(vhds.baothanhhoa.vn) - “Nơi cầu vồng đón đợi” (Nxb Hội Nhà văn, HN - 2019) là tập thơ thứ hai của nữ thi sĩ Đinh Thị Hường. Tập thơ trình bày trang nhã, với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vài cảm nhận về tính nữ người con gái xứ Thanh qua "Nơi cầu vồng đón đợi"

“Nơi cầu vồng đón đợi” (Nxb Hội Nhà văn, HN - 2019) là tập thơ thứ hai của nữ thi sĩ Đinh Thị Hường. Tập thơ trình bày trang nhã, với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau.

Nhớ ngày còn nhỏ, thuộc lòng các câu diễn ca: “Ai qua Nông Cống tỉnh Thanh/ Dừng chân nhớ Triệu Thị Trinh anh hùng”; hay: “Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu Ẩu cưỡi voi đánh cồng”, thường hình dung các cô gái xứ Thanh rắn rỏi, trung trinh và kiêu hùng lắm. Lớn lên được cùng học, được dạy các nữ sinh xứ Thanh mới giật mình nhận ra rằng ngoài các phẩm chất trên, nhiều cô gái xứ Thanh còn rất nhạy cảm, dịu dàng, tinh tế và dễ mến, dễ gần. Tác giả tập thơ “Nơi cầu vồng đón đợi” nghiêng về “tuýp” thứ hai chăng?

“Nơi cầu vồng đón đợi” (Nxb Hội Nhà văn, HN - 2019) là tập thơ thứ hai của nữ thi sĩ Đinh Thị Hường. Tập thơ trình bày trang nhã, với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau: có e ấp, đợi chờ; có ngúng nguẩy, giận hờn; có hy vọng, tin yêu: Trời xám xịt vào hùa vây bủa/ Thả trôi ta lãng đãng phút giao mùa/.../Một khoảng riêng cứ dâng đầy nắng hạ/ Ta lạc mùa tắm mưa khát, hạ ơi. Vì sao chị chọn bài thơ “Giao mùa” này mở đầu cho tập thơ. Phải vì thời khắc giao mùa là thời khắc nhạy cảm nhất trong một năm, trong một đời người? Nhất là thời khắc hạ chuyển sang thu, từ cái nắng chang chang đổ lửa cho quả chín đỏ lúc la lúc lắc trên cành chuyển sang mùa thu trời trong xanh dịu mát nhưng ẩn chứa bão lũ sắp hoành hành rồi lá úa vàng trong heo may chờ ngày lìa cành. Và cuộc đời chuyển từ tuổi thanh xuân rực lửa sang tuổi trung niên đằm thắm khiến cho tâm hồn nữ thi sĩ không chịu nổi phải cất lên những vần thơ chín mọng: Mưa níu trời cao không dứt/ Ngâu dài từ thuở xa xôi/ Lá vàng ngẩn ngơ lối nhỏ/ Chuông chùa đứt - nối nhặt thưa/ Bạt phiêu mây trời khuất nẻo/ Như chưa hề dứt bao giờ! (Ngâu). Làm sao dứt được nguồn cảm xúc dâng trào, làm sao dứt được những sợi tơ tình bền chặt của một trái tim luôn ngập tràn tình yêu đời, tình yêu người, một tâm hồn luôn tràn đầy sức sống mùa xuân ấy: Có mùa xuân ấp ủ/ Ngàn năm dậy đất trời/ Có tình yêu thắp lửa/ Ánh mắt em rạng ngời (Mùa Xuân không xa).

Đi nhiều, sống và trải nghiệm nhiều, thơ chị càng nồng nàn như lửa, càng suy tư và đầy chiêm nghiệm như đất như nước. Mới chạm vào thu, chị đã linh cảm đến một mùa đông: Không manh áo che thân/ Khắp gầm trời cạm bẫy/ Gió đầu đông run rẩy/ Đắm - vô tình thế nhân... (Ngẫm). Nhờ hành trình không ngơi nghỉ của Người thơ, mỗi lần đắm mình vào “Nơi cầu vồng đón đợi” ta sẽ được chiêm ngắm sự mềm mại của lá, sự rực rỡ của hoa, sự trong suốt của nước, sự ngọt ngào của mật ong trong từng câu thơ, bài thơ. Ta chợt liên tưởng đến hình ảnh hoa gạo bên hồ thuở thanh xuân như hình ảnh của chính Người thơ: Sừng sững vươn/ Chạm trời/ Bên mặt hồ/ Soi bóng hình cây gạo/.../ Đỏ thắm - giấu tít trên cành cao/ Cánh hoa tựa vào nền trời vững chắc (Hoa gạo đỏ thắm).

Hình thức diễn đạt trong “Nơi cầu vồng đón đợi” khá phong phú. Một số bài viết theo thể truyền thống: lục bát, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn..., còn phần nhiều viết theo thể thơ tự do phóng túng. Độ dài ngắn các bài thơ khá chênh lệch. Có bài thơ chỉ hai câu vẫn găm được vào lòng độc giả: Một biển nhớ nhốt một tôi/ Khung tường vôi trắng nhốt trời cô đơn. Có bài dài đến hai, ba trang đọc xong vẫn thấy còn “khát“ (Ngày lâm sàng, Thấy, Nhìn, Thời gian vô vọng, Rừng ơi! Thương lắm, Không nhòa, Chân trời xa...). Thơ chị cô đọng, kiệm lời, không dàn trải. Chúc chị gặt hái được thành công hơn nữa trong cuộc sống nói chung và thi ca nói riêng.

Nhà thơ Lê Quốc Hán


Nhà thơ Lê Quốc Hán

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]