(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trên trang bìa tập thơ “Hành trình 4”, có ghi lại quan niệm của Đinh Ngọc Diệp về thơ ca như thế này: “Thơ là tiếng vang của cuộc sống đã được chắt lọc qua tâm hồn và ý chí của nhà thơ... Thơ mang đến cho người đọc niềm tin vào một xã hội giàu lòng bác ái, sự sẻ chia với mỗi phận đời bất hạnh”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về tập thơ ‘Hành trình 4’ của Đinh Ngọc Diệp

(VH&ĐS) Trên trang bìa tập thơ “Hành trình 4”, có ghi lại quan niệm của Đinh Ngọc Diệp về thơ ca như thế này: “Thơ là tiếng vang của cuộc sống đã được chắt lọc qua tâm hồn và ý chí của nhà thơ... Thơ mang đến cho người đọc niềm tin vào một xã hội giàu lòng bác ái, sự sẻ chia với mỗi phận đời bất hạnh”.

Có lẽ bởi quan niệm ấy, mà từ những ngày đầu tiên bước chân vào con đường sáng tác cho đến tận bây giờ, Đinh Ngọc Diệp đã nương mình vào những câu thơ để tỏ bày tình yêu thương đối với con người, ca ngợi điều tử tế trong đời và đả phá những xấu xa, tàn nhẫn; với mong muốn thơ sẽ lan tỏa hương hoa, như mật ngọt, như lời dịu dàng êm ái, xoa dịu nỗi đau, làm đẹp thêm cho cuộc đời.

Không cần phải chờ đến tập thơ “Hành trình 4”, Đinh Ngọc Diệp mới được người yêu thơ xứ Thanh biết tới. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, ông đã giành được giải Nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Sau cuộc thi năm ấy, Đinh Ngọc Diệp, ở tuổi 30, đã có được cho mình vị thế nhất định trong giới sáng tác thơ ca tỉnh nhà.

Từ thành công bước đầu, Đinh Ngọc Diệp miệt mài sáng tác và công bố không ít tác phẩm trên các báo, tạp chí, chuyên trang văn nghệ…uy tín trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, cho đến năm 2012, tức là khi đã gần 60 tuổi, Đinh Ngọc Diệp mới xuất bản tập thơ đầu tay của mình với tựa đề “Hành trình”. Tên gọi này, không biết vô tình hay hữu ý, mà trở thành tên gọi chung cho cả 3 tập thơsau này của ông.

Tập thơ “Hành trình 4” xuất bản cuối năm 2016, là ấn phẩm mới nhất trong seri 4 tập thơ "Hành trình" của Đinh Ngọc Diệp. Chỉ vỏn vẹn 45 bài, nhưng tập thơ này đề cập đến nhiều đề tài trong đời sống xã hội và đặc biệt, thêm một lần nữa định hình phong cách thơ Đinh Ngọc Diệp. Đó là sự giản dị, ít hoa mỹ và trau chuốt về ngôn từ; nhưng lại đa tầng, giàu tính triết lý về ngữ nghĩa. Đọc thơ Đinh Ngọc Diệp trong "Hành trình 4", có thể dễ dàng chia thơ ông thành 2 mảng lớn, đó là mảng thế sự và mảng thơ tình.

Thơ thế sự của Đinh Ngọc Diệp thường đi sâu phản ánh thực trạng của xã hội hôm nay, với lăng kính giàu tính nhân văn. Là một người yêu thích viết báo, nên Đinh Ngọc Diệp đi nhiều, lăn lộn nhiều, có sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống. Nhờ đó, nhiều bài thơ của Đinh Ngọc Diệp mang không khí thời cuộc, có tính chất luận bàn, gợi mở cho người đọc cái nhìn sâu sắc hơn về các sự kiện có thật, nóng hổi của đời sống. Trong thơ thế sự, Đinh Ngọc Diệp dường như rất thích sắm vai một người kể chuyện. Ông lặng lẽ tiếp cận với con người, sự vật, sự việc,ghi nhớ, kể lại, rồikhái quát thành những vấn đề mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện triết lý và nhân sinh quan sâu sắc của mình. Từ câu chuyện của một con rùa: "Cụ rùa già cõng chiếc mai trên lưng/ Như một ngôi chùa di động/ Chiếc mai từ khi lọt lòng mẹ/ Rêu mốc thăng trầm di tích mấy trăm năm” (Phút sống), Đinh Ngọc Diệp gợi mở trong lòng người đọc về ý nghĩa của cuộc sống, về bản ngã, về tinh thần khát khao cống hiến. Cõi nhân sinh trăm năm cũng chỉ là cái chớp mắt của hóa công, nhưng con người phải sống sao, để đến khi trở về cát bụi, có thể mãn nguyện “lịm trong hoan ca. Chết để sống trong đời”. Hay từ câu chuyện của những con người quanh bàn ăn “đĩa đã nhẵn như chùi/ thực đơn vừa thanh toán” (Tiệc lưỡi), Đinh Ngọc Diệp khiến ta giật mình khi nói về sự giả trá, đố kỵ, những mưu toan, lọc lừa, và sự độc ác mà con người dành cho nhau: “Nuốt chửng con mồi đồng loại/ Thực đơn thay những giáo trình”.

... Sự độc ác và ích kỷ của con người đã khiến môi trường biến đổi, và Đinh Ngọc Diệp, bằng trái tim mẫn cảm của mình, xót xa nhận ra nỗi oan khuất hằn sau vẻ bên ngoài bình lặng của thiên nhiên: “Có làm sao/ Những sông, hồ đã lấp/ Những châu thổ phù sa/ Tuẫn tiết theo dòng/ Buồm/ Nhảy mom sông ngày lở đất/ Những Mẹ - Cá khép mang còn trừng mắt/ Chết còn mơ bọc trứng nở trăm sông” (Biển lấn).

Đề cập đến mặt trái của cuộc sống, nhưng những vần thơ của Đinh Ngọc Diệp, sau cùng, vẫn hướng con người đến với xúc cảm lạc quan, trong trẻo: “Không dễ hoang mang nhìn tất thảy quanh ta thành kẻ ác/ Ta thanh tẩy lòng mình nhân tính lên ngôi”. Dường như, với ông, sau bao bão dông vần vũ của đời, bình minh sẽ trở lại, và những hạt giống của tình yêu, lòng bao dung, bác ái, sẽ “lại gieo bên luống nắng trời” (Viết bên bờ sóng).

Nếu như ở mảng thơ thế sự,Đinh Ngọc Diệp dữ dội, sắc sảo, đầy tính phản biện; thì ở mảng thơ tình, ôngdường như trở thành một con người khác, dịu dàng, đằm thắm và lãng mạn, cả về nghệ thuật lẫn ngữ nghĩa. Cảm xúc chủ đạo trong thơ tình của Đinh Ngọc Diệp là nỗi nhớ. Nỗi nhớ ở đây không đơn thuần là tình cảm phát sinh do khoảng cách không gian, mà gắn với niềm đau về sự chia lìa, nên dai dẳng và thống thiết: “Anh nhớ em đau đến từng hơi thở/ Mi mắt giật hoài khép mở chiêm bao” (Anh nhớ em đau đến từng hơi thở). Nỗi nhớ không thể cầm nắm, nhưng rộng lớn đến mức được định hình trong không gian, trời đất: “Trời đất vần xoay nỗi nhớ/ Mùa có bốn mùa anh cằn cỗi một mùa em”. Nỗi nhớ tràn vào cả những cơn mộng mị, hóa thành ước vọng đoàn viên không có thật: “Vòng tay em gạt bão giông chớp giật/ Bơi về anh trong ánh sáng Ngân Hà” (Áng mây đêm). Tình yêu chi phối nhân vật trữ tình trong thơ Đinh Ngọc Diệp một cách mạnh mẽ. Vì vậy, cái nhìn của nhân vật mang đậm màu sắc chủ quan “Chiều phố Đốc Ngữ mưa bay em xuôi anh ngược/ Người đi đường cũng bọc kín cô đơn”. Đinh Ngọc Diệp nói thơ “cao hơn cuộc sống”. Vậy mà khi yêu và tuyệt vọng bởi tình yêu, “thơ” trong ông cũng đôi lần trở thành “ngôn từ đồng nát”. Nói vậy là để hiểu, tình yêu trong thơ Đinh Ngọc Diệp đắm say đến nhường nào.

Nhận xét về thơ Đinh Ngọc Diệp, nhà thơ Phạm Đình Ân cho rằng: “Anh viết khác những người cùng hướng về một đối tượng hiện thực như anh. Thơ anh không nghiêng hẳn về nội cảm như để lấy nội cảm làm cứu cánh, mà hướng ra bên ngoài, nói về cái bên ngoài nhưng lại từ nội cảm xăm xoi, xoay lật, đắm đuối, cực đoan, nhiều khi triết luận”. Có lẽ, nhờ tinh thần dấn thân, dám đi một con đường khác trong thơ ấy, mà Đinh Ngọc Diệp đã tạo được cho mình một chỗ đứng riêng trong làng thơ ca của xứ Thanh.

Hành trình thơ mấy mươi năm của Đinh Ngọc Diệp, thiết nghĩ, đã đủ dài, đểkhiến ông có thể ngoảnh đầu nhìn lại và mãn nguyện với nỗ lực của bản thân. Nhưng đam mê sáng tác trong Đinh Ngọc Diệp vẫn ngùn ngụt cháy. Bởi vậy, sau “Hành trình 4”, độc giả vẫn có thể đón đợi những tập thơ mới của ông. Và ắt hẳn, với tài năng cùng đam mê của Đinh Ngọc Diệp, những tập thơ tương lai ấy, nếu được trình làng, sẽ đem đến cho độc giả nhiều cảm xúc thú vị.

Nguyễn Minh Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]