không phải làng tự nhiên mà “sinh Chúa, sinh Vua” đâu; mà phải trải qua thăng trầm, gian nan của lịch sử; qua ý chí, nghị lực mới tạo dựng nên được những con người như thế ấy. Càng nghiền ngẫm ta càng yêu, càng tự hào về con người, cảnh sắc xứ Thanh ta.

Cứ về Thanh Hoá một lần bạn sẽ được trải nghiệm và “hiểu hết người dân xứ này”. Chúng tôi những người con quê Thanh, đất Thanh sẽ không phụ lòng mong mỏi của bạn; sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huytruyền thống anh hùng trên mảnh đất quê hương yêu dấu.

Phạm Văn Dũng


Phạm Văn Dũng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]