(vhds.baothanhhoa.vn) - Đại hội lần thứ nhất Hội Văn nghệ Thanh Hóa năm 1974 có sự góp mặt của hơn 90 văn nghệ sĩ. Đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã trưởng thành về lực lượng với gần 500 hội viên. Song hành cùng sự phát triển về lực lượng, chất lượng nghệ thuật là vấn đề luôn được đặt ra. Chính vì thế câu hỏi: Văn nghệ xứ Thanh đã đi kịp thời đại chưa?, vẫn là điều trăn trở và bỏ ngỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn nghệ xứ Thanh đã đi kịp thời đại? (Kỳ 1): Dòng mạch văn nghệ xứ Thanh

Đại hội lần thứ nhất Hội Văn nghệ Thanh Hóa năm 1974 có sự góp mặt của hơn 90 văn nghệ sĩ. Đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã trưởng thành về lực lượng với gần 500 hội viên. Song hành cùng sự phát triển về lực lượng, chất lượng nghệ thuật là vấn đề luôn được đặt ra. Chính vì thế câu hỏi: Văn nghệ xứ Thanh đã đi kịp thời đại chưa?, vẫn là điều trăn trở và bỏ ngỏ.

Chuyến đi thực tế của các nhà văn về Thọ Xuân.

Thanh Hóa là một trong số tỉnh thành có số lượng văn nghệ sĩ đông đảo trong cả nước. Một phần vì đây là tỉnh có dân số đông với diện tích rộng. Nhưng hơn hết đây là đất sinh vua sinh chúa và là mảnh đất của thi ca nghệ thuật. Chưa bao giờ lực lượng văn nghệ sĩ Thanh Hóa nằm ngoài dòng mạch của đời sống, họ luôn đồng hành và cất lên tiếng nói của lực lượng những người sáng tác để “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo nhữnggì chưa có”.

Từ một thế hệ các văn nghệ sĩ tên tuổi

Từ những năm 1964, nhà văn Nguyễn Thế Phương được Hội Nhà văn Việt Nam cử vào Thanh Hóa xây dựng phong trào văn nghệ, không lâu sau đó, tập san “Người bạn Văn hoá” đã ra đời. Thanh Hóa là một trong số rất ít địa phương có tập san sớm nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ mở ra phong trào văn nghệ phục vụ cho kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc và cả những đổi thay của quê hương mình, các nghệ sĩ xứ Thanh đã luôn cố gắng đi cùng thời đại. Nếu đặt dấu mốc đồng hành cùng quê hương đất nước bắt đầu từ giai đoạn hiện đại, cụ thể là sức lan tỏa của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi đó Thanh Hóa là vùng tự do, là “căn cứ địa”, là cơ sở “trung tâm” của văn hóa kháng chiến.Nơi đây có trụ sở của đoàn “Văn hóa kháng chiến” đóng tại làng Quần Tín (xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn) là cái nôi của văn nghệ Việt Nam. Tại đây, Trường Đại học Văn hóa đầu tiên được mở, do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng với các giảng viên là những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận nổi tiếng như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh.

Cũng tại làng Quần Tín, nhiều xưởng giấy, xưởng họa và lớp dạy vẽ ra đời; nhiều đội văn nghệ lưu động, đội kèn đồng, đoàn kịch, múa lưu động đến các địa phương biểu diễn để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, của cách mạng phục vụ kháng chiến kiến quốc. Trong “Hồi ức và tư liệu văn hóa, văn nghệ liên khu IV” nhà văn Nguyễn Xuân Sanh, nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể không đặc biệt cảm ơn liên khu IV cũ, tỉnh Thanh Hóa, làng Quần Tín, làng Cổ Bôn, các mảnh đất lành để một “đàn chim” văn nghệ đậu, có mối tình thắm thiết từ đó đến nay...”. Cũng từ đó, Thanh Hóa đã có lớp văn nghệ sĩ đầu tiên như Mai Bình, Minh Hiệu, Hà Khang, Hữu Loan, Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Nguyễn Trinh Cơ, Văn Tâm, Nguyễn Thế Phương, Trần Mai Ninh...

Khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lan sang miền Bắc, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch xứ Thanh trở thành chiến trường ác liệt. Xứ Thanh vừa làm nhiệm vụ của một hậu phương lớn lại cũng là chiến trường lớn, thực tiễn sôi động ấy đã sinh ra thế hệ văn xuôi mới với những tên tuổi như: Trần Hiệp, Hoàng Tuấn Phổ, Lê Đại Thanh, Mai Ngọc Thanh, Kiều Vượng, Đặng Ái, Lê Hữu Thuấn, Nguyễn Huy Sanh, Hà Thị Cẩm Anh, Lê Sỹ Oanh, Lê Thiện Trác... và những nhà thơ như: Nguyễn Duy, Cẩm Giang, Lê Đình Cánh, Lê Văn Vọng, Lữ Giang, Nguyễn Bao, Xuân Sách, Trần Vũ Mai, Mã Giang Lân, Anh Chi...

Bước vào thời kỳ đổi mới, xứ Thanh đã xây dựng được một lực lượng hùng hậu với sự kết hợp nhiều thế hệ và sự phối hợp giữa lực lượng chuyên nghiệp và "không chuyên". Những cái tên như: Phùng Gia Lộc, Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng, Lê Xuân Giang, Nguyễn Văn Đệ, Mai Văn Hai, Mai Ngọc Thanh, Lã Hoan, Huy Trụ, Nguyễn Ngọc Quế, Trịnh Anh Đạt, Văn Đắc, Mạnh Lê, Đào Phụng, Mai Ngọc Thanh, Vũ Thị Khương, Lê Thị Kim, Nguyễn Minh Khiêm... rồi các nghệ sĩ nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, đã có nhiều tên tuổi lớn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ để đưa những tác phẩm của mình đến với người thưởng thức. Những tên tuổi mỹ thuật đáng chú ý là Tạ Quang Bạo, Lê Đình Qùy, Phan Bảo, Đỗ Chung, Lê Xuân Quảng, Lê Cậy, Mai Kiên, Trần Đàm, Trọng Thắng... đã góp phần tạo nên dòng chảy văn học nghệ thuật mạnh mẽ nơi mảnh đất xứ Thanh.

Phải khẳng định rằng để có những thành công ấy chính ngoài sự cuồn cuộn của cuộc sống với những giá trị lịch sử thời đại, những đớn đau giữa cái sống cái chết, sợi dây mong manh giữa cái thiện và cái ác, giá trị giả và thật của làn gió mở cửa còn là mạch nguồn của người nghệ sĩ - luôn muốn đồng hành cùng thời đại, cùng số phận đau đớn tột cùng và những hạnh phúc nhỏ nhoi của kiếp người. Chính những điều đó đã làm nên một nền nghệ thuật đáng ngợi ca của vùng đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt.

Đến một thế hệ hiện tại

Với 11 ban, gần 500 hội viên, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa là một trong những hội địa phương có số lượng hội viên lớn nhất cả nước. Cũng trong chặng đường ấy, hơn 800 đầu sách gồm: Tiểu thuyết, trường ca, tập truyện, tập thơ, tập sách ảnh, tập ca khúc, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh... đã được ra đời. Điều đó thật đáng mừng.

Đáng mừng hơn là thành tích của các chuyên ngành. Nếu như lĩnh vực sân khấu với sự vinh danh của rất nhiều nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân; văn học hàng năm cũng không ít người có giải thưởng quốc gia và hầu như năm nào cũng có ngườiđạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các hội liên hiệp văn học nghệ thuật, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, hay những giải thưởng của các tờ báo văn học có uy tín như Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội... Năm 2016, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đạt giải A Cuộc thi Thơ của Tạp chí VNQĐ, một giải thưởng mà tạp chí này cũng phải chờ đợi 15 năm mới tìm ra gương mặt đáng để trao. Ngoài ra là sự thành công của một số nhà văn đạt giải thưởng nhà nước. Lĩnh vực mỹ thuật, 10 năm trở lại đây đã có sự phát triển và đóng góp rất rõ. Lớp họa sĩ cũ miệt mài cầm cọ và có những cuộc triển lãm quy mô, như họa sĩ Đỗ Chung dù ở tuổi 75 với rất nhiều thứ bệnh đeo bám bên người vẫn liên tiếp tổ chức các cuộc triển lãm ở Thanh Hóa, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra một thế hệ họa sĩ trẻ với cách làm việc hiệu quả, tư duy mới cộng với việc tiếp cận luồng thông tin mới, dễ thích nghi và cũng dễ thay đổi đã khiến giới mỹ thuật có một cái nhìn khác về lớp họa sĩ xứ Thanh hiện nay. Riêng Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (5 năm một lần) tỉnh Thanh Hóa có số lượng tác phẩm được tuyển chọn trưng bày đứng thứ 5 toàn quốc (sau Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh). Hay như trong lĩnh vực nhiếp ảnh, với sự hội nhập và hòa nhập, đã có một số nhà nhiếp ảnh thay vì tìm kiếm các giải thưởng trong nước, họ đã hướng tới các cuộc thi, cuộc triển lãm quốc tế với mong muốn được học hỏi và cũng thể hiện mình trước bạn bè thế giới.

Văn nghệ xứ Thanh đã tiếp cận được đời sống hiện thực, và có phần hòa nhập vào dòng chảy đương đại thế giới. Cụ thể, nhiều đề tài nóng bỏng của xã hội được các văn nghệ sĩ quan tâm. Nếu như sân khấu xứ Thanh đã đi vào được những đề tài hiện đại tạo dấu ấn trong lòng khán giả như: “Hồn Trinh nữ”, “Tình sắc phục” (Kịch nói); “Vẹt”, “Tấm lòng vàng” (Chèo); “Miền đất hứa”, “Người con Thạch Thành ngày ấy” (Cải lương); “Núi rừng mở rộng vòng tay”, “Hai người Mẹ” (Tuồng)... thì các họa sĩ quan tâm hơn nhiều tới đề tài môi trường. Họa sĩ Lê Thị Thanh sau bộ tranh “Huyền thoại Sầm Sơn” đạt giải A của Triển lãm khu vực Bắc miền Trung năm 2015 và xuất sắc đoạt giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam giải tỏa “cơn khát huy chương Vàng” cho nền mỹ thuật xứ Thanh sau chặng đường dài 20 năm tham gia các cuộc triển lãm khu vực chưa một lần có giải nhất. Năm 2019, chị mang “Cứu” và “Hãy cứu” đến Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ cũng với đề tài môi trường được hội đồng chuyên môn đánh giá cao với giải A, sau đó, tác phẩm “Cứu” tiếp tục giành giải Ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, cũng trong năm này chị tham gia Triển lãm Tranh in mini toàn quốc do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức với bộ “Thời sự” gồm 7 tác phẩm mini thể hiện cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề của môi trường, từ bầu trời - mặt đất - đại dương... Nhiếp ảnh gia Lưu Trọng Thắng thông qua những bức ảnh về phong cảnh quê hương xứ Thanh, anh đã giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết, đất và người xứ Thanh đẹp và thơ mộng biết nhường nào. Có thể khẳng định, sự miệt mài của anh được thể hiện bằng số lượng tranh của anh được chọn vào triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế ở nhiều nước.

Rõ ràng, sự khắc nghiệt của văn nghệ là đòi hỏi nghệ sĩ phải luôn làm mới mình và tìm ra một lối đi riêng. Đương nhiên lối đi riêng ấy không thể nằm ngoài dòng chảy của đời sống, mà bằng cách thức thể hiện khác, mỗi nghệ sĩ nhìn cuộc sống theo cách riêng thậm chí là duy nhất. Trong 10 năm trở lại đây, các văn nghệ sĩ xứ Thanh dù loay hoay tìm đường nhưng ít nhiều đã thể hiện được cuộc sống đương đại với những giằng co, loay xoay của kinh tế cộng với những âu lo về vấn nạn môi trường, những kẽ hở của cơ chế khiến nhiều con người dễ rơi vào tham ô tham nhũng... Nói như nhà lý luận phê bình Thy Lan - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa: Có những người đi đến tận cùng cuộc đời vẫn tiếc nuối về sự lựa chọn, nhà văn đi tận cùng sự chiêm nghiệm vẫn chưa thỏa mãn sự lựa chọn. Một hướng đi đúng bao giờ cũng có tác dụng bung nở tư duy, phát huy sáng tạo.

Cũng trong 10 năm trở lại đây, đời sống của người nghệ sĩ đã thay đổi rất nhiều. Thay vì nỗi lo cơm áo, họa sĩ không có họa phẩm mà vẽ, một tấm toan chồng chất các lớp màu, nhà văn không có đủ giấy bút để viết... thì nay với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với cơ chế mở cho văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ thường xuyên được quan tâm hỗ trợ. Nếu khảo sát về các ứng xử và đối xử với văn nghệ chúng ta thấy rất rõ đã có sự quan tâm và lo lắng. Trong đó đáng chú ý là chính sách khuyến khích khi một tác giả trong tỉnh được giải thưởng Trung ương, về tỉnh sẽ được tặng Bằng khen và thêm nửa giá trị giải thưởng. Hoặc thay vì giải thưởng Lê Thánh Tông với mức cao nhất là 5 triệu thì hiện nay với tên gọi giải Văn học nghệ thuật hàng năm với giải A 10 triệu; còn giải thưởng Lê Thánh Tông 5 năm một lần đã được nâng lên 70 triệu cho giải A, 50 triệu giải B và 30 triệu giải C. Cùng với chính sách đãi ngộ của tỉnh, văn nghệ sĩ đã có sự ganh đua hơn, họ chịu khó đi thực tế nhiều hơn, tiếp cận với hiện thực đời sống nhanh nhạy hơn, sẵn sàng cất lên những tiếng nói máu thịt và chứa đựng nhiều cảm xúc.

Trên chặng đường gần 50 năm đồng hành cùng quê hương đất nước, phải khẳng định rằng văn nghệ sĩ xứ Thanh đã luôn nỗ lực và cố gắng đi cùng thời đại. Tuy vậy, để trả lời câu hỏi: Văn nghệ xứ Thanh đã đi kịp thời đại chưa? Điều đó cần sự giải mã lí do tại sao chúng ta có một lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo nhưng hầu hết các tác phẩm chỉ đồng đều về chất lượng mà chưa có những đỉnh cao.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]