(vhds.baothanhhoa.vn) - Các con đường của một cuốn sách hay đến trái tim người đọc đều cần có một hướng chỉ nam là phải cảm động và trong mỗi tình tiết gây được cảm động đó cần lay thức độc giả suy ngẫm được ít nhiều.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thêm một cách văn học tiếp cận lịch sử

Các con đường của một cuốn sách hay đến trái tim người đọc đều cần có một hướng chỉ nam là phải cảm động và trong mỗi tình tiết gây được cảm động đó cần lay thức độc giả suy ngẫm được ít nhiều.

(Về tập truyện và tùy bút “Vụ án Thái sư hóa hổ” của Nhà báo Từ Khôi, NXB Thanh Niên)

1. Tập truyện và tùy bút Vụ án Thái sư hóa hổ của Nhà báo Từ Khôi xuất bản đã được ba năm, đến nay (năm 2020) vẫn còn được nhiều người bàn luận. Là người ham mê lịch sử và từ khi dấn thân vào văn chương cũng có viết một số truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết về đề tài này như Khoảnh khắc thánh minh (về vua Lê Thánh Tông, minh oan cho Nguyễn Trãi, năm 1464), Hai mươi tuổi làm Thượng tướng quân (về đô tướng Trần Khát Chân tiêu diệt vua Chiêm Thành, Chế Bồng Nga ở sông Hải Triều), Nội tướng (về Thần phi Trịnh Ngọc Lữ, người vợ tào khang của Thái tổ nhà Hậu Lê, Lê Lợi)... nên chúng tôi đã tìm đọc Vụ án Thái sư hóa hổ với một tâm thái hiếu kỳ. Cuốn sách của Từ Khôi đã hướng tôi quan tâm đến những bàn luận khi tự rút ra những điều tâm đắc về một trong những cách thức văn chương tiếp cận lịch sử.

2. Suốt hành trình lịch sử của dân tộc, sau khi chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, chỉ cần bám vào bộ Quốc sử biên niên Đại Việt sử ký toàn thư liền thấy không biết cơ man nào là vụ án, trong đó Vụ Thái sư hóa hổ năm Bính Tý (1096) đến nay đã hơn chín trăm năm rồi vẫn còn là một đại án mờ ảo trong khói sương hồ Dâm Đàm, vẫn còn tiếp tục chờ đợi một “ lời tuyên” minh bạch, thỏa đáng. Tác giả Từ Khôi đã bỏ ra bảy năm để khởi viết và hoàn thành bản thảo (2004 - 2011); năm 2017 còn tiếp tục sửa chữa bổ sung trước khi xuất bản. Đó là một tình yêu lẽ phải, một thái độ trân trọng, một tinh thần làm việc nghiêm cẩn trước lịch sử, trước một vụ án cung đình đầy yếu tố huyền hoặc mà bị cáo là nhân vật dưới một người (vua Lý Nhân Tông) và trên muôn người trong bách tính Đại Việt. Ông là Thái sư Lê Văn Thịnh, trạng nguyên đầu tiên của Đại Việt thời nhà Lý. Cá nhân tôi cho rằng, sự dấn thân của Từ Khôi là một phẩm chất hiệp sỹ đi tìm công lý cho “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này” (Nguyễn Du).

3. Cuốn Vụ án Thái sư hóa hổ của Từ Khôi có thế tạm chia làm các phần như sau: phần sáng tạo văn chương, phần sưu tầm khảo cứu tư liệu, bao gồm cả vật chứng nhân chứng, gồm cả người trong nhân gian đông đúc lẫn những học giả tên tuổi cả đời thao thiết với văn hóa sử. Cách chia của chúng tôi cũng chỉ là tương đối, bởi trong nội hàm mỗi phần đều có các yếu tố sáng tạo, chọn lựa, kết cấu..., tức là đã thông qua tư duy của tác giả. Theo đó, phần thứ nhất là phần huyễn tưởng tâm linh, phần này gồm hai truyện ngắn: Hồ Tây còn sương mù giăng, Nỗi đau rồng. Đây là những linh cảm, linh ứng của tác giả và nhân vật truyện trong tia chớp sáng tạo. Nếu như Hồ Tây còn sương mù giăng là hiện thân tinh anh của Thái sư Lê Văn Thịnh, hiện thần hồn để “trần tình” về những oan khuất nghìn năm của ngài thì Nỗi đau rồng là “tâm tư” là trách nhiệm của Nguyễn Trãi đi tìm sự thật về một thời ngái xa mấy trăm năm, về nỗi đau hối hận của bậc chí tôn đã lỗi đạo làm vua để oan khiên dây dưa. Rồi đến cả bản thân Nguyễn Trãi, khi đã được Lê Thái Tông dùng lại, khi đã tự ví mình “Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày/ Nhà cả đòi phen chống khỏe thay” (Tùng - Nguyễn Trãi) vẫn bị oan, vẫn chết đến cả ba họ...

Rồng (biểu tượng của đấng cửu trùng - vua trong truyện ngắn Nỗi đau rồng) dù đã tự cắn vào thân mình bằng hai hàm răng nhọn hoắt là một nỗi đau ghê gớm, nỗi đau như một sự tự răn dạy, tự thú, tự cảnh báo nhưng trong thực tế hình tượng đó vẫn không đủ làm nên bài học nhuận thấm ân trạch cứu độ đến thần dân, không để xảy ra oan khiên cho bách tính. Bởi thế, nhân gian vẫn nhắc nhau cảnh giác “hầu vua như hầu hổ”.

Hai truyện ngắn thượng dẫn là hai cái cớ thôi thúc tác giả đi tìm sự thật và tìm bằng công việc của người làm phim tư liệu. Với cách thức này, tác giả đã đi sâu vào khảo cứu bài bản lớp lang, đối chứng, luận giải, phỏng vấn. Đây là nhiệm vụ chủ đạo làm nên phần thứ hai của cuốn sách. Bằng tư liệu, bằng nhân chứng, vật chứng và bằng cả những ký ức nhân dân được truyền đời, được vun vén tôn vinh thành giai thoại mà người ta gọi là huyền sử, tác giả đã tiếp nối nội dung của cuốn sách một cách mạch lạc và không kém phần hấp dẫn. Đây là một thành công khi dùng văn học tư liệu để soi chiếu lịch sử, làm sống lại một thời quá vãng. Theo đó những công lao to lớn của Thái sư Lê Văn Thịnh được vinh danh từ khi mới là Trạng nguyên Khai khoa năm 1075 đến khi làm chánh sứ giành lại chín động cương thổ cho Đại Việt; từ khi mở khoa thi thứ hai (1086) đến những cải cách lớn dưới các triều Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông...

Có lẽ do những đóng góp to lớn này và là một bậc thầy được chọn lựa để dạy vua nên sau vụ án hồ Dâm Đàm, Thái sư Lê Văn Thịnh không bị giết, chỉ bị đày đi Thao Giang. Đây là một tình tiết rất đáng suy xét trong vụ án xảy ra gần thiên kỷ. Bởi lẽ, trong các trọng tội, tội khi quân là tội nặng nhất, tội phải chết đến ba họ, dù chỉ là một câu làm trái ý vua, còn ở đây, nơi hồ Dâm Đàm, “nghi can” bị bắt quả tang đang hóa hổ để giết vua thì sao khỏi án tử? Nói như ngôn ngữ tư pháp bây giờ, có phải Lê Văn Thịnh có “tình tiết giảm nhẹ” do nhân thân tốt và do cả những công lao đóng góp hiếm có?Hay còn do vua Lý Nhân Tông, dù chỉ nghe bằng một tai vẫn còn băn khoăn điều gì đó trước hành trạng“cần được làm rõ” của vụ án? Tuy thế, trong phần khảo cứu của tác giả, thấy không thể tìm được hậu duệ của Thái sư Lê Văn Thịnh thì chúng tôi nghĩ, mức độ chịu án của Thái sư là hết sức nặng nề.

Đọc những khảo cứu tâm huyết và khách quan của Từ Khôi, bản thân chúng tôi thấy được giải tỏa nhiều lẽ về tính thuyết phục tại sao một nhân vật bị quy tội hóa hổ giết vua mà lại được nhân dân tôn thờ và kính yêu đến thế?

4. Trong những bộ cổ sử, do nhiều nguyên nhân, có khi là thiếu thốn về tư liệu, có khi sử gia chỉ chép những điều đã được minh định khách quan và còn phụ thuộc cả về liều lượng trang dòng trong cấu trúc nên trong phần sử nhà Lý, nhà Trần có năm chỉ được chép một dòng. Ngay như sự kiện Hội nghị Diên Hồng, một hội nghị có một không hai sáng rỡ trong lịch sử Đại Việt cũng chỉ được chép đúng ba câu: “Tháng12 (năm Giáp Thân - 1284), Trần Phủ từ nước Nguyên về nói, vua Nguyên sai thái tử là Trấn Nam vương Thoát Hoan, bình chương là bọn A Lạt và bọn A Lý, Hải Nha đem quân Thát lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia quân xâm lấn. Thượng hoàng cho gọi các phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, cho ăn và hỏi kế. Các phụ lão đều nói là nên đánh, muôn người cùng lời như một” (Đại Việt sử ký toàn thư). Chỉ chừng ấy con chữ thôi nhưng với khả năng tưởng tượng của nhà văn, cái đinh lịch sử đó đã biến thành cái tinh thần lịch sử sinh động có không khí đời sống hào hùng của một thời quá vãng, khi Nguyễn Huy Tưởng sáng tạo nên một thiên bút ký đầy hình tượng, mà trong đó, hình ảnh các kỳ lão đến Thăng Long như thế nào? Dân Kẻ Chợ hào hứng, có cả phần tò mò đón tiếp các vị khách chưa từng có ấy như thế nào? Rồi hai vua Trần, đức Thượng hoàng Thánh Tông, đức kim thượng Nhân Tông mở tiệc khoản đãi, thỉnh giáo các kỳ lão như thế nào...? Độc giả của thời hiện tại đọc Nguyễn Huy Tưởng mà như được xem một cuốn phim bằng ngôn từ được dàn dựng mạch lạc, kỹ lưỡng; từng chi tiết văn học xuyên thấu vào cảm xúc của người đọc. Thế là một Hội nghị Diên Hồng của bảy trăm năm trước đã được văn chương thăng hoa thành một biểu trưng lịch sử lấp lánh trên dấu ấn của cái đinh lịch sử triều Trần.

Ở một dạng khác mà lâu nay thường được gọi là huyền sử, là truyền thuyết. Chúng tôi đã đọc, đã tìm kỹ trong Đại Việt sử ký toàn thư và một số bộ sử lớn khác không hề thấy trong đó có một câu chữ nào về việc Lê Thái Tổ trả gươm cho thần Rùa Vàng ở hồ Lục Thủy phía Nam kinh thành Thăng Long, nhưng đã ngót sáu trăm năm nay, hồ Lục Thủy mang tên hồ Hoàn Kiếm. Tại sao ký ức nhân dân lại sâu đậm và trường kỳ như vậy? Phải chăng huyền sử này là ánh hào quang từ sự kiện Thái Tổ nhà Hậu Lê đã cho mười lăm vạn quân trả lại gươm đao binh nhung vào kho tàng của triều đình để về quê đoàn tụ vợ con, cha mẹ, làm ruộng, khôi phục lại nghiệp nông tang sau hơn hai mươi năm bị tan tác dưới ách thống trị của giặc Ngô?

Trong phần khảo cứu, Từ Khôi đã gặp nhiều huyền tích nhưng huyền tích nào cũng có dấu ấn “cái đinh lịch sử” mà thân thế, sự nghiệp, công tích, oan khiên của Thái sư Lê Văn Thịnh đã trải qua. Tác giả đã trân trọng những ký ức nhân dân, dùng mảng vàng ròng quý báu này để soi chiếu vào chính sử khiến sự thật có thêm độ sinh động rói tươi, có tình tiết làm lay thức cảm xúc, thứ cảm xúc khát khao minh định về lẽ công bằng và không được quên ân tình như vế đầu câu ca dao thế sự mà tác giả đã trích trong sách: “Thương dân, dân lập đền thờ”.

Các con đường của một cuốn sách hay đến trái tim người đọc đều cần có một hướng chỉ nam là phải cảm động và trong mỗi tình tiết gây được cảm động đócần lay thức độc giả suy ngẫm được ít nhiều.

Con đường mà Nhà báo Từ Khôi dùng văn chương để tiếp cận lịch sử trong Vụ án Thái sư hóa hổ đã mang lại cho cuốn sách của anh phẩm chất đó.

Lê Ngọc Minh


Lê Ngọc Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]