(vhds.baothanhhoa.vn) - Cây khèn - một trong những nhạc cụ độc đáo mang ý nghĩa sâu sắc gắn với sinh hoạt văn hóa, đời sống, tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Khèn được cất lên trong những ngày hội, ngày xuân và cũng được thổi trong đám tang để bày tỏ lòng thương xót, luyến tiếc rồi dẫn lối đưa linh hồn người chết đến nơi “thần tiên”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếng Khèn gọi xuân về...

Cây khèn - một trong những nhạc cụ độc đáo mang ý nghĩa sâu sắc gắn với sinh hoạt văn hóa, đời sống, tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Khèn được cất lên trong những ngày hội, ngày xuân và cũng được thổi trong đám tang để bày tỏ lòng thương xót, luyến tiếc rồi dẫn lối đưa linh hồn người chết đến nơi “thần tiên”.

Cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, khiến không ít giá trị truyền thống của đồng bào Mông xứ Thanh dần mai một, nhưng cây khèn vẫn được những con người nơi đây âm thầm gìn giữ. Và Hơ Pó Dinh - bản Na Tao, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát mà tôi gặp đã và đang thổi hồn làm nên những cây khèn tuyệt vời với tất cả sự yêu thích, đam mê.

Cây khèn - “linh hồn” của người Mông

Có một “báu vật” được xem là hồn cốt làm nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Mông vẫn được những người dân Mường Lát gìn giữ, dành tất cả tình yêu, niềm đam mê - đó là cây Khèn.

Lộ - anh cán bộ đoàn xã Pù Nhi đưa tôi về thăm gia đình anh Hơ Pó Dinh, đội 3 bản Na Tao là một trong những người nổi tiếng làm khèn và thổi khèn điêu luyện ở Pù Nhi. Lộ vừa đi vừa giới thiệu về Pù Nhi với tôi: “Pù Nhi là xã vùng cao biên giới, có đường biên giới với nước bạn Lào dài hơn 15 km. Có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 74,1%.”

Con đường đất độc đạo độ 1 cây số từ trung tâm vào đội 3 khó hơn trong tưởng tượng của tôi - đường dốc khúc khuỷu, chỉ đủ chiếc xe máy đi lọt, chiếc còn lại đi ngược chiều phải dừng lại, nép sát vào lề đường. Nhà của Hơ Pó Dinh cheo leo bên sườn đồi, trước mặt là khu ruộng bậc thang sau mùa thu hoạch đương trơ gốc rạ. Ngôi nhà mang nét đặc trưng của đồng bào Mông. Giữa gian nhà là bàn thờ gia tiên và bên cạnh là chiếc khèn treo ngay ngắn trên vách.

Hơ Pó Dinh - năm nay bước sang tuổi 40. Từ mái tóc, khuôn mặt và giọng nói đậm chất của người đàn ông dân tộc Mông. 18 tuổi anh bắt đầu học cách thổi khèn. Nhưng đến năm 39 tuổi anh mới có “duyên” với làm khèn. Trong quan niệm của đồng bào Mông, khèn được xem là vật thiêng mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần. Pó Dinh nói “Tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết giao tiếp với nhau. Chỉ đường dẫn lối cho linh hồn người chết đến với “thần tiên, thanh thản”.

Chàng trai Mông nào cũng có thể học cách thổi khèn, múa khèn điêu luyện nhưng để làm nên cây khèn thì không phải ai cũng làm được. Ở Pù Nhi chỉ có vài người biết làm khèn, ngoài anh ra còn có ông Lâu Ngọc Pó B, bản Pha Đén. Anh chỉ cho tôi cấu tạo của cây khèn và cách làm nên nó. Thoạt nhìn cây khèn với 6 ống khèn có độ dài khác nhau sắp xếp song song với thân khèn chừng đơn giản nhưng Pó Dinh nói, để làm nên cây khèn cần sự khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ. Không phải cây khèn nào làm nên cũng thổi hay được. Để làm thân khèn phải tìm được loại cây không mối mọt như Pơ mu hoặc cây gỗ thuộc họ thông. Sau khi tìm được loại gỗ thích hợp sẽ tạo hình cho khúc gỗ thành thân khèn (bầu khèn), rồi chia đôi thân khèn thành hai nửa bằng nhau và khoét rỗng. Để gắn lại hai mảnh thân khèn cũng là trang trí khèn cho đẹp, anh vào rừng tìm loại vỏ cây đào rừng màu đen đem về phơi khô, cắt miếng. Khèn buộc bằng vỏ cây đào vừa chắc, vừa đẹp. Bộ phận phối khí của cây khèn là 6 ống khèn được làm bằng cây nứa, có độ dài khác nhau sắp xếp song song với thân khèn. Sau khi lấy nứa ở rừng về phải để thời gian chờ nứa khô lại mới làm ống khèn. Trên mỗi ống khèn chỉ đục một lỗ. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưới đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ ra sao. Trong chiếc khèn Mông, thì bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng nằm bên trong các ống khèn. Hoàn chỉnh một chiếc khèn từ 3 đến 5 ngày. Làm khèn Mông không khó, nhưng để có khèn hay, đạt chuẩn âm thanh khi thổi thì ngoài việc tỉ mỉ, khéo léo, người làm khèn phải để tình yêu, thích thú với khèn thấm vào tim.

Hồi mới bắt đầu làm khèn anh cũng đã từng thất bại, sau nhiều lần chỉnh sửa, rút kinh nghiệm thì cây khèn ngày càng hoàn chỉnh, âm thanh vang chuẩn. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người Mông trong bản mà ở các bản khác cũng tìm đến đặt mua khèn của anh.

Hơ Pó Dinh bên cây khèn anh tự làm.

...Gọi mùa xuân về

Giữa đại ngàn bao la hùng vĩ của núi rừng, Hơ Pó Dinh cất lên tiếng khèn tha thiết, lúc trầm bổng, lúc rộn ràng khiến người nghe cảm thấy chộn rộn, cảm nhận mùa xuân đang chạm khẽ, len lỏi vào từng nếp nhà của đồng bào Mông nơi đây. Pó Dinh vừa dứt tiếng khèn, anh bộc bạch rằng “Thanh niên trong bản giờ chỉ thích nghe nhạc mới, vài người may ra thì biết thổi một số ca khúc trong ngày tết thôi. Trong bản chỉ có người lớn tuổi biết thổi khèn một cách bài bản, đúng điệu. Cũng đúng thôi, vì thổi khèn không dễ và tìm được người để truyền cách làm khèn càng khó”.

Trong số những người trẻ tìm đến học làm khèn có Hơ Văn Dính, Hơ Văn Lanh. Bởi đối với những chàng trai Mông, học thổi khèn không chỉ là một cách giải trí còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình, là cầu nối để thể hiện tình cảm đối với người mình thương.

Tiếng khèn cất lên là lúc con người gọi mùa xuân về. Trong mỗi nếp nhà đồng bào Mông rộn rã tiếng chày giã bánh giày, nấu bánh chưng, làm bánh bao dâng lên tổ tiên, cảm tạ trời đất cho lúa, ngô đầy bồ. Bên hiên nhà, hoa đào, hoa mận bung nở tinh khiết, tiếng khèn Mông lúc vi vút, xào xạc như cây rừng gặp gió, lúc véo von tựa chim trên đỉnh núi cao, lúc ào ào như tiếng suối chảy.

Tiếng khèn Mông ngày càng vắng vẻ, thưa thớt, nhưng hi vọng sẽ da diết, âm ỉ và một lúc nào đó được đánh thức, bùng cháy trong trái tim của những chàng trai Mông đang còn thờ ơ với khèn. Và những người như Hơ Pó Dinh hay Hơ Văn Dính, Hơ Văn Lanh... đã và đang âm thầm gìn giữ, bảo tồn “báu vật” cùng song hành với sự phát triển của dân tộc Mông, để tiếng khèn mãi vang xa...gọi mùa xuân về.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]