(vhds.baothanhhoa.vn) - Không còn chiến tranh. Nhưng đã có mồ hôi, nước mắt và cả hy sinh khốc thảm khiến người đọc rùng mình, cảm phục. Và còn cả những câu chuyện tình yêu thật đẹp, rất đời đã diễn ra ở một nơi tưởng chừng người ta chỉ nghĩ nhiều về lao động và sự sống. Với “Vùng Trời Thủng” - Nhà văn Kiều Vượng đã mang đến cho độc giả những thông tin về một giai đoạn hậu chiến đầy khó khăn, thiếu thốn với hàng vạn con người đã âm thầm cống hiến sức trẻ, đặt nền móng đầu tiên cho con đường hữu nghị mang tên: Việt - Lào!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vùng trời thủng - khúc bi ca của những chiến sĩ trẻ mở đường

Không còn chiến tranh. Nhưng đã có mồ hôi, nước mắt và cả hy sinh khốc thảm khiến người đọc rùng mình, cảm phục. Và còn cả những câu chuyện tình yêu thật đẹp, rất đời đã diễn ra ở một nơi tưởng chừng người ta chỉ nghĩ nhiều về lao động và sự sống. Với “Vùng Trời Thủng” - Nhà văn Kiều Vượng đã mang đến cho độc giả những thông tin về một giai đoạn hậu chiến đầy khó khăn, thiếu thốn với hàng vạn con người đã âm thầm cống hiến sức trẻ, đặt nền móng đầu tiên cho con đường hữu nghị mang tên: Việt - Lào!

Những câu chuyện xây dựng đất nước sau chiến tranh trong “Vùng Trời Thủng” khiến người ta ám ảnh về những tháng năm hậu chiến, về những con người vừa bước chân ra khỏi chiến tranh thì lại hòa mình vào công cuộc xây dựng, mở đường cho những mục đích tốt đẹp. Mặc dù không bỏ quên nhưng rõ ràng, để phản ánh một cách toàn diện, chân thực, xúc động và ám ảnh về một giai đoạn, về những con người lao động, cống hiến hết mình, yêu bằng cả trái tim, sống bằng tất cả khát vọng thì có lẽ “Vùng Trời Thủng” đã bộc lộ.

Tác phẩm tái hiện lại công cuộc mở đường mang tên đường biên giới hữu nghị Việt - Lào. Có lẽ, đến bây giờ, đi trên những cung đường thảm nhựa láng bóng với những khúc cua lên xuống, dốc ngược vẫn khiến nhiều người không khỏi e ngại. Nhưng, liệu có bao nhiêu người biết được, con đường mà chúng ta đang đi hôm nay, là “giấc mơ” của hàng vạn con người đã oằn lưng, dốc lòng cách đây gần bốn thập kỷ. Bằng những dụng cụ đơn sơ nhất, những chàng trai, cô gái mà tuổi đời phần đa chưa chạm ngưỡng tuổi hai mươi đã theo chân nhau lên nơi “rừng thiêng nước độc” để hiện thực hóa giấc mơ mở đường biên giới cho dân tộc, nhân dân hai nước Việt - Lào. Công việc đó, đã hơn một lần phải tạm dừng và tưởng chừng không thể thực hiện. Những khó khăn, trở ngại, mất mát và hy sinh cứ liên miên xảy đến được tác giả Kiều Vượng miêu tả hết sức chân thực nhưng đầy đớn đau. Khiến người đọc có cảm giác phải chăng người cầm bút đã nén những xúc cảm tận sâu trong tâm can mình để rồi khi hiện hữu trên trang giấy nó trở nên lay động đến thế.

Đọc “Vùng Trời Thủng”, độc giả như bị cuốn vào không gian và thời gian đặc trưng của rừng núi miền biên viễn. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn và cả đói rét, tất cả vẫn không ngăn được bước chân hàng vạn con người trên toàn công trường ấy chùn chân. Chỉ đến khi, mất mát, hi sinh của đồng đội khiến họ như mất bình tĩnh với những lung lay. Lần lượt những con người lương thiện, cá tính ngã xuống với muôn vàn nguyên do. Từ Chòa, Hương, Ly, đến những cô gái gặp họa khi sụt núi... Những sự ra đi với muôn vàn lý do mà sức con người có hạn nên chẳng thể lường trước hay tránh đỡ. Nếu cái chết của cô Chòa cấp dưỡng thật thà, có duyên khiến người ta ám ảnh, kinh hãi thì sự không may của Hương làm sao có thể khiến đồng đội không khỏi thương tâm. Đói, rét, thiếu thốn đã là một cái khổ nhưng ở nơi này, ngay cả khi có được cải thiện, “một bữa no” thì người ta cũng dễ dàng gặp tai họa, để lại nỗi đau cho đồng đội. Nhưng đau lòng nhất có lẽ phải kể đến sự ra đi của Ly, cô gái hồn nhiên, trong trẻo. Có thể, độc giả sẽ so sánh Ly với những nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Minh Châu. Hình như cũng có nét tương đồng. Chỉ có điều Ly trong “Vùng Trời Thủng” của Kiều Vượng thực hơn, đời hơn. Đó là khi cô dỗi, bất mãn với những vấn đề trong công việc, đời sống công trường và anh người yêu. Nhưng yếu tố quyết định nhất cho sự “thực” của nhân vật này chính là biến cố mà cô gặp phải khiến người con gái xinh xắn, tràn trề sức sống ấy phải vĩnh viễn nằm lại với nghĩa trang Chòm Poọng. Ấy là khi cô bị đau ruột thừa. Sau những đớn đau hành hạ, cô đã chấm dứt sự sống trước sự bất lực của người yêu và những đồng đội vì lũ đổ tắc đường.

Hẳn nhiều độc giả sẽ cùng chung nhận định: Tác phẩm đau thương nhưng không khiên cưỡng, cường điệu. Đó là những gì rất thật, rất đời đã diễn ra ở một giai đoạn tưởng đã tắt tiếng súng, tiếng bom. Nhưng kì thực, mất mát, hy sinh chẳng phải vẫn xảy đến với hết thảy bất hạnh bao trùm lên những người trẻ cần lao, nhiệt huyết. Để rồi trong những khoảnh khắc, ý nghĩ chùn chân, từ bỏ hẳn đã hiện hữu trong suy nghĩ của không ít người. Nhưng rồi, chuyện đó đã không xảy đến. Chẳng phải vì nỗi sợ hãi mang tiếng “đào ngũ” như trong thời chiến. Chỉ là sự gắn kết giữa những con người cần lao sướng khổ có nhau khiến họ không thể từ bỏ.

Nhưng điều làm cho “Vùng Trời Thủng” “sống sâu” trong lòng độc giả hẳn không chỉ là những đau khổ, vất vả, hi sinh, nỗ lực, sống, làm việc vì lý tưởng. Nếu chỉ có thế thì nó cũng chẳng thể vượt ra ngoài khuôn khổ những tác phẩm văn học cách mạng đi trước. Điều mà “Vùng Trời Thủng” khác có lẽ là sự thay đổi cách nghĩ, cách nhìn trong cuộc sống, tình yêu. Đó là sự xác nhận về những “tha hóa” của bộ phận cán bộ, đảng viên trước danh, lợi để rồi vô tình hay cố ý họ đã quên đi sự cực nhọc của những con người cần lao. Ở đây, không còn là dự cảm nữa, nó đã phát triển, trở thành thực tế đáng bị lên án. Giàu sang, nhàn nhã không phải là điều sai trái. Nhưng bỏ mặc sự vất vả của những người cấp dưới, của nhân dân để thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của cá nhân mình thì quả thực là điều đáng lên án.

Thấm đẫm hơn 300 trang tác phẩm là những câu chuyện tình yêu đan xen, nối tiếp. Họ đến với nhau từ môi trường làm việc, lao động để rồi hiểu và yêu nhau. Tình yêu giúp cho những người trẻ “sống” qua những ngày bão giông, vất vả. Song tình yêu cũng như cuộc sống, không phải tất cả đều có những kết thúc như ước nguyện. Chỉ có điều, đi qua đau thương, người ta chợt nhận ra, tình người và sự cảm thông mới là yếu tố giúp cho người với người đến gần, yêu thương nhau hơn. Cũng giống như Kiều, anh không thể có kết thúc viên mãn với người con gái anh yêu. Nhưng sau những năm tháng vất vả, khốn khó ở rừng, trở về với ánh đèn thành phố thì hơn mười năm ở rừng lại khiến anh nhớ đến nao lòng.

Hẳn không ít độc giả sẽ mong đợi ở tác phẩm một kết thúc viên mãn, có hậu hơn sẽ đến với những con người chân chính. Nhưng phải chăng với nhà văn Kiều Vượng, con người còn sống trên cõi đời sẽ còn phải phấn đấu, nỗ lực và vươn lên. Sẽ có những biến cố, run rủi không thể lường trước mà phàm đã sinh ra làm người đều sẽ phải chấp nhận, để rồi cố gắng. Cứ sống hết mình, cho đi hết mình, cuối cùng khi mọi thứ qua đi, tình người sẽ ở lại.

Cuốn sách Nhà Xuất bản Thanh niên in ra mắt cách đây ba mươi năm với tám lần tái bản để rồi năm 2012 nhận Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông - Năm 2017 được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và nhân Kỷ niệm bốn mươi lăm năm Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Lào cuốn sách lại được dịch ra tiếng Lào phát hành rộng rãi trên đất bạn. Đó là phần thưởng xứng đáng cho một nhà văn tài năng của đất xứ Thanh này.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]