(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Y Phôn Ksor được biết đến đầu tiên với vai trò là người hát bè cho nghệ sĩ Y Moan, nhưng rồi cái nghiệp để đưa tên tuổi của anh đến với khán giả cả nước là việc sáng tác. Những ca khúc của anh như: Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần... Tham dự Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc - 2017, tại Thanh Hóa, PV Báo VH&ĐS đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Y Phôn Ksor: Tôi ngạc nhiên khi biết Thanh Hóa có tới 4 đoàn nghệ thuật

(VH&ĐS) Y Phôn Ksor được biết đến đầu tiên với vai trò là người hát bè cho nghệ sĩ Y Moan, nhưng rồi cái nghiệp để đưa tên tuổi của anh đến với khán giả cả nước là việc sáng tác. Những ca khúc của anh như: Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần... Tham dự Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc - 2017, tại Thanh Hóa, PV Báo VH&ĐS đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh.

Câu chuyện bắt nhịp ngay khi tôi nói với anh về âm nhạc. Anh cho biết: ở một tỉnh như Đăk Lăk các nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng cuộc sống hết sức vất vả, không có nguồn thu và sản phẩm làm ra cũng không biết tiêu thụ thế nào. Nếu như rất nhiều địa phương nguồn thu từ du lịch là khá lớn thì ở Đăk Lăk lại èo uột. Khách nhỏ lẻ, gia đình tổ chức đi du lịch nhiều, nhưng thảng hoặc mới có một đoàn khách lớn đến, cho nên cuộc sống của những người làm văn hóa nhất là âm nhạc dù được cho là có tiềm năng nhưng cuộc sống rất vất vả, hầu hết các nghệ sĩ đều phải có nghề làm thêm để cải thiện kinh tế như: làm nông nghiệp, trồng cà phê. Anh chia sẻ thêm: Đến như tôi mà nhiều khi còn muốn bỏ nghề, vì thấy quá mệt, lại thêm đứng tuổi rồi. Nhưng mỗi khi ý nghĩ đó chạy qua đầu, tôi lại nghĩ đến bọn trẻ, rồi ai sẽ dìu dắt? Và tôi lại cố gắng bơi vậy. Một thực tế ở đoàn ca múa nhạc Đăk Lăk là số lượng các nghệ sĩ đến cũng nhiều và ra đi cũng không ít. Cứ có việc gì hơn là chúng đi, thậm chí là đi làm tiếp thị, bỏ bia 1 tháng được 7-8 triệu, còn ở đoàn này các em không thể có nổi 2 triệu. Nên nhiều khi các em, các cháu bảo cháu phải thôi việc, thì mình vẫn động viên, vì mình biết chúng có bám lấy nghề này cũng khó sống được.

Ngoài việc chưa tiếp cận được các tour du lịch thì có thể nói là: chúng tôi chưa có nổi một nhà hát, chưa có địa điểm biểu diễn riêng, chính vì thế lại càng khó tiếp cận lực lượng khách du lịch nhỏ lẻ.

Tham dự Liên hoan lần này, Đoàn Ca múa nhạc Đăk Lăk mang theo 2 độc tấu, 5 hòa tấu. Trong đó, nhạc sĩ Y Phôn đóng góp hòa tấu Tiếng suối sau cơn mưa chia thành 3 đoạn kép, với chủ đề đầu về mùa mưa ở Tây Nguyên. Bản hòa tấu được trình diễn từ 7-10 phút. Anh chia sẻ: Thực ra tôi viết thì không khó nhưng khi phân đoạn ra cho từng người biểu diễn lại khó hơn. Điều đáng nói ở đây là các nhạc công trẻ hiện nay rất lười, khó thuộc bài. Một bài ngắn như thế mà các em, các cháu phải mất cả tuần mới vỡ bài được. Tôi nhớ tới bản hòa tấu Ngày hội của ếch, đã được HCV tại liên hoan ở Đà Lạt. Cảm giác như Y Phôn lúc nào cũng trăn trở với thiên nhiên. Trên cánh đồng bát ngát ấy, sau cơn mưa những con ếch hòa cũng các loài khác để tấu lên bản nhạc chung như ngày hội. Đến lần này, Y Phôn càng lo lắng hơn vì rõ ràng chất liệu người Ê đê Đăk Lăk là rất phong phú, nhưng nhạc công có thấm, có hiểu, có đủ độ chín không lại là cả câu chuyện dài.

Một tiết mục nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc Đăk Lắk.

Anh nói về tâm trạng của người sáng tác. Ở đó, không phải là ba-rem thời gian bao lâu cho một tác phẩm. Y Phôn không phải là người sáng tác nhiều. Nhưng anh đã viết ra là phải đủ cảm xúc, đủ độ chín. “Thực ra thời gian để chín 1 tác phẩm với tôi thì vô vàn, khi bắt được câu nào có thể chỉ trong 30 phút viết xong nhưng có khi “nuôi” nó cả năm cũng không ra được. Với tôi là cảm xúc dẫn dắt ca từ”. Thêm nữa là hầu như bài hát nào anh cũng viết bằng 2 thứ tiếng - tiếng mẹ đẻ, và tiếng phổ thông. Rất nhiều chữ tiếng phổ thông chuyển được về mặt ngữ nghĩa nhưng sắc thái lại không đạt.

Khi được hỏi anh có lo lắng đến một lúc âm nhạc Tây Nguyên không còn giữ được hồn cốt? Tôi lo lắm chứ, vì thế tôi cố gắng giữ lấy cái gốc. Hiện nay, âm nhạc truyền thống bị ảnh hưởng bởi âm nhạc đương đại. Ngay cả tại liên hoan này, chúng ta cũng thấy nhạc công sử dụng chạy ngón quá nhiều. Và ngay cả khi biểu diễn âm nhạc truyền thống Tây Nguyên, nhiều người vì muốn khoe kĩ thuật mà sử dụng kịch tính cao trào tương phản. Tây Nguyên không phải chỉ cứ hú với hét đâu, lửa Tây Nguyên nằm ở nội tâm, khi câu hát vang lên là nội tâm cháy.

Tôi biết đây không phải là lần đầu tiên anh đến Thanh Hóa, nhưng là lần đầu tiên anh bước chân vào Nhà hát Lam Sơn. “So với lần đầu tiên tổ chức ở Đà Lạt, thì khâu tổ chức lần này chuyên nghiệp hơn. Nhà hát Lam Sơn quá hoành tráng so với những gì tôi nghĩ về một nhà hát tỉnh lẻ. Thêm vào đó là các đoàn tham dự đầu tư nhiều về chất lượng bài vở, và cả ý tưởng, bố cục, cấu trúc và điều đáng nói hơn hết là tính dân tộc được chú trọng hơn nhiều”. Anh còn nói thêm: Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng du lịch, lại thêm dân số đông, và lại có nhà hát như thế này, tôi nghĩ nhạc công ở đây sống tốt hơn chúng tôi nhiều. Thật sự, tôi ngạc nhiên khi biết ở đây có tới 4 đoàn nghệ thuật. Và hơn hết là các nghệ sĩ chạy show cũng khá nhiều.

Niềm vui đến khi Đoàn ca múa Đăk Lăk giành Huy chương Bạc tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017. Và với Y Phôn anh rất thành thật: Giải thưởng chính là sự động viên với những nhạc công trẻ, ít nhất là để các em thấy được sự tôn vinh của mọi người dành cho mình. Mạch ngầm Tây Nguyên vẫn chảy và sứ mệnh của nghệ sĩ là phải giữ gìn những thanh âm ấy.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]