(vhds.baothanhhoa.vn) - Chặng đường 50 năm văn nghệ xứ Thanh đồng hành cùng dân tộc ghi nhận những tác động, vị trí và vai trò của văn nghệ sĩ đối với đời sống xã hội. Tuy vậy, vẫn còn những lo âu của chính bản thân những người trong cuộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn nghệ xứ Thanh đã đi kịp thời đại? (Kỳ 2): Văn nghệ sĩ đang mắc nợ cuộc sống?

Chặng đường 50 năm văn nghệ xứ Thanh đồng hành cùng dân tộc ghi nhận những tác động, vị trí và vai trò của văn nghệ sĩ đối với đời sống xã hội. Tuy vậy, vẫn còn những lo âu của chính bản thân những người trong cuộc.

Ban Mỹ thuật (Hội VHNT Thanh Hóa) vẽ tranh làng bích họa tại TP Sầm Sơn.

Đồng đều nhưng không xuất sắc

Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan có nhắc đến 79 nhà văn nhưng không có tên Nam Cao. Song không lâu sau đó, Nam Cao trở thành hiện tượng và người đọc ngày hôm nay vẫn cảm nhận những day dứt về kiếp người, thân phận người thật gần gũi. Những hiện tượng như Nam Cao thật sự không nhiều.

Văn nghệ Thanh Hóa những năm qua đã đón nhận không ít các tác phẩm có tiếng vang và tầm ảnh hưởng tới người tiếp nhận. Tuy vậy, sòng phẳng phải khẳng định, lực lượng văn nghệ sĩ của chúng ta đồng đều nhưng thiếu đỉnh cao, số lượng tác phẩm lớn nhưng thật ít xuất sắc.

Nguyên nhân của sự đồng đều đến nay về khách quan vẫn là quan điểm nghệ sĩ bao giờ cũng nghèo, cái khó bó cái khôn. Song nếu thẳng thắn phải nói đầu tiên là cách đến với văn nghệ của nghệ sĩ đôi khi cũng rất nửa vời. Có người đang viết văn xuôi thì chuyển sang làm thơ, làm lý luận, thậm chí đang làm diễn viên sang viết thơ, đang làm kinh doanh thấy đời sống nghệ sĩ vui vui thì ghé qua chơi “sang thêm chứ nào mất gì”. Mỗi thứ một tí nhưng cuối cùng chẳng đến đâu.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt huyết có thừa nhưng học vấn, phông văn hóa của các nhà văn Việt Nam còn thấp. Chia sẻ với chúng tôi, một lão nhà văn có nói: Với tôi nhà văn hơn nhau ở tư tưởng, như người con gái cần sắc hương ấy. Tôi đã đọc rất nhiều giải thưởng và thấy các nhà văn viết như chụp ảnh. Cuộc đời đâu thể rõ ràng như bức ảnh. Đọc tiểu thuyết bây giờ không khác gì tiểu thuyết những năm 70 của thế kỉ XX, và nguy hiểm hơn là chúng ta đang trao giải cho những tác phẩm cũ rích ấy. NSNA Xuân Tứ cho thấy thực trạng việc không được đào tạo bài bản đã hạn chế khả năng sáng tạo của nghệ sĩ. Hầu hết nghệ sĩ ở Thanh Hóa chủ yếu chụp ảnh vì đam mê, vì yêu cái đẹp.

Làm công tác quản lý chưa lâu, nhưng có nhiều thời gian theo dõi đời sống văn nghệ ở địa phương, Nhà lý luận phê bình Thy Lan khẳng định: Đời sống kinh tế khó khăn chỉ là một lí do, không phải là tất cả. Trước đây khó khăn hơn nhiều. Văn nghệ kháng chiến trong lúc bom rơi lửa đạn, các nghệ sĩ vẫn thăng hoa nảy mầm khi đối diện giữa sợi tóc mong manh, giữa cái sống và cái chết. Tôi nghĩ cái khó khăn nhất hiện nay với văn nghệ sĩ là sự dấn thân không quyết liệt. Đừng đổ cho đời sống kinh tế, hay cơ chế. Giờ đây tác phẩm so với trước nhiều hơn, có thể do truyền thông và công nghệ đã đưa tác phẩm đến tay người đọc bằng nhiều con đường khác nhau. Tuy nhiên chất lượng đồng đều nhưng không xuất sắc, không có những tác phẩm đỉnh cao, lan tỏa và gây chấn động như trước đây. Không chấn động đôi khi chẳng phải do tác giả. Giờ đây văn hóa tinh thần phong phú, người đọc dễ bị phân tán thị hiếu thẩm mỹ và không tập trung cụ thể vào lĩnh vực gì. Người đọc thờ ơ thì người viết sao chí thú được?

Cụ thể cho sự thiếu dấn thân quyết liệt đó chính là sự quay lưng lại với những nỗi đau, hoặc mang tâm lí không quay lưng thì văn nghệ sĩ cũng chẳng làm gì được. Người ta tìm cách né tránh, làm cho văn nghệ trở thành bình bình, vừa vừa, phải phải, đọc/xem/nghe cũng được mà không thì thôi. Chính nhà văn Nguyễn Văn Đệ cũng phải thốt lên: Cuộc sống giờ người ta vô cảm nhiều, tâm thế của người viết không lớn. Ví dụ như những sự bất công không khiến người cầm bút đau đáu, bực bội, xa xót... mà chủ yếu là nghĩ về quyền lợi của mình.

Nếu để đưa ra lý do hẳn sẽ còn có thể liệt kê được, nhưng phải khẳng định, đừng đổ hết mọi trách nhiệm, vai trò và thành quả là do nghệ sĩ.

Thiếu hụt về lực lượng

Chính tất cả những khó khăn cả về phía chủ quan và khách quan khiến lực lượng văn nghệ sĩ đang ngày càng thiếu hụt, đặc biệt là người trẻ. Nhà văn Nguyễn Văn Đệ - dù đã qua tuổi 70 và là Trưởng ban Văn xuôi của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhưng vẫn phải lo về việc xây dựng thế hệ kế cận. Hằng năm Hội VHNT đều có mở lớp đào tạo, nhưng sau khóa đào tạo, tập huấn, thậm chí có các thầy trung ương về dạy “không đậu được” (như cách nói của ông) với cái nghĩa là không tìm người viết được, không thể phát triển được. Kết quả thu lại không được bao nhiêu, một vài bài thơ, văn nhàng nhàng sau đó là tắt ngúm. Cách đây 7 năm, từ lớp đào tạo, Ban Thơ tìm ra được cây bút Tú Anh, nhưng rồi chị đã chuyển ra Hà Nội. “Nguyên do là thời đại kinh tế thị trường, người ta đổ xô đi học các ngành kinh tế và làm kinh tế vì văn học nó nghiệt ngã, và cái đối xử lại với nghệ sĩ không được bao nhiêu so với cống hiến. Kể cả những lớp như chúng tôi, đôi khi, vật vã thành vất vưởng”. Ông cho rằng: Nguyên nhân chính là những người có số mệnh, tâm huyết với văn nghệ nói chung và văn chương nói riêng là rất ít.

Cụ thể Ban Văn xuôi gồm 32 thành viên, hầu hết trên 70 tuổi, có người 85 tuổi, người trẻ tuổi nhất cũng đã ngoài 30 tuổi. Trong 2 năm 2018, 2019, ban này chỉ kết nạp được một hội viên 75 tuổi. Hội viên Ban Nhiếp ảnh có 40 người thì chỉ có 7 người dưới tuổi 60. Nhà văn Lưu Nga - Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh chia sẻ câu chuyện khắc nghiệt của người viết trẻ và sự tắt ngúm không biết đến từ đâu. Văn học như một cái mỏ khoáng sản, nếu biết khai thác thì sẽ là vô tận, nhưng không biết khai thác, hoặc khai thác một lúc thì mỏ khoáng sản ấy sẽ bị cạn và không bao giờ quay lại nữa. Điển hình như Nguyễn Giáng Tiên, ngay từ đầu cấp 2 đã nổi tiếng như một thần đồng văn chương, sau đó tiếp tục đạt giải Cây bút vàng của Bộ Công an tổ chức. Giáng Tiên đi học Trường Viết văn Nguyễn Du với bao nhiêu hy vọng của thế hệ đi trước, nhưng từ khi bước vào cổng “lò đào tạo” viết văn, chị đã không thể viết được. Đó là điều đáng buồn và đồng thời cũng là sự khắc nghiệt của người làm văn nghệ.

Thực tế là Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa có mảng văn học trẻ và nhà văn Lưu Nga là người được giao theo dõi song chị cũng cho biết: Tôi đang hoạt động mà không có hội viên. Nếu các ban khác có thể tổ chức đi thực tế hay các chương trình hoạt động khác nhưng ban của tôi chỉ hoạt động ghép. Chị còn nói vui: Quy luật là phát hiện người trẻ nhưng ở đây (Ban Văn xuôi) lại toàn phát hiện người già, hoạt động chính của chúng tôi là đi thăm nom người ốm.

May mắn hơn, Ban Mỹ thuật và Sân khấu còn có số lượng người trẻ lớn. Tuy vậy, chỉ khoảng 5-10 năm nữa nếu không có chiến lược xây dựng đội ngũ, khoảng trống sẽ ngày càng lớn hơn.

Các nghệ sĩ mắc nợ lịch sử

Các nghệ sĩ luôn cố gắng để sống, làm việc và cống hiến hết sức mình. Họ trăn trở và làm việc bằng cách nào đó để thể hiện đời sống với ngôn ngữ nghệ thuật cao nhất, tùy thuộc vào năng lực bản thân và đối tượng tiếp nhận.

Ban Nhiếp ảnh hàng năm đã tổ chức được rất nhiều hoạt động. NSNA Xuân Tứ cho biết mỗi năm các hội viên trong ban tham gia ít nhất 5 cuộc triển lãm, và để có thể tham gia thì các hội viên phải có hoạt động nghệ thuật của riêng mình. Các ban của Hội VHNT cũng đã cố gắng tổ chức những chuyến đi thực tế để các văn nghệ sĩ có thể tìm hiểu, trải nghiệm đời sống đất và người xứ Thanh. Tuy vậy, các hoạt động “cưỡi máy bay xem hoa” ấy nhiều khi mangtính chất giao lưu, vui chơi hơn là hoạt động sáng tác.

Gần đây nhất, Ban Mỹ thuật có tham gia vẽ tranh Làng bích họa Sầm Sơn. Họa sĩ Lê Thị Thanh cho biết: Sự va đập giữa nghệ sĩ với người dân có rất nhiều điều thú vị. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi mình vẽ sự tích Chùa cô Tiên thì mọi người lại thắc mắc hỏi: Anh/ chị vẽ Chử Đồng Tử - Tiên Dung hay Âu Cơ - Lạc Long Quân? Quả thực đây là thiếu sót trong giáo dục về lịch sử văn hóa, người địa phương còn chưa biết lịch sử vùng đất, nói gì đến du khách. Thông qua mỹ thuật chúng tôi có thể giới thiệu về lịch sử vùng đất với mong muốn tiếp sức để phát triển du lịch địa phương.

Suy cho cùng, với một người sáng tác, cái cần hơn hết vẫn là ý thức tri ân cuộc sống, cảm ơn cuộc đời. Khi tôi đặt ra câu hỏi nhỏ: Chúng ta - những con người Thanh Hóa, khi nói về đề tài chiến tranh cách mạng, hay cụ thể hơn là chiến thắng Hàm Rồng, đã có tác phẩm nào xứng tầm chưa?

Điểm qua những tác phẩm âm nhạc hay nhất về Thanh Hóa như: Đẹp đôi trai gái tỉnh Thanh, Khúc tình ca Thanh Hóa, Đường về Thanh Hóa (Nguyễn Trọng); Tiếng cồng Ngàn Nưa (Xuân Liên); Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao); Cây lúa Hàm Rồng (Đôn Truyền); Thanh Hóa anh hùng (Hoàng Đạo); Quê tôi đảo Hòn Mê (Đức Nhuận); Lão dân quân Hoằng Trường (Đỗ Nhuận)... lại không phải do người Thanh Hóa sáng tác.

Lực lượng mỹ thuật Thanh Hóa với những tên tuổi lớn như điêu khắc có Lê Đình Quỳ, Tạ Quang Bạo; hội họa có Lê Thanh Vân, sau này Phan Bảo, Lê Xuân Quảng, Lê Hàn, Lê Cậy... nhưng Tượng Nam Ngạn Hàm Rồng thì do nhóm họa sĩ Trường Mỹ thuật Việt Nam thực hiện, Tượng Lê Lợi cũng không phải người Thanh Hóa làm. Trong khi đó, những người như Tạ Quang Bạo giải thưởng Hồ Chí Minh ở cả Việt Nam đếm trên đầu ngón tay; Lê Đình Quỳ giải thưởng Nhà nước cũng không được góp mặt.

Viết chiến tranh, văn học xứ Thanh đã ghi dấu ấn với những bài thơ, những cuốn tiểu thuyết đi cùng năm tháng của Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Trần Hữu Thung, Nguyễn Duy, Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Văn Đệ...

Họa sĩ trẻ Lê Thị Thanh có chia sẻ: Chiến tranh cách mạng là đề tài khó vì nó không lãng mạn bay bổng để gây được cảm hứng cho nghệ sĩ nói chung và điều đặc biệt là giữa lúc khó khăn ấy, nghệ sĩ bị hạn chế về phương tiện. Nếu xem cuốn sách 100 họa sĩ Việt Nam thế kỷ XX tiêu biểu thì cũng ít tác giả đề cập đến đề tài này kể cả các tác giả đạt giải thưởng Nhà nước, Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Vì sao chúng ta không có tác phẩm nào về hai cuộc chiến tranh của dân tộc? Các họa sĩ đang mắc nợ lịch sử một tác phẩm nói lên tâm thế của thời đại và cuộc chiến đấu thần thánh. Ngược lại, phải nói rằng xã hội cũng nên có những cái nhìn nhận thích đáng và đầu tư nhất định thì các tác giả mới có thể trả được những món nợ cho lịch sử.

Nghệ sĩ mắc nợ với lịch sử chỉ là cách nói, thiết nghĩ, việc đặt lên vai nghệ sĩ những yêu cầu quá lớn đã là minh chứng cho thấy vai trò của văn nghệ sĩ trong đời sống. Có một thời tiếng hát át tiếng bom, một câu thơ tựa hàng ngàn cây súng, và đến ngày nay khi mọi người có đủ đầy các phương tiện giải trí hay thưởng thức thì văn nghệ vẫn “làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống” (Nguyễn Đình Thi).

Văn nghệ có thể đi cùng thời đại, nên chăng cần có thêm “chất kích thích” để văn nghệ sĩ luôn nỗ lực sáng tạo, đời sống văn nghệ được quan tâm.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]