(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong 50 năm, chưa bao giờ như lúc này văn nghệ xứ Thanh phải đặt ra bài toán làm thế nào để không bị thiếu hụt về lực lượng văn nghệ sĩ. Chỉ nói riêng trong mảng văn học, Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 3 cả nước về số lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với trên 90 hội viên, sinh sống và hoạt động tại địa phương là gần 20 người, riêng năm 2019 đã có 3 hội viên được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy vậy, trong số đó, độ tuổi dưới 60 chỉ có vài ba người, người già nhất đã 77 tuổi. Đó là còn chưa tính đến hội viên của các ban khác trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, 80 tuổi nay không còn là hiếm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn nghệ xứ Thanh đã đi kịp thời đại? (Kỳ cuối): Đừng yêu cầu trả lời một câu hỏi trừu tượng bằng một đáp án toán học

Trong 50 năm, chưa bao giờ như lúc này văn nghệ xứ Thanh phải đặt ra bài toán làm thế nào để không bị thiếu hụt về lực lượng văn nghệ sĩ. Chỉ nói riêng trong mảng văn học, Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 3 cả nước về số lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với trên 90 hội viên, sinh sống và hoạt động tại địa phương là gần 20 người, riêng năm 2019 đã có 3 hội viên được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy vậy, trong số đó, độ tuổi dưới 60 chỉ có vài ba người, người già nhất đã 77 tuổi. Đó là còn chưa tính đến hội viên của các ban khác trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, 80 tuổi nay không còn là hiếm.

Cần phải xây dựng đội ngũ chất lượng

Nếu nhìn nhận thẳng thắn, chỉ trong vòng 5 năm nữa, Thanh Hóa sẽ có một khoảng trống nhất định về lực lượng. Vì thế bài toán đảm bảo về lực lượng được đặt lên làm mục tiêu.

Để xây dựng lực lượng người viết trẻ, nhà văn Lưu Nga cho rằng: Nhất thiết chúng ta phải làm công tác phát hiện người viết ở các trường phổ thông và ở các điểm xã. Trong vài năm gần đây, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh cũng chỉ phát hiện được cây bút Vũ Tuyết Nhung người Nga Lĩnh, Nga Sơn. Nhung là người viết khá, và thực sự yêu văn chương. Nhưng muốn phát triển hơn, Hội VHNT phải có một nguồn kinh phí để theo sát những người viết trẻ. Muốn đi sát thì phải phát hiện và bồi dưỡng. Nên chăng, tạp chí cần mở chuyên mục văn học nhà trường, để kích thích các em học sinh viết. Ngoài ra, phải tổ chức nhiều trại viết. Hiện nay, các trại viết được hội tổ chức thường là 3-5 ngày. Tôi nghĩ phải 15-30 ngày và mở rộng ra cả tỉnh ngoài để có sự giao lưu học hỏi giống như chất kích hoạt mong muốn thể hiện và sự sáng tạo. Nếu không có sự cọ sát trao đổi thì nghệ sỹ sẽ không biết mình đang ở đâu. Có hiện tượng một số cây bút trẻ tự phụ về mình, nghĩ mình là nhất, tôi thi thì phải đạt giải, gửi là phải in. Trong văn chương mà có suy nghĩ đó, chắc chắn sẽ tự giết mình.

Đó là chia sẻ của nhà văn Lưu Nga về việc làm thế nào để phát triển lực lượng trẻ. Còn để kích thích sự sáng tạo của họ thì theo nhạc sĩ Mai Kiên, người đã viết và phổ nhạc được 500 ca khúc của hơn 100 nhà thơ trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, ông vừa cho ra mắt tuyển tập nhạc “Về Lam Kinh ngày hội” gồm 50 ca khúc. Bạn bè vẫn gọi ông là người nâng các nhà thơ lên cánh sóng truyền hình nhưng chính ông lại lo âu rằng: Đã lâu lắm rồi, trên truyền hìnhkhông giới thiệu tác phẩm mới. Nhạc sĩ Mai Kiên cho rằng: Cần phải phát động các cuộc thi sáng tác. Sau đó, tổ chức thu âm, cứ cho là mỗi quý một lần thu 3 bài đi, thì mỗi một năm chúng ta cũng có 12 bài hát khá. Tôi nghĩ trong số 12 bài ấy, chắc chắn sẽ có vài bài tốt. Quả thật, nếu không có sự khuyến khích, hay cơ chế, các nghệ sĩ mạnh ai người ấy làm. Họa sĩ để có thêm thu nhập thì đi vẽ tranh tường, nhạc sĩ thì sáng tác bài hát theo đơn đặt hàng, nhà nhiếp ảnh thì đi chụp hoa cho các bạn trẻ... nhưng còn nhiều chuyên ngành khác các nghệ sĩ loay xoay làm thế nào để sống.

Là một họa sĩ già, còn có tiền lương hưu “không phải ngửa tay xin tiền con” theo cách nói của Xuân Quảng, nhưng ông vẫn trăn trở. “Nhất thiết phải làm tốt công tác lưu trữ. Câu chuyện về một số nhà sưu tập nổi tiếng chị biết rồi. Và hiện nay, trên cả nước việc lưu trữ được đặc biệt chú ý. Họa sĩ Đỗ Chung cuối năm 2019 tổ chức triển lãm Mưa nguồn tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau cuộc triển lãm, ông đã được Bảo tàng này mua 2 bức (khổ 2m x 5m; và 2m x 3,5m) với tổng giá là 18.000 USD. Nhìn lại mình, ông bùi ngùi chỉ về phía bức tranh Cuộc đọ sức quyết liệt vừa đi triển lãm tranh về đề tài lực lượng vũ trang nằm buồn thiu trong một góc. Chị thấy không, cả một cuộc chiến thắng Hàm Rồng oanh liệt và bất khuất như thế, ngoài Chiếc cầu đỏ của Phan Bảo, Tượng Thanh niên xung phong ở Hàm Rồng của Lê Đình Quỳ, tác phẩm này cũng rất đáng để có cơ chế bảo tàng lưu trữ. Đáng lẽ những tranh đã “đứng” rồi, bảo tàng tỉnh nên có một ý thức sưu tập. Sau này tôi chết, con cái mình liệu có bỏ xó bếp không?

Họa sĩ Xuân Quảng đang miệt mài chuẩn bị cho triển lãm tranh cá nhân trong năm 2020.

Đặc biệt hơn, để văn nghệ đi kịp thời đại cần có sự đầu tư dài hơi cho một tác phẩm. Theo chia sẻ của họa sĩ Lê Thị Thanh: Phải đầu tư ngay thì còn kịp vì thế hệ các nghệ sĩ thời chiến hiện vẫn sống và khá minh mẫn. Nói về đề tài chiến tranh cách mạng, tôi nghĩ một tác phẩm với một góc nhìn của một cá nhân là chưa đủ tầm vóc của sự kiện lịch sử. Chẳng hạn để vẽ về Hàm Rồng ngoài việc tác giả là người đã sống trong giai đoạn đó, hiểu được lịch sử của sự kiện, cần phải có một nhóm tác giả nghiên cứu về ánh sáng, xây dựng những trường đoạn để tạo nên tầm vóc thời đại bằng tâm thế của họa sĩ ngày hôm nay.

Nghệ thuật xứng tầm thời đại: Quá khó!

Để xứng tầm thời đại, rất nhiều người cho rằng: Nghệ sĩ đang có những ràng buộc nhất định về đời sống cơm áo gạo tiền, về cơ chế quản lý hành chính và sự tự do cá nhân. Họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh - Trưởng ban Mỹ thuật cho rằng: Sự tự do trong sáng tác là niềm mong muốn, tiêu chí của những người làm nghệ thuật nói chung chứ không riêng gì mỹ thuật. Được tự do để sáng tác và tự do trong sáng tác là hai vấn đề khác nhau. Cái lồng của cơ chế là cái lồng hiện hữu nhưng cái lồng của sự bay bổng của tư duy cá nhân mới là cái lồng lớn mà nhiều người muốn cũng chưa chắc bay nổi và vượt khỏi. Nghệ sĩ luôn miệng nói mong muốn được tự do sáng tác nhưng có trao cho họ tự do họ cũng không làm được. Nói hết sức dễ dàng mà việc làm thì hết sức khó khăn. Phải khẳng định nghệ sĩ để làm được nghề ngoài việc liên quan đến nền tảng tư tưởng, văn hóa, nhận thức xã hội còn là kỹ năng, kỹ thuật làm việc qua một quá trình đào tạo và tự đào tạo.

Có đôi chút lo lắng, họa sĩ Xuân Quảng cho rằng họa sĩ cả nước nói chung chứ không riêng gì Thanh Hóa là nghèo và nghèo. Sự chịu đựng khó khăn của họa sĩ được xem là đương nhiên. Song không phải vì thế mà chán nản không sáng tác. Không có tác phẩm là khuyết điểm hay nói cho cùng là anh không yêu nghề, không phấn đấu vì nghề. Ông khẳng định: Văn nghệ đương nhiên đi cùng thời đại, chứ còn nếu đem so sánh với xã hội và cuộc sống thì có thời nào mà văn nghệ xứng tầm đâu. Làm ra được một tác phẩm không dễ và để một tác phẩm xứng tầm khó lắm, hết đời rồi cũng chưa dám nghĩ.

Trước thực tại đời sống văn nghệ, sự khó khăn và tâm thế với thời đại của văn nghệ sĩ, nhà văn Nguyễn Văn Đệ khẳng định: Văn học lúc nào cũng đồng hành cùng lịch sử và hiện thực đời sống cùng thân phận con người. Chỉ ví dụ nếu đọc những trang văn xuôi của Kiều Vượng với Vùng trời thủng, Từ Nguyên Tĩnh với Huyền thoại sông Thu Bồn, Nguyễn Văn Đệ với Hồn biển... người đọc dễ dàng hiểu được một thời kỳ gian khổ mà oai hùng.

Nhà phê bình lý luận Thy Lan cho rằng: Văn học cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng những năm gần đây được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nhiều. Văn nghệ đã đi kịp thời đại chưa? Nói là văn nghệ không đi kịp thì cũng không đúng, vì như thế nào là kịp, như thế nào là xứng tầm. Đó là những khái niệm trừu tượng. Việc đặt ra những câu hỏi như thế mục đích là nhìn lại con đường mình đang đi và để có những hướng phát triển tiến lên chứ trả lời chính diện cho câu hỏi đó thì ngôn ngữ cũng không làm được. Ta không thể trả lời một câu hỏi trừu tượng bằng một đáp án toán học. Văn học nghệ thuật đã và đang cố gắng để đi cùng thời đại. Hiện thực là các tác phẩm đã đi cùng thời đại, còn có những cách đánh giá phản biện cũng không đúng ở chỗ lấy giá trị của thời xưa để áp chế cho ngày hôm nay. Điển hình nói về thơ tự do, với yêu cầu của luồng gió mới, của hơi thở cuộc sống rộng hơn, lớn hơn của ngày hôm nay mà lại cứ gò vào thơ lục bát hay thơ bảy chữ là... khó.

Còn nếu hỏi văn nghệ đã thực sự xứng tầm chưa? Cũng xin thành thật trả lời: Chưa. Vì chưa thỏa mãn được đa số quần chúng. Đây cũng là bài toán mà trong hành trình tới Đảng, Nhà nước và những cơ quan quản lý nên đặt văn học nghệ thuật ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Song đó không chỉ đòi hỏi ở các nhà làm công tác quản lý mà còn là trách nhiệm của người viết và vai trò của công chúng trong việc góp phần định hướng thẩm mỹ.

Để phát huy hơn nữa vai trò của văn nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, tại hội nghị tổng kết công tác VHNT năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ cho năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Hội VHNT cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn cả về lượng và chất. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, bám sát đời sống và các nhiệm vụ chính trị, sự kiện, thành tích nổi bật của tỉnh làm tư liệu sáng tác nhằm tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật, xứng tầm với thế và lực của tỉnh. Hội chủ động nghiên cứu, tuyển chọn, tập hợp các tác phẩm tiêu biểu của hội viên để xây dựng thành tuyển tập...

Nói về thành công của ngày hôm qua, của thế hệ đi trước để chúng ta thêm một lần nữa khẳng định, văn nghệ xứ Thanh luôn đồng hành cùng thời đại, văn nghệ sĩ xứ Thanh luôn nỗ lực để có thể cho ra đời những tác phẩm tốt nhất, hay nhất. Kỳ vọng vào nghệ sĩ có thể là chất xúc tác, là sự kích hoạt khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhưng nếu đặt ra áp lực quá mức với nghệ sĩ, e rằng sẽ là phản tác dụng. Mỗi thời đại có một tiêu chí, và mỗi một đối tượng bạn đọc cũng có sự phân loại tác phẩm nghệ thuật một cách khác nhau. Văn nghệ xứ Thanh dẫu đang trong giai đoạn khó khăn về lực lượng, sự xuống cấp của văn hóa đọc, sự thờ ơ của đối tượng tiếp nhận, nhưng tôi tin, trong chặng đường tiếp theo, những tác giả nơi mảnh đất địa linh nhân kiệt này sẽ tìm ra cho mình một lối đi hòa vào dòng chảy nhộn nhịp của đời sống mà vẫn giữ được cái tôi riêng của mình.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]