(vhds.baothanhhoa.vn) - Phạm Tiến Triều là tác giả có số lượng bài tham dự nhiều nhất. Anh cũng là người có số tuổi cao nhất trong cuộc thi Sáng tác trẻ của Tạp chí xứ Thanh. Dĩ nhiên không phải vì những cái nhất về lượng ấy mà anh đạt giải cao ở cuộc thi này. PV Báo VH&ĐS trò chuyện với anh về những vấn đề thơ và người sáng tác thơ hiện nay tại Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thơ ca phải mang những thông điệp về văn hóa

Phạm Tiến Triều là tác giả có số lượng bài tham dự nhiều nhất. Anh cũng là người có số tuổi cao nhất trong cuộc thi Sáng tác trẻ của Tạp chí xứ Thanh. Dĩ nhiên không phải vì những cái nhất về lượng ấy mà anh đạt giải cao ở cuộc thi này. PV Báo VH&ĐS trò chuyện với anh về những vấn đề thơ và người sáng tác thơ hiện nay tại Thanh Hóa.

Phạm Tiến Triều đọc thơ tại trại sáng tác văn học ở Đà Lạt, Lâm Đồng.

- Phóng viên: Thưa nhà thơ Phạm Tiến Triều, cơ duyên nào dẫn anh đến với thơ?

- Nhà thơ trẻ Phạm Tiến Triều: Tôi bắt đầu làm thơ từ thời là học sinh THCS. Là người con đất Mường, tôi lại vốn là con người nhạy cảm với các yếu tố văn hóa dân tộc nên tôi đến với thơ từ tình yêu văn chương và từ chính những rung cảm của tuổi thơ tôi được trải nghiệm về văn hóa dân tộc Mường đã sinh ra mình.

- Phóng viên: Theo quan sát của tôi, thơ hiện nay đang lưng chừng hoặc nghiêng về kể, hoặc nghiêng về cảm xúc. Kể thì khô cứng mà cảm xúc lại trôi trợt. Anh có thường đọc thơ của những bạn trẻ không, và anh nghĩ về điều này như thế nào?

- Nhà thơ trẻ Phạm Tiến Triều: Đúng là như vậy. Là một cây bút trẻ, trong 6 năm nay, năm nào tôi cũng tham gia các diễn đàn trẻ và trại sáng tác văn học trẻ của Hội VHNT tỉnh ThanhHóa và Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Qua các diễn đàn, tôi được gặp gỡ, giao lưu và đọc tác phẩm thơ của các cây bút trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Thú thật nhiều cây bút tài năng làm tôi nể phục nhưng cũng không ít các cây bút còn dễ dãi trong diễn đạt, cẩu thả trong sử dụng ngôn ngữ hoặc cố gắng nhào nặn, sắp đặt câu chữ dẫn đến nhạt nhẽo trong xúc cảm. Theo tôi, viết như một cuộc dạo chơi cùng ngôn từ. Người viết tài năng phải là người biết dẫn dắt ngôn từ đi đúng mạch nguồn xúc cảm thật sự về thế giới xung quanh mà mình được trải nghiệm. Một điều nữa mà tôi muốn trao đổi là thơ ca phải mang những thông điệp về văn hóa. Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. Anh không thể trở thành nhà thơ chân chính nếu thoát khỏi dòng chảy văn hóa ấy. Mọi thứ cứ để con chữ chảy ra tự nhiên từ mạch nguồn văn hóa mà thành thơ ca. Trên đời này không có thứ thơ ca gượng ép, nhào nặn câu chữ mà thành. Thơ ca chỉ nảy mầm, đơm hạt từ những gì tự nhiên vốn có và phải được tắm đẫm trong dòng chảy văn hóa bất tận của dân tộc để lớn lên.

- Phóng viên: Nếu để điểm qua những gương mặt thơ trẻ Thanh Hóa, theo anh hiện nay cần nhắc đến ai? Tại sao cần phải nhắc?

- Nhà thơ trẻ Phạm Tiến Triều: Nói về thơ trẻ Thanh Hóa phải nói thực tâm rằng, người cầm bút viết theo phong trào thì nhiều nhưng viết một cách có tâm, nghiêm túc và cầu thị để có được những tác phẩm chất lượng thì không nhiều. Do đó, những cuộc thi sáng tác trẻ như Tạp chí Xứ Thanh lần này tổ chức vô cùng có ý nghĩa để các bạn trẻ được trải nghiệm. Theo chủ quan của tôi, thơ trẻ xứ Thanh hiện nay có thể điểm qua các gương mặt như Phạm Văn Dũng với những tác phẩm thơ nặng tình quê hương và những chiêm nghiệm về cuộc đời. Lữ Thị Mai hiện sinh sống và viết ở Hà Nội với hơi thơ và lối diễn đạt hiện đại, mới mẻ. Phạm Tú Anh với những vần thơ giàu bản sắc văn hóa. Việt Hưng gây chú ý với bạn đọc ở những trang viết giàu xúc cảm và da diết trong tình yêu cùng những dự cảm về cuộc đời. Và những gương mặt thơ trẻ như Bùi Xuân Tứ (Ngọc Lặc), Lâu Văn Mua (Mường Lát),... sẽ là những gương mặt mới có nhiều bất ngờ thú vị trong sáng tác của họ.

- Phóng viên: Là người gửi 7 bài thơ cho cuộc thi Văn học trẻ xứ Thanh, anh thuộc lớp những người gọi là lớn tuổi rồi. Khi tham dự anh có kì vọng điều gì không?

- Nhà thơ trẻ Phạm Tiến Triều: Nếu xét theo tiêu chí tuổi tác dành cho đối tượng dự thi (dưới 40 tuổi) thì tôi thuộc tốp thí sinh nhiều tuổi nhất khi đã ở tuổi 39. Như vậy đây sẽ là cuộc thi viết trẻ cuối cùng mà tôi được trải nghiệm. Gửi tác phẩm dự thi, tôi không dám nghĩ mình sẽ đạt giải cao mà chỉ như một trải nghiệm và mong muốn đưa những tín hiệu văn hóa của dân tộc mình vào tác phẩm để mong được đón nhận tình yêu của mọi người dành cho văn hóa và con người xứ Mường.

- Phóng viên: Con số 48% những người làm thơ tham dự trong cuộc thi Sáng tác trẻ của Tạp chí xứ Thanh này là người Thanh Hóa, tôi nghĩ chưa đạt được mong muốn của ban tổ chức, nhưng nếu nhìn sang lĩnh vực truyện ngắn chỉ có 5% thì thơ vẫn có thể được khẳng định là mảnh đất tiềm năng của các tác giả. Đấy có phải là lí do hay vì làm thơ đơn giản, và nhanh hơn nhiều? Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?

- Nhà thơ trẻ Phạm Tiến Triều: Nếu quan niệm làm thơ dễ hơn viết văn xuôi là không đúng. Tôi nghĩ số lượng người tham gia dự thi thơ đông hơn truyện ngắn có lẽ xuất phát từ chính đời sống văn học đương đại ở xứ Thanh hiện nay. Đó là các diễn đàn, các tổ chức, hội nhóm, câu lạc bộ về thơ thì nhiều mà về truyện ngắn hầu như không có. Do đó, người viết văn xuôi rất ít “đất diễn” nên không dám tự tin viết và gửi tác phẩm dự thi. Tôi nghĩ, HộiVHNT Thanh Hóa và tạp chí của hội nên quan tâm hơn nữa đến yếu tố phát hiện và bồi dưỡng các cây viết trẻ (nhất là văn xuôi). Những cuộc thi sáng tác văn học trẻ như cuộc thi lần này sẽ là dịp tốt để phát hiện và đào tạo lực lượng kế cận cho văn chương tỉnh nhà.

- Phóng viên: Xin cảm ơn nhà thơ trẻ Phạm Tiến Triều và chúc cho anh sẽ thành công hơn nữa trên con đường sáng tạo thơ ca của mình.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]