(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày để tâm tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử ảnh nghệ thuật Thanh Hóa, tôi rất kính trọng khâm phục nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trọng Thắng. Niềm yêu kính này không chỉ thầm phục anh với một danh sách dài những giải thưởng, từ giải địa phương khu vực, đến toàn quốc và giải quốc tế. Niềm khâm phục tin yêu của tôi dành trọn cho anh ở một tinh thần dấn thân với ảnh nghệ thuật - với sự khát khao cống hiến mang đến cảm xúc thẩm mỹ cho mọi người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trọng Thắng - trọn đời đam mê ảnh nghệ thuật

Những ngày để tâm tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử ảnh nghệ thuật Thanh Hóa, tôi rất kính trọng khâm phục nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trọng Thắng. Niềm yêu kính này không chỉ thầm phục anh với một danh sách dài những giải thưởng, từ giải địa phương khu vực, đến toàn quốc và giải quốc tế. Niềm khâm phục tin yêu của tôi dành trọn cho anh ở một tinh thần dấn thân với ảnh nghệ thuật - với sự khát khao cống hiến mang đến cảm xúc thẩm mỹ cho mọi người.

Tôi biết anh khá sớm, ngày trước đổi mới tôi làm thêm nghề chụp ảnh để mong có thêm bơ gạo cân thịt cho cuộc sống công chức, anh đã rất lành nghề và có cửa hiệu chụp ảnh riêng ở quê biển - xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cửa hiệu ảnh của gia đình anh luôn đông vui tấp nập chiếm được cảm tình của nhân dân quanh vùng, nhất là lớp trẻ. Vợ anh ngày nào cũng phải mang phim vượt hơn 20 km đến cửa hàng ảnh Phú Thang để rửa ảnh rồi trực chờ lấy kịp trả cho khách. Cả gia đình đều yêu nghề ảnh, quý khách như anh. Tinh thần này đã ảnh hưởng đến con trai anh, sau này cháu đã trở thành phóng viên trẻ có nhiều thành tích ở Thông tấn xã Việt Nam và chẳng thua bố là bao về giải cao ảnh báo chí nghệ thuật và tước hiệu.

Là con cháu nhà nòi, tuổi còn đi học Trọng Thắng đã được ông chủ hiệu ảnh Lưu Chương ở Nam Định là bác ruột kèm cặp, chỉ bảo cộng với năng khiếu bẩm sinh nên nhập tâm nghề ảnh nhanh. Rồi những thử thách của người được giao chụp ảnh tư liệu cho bộ đội biên phòng khi trong quân ngũ cũng đã đem lại cho anh nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính cái thời bao cấp khốn khó trong vai trò người cầm chèo anh đã vật lộn trong sóng gió mưu sinh để đảm bảo cuộc sống cho gia đình làm nghề tự do ở vùng biển nghèo, giúp anh có được ý thức lao động, hiểu sâu sắc giá trị của lao động, nhất là lao động nghệ thuật.

NSNA Trọng Thắng có duyên với đề tài biển nơi anh và gia đình sinh sống những năm trưởng thành. Biển đã nuôi sống bao người trong đó có gia đình anh. Anh ơn biển bao dung rộng lớn như đất mẹ và thấy mình có trách nhiệm đáp đền lại ân tình của biển. Hàng vạn cú bấm máy của anh về biển là bấy nhiêu lần xúc động rung cảm sâu lắng, anh làm nghĩa vụ của người dân biển trước khi làm sứ mạng cao cả của người NSNA ghi lại cuộc sống qua khuôn hình, qua bố cục, qua ánh sáng và khoảnh khắc của không gian và sự kiện.

Những lao động nghiêm túc không biết mệt mỏi của anh đã được đáp đền. Anh hiện là người sở hữu hàng ngàn bức ảnh đẹp về biển ở mọi góc độ, mọi thời gian: Khi là lúc bình minh tàu thuyền ra khơi, lúc là buổi hoàng hôn tàu thuyền về cá đầy khoang lấp lánh. Nhiều bức ảnh về biển của anh đã được nhận giải cao như: Biện Sơn ngày mới (giải Nhất cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Thanh Hóa trên đường hội nhập năm 2008); Đón nắng (giải Nhì cuộc thi và triển lãm ảnh đẹp Thanh Hóa năm 2003 - HCĐ Bắc miền Trung); Bến cá, Một ngày mới bắt đầu, Kéo lưới... được trưng bày ở các triển lãm ảnh lớn trong nước.

Tác phẩm “Mẻ lưới sớm”.(Ảnh: Trọng Thắng)

Tôi ấn tượng với Biện Sơn hôm nay mang vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên kỳ tú vùng biển Khu kinh tế Nghi Sơn. Tác phẩm có góc chụp rộng tự độ cao nhìn thấy vẻ toàn bích của vụng đảo Nghi Sơn nơi biển, đảo đất liền hòa hợp. Sắc biển xanh mênh mông, sắc đỏ đô thị hừng lên vẻ tươi mới của nhà mái ngói, nhà cao tầng trong ánh nắng rực rỡ chan hòa. Những con tàu đánh cá trở về neo đậu bình yên, bóng soi mặt biển mơ màng. Bức ảnh vừa có giá trị nghệ thuật cao vừa là bức ảnh phản ánh hiện thực về công cuộc phát triển của tỉnh Thanh ở một vùng biển sôi động nhất, thắp lên niềm hy vọng mới, đem lại cảm xúc tin yêu tự hào cho người xem về sự đổi mới phát triển mà vẫn giữ được bản sắc đậm đà. Đón nắng là tác phẩm đẹp xuất sắc từ cách bố cục ảnh cho đến ánh sáng và khung cảnh. Những nong cá đầy đặn được trải kín mặt đê biển như những bông hoa nở đón nắng ánh lên vẻ hấp dẫn no ấm của ngày được mùa đi biển. Những con tàu cá mang theo cờ Tổ quốc neo đậu bình yên, những người phụ nữ hậu phương nghề cá đang chăm bẵm nong cá của mình. Cảnh no ấm mà thanh bình gợi lên niềm tự hào dân biển nghề biển. Lời thời gian kịp ghi lại hình ảnh lão ngư với khuôn mặt tắm nắng, tắm gió, đang chăm chỉ đan lưới trên bờ biển. Những mắt lưới trắng, chòm râu trắng phối với sắc nâu của áo tạo nên bức chân dung đẹp mang hồn của nắng gió biển khơi. Sử dụng ánh sáng thành công làm bật nổi chân dung lão ngư “tuổi cao chí lớn”, tạc dáng vào thời gian - dáng người lao động trong trang phục biển những năm 1980 với áo nâu sồng, nón tre. Với ngôn ngữ nhiếp ảnh anh đã biến cái khoảnh khắc “người muôn năm cũ” thành cái mãi mãi.

Những bức ảnh Trọng Thắng chụp thành công về biển đã gắn tên tuổi của anh với số ít những người thành danh cùng đề tài này. NSNA Trọng Thắng còn là người đạt được nhiều thành công với đề tài thiên nhiên vùng cao. Bước chân lội biển đã khắp bãi bờ vịnh đảo suốt dọc 102 km bờ biển tỉnh Thanh, anh lại tiếp tục băng ngàn, trèo đèo lội suối đem về những bộ ảnh đẹp của vùng cao. Anh có duyên với biển và dường như cũng mắc nợ, nhiều tơ vương dan díu với đất và người vùng cao. Bước chân người lính biên phòng năm xưa trở lại săn gân cốt, giúp anh chinh phục những mường những bản từ Thanh Hóa đến Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam. Anh có mặt ở chân ruộng bậc thang mùa đổ nước rồi trở lại vào vụ lúa chín, ăn ngủ cùng đồng bào, bạn ảnh, săn lùng những bức ảnh mùa đổ nước, những vạt nắng trong rừng, những sớm mai sương giăng, những chiều khói lam lan tỏa với khao khát dâng hiến cho bạn đọc thiên nhiên tươi đẹp tráng lệ của vùng cao.

Ảnh về vùng cao của Trọng Thắng mang vẻ khoáng đạt mà gần gũi, khắc họa sâu sắc vẻ đẹp riêng có của miền núi và cảnh sinh hoạt giản dị đơn sơ, đầm ấm tình người. Xem ảnh người ta nhận ra cái điều chân lý: quê hương nào cũng đẹp, cũng đáng yêu và đẹp hơn cả là tấm lòng yêu quê hương. NSNA Lưu Trọng Thắng đã kịp tỏ tình yêu sâu thẳm của anh với quê hương qua cuốn sách ảnh Hậu Lộc quê hương yêu dấu và nhận được nhiều lời khen ngợi của người xem. Dù rằng cái anh đã công bố trên sách xem ra còn bị hạn chế bởi khuôn khổ, cái anh đang tích tụ, lưu giữ mới là lớn là đáng kể.

“Gừng càng già càng cay”- càng về chặng đường phía sau những tác phẩm của Lưu Trọng Thắng càng bộc lộ tâm huyết cho nghệ thuật, cho sự chinh phục vẻ đẹp hiện hữu và vẻ đẹp tiềm ẩn của quê hương, đất nước. Tôi cứ thầm hy vọng anh có được sự hỗ trợ của các quỹ sáng tác văn học nghệ thuật để tiếp tục dâng hiến cho người xem những tác phẩm đỉnh cao của một con người dốc lòng, hết mình và trọn đời phấn đấu cho nghệ thuật, cho cái đẹp, vì cái đẹp.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]