(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngòi bút tài ba và khối lượng văn, thơ mà nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã cho ra mắt bạn đọc đã khẳng định thế đứng vững chãi của anh trên nền thi ca Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thao thức cùng Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm

Ngòi bút tài ba và khối lượng văn, thơ mà nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã cho ra mắt bạn đọc đã khẳng định thế đứng vững chãi của anh trên nền thi ca Việt Nam.

I.

Những năm ông Nguyễn Văn Lợi làm Chủ tịch, rồi Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tôi thường tháp tùng ông về cơ sở. Ngồi trên xe, ông kể nhiều chuyện đông tây kim cổ và bao giờ cũng đọc một vài bài thơ. Bài thơ Cứ về Thanh Hóa một lần ông đọc làu làu và đọc xong bao giờ cũng có mấy lời bình.

Nguyễn Minh Khiêm phải là người yêu quê hương lắm, hiểu biết về quê mình lắm mới làm được bài thơ này. Mỗi câu thơ trong bài đều có điển tích lịch sử, dân gian, huyền thoại. Bài thơ ngắn nhưng bao quát được biết bao cảnh đẹp của quê hương, biết bao con người tiêu biểu cho hồn cốt của một vùng đất anh hùng. Tôi cũng đã nghe bài thơ ấy qua nhiều người phổ nhạc. Những thể loại chầu văn, ca trù... nghe mãi không chán. Mỗi lần nghe thế, ta lại thấy rưng rưng tự hào về quê mình, con người anh hùng của quê hương.

Mục sở thị không gian sách của Nguyễn Minh Khiêm mới thấy sức lao động sáng tạo của ông. Ông đã xuất bản hàng trăm đầu sách, với đủ thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, phóng sự ghi chép, thơ, trường ca, truyện thơ... Tôi thống kê mấy trang A4 mà vẫn chưa hết tên sách, nhất là tên các giải thưởng. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng văn học từ các cuộc thi lớn của đất nước như Văn nghệ QĐND, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội VHNT toàn quốc, Hội VHNT của nhiều thành phố, các tỉnh và các báo lớn ở Trung ương và địa phương mà hầu như toàn giải Nhất, giải Nhì. Chỉ liếc qua cũng đã thấy nhiều nhà lý luận phê bình văn học có tên tuổi viết về văn thơ của Nguyễn Minh Khiêm.

Nguyễn Minh Khiêm là ai mà tài thế? Tuổi trẻ ông vào lính làm nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc, rồi về đi học, đi dạy học, rồi làm thơ, viết văn. Cuộc sống giản dị ở làng quê, là thầy giáo có nhiều học sinh giỏi quốc gia. Thầy có thơ được chọn in trong bộ SGK. Ông đưa chúng tôi đi dạo quanh làng Yên Trung - cái làng đẹp lạ lùng, có sông, hồ, có núi non, có đền chùa với những di tích lịch sử thắng cảnh được công nhận xếp hạng di tích quốc gia như Phủ Lời, đền thờ Lý Thường Kiệt. Nguyễn Minh Khiêm yêu làng đến mức đã viết gần trăm bài thơ, bài văn, rồi cả một trường ca về làng, về quê; bài nào, thể loại nào cũng toát lên cái hồn thiêng của sông núi; cái hùng vĩ, cái tinh túy của lịch sử ngàn năm của làng. Đây là một đoạn thơ rất ngắn, đủ thấy Nguyễn Minh Khiêm yêu làng, quan sát về cái hồn cốt của làng. Làng là nơi: Con hến con trai một thời nằm lệch/ Lấm láp đất bùn, đứng thẳng cũng nghiêng.

Nơi: Củ sắn, củ khoai đặt đâu cũng thấp/ Cả những khi rổ rá đội lên đầu/ Chiếc liềm nhỏ không còn nơi cắt chấu/ Gặt hái xong rồi, rơm rạ bó nhau; Và Làng cong xuống dáng tre già trước tuổi/ Tiếng gọi đò khuya sạt cả đôi bờ.

II.

Hàng ngàn bài thơ Minh Khiêm đã sáng tác và đăng trong các tập: Biển khát, Dòng sông không ngủ, Đằng sau mặt trời, Chim yến làm tổ, Làng tôi không có tượng, Một góc phù sa, Vết thương đá, Giải mã, Cụng ly, Bầu trời màu hoa gạo (trường ca), Ba mươi tháng tư (trường ca), Dã ngoại, Hát nơi cửa sóng... Tập thơ nào cũng được bạn đọc đón nhận và yêu mến, bởi thơ anh bao giờ cũng có tứ chặt, ý tưởng rõ ràng mạch lạc, cấu trúc và nhạc khí hấp dẫn. Bài Giọt nước về thưa mẹ: Con đã đi xa hơn nỗi lo của mẹ/ Không quay về đúng chỗ mẹ ngồi bấm đốt ngón tay/ Con trượt ngã chỗ mẹ thường mất ngủ/ Ngọn đèn khuya tóc trắng sang ngày/ Con cúi lạy chỗ mẹ chưa từng chợp mắt/ Cửa bể mở ra chỗ bục cửa mẹ ngồi/ Những câu kiều giấu bao nhiêu mãnh vỡ/ Giọt nước về thưa mẹ sóng trùng khơi. Hình tượng giọt nước ở đây chính là người con. Người con xa mẹ ra đi và nhung nhớ. Người mẹ thì thấp thỏm lo âu đứa con mình còn ngây thơ, nhỏ dại. Cái tình mẫu tử thắm đậm, tưởng như bình thường nhưng lại lớn lao, kỳ vĩ.

Minh Khiêm có cả một chùm thơ về mẹ: Những ngón tay của mẹ, Dòng sông không ngủ, Mười móng chân mẹ, Nghe lá cau rơi, Phù sa đời mẹ, Vạt áo mẹ.

Anh viết về tình cảnh của mẹ để cảm thương: Cha con mất sớm, mẹ ở vậy thờ chồng, một mình chém chặt ngược xuôi xuống biển lên rừng. Cuộc đời hỗn mang tay mẹ lựa quả lành quả độc. Hình ảnh cô đơn của mẹ: Mẹ thường ra kiếm củi gốc cây/ Cầu khấn gió rung xuống từng chiếc lá/ Mẹ vắng con phải nhờ cục đá/ Kéo cây cần múc nước thổi cơm. Anh nhớ về mười ngón chân mẹ: Đi đâu cũng cứ chân trần/ Mười ngón chân bấm lõm gần, lõm xa. Đọc chùm thơ lòng ta cứ rưng rưng một tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ vô bờ bến. Một người con có hiếu với mẹ và tình mẹ thật bao la.

Nguyễn Minh Khiêm có một chùm thơ về chiến tranh gồm các bài: Cỏ non, Đoạn kết của chiến tranh, Chiếc võng, Vết thương đá, Khoảng lặng trong cánh cổng, Tiếng kêu và tiếng thở dài, Chúng con xin mẹ, Sau lá bồ đề, Khúc ru Đồng Lộc, Sợi dây phơi bát, Quả bàng vuông, Khoảnh khắc ở nhà mồ. Cỏ non là bài thơ hay trong chùm thơ ấy: Có gì xanh đau đáu dưới cỏ non/ Xanh nhoi nhói rờn rợn bàn chân bước/ Xanh mươn mướt như là màu tóc/ Xanh như ánh mắt bạn bè tôi. Tôi hình dung “Cỏ non” là hình ảnh của người chiến sỹ còn rất trẻ, rất non tơ đã nằm xuống mảnh đất chiến trường này và mãi mãi ngọn cỏ ấy cứ xanh đau đáu trong mắt ta. Mỗi cung bậc màu xanh đều thiêng liêng để bước chân ta cứ rờn rợn sợ mình chạm phải thi thể đồng đội đang nằm dưới lớp cỏ non.

Người ta gọi Minh Khiêm là nhà thơ “xã hội” bởi Minh Khiêm có nhiều bài thơ cập nhật những vấn đề xã hội nóng bỏng. Ngoài bút lên án cái xấu, cái ác, cái xuống cấp, nạn tham nhũng, sự bất công. Đó là trách nhiệm công dân của người cầm bút. Những bài: Khi làng như phố, SOS, Buồn, Không hiểu, Bái lạy cày bừa, Hát ở nghĩa trang Hàm Rồng... Bài thơ Nhìn lại anh lấy các con vật để phê phán thói kiêu ngạo dựa dẫm của con người: Ta đã từng là con gián nép trên tàu lớn/ Con tàu lao đi nghìn kilômet giờ/ Gián tưởngmình cũng có vận tốc nghìn kilômet/ Ta đã từng là con bét sống nhờ lưng trâu/ Trâu lớn, bét tưởng mình cũng lớn... Mọi người quặn đau khi đọc bài Chạy việc cho con: Biết là sẽ hết thanh cao/ Hết liêm chính, hết tự hào thẳng ngay/ Hết ý đẹp, hết lời hay/ Sáng trong mẫu mực khói mây chẳng còn/ Đem tiền chạy việc cho con/ Niềm vui đứt ruột nỗi buồn thấu xương/... Hạ mình vái lạy gần xa/ Càng nhiều lần đếm mặn mà càng cao/ Tiền đồ theo mức phong bao... Tệ nạn này xảy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi, ai cũng biết, ai cũng xót xa nhưng cuộc đấu tranh để loại bỏ nó ra khỏi đời sống xã hội thật là khó khăn. Bài thơ của Minh Khiêm đã góp một tiếng nói lên án cái tệ nạn đang làm phương hại chế độ.

Thơ Minh Khiêm có nhiều cảm thức, nhiều liên tưởng, nhiều so sánh, làm ta nhớ về một thuở hồng hoang: Tôi là mảnh thiên thạch vỡ ra từ cõi ông cha định dạng/ Thiên hà lột xác nơi hang động đầy vỏ xò, vỏ ốc, đánh dấu lên mặt đất bằng đôi chân tõe ngón... và Nguyễn Minh Khiêm coi mình là kiếp gió hú gọi vào tiền kiếp/ Máu, nước mắt hiện lên dưới những lời chim hót/ Ta trở về kiếp gió...

Ngòi bút tài ba và khối lượng văn, thơ mà nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã cho ra mắt bạn đọc đã khẳng định thế đứng vững chãi của anh trên nền thi ca Việt Nam. Một nhà thơ luôn song hành cùng công cuộc cách mạng của đất nước, anh có tầm tư tưởng lớn, có bản lĩnh của người chiến sĩ và có tài hoa trong nghệ thuật thi ca. Tác phẩm của anh đã làm rung động lòng người, dẫn dắt mọi người trong cuộc sống để tôn vinh cái đẹp, cái thiện và lên án cái ác, cái xấu bằng sức lan tỏa của những tác phẩm văn học.

Với văn chương, Nguyễn Minh Khiêm đã hái nhiều trái ngọt, nhiều mùa gặt bội thu sau những vất vả cày bừa, chăm tỉa. Cái được nhiều, cái chưa chín tới cũng có. Người đọc khâm phục, cổ vũ, biết ơn và vẫn hy vọng những thành quả mới ở anh.

Trần Đàm


Trần Đàm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]