(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời còn trẻ, tôi công tác ở Thanh Hoá, ít gặp nhà thơ Lê Đình Cánh. Nhưng từ những năm 70 của thế kỷ XX, anh Lê Đình Cánh đã giới thiệu thơ tôi trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, cho dù anh chỉ biết tôi ở mỏ crômít Cổ Định Thanh Hoá thôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những kỷ niệm với nhà thơ Lê Đình Cánh

Thời còn trẻ, tôi công tác ở Thanh Hoá, ít gặp nhà thơ Lê Đình Cánh. Nhưng từ những năm 70 của thế kỷ XX, anh Lê Đình Cánh đã giới thiệu thơ tôi trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, cho dù anh chỉ biết tôi ở mỏ crômít Cổ Định Thanh Hoá thôi.

Sau năm 2000, khi tôi về Hà Nội, rất nhiều lần anh em đã gặp nhau và nhất là các lần đi thực tế với nhau. Những kỷ niệm với anh như những nỗi niềm buồn vui, một đi không trở lại.

Với anh Lê Đình Cánh, đó là tình cảm chân tình sâu sắc với bạn bè: Mỗi lần tôi đến chơi nhà, anh hối hả ra ngõ khi nghe tôi bấm chuông. Rồi anh lật đật đi pha nước, vừa mở hộp chè vừa nói: Chè Thái Nguyên thứ thiệt tiếp Lê Tuấn Lộc đây, uống thử và phát biểu. Rồi anh lại mời tôi ra xem vườn lan, vườn hồng của anh: Anh khoe đây là hồng Đà Lạt, đây là hồng Pháp và rồi cuối cùng anh lại không quên dẫn tôi thăm cây bưởi đã vàng những quả. Anh cắt một quả to và đưa tôi: Chú mang về thắp hương cho cụ.

Nhiều lần trong đêm, anh bất ngờ gọi điện cho tôi. Anh dặn năm ấy tôi phải cẩn thận vì sao của tôi xấu, anh nhắc năm sau tuổi tôi làm ăn được... Tôi nghe, không dám phản ứng gì. Mà chỉ có anh mới nói với tôi như thế. Cho nên, nếu khuya, nghe chuông, tôi biết chỉ có Lê Đình Cánh gọi. Cũng có lần anh giận tôi vì chuyện không đâu. Nhưng tôi nghĩ anh không giận tôi lâu. Mà anh có giận cũng vì tôi vô ý mà thôi. Còn tôi, trọn đời, tôi nhớ ơn anh Lê Đình Cánh. Anh đã giúp tôi rất nhiều và tôi trưởng thành về sáng tác là nhờ anh. Nhiều lần anh Lê Đình Cánh đã khuyên tôi: Cậu viết ký văn học đi. Cậu viết ký được đấy. Tôi từ chối: Em không viết được ký văn học đâu. Nhưng rồi, anh nói mãi, tôi đã theo anh và tôi đã viết ký. Nhà văn Nguyễn Hiếu có lần bảo tôi: Lê Tuấn Lộc viết ký được đấy. Thì ra, đó là công vận động tiếp sức của anh.

Anh Lê Đình Cánh có một trí nhớ rất tuyệt vời. Anh kể: Khi anh còn làm Phó ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Một lần,Nhà thơ Tố Hữu gửi sang đài bài thơ Nước non ngàn dặm. Anh Cánh nói: Buổi sáng, anh Trần Lâm, giám đốc đài giao tôi xem trước bài đó để chuẩn bị cho Trần Thị Tuyết ngâm tối chủ nhật. Buổi chiều, anh Trần Lâm bảo tôi đưa bản giấy anh xem, tôi bảo, không cần, tôi đã thuộc và tôi đọc anh ấy nghe cả bài thơ dài. Anh Trần Lâm ngạc nghiên khi tôi đọc thuộc lòng một bài thơ dài đến mấy trăm câu.

Nhưng câu chuyện làm tôi ngạc nhiên hơn là tháng 8 năm 2014, khi Hội Nhà văn Việt Nam hội thảo về tập thơ Đi tìm vàng của tôi. Anh có tham luận về nội dung: Người trong cuộc, khoảng 5 trang giấy A4. Khi anh tham luận, nhà thơ Viên Lan Anh ngồi bên cạnh ngạc nhiên thấy anh không nhìn giấy gì cả và nói vanh vách như người bình thơ trên đài. Viên Lan Anh hỏi anh Cánh. Anh bảo: Tôi viết ra thì tôi đã thuộc rồi và thơ Lê Tuấn Lộc cũng dễ thuộc. Nghe chuyện, mọi người trố mắt về một trí nhớ tuyệt vời khi anh lúc đó đã ngoài 70 xuân.

Lê Đình Cánh là một nhà báo xông xáo với thực tế. Về cơ sở, chỉ sau vài phút ngoại giao, anh đã tách khỏi đoàn để đi lấy tư liệu. Khi đi thực tế với tôi ở Thanh Hoá, anh đã có bài ký về Nông thôn mới ở Tĩnh Gia rất hay. Bài ký đó về sau được giải nhất về Ký trong cuộc thi viết do báo Thanh Hoá tổ chức. Bác Lê Huy Ngọ - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hoá, khi đọc bài ký đó rất thích. Anh viết ký nhanh, tư liệu rất chọn lọc và đặc biệt là vẫn mang tính văn chương sâu sắc.

Tác giả (bên phải) và cố nhà thơ Lê Đình Cánh.

Trong chuyến đi núi Nưa với tôi và nhà báo Hạnh Thủy, VOV TV, anh vào từng gia đình thợ mỏ ở mỏ cromít Cổ Định Thanh Hoá để nghiên cứu đời sống của thợ mỏ. Kết quả là anh có một bài ký về Người trong cuộc. Bài ký sâu sắc về thợ mỏ mà đầy tính văn chương.

Năm 2012, khi về đi thực tế ở Mộc Châu, anh đến từng trang trại bò, thăm các gia đình nuôi bò sữa giỏi. Bài ký về Mộc Châu của anh phát trên Đài TNVN làm tôi nhớ đến bài thơ anh sáng tác mấy chục năm trước khi mới ra trường anh về Mộc Châu rồi bài thơ được giải cao ở Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Xuân Diệu làm Chủ tịch Hội đồng chung khảo năm ấy... Nắng lành như mắt cửu non, câu thơ ám ảnh tôi một thời.

Lê Đình Cánh là một nhà thơ biệt tài về thơ lục bát. Kỷ niệm những lần anh đọc thơ tại nhà riêng vẫn còn trong tôi. Đôi khi anh nói về thơ ai đó nhưng rồi anh lại đọc lên một câu thơ anh, làm tôi giật mình: Tình yêu như thể chơi đề/ Đợi con độc đắc lại về trắng tay.

Câu thơ buồn mà tiếc nuối làm cho câu chuyện anh em như lắng lại giữa chừng.

Tài hoa thiên bẩm mà trời giành cho Lê Đình Cánh khi anh nói về người mẹ nhà quê chân chất ra Hà Nội thăm con: Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào.

Có lần, trong hương chè thơm, tôi nghe anh đọc say sưa bài Quán Sứ bên này:

...Chùa Quán Sứ, bệnh viện K

Nằm kề hai phíanhà pha Hỏa Lò

Nơi vô lo, chốn đang lo

Các nơi thiện ác giằng co con người

Rồi... Tim tôi như thắt lại khi văng vẳng trong đêm nghe đài ngâm bài Xem nhờ tivi:

...Bao năm cám cảnh xem nhờ

Lão bà khép nép ngồi chờ tivi

Mắt mờ nào có thấy chi

Nặng tai nghe tiếng thầm thì qua loa

Một lần đi Mộc Châu, trên xe, anh đọc một câu thơ lục bát nghe mà ai oán cho đàn ông: Đố ai hết nợ đàn bà/ Để tôi cắt tóc bỏ nhà đi tu.

Một lần tết, cũng tại nhà anh, tôi rã người khi nghe anh vừa cười ha hả vừa đọc bài thơ lục bát Khi hát Karaoke, có đoạn:

...Ấy đừng gọi bố xưng con

Đôi hàm răng giả vẫn còn hát hay

Đèn mờ anh hát mỏi tay

Người ơi hát hết cung này đoạn kia

Lần cuối cùng, ở nhà anh, tôi nghe anh đọc bài Lễ hội tắt đèn, tôi thấm cái khao khát lửa tình: Cõi tình hạn hán từ lâu/ Nghe cau căng nhựa, nghe trầu ứ men.

Mà sự dồn nén đã bung ra: Bãi bờ nén tiếng, kìm hơi/ Nghe bung giải yếm, nghe rời thắt lưng.

Sau Tết Kỷ Hợi, năm 2019, được tin anh vào viện, tôi và nhà thơ Phạm Đình Ân vào thăm. Anh gầy đi nhiều, chân phù to. Nhưng đôi mắt thì vẫn sáng cho dù anh nói không rõ tiếng. Linh tính tôi đoán anh đã nặng rồi. Khi tôi và anh Phạm Đình Ân về, ra đến cửa, tôi quay lại vẫy tay chào anh. Anh nhìn theo hai chúng tôi và tươi cười vẫy tay theo. Không ngờ đó là lời chào vĩnh biệt. Đôi mắt anh thân thiện và nụ cười lần cuối bao giờ tôi quên được?

Sáng ngày 5/3/2019, mở mạng, tôi giật mình nhìn thấy trên facebook của Nhà thơ Nguyễn Trác báo tin anh Lê Đình Cánh đã mất lúc 6h sáng. Tôi sững sờ cả người. Thế là bỗng chốc, anh đã thành người thiên cổ.

Lê Tuấn Lộc


Lê Tuấn Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]