(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn chục năm trôi qua, mỗi dịp xuân về, tôi luôn khắc khoải nhớ đến Thị Mầu của Huy Trụ. Nhủ lòng phải làm điều gì đó cho “Xuân khúc Thị Mầu” của anh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Xuân khúc Thị Mầu" của nhà thơ Huy Trụ

Hơn chục năm trôi qua, mỗi dịp xuân về, tôi luôn khắc khoải nhớ đến Thị Mầu của Huy Trụ. Nhủ lòng phải làm điều gì đó cho “Xuân khúc Thị Mầu” của anh.

Xuân rồi đấy Thị Mầu ơi!

Yếm đào khoe cái đất trời non xanh

Đông giấu kín, hạ để giành

Thị Mầu mà vắng, chả thành hội xuân...

Lẳng lơ, ai cũng có phần

Tại người giả bộ, lối gần quành xa

Thị Mầu chẳng giống người ta

Đành mang lấy tiếng gọi là... lẳng lơ...

Đã sông thì có hai bờ

Đã Mầu thì thấy của chua phải thèm

Ối người ăn chả, ăn nem

Phận Mầu ăn quả táo mềm trời cho

Chuyện ngày nay, chuyện ngày xưa

Thật như đếm, lại như đùa thế gian

Tình là muôn tiếng tơ đàn

Thị Mầu so khúc tình tang với đời

Lại về xuân đấy Mầu ơi...

Tôi có cái duyên được làm việc với nhà thơ - nhà báo Huy Trụ từ những ngày đầu khi mới tốt nghiệp đại học. Huy Trụ là người năng viết, chịu khó tìm tòi cách thể hiện và đặc biệt trong thơ, anh cũng rất đa tình, anh sẵn sàng “rút ruột mà yêu đến trắng tay.” Một ngày đẹp trời, anh khoe với tôi về một tác phẩm mới. Lật tờ báo xuân Huy Trụ đưa, tôi đọc những câu đầu tiên của “Xuân khúc Thị Mầu”, và đã phải lòng Thị Mầu từ đó. Hơn chục năm trôi qua, mỗi dịp xuân về, tôi luôn khắc khoải nhớ đến Thị Mầu của Huy Trụ. Nhủ lòng phải làm điều gì đó cho “Xuân khúc Thị Mầu” của anh. Và hôm nay tôi đang làm điều đó, tôi đang tìm kiếm phiên bản Thị Mầu mà Huy Trụ muốn tái hiện lại giữa nhân gian, không phải ở sân đình, không phải ở cửa chùa mà ở trong một hội xuân đang có phần nhạt nhẽo.

Viết về Thị Mầu, có nhiều cách viết khác nhau, nhưng nhìn chung đều là sự đồng cảm, sẻ chia trước những bứt phá của nhân vật để được sống và tồn tại với bản ngã của con người. Là người có duyên với thơ tình, Huy Trụ cũng không thể thoát khỏi sức quyến rũ của nhân vật chèo cổ này. Đến với Thị Mầu, Huy Trụ đã trình làng một “Xuân khúc Thị Mầu” dung dị, tự nhiên như một khúc tâm tình của nhà thơ, không phải với cô Mầu cụ thể, mà chỉ là thông qua nhân vật Thị Mầu, Huy Trụ đang tâm tình với cuộc đời, với nhân gian. Theo đó, đối tượng trữ tình đã được tác giả khái quát hóa ở một mức cao hơn, rộng hơn, lên tầm xã hội.

Đến với “Xuân khúc Thị Mầu”, chúngta bắt gặp một cô Mầu trẻ trung, phơi phới xuân thì, một cô Mầu sẵn sàng bứt phá, đương đầu với tiếng tai để được là chính mình. Có vẻ hình ảnh này cũng không có gì mới mẻ so với cô Mầu mà chúng ta đã biết. Cái mới ở đây là cách nhà thơ thể hiện triết lý tư tưởng về cái bản ngã, thông qua chất liệu nhân vật chèo cổ. Cách Huy Trụ mở lời thật lạ, nghe như lời thì thầm, thủ thỉ, nhắc nhở, như sợ đối tượng của mình quên mất xuân xanh đang ở phía trước:

Xuân rồi đấy, Thị Mầu ơi!

Yếm đào khoe cái đất trời non xanh.

Sự trẻ trung, gợi cảm và sức sống mãnh liệt của Thị Mầu được tác giả lột tả qua hình ảnh “yếm đào khoe cái đất trời non xanh...”. Đứng trước một cô Mầu như thế, những bậc chính nhân quân tử, ai có thể cầm lòng! Và cũng chỉ qua một mảnh yếm đào mỏng manh ấy, nhân vật Thị Mầu đã được Huy Trụ tái hiện một cách chân thực, sống động, có đủ đầy cả ngoại hình và tính cách. Phải khẳng định, Huy Trụ có một lối khắc họa nhân vật thật tài hoa và tinh tế. Không những tinh tế, mà còn rất tinh tường. Cái tinh tường của anh thể hiện trong những câu thơ có phần hài hước:

Đông giấu kín, hạ để dành

Thị Mầu mà vắng, chả thành hội xuân

Tại thời điểm “Xuân khúc Thị Mầu” được khai sinh, Huy Trụ là người đàn ông ở cái tuổi ngoài 60, anh từng trải qua và đương nhiệm công việc của một nhà báo, nhà thơ. Anh đi nhiều, gặp gỡ, quan sát được nhiều điều thế sự, nhân sinh. Điều đó đã cho Huy Trụ những trải nghiệm đủ tinh, đủ chín để thấu hiểu cái nổi, cái chìm tồn tại trong thế giới con người. Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng Huy Trụ đã quá quan trọng vai trò của nhân vật Thị Mầu trong hội xuân, khi anh khẳng định: Thị Mầu mà vắng chả thành hội xuân. Thế nhưng theo quan điểm cá nhân tôi lại nhận thấy, cái cao tay của Huy Trụ nằm chính trong hai câu thơ này. Ở đây, Thị Mầu không còn là một nhân vật cụ thể, mà Huy Trụ đã khái quát nên thành một tính cách Thị Mầu. Bởi vậy, nếu nói vắng cô Mầu thì mất hội xuân có lẽ hơi quá thật, nhưng nếu thiếu tính cách Thị Mầu, thì không thành hội xuân quả không phải là nói ngoa... Phải nói rằng Huy Trụ đã quá tinh và khéo. Anh biết, trong nhân gian đó, trong mỗi con người đang vật lộn với cái bản ngã của mình đó, cái tính cách Thị Mầu đang được “giấu kín”, “để dành”. Cũng đúng thôi. Không phải lúc nào cái tôi cũng nên bộc lộ, không phải lúc nào cháy đến tận cùng như Thị Mầu cũng là tốt.

Nhưng hãy hình dung đi, nếu chúng ta đến với hội xuân với một lớp vỏ bọc kín bưng của những nam thanh, nữ tú đoan chính, không“thả thính” bằng những ánh mắt đưa tình, chẳng có vài lời trăng gió thì còn gì là hội xuân nữa ạ! Trước mùa xuân, trước cái tươi non của đất trời, Huy Trụ đang thuyết phục chúng ta hãy buông bỏ hết những vỏ bọc, những kìm nén, để được hòa mình vào cuộc sống một cách chân thực nhất. Và anh biết, không chỉ có Mầu mới biết lẳng lơ, chính vì vậy anh mới tự tin mà chốt rằng:

Lẳng lơ ai chả có phần

Tại người giả bộ, lối gần quành xa

Sao phải giấu diếm, sao để mình Mầu phải chịu tiếng tai, khi mà chúng ta cũng đâu đoan chính hơn cô ấy. Cái phần lẳng lơ của Mầu ai chẳng có, chỉ là Mầu dũng cảm hơn chúng ta, Mầu chân thành hơn chúng ta, nên Mầu dám yêu và dám sống với cái bản năng của mình. Như vậy cũng đâu là tội lỗi... Cũng chính vì vậy, nhà thơ đã dành cho Thị Mầu một sự cảm thông sâu sắc trước cái tiếng lẳng lơ để đời mà cô ấy đã gánh chịu:

Thị Mầu chẳng giống người ta

Đành mang lấy tiếng gọi là... lẳng lơ...

Để bảo vệ quan điểm của mình, tác giả đã đưa ra một lập luận vô cùng biện chứng:

Đã sông thì có hai bờ

Đã Mầu thì thấy của chua phải thèm

Từ sự suy luận logic biện chứng đó, nhà thơ muốn khẳng định: Tâm lý, cảm xúc muốn yêu và khao khát được yêu đó là quy luật tình cảm của con người. Mầu dám chấp nhận và công khai cảm xúc và niềm khát khao đó như chấp nhận một quy luật tự nhiên. Đâu có ai cấm táo sân đình thì không được ăn! Mà thầy Kính thì như trái táo rụng giữa sân đình, sao một cô gái khao khát yêu đương và táo bạo như Mầu có thể cầm lòng chứ! Mầu yêu thầy Kính, Mầu ăn táo đình cũng như thiên hạ thèm nem, thèm chả mà thôi. Chỉ khác là thiên hạ người khéo đậy, khéo che, còn Mầu thì lại “ăn táo chùa” giữa thanh thiên, không che, không đậy.

Ối người ăn chả, ăn nem

Phận Mầu ăn quả táo mềm trời cho

Phải nói trong vụ lùm xùm tình cảm kinh điển này, Huy Trụ là bậc thầy biện hộ. Với 4 câu thơ không cầu kỳ, không hoa mỹ, nhưng chắc như đinh: “Đã sông thì... Táo mềm trời cho”, Huy Trụ đã bình thường hóa cái định kiến mà xã hội cho là trăng hoa, là vi phạm đạo đức, lối sống trở thành chuyện rất đời thường của con người. Từ đó mà Mầu trở nên vô tội!

Chuyện ngày nay, chuyện ngày xưa

Thật như đếm, lại như đùa thế gian

Tình là muôn tiếng tơ đàn

Thị Mầu so khúc tình tang với đời

Nhà thơ đang cố gắng để đối tượng trữ tình hiểu rằng: Con người ta có nhiều cách để yêu, mỗi người có một cách thể hiện tình yêu khác nhau.Tình yêu của Mầu cũng chỉ là một lối yêu riêng trong muôn vàn lối yêu của nhân gian mà thôi.

Kết thúc bài thơ với sự xuất hiện của trợ từ “lại”, tác giả muốn gửi gắm đến cuộc đời vẫn một lời nhắc nhở, nhưng lần này có phần giục giã hơn: “Lại về xuân đấy Mầu ơi...”, ta hãy làm gì đó đi, cho cuộc đời của chính mình. Hãy sống và hãy yêu theo cách mình muốn. Hãy là một Thị Mầu chân thành và quyết liệt, đừng để xuân xanh trôi qua trong nhạt nhẽo và mệt mỏi. Hãy thôi “giấu kín” cũng chẳng phải “để dành”! Khi xuân xanh còn đó, sao ta không sửa soạn trẩy hội như Mầu soạn sửa lên chùa... thăm vãi!

Bài thơ khép lại, tôi chợt nhận ra mình đã đánh rơi thứ gì đó...

Hoàng Ngọc


Hoàng Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]