(vhds.baothanhhoa.vn) - Bài thơ tiếng Việt đầu tiên, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Pác Pó hùng vĩ

Bài thơ tiếng Việt đầu tiên, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Bài thơ Pác Pó hùng vĩ, Bác viết vào tháng 2 năm 1941:

Non xa xa, nước xa xa,

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lênin, kia núi Mác,

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Đây là bài thơ đầu tiên Bác ghi lại cảm xúc trào dâng của mình sau ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn biển đi tìm đường cứu nước, giờ đây trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng đất nước, thực hiện cái chí lớn của mình.

Bác Hồ làm việc tại Pác Pó (Cao Bằng) sau hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước. (ảnh tư liệu)

Mở đầu bài thơ:

Non xa xa, nước xa xa

Rất tự nhiên. Câu thơ như buột miệng thốt ra, đầy ắp xúc cảm về cái bát ngát bao la của non nước này. Thơ thất ngôn, tứ tuyệt đòi hỏi rất nghiêm khắc về câu chữ, vần luật. Ấy vậy mà câu thơ mở đầu phá luật chỉ có 6 từ, hoàn toàn không bị câu nệ, ràng buộc bởi luật lệ. Non xa xa, nước xa xa. Thơ như dòng chảy, như ngút tầm mắt. Nếu giữ đúng luật phải đủ 7 từ mới là thất ngôn. Có thể thêm từ và chăng. Câu thơ sẽ là Non xa xa và nước xa xa. Như vậy tuy đảm bảo được chuẩn về số lượng từ, nhưng hòan toàn không đúng với cảm hứng tự nhiên mang chứa tầm nhìn xa rộng và tâm thế hiện tại của người làm thơ. Câu thơ mở đầu cũng là câu thơ phóng khoáng, trải ra. Hai vế thơ cân đối Non xa xa/ nước xa xa chứ không gói gọn, thu về Non nước xa xa. Đặc biệt hai từ xa xa giàu tính biểu hiện được lặp lại và phân bố đồng đều trong câu thơ. Xa xa là hình - bức tranh non nước huyền ảo; xa xa cũng là nhạc - nhịp đàn non nước, nhịp của non, nhịp của nước; nhịp non nước lan tỏa xa xa, xa xa

Một số người khi bình bài thơ đã cố công tìm hiểu, xác định chỗ Bác đứng để viết nên câu thơ, viết nên bài thơ. Người thì cho Bác đứng trước hang Pác Pó, người lại cho Bác phải đứng trên đỉnh núi cao mới thấy được cái xa xa của non nước. Để hiểu câu thơ này, có một điều cần chú ý là, sau bao năm xa nước, bây giờ đây Bác đã đặt chân nơi địa đầu của Tổ quốc, non là của mình, nước là của mình. Cảm xúc về đất nước dạt dào, mênh mang. Non nước này là của một vùng Pác Pó mà cũng là non nước nghìn dặm của non sông đất nước. Như vậy xa xa không phải chỉ là hình, là nhạc mà xa xa còn là tình nữa - tình non nước. Câu thơ tiếp theo:

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Một câu thơ bất ngờ. Câu thừa đề mà lại như một phản đề, ngay âm điệu cũng hạ thấp, nếu đọc phải hạ giọng. Một câu hỏi đặt ra. Cái hứng thơ của câu thơ đầu đang ngân vang lan tỏa mênh mang thì câu thơ thứ hai đột ngột hạ: Nào phải thênh thang mới gọi là có gì mâu thuẫn chăng và nên hiểu câu thơ này như thế nào cho sát đúng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là câu thơ thiên về nói cái khách quan của khung cảnh Pác Pó, có người lại nghiêng về cho là câu thơ biểu hiện cái chủ quan của tâm trạng tác giả. Dù đứng ở góc độ nào, xét cả hai mặt về khách quan và chủ quan thì đây là câu thơ thực chứa đựng một hiện thực, đồng thời hàm ẩn một tư tưởng, một tầm nhìn. Chỗ đứng này tuy mới là một địa điểm nhỏ hẹp song tầm nhìn đã bao quát xa rộng. Cái thênh thang, cái bát ngát bao la được lộ ra, được nhìn nhận từ một địa điểm nhỏ hẹp cụ thể. Đứng nơi nhỏ hẹp, con người đã cảm nhận được cái thênh thang. Tình yêu non nước, tâm hồn phóng khoáng, tầm nhìn xa rộng của Bác không đợi có sự thênh thang của không gian mới bộc lộ. Tứ thơ độc đáo là ở chỗ ấy. Độc đáo mà lại rất thực. Giữa những dòng chữ của câu thơ, giữa hai dòng thơ là nụ cười nhẹ nhàng mà sâu lắng, hòan toàn không có sự đối lập như có người nghĩ, trái lại nó có mối liên kết tự nhiên trong tâm trạng, trong cảm xúc, trong tầm nhìn của Bác. Nào phải thênh thang mới gọi là - một câu thơ gợi, một câu thơ mở và cũng là một câu thơ vui. Niềm vui của cái thế, của tầm nhìn mở nước từ đây.

Khi phân tích ý nghĩa thênh thang, một số nhà nghiên cứu đã gắn kết từ thênh thang với đầu đề bài thơ để chứng minh cái hùng vĩ của Pác Pó là tầm nhìn chứ không phải địa điểm Pác Pó hùng vĩ, vì đây chỉ là một địa điểm nhỏ hẹp, cỏn con. Đã từng có nhận định như thế này về ý nghĩa hùng vĩ của Pác Pó: hùng vĩ ở tầm nhìn bao quát chứ không phải ở phạm vi của nó; hùng vĩ ở cái thế của cách mạng, chứ không phải ở địa bàn còn nhỏ hẹp của vùng căn cứ khi Bác mới trở về.

Theo hai ông Vũ Châu Quán và Nguyễn Huy Quát, tác giả tập sách chuyên luận Tìm hiểu thơ ca chiến khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bài thơ vốn không có đầu đề, tên đề bài thơ là của những người làm tập Thơ Hồ Chủ Tịch (NXB Văn học - 1967) đặt. Như vậy bài thơ này là những dòng thơ Bác tức cảnh về một cảnh vật, một địa danh cụ thể và gửi gắm ý tưởng mà mình và các đồng chí của mình đang thực hiện. Thực ra đầu đề bài thơ Pác Pó hùng vĩ cũng chưa hoàn toàn sát thực với nội dung bài thơ. Tuy nhiên, về một mặt nào đó cũng có thể chấp nhận được, nhưng lại phải thấy và hiểu Pác Pó hùng vĩ không phải chỉ là cái hang Cốc Pó nhỏ hẹp, cheo leo mà là cả một vùng Pác Pó có núi, có rừng, có hang, có suối. Vùng Pác Pó cũng hùng vĩ lắm chứ. Ai đã đến Pác Pó chắc chắn sẽ cảm nhận được không phải ngẫu nhiên Bác Hồ và các đồng chí của Người chọn địa điểm đầu nguồn này với một vùng địa hình hiểm trở có rừng rậm, núi đá xanh trập trùng, suối sâu tung bọt trắng xóa, thuận lợi cho việc hoạt động bí mật buổi đầu của cách mạng. Đương nhiên, nếu xét về ý nghĩa, Pác Pó hùng vĩ sẽ hiện ra trọn vẹn khi câu thơ thứ ba xuất hiện:

Đây suối Lênin, kia núi Mác

Suối Lênin, núi Các Mác là con suối, ngọn núi có thực của Pác Pó được Bác đặt tên. Bài thơ phát triển theo trình tự lô gích: câu thơ mở đầu là cảm nhận chung về non nước: Non xa xa, nước xa xa, đến câu thơ thứ ba, Bác chỉ cụ thể non nước, Đây: suối Lê nin, kia: núi Các Mác. Bác đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin về với đất nước. Non nước này không còn chìm đắm trong nô lệ, đã chuyển động bước vào thời đại mới. Chân lý của thời đại đã đến với núi rừng Pác Pó, đến với đất nước Việt Nam. Suối Lênin, núi Các Mác mãi mãi là biểu tượng hùng vĩ, là đầu nguồn, là cội nguồn cách mạng của cả nước. Từ nơi đây, ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin - chân lý của thời đại sẽ tỏa sáng khắp nơi. Từ nơi đây, phát tích của đoàn quân anh dũng tỏa đi khắp nơi, đem về những thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ nơi đây, từ Pác Pó này, chúng ta có cả một sơn hà. Nghị lực, quyết tâm của Bác biến thành nghị lực, quyết tâm của toàn dân tộc:

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Lê Xuân Đức


Lê Xuân Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]