[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Ché Lầu là bản người Mông duy nhất của xã Na Mèo và là 1 trong 3 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở Quan Sơn. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, giao thông đi lại vất vả, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học còn thiếu thốn, nhưng những thầy cô giáo của điểm trường mầm non, tiểu học ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo hàng ngày vẫn miệt mài gieo chữ cho các em nhỏ nơi đây.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Sau mấy lần hẹn thì chúng tôi cũng đã có mặt ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Na Mèo và cùng những người lính biên phòng đến thăm bà con bản Ché Lầu; thăm chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19. Từ CKQT Na Mèo vào bản Ché Lầu gần 20 cây số, đường sá còn khó khăn nên đi xe máy cũng hơn 1 giờ đồng hồ.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Người đồng hành cùng chúng tôi lên Ché Lầu là Thượng úy Hà Văn Quỳnh, thuộc Đội phòng chống Ma túy và Tội phạm, Đồn Biên phòng CKQT Na Mèo. Anh vừa hoàn thành nhiệm vụ tại chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 tại bản Ché Lầu, hiện tại đang làm việc tại tổ công tác biên phòng bản Hiềng, xã Na Mèo. Những cung đường từ trung tâm xã đi qua các bản Hiềng, Sa Ná, Son lên Ché Lầu, Thượng úy Hà Văn Quỳnh đã quen thuộc.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Mới chiều hôm trước, thời tiết còn nắng ráo vậy mà sau một đêm đã chuyển sang mưa phùn, vì vậy Thượng úy Hà Văn Quỳnh nói với chúng tôi, hôm nay lên bản Ché Lầu sẽ vất vả hơn. Từ trung tâm xã Na Mèo đi các bản hiện nay cũng đã thuận lợi, duy nhất đường lên Ché Lầu vẫn còn khó khăn. Huyện Quan Sơn đang mở đường từ bản Son lên Ché Lầu với chiều dài hơn 5 cây số. Đường dốc núi, hiểm trở nên việc mở đường cũng khó khăn hơn.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Sáng sớm mây mù bao phủ trên cung đường từ CKQT Na Mèo đi Ché Lầu. Chúng tôi lên đến bản Son, cách Ché Lầu 8 cây số, từ bản Son lên Ché Lầu đường bắt đầu khó khăn hơn, xe máy cài số 1 chậm chậm bò lên dốc. Những tốp thợ làm đường đang miệt mài đẩy nhanh tiến độ, người dân từ Ché Lầu men theo con đường đất mà xuống núi. Nhanh thì cũng phải tháng 4 năm sau, đường mới hoàn thành, là niềm mong chờ của nhiều người.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Bản Ché Lầu dần hiện lên, nhiệt độ cũng giảm sâu hơn, lạnh buốt đôi tay người đi. Con đường nội bản Ché Lầu sau cơn mưa trở nên lầy lội, những ngôi nhà im lìm trong sương sớm. Thượng úy Hà Văn Quỳnh đưa chúng tôi đến thăm chốt phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị, nơi đây cũng là điểm trường mầm non, tiểu học bản Ché Lầu.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Trên khu đất cao, chiếc cổng điểm trường mầm non Ché Lầu được dựng lên bằng 2 chiếc cột, bảng tên điểm trường cũng mờ theo thời gian, bên trong lớp học đang vang lên tiếng líu lo, đánh vần của các em học sinh mầm non. Phía bên khu mầm non là dãy nhà cấp 4 của điểm trường tiểu học Ché Lầu. Đại úy Nguyễn Viết Long, đội trưởng đội Trinh sát, tổ trưởng tổ công tác Ché Lầu và Bí thư kiêm trưởng bản Thao Văn Lâu đưa chúng tôi đến thăm các thầy cô giáo, các em học sinh 2 điểm trường mầm non và tiểu học.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Vừa đi 2 người vừa giới thiệu về Ché Lầu cho chúng tôi nắm được. Ché Lầu có 65 hộ, hơn 300 nhân khẩu, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, để các em được đến lớp, đến trường là sự nỗ lực của mỗi phụ huynh, các em học sinh và là tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô giáo. Các em học sinh lớp 5 và cấp 2, cấp 3 thì xuống trung tâm xã, huyện theo học, đường sá đi lại vất vả nên theo được con chữ là nỗi nhọc nhằn, còn lại các em học sinh mầm non, tiểu học lớp 4 trở xuống thì học tại bản, các thầy cô từ xã lên bản dạy học càng vất vả hơn.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Đến thăm các thầy, cô giáo và các em học sinh khu mầm non Ché Lầu. Thầy Thao Tông Xai, là người con của bản Ché Lầu và là khu trưởng điểm trưởng mầm non Ché Lầu cho biết: Khu mầm non Ché Lầu hiện có 3 lớp gồm nhà trẻ, lớp 3 tuổi và lớp ghép 4, 5 tuổi với tổng số 43 em. Lớp nhà trẻ hôm nay đến lớp 6 em do cô giáo Giàng Thị Vế chăm sóc; còn lớp 3 tuổi gồm 14 học sinh do cô Ngân Thị Hoa giảng dạy; lớp ghép 4,5 tuổi gồm 17 học sinh do cô Lữ Thị Tuyết giảng dạy.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Trong buổi sớm mai, lớp học của cô Lữ Thị Tuyết và cô Ngân Thị Hoa vang lên tiếng ê, a đánh vần của các em học sinh. Trời lạnh là vậy nhưng nhiều em học sinh chân trần, chiếc áo mỏng manh và nơi khuôn mặt, nước mùi chảy thò lò.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Cô Lữ Thị Tuyết là người dân tộc Thái, bản Xộp Huối, xã Na Mèo. Từ nhà lên đến điểm trường 15 cây số, đường sá đi lại khó khăn nên cô Tuyết và cô Ngân Thị Hoa cùng ở lại Ché Lầu đến cuối tuần mới trở về nhà. Đây là năm đầu tiên cô Tuyết và cô Hoa lên giảng dạy tại điểm trường Ché Lầu. Để tạo điều kiện cho giáo viên bám điểm trường, hằng năm Trường Mầm non Ché Lầu đều tổ chức luân chuyển giáo viên giữa điểm trường chính và các điểm trường phụ.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

“Đường sá đi lại khó khăn nên không thể đi về trong ngày, gác lại chuyện gia đình, nhờ ông bà chăm sóc con nhỏ, em cố gắng bám lớp, bám điểm trường mong được đóng góp một phần đem đến con chữ cho học sinh nơi đây. Những ngày đầu lên lớp, cô người Thái, trò người Mông nên việc giảng dạy cũng khó khăn hơn nhưng giờ đây cả cô và trò đều đã hiểu nhau. Việc cùng một lúc dạy 2 độ tuổi khác nhau trong một lớp cũng còn nhiều khó khăn, nhưng được thấy các em đến lớp là niềm vui đối với cô ”, cô Lữ Thị Tuyết nói.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Lớp nhà trẻ hôm nay có 6 em học sinh lên lớp do cô Giàng Thị Vế chăm sóc. Cô Giàng Thị Vế, sinh năm 1992, là người con bản Ché Lầu nên với các em cũng trở nên thân quen hơn. Những ngày này, thời tiết lạnh hơn nên một số phụ huynh không cho con đến lớp. Giữa mùa đông rét mướt, nhiều hôm cô trò cùng đốt lửa sưởi ấm giữa giờ ra chơi hay đầu giờ các em đến lớp.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Cô Vế tâm sự, ở bản vẫn còn nhiều khó khăn, phụ huynh cho con theo học cũng là sự nỗ lực và bà con đã thay đổi nhận thức nhiều so với trước đây về việc cho con đến trường. Nhìn thấy các em học sinh trong bản được đến lớp em thấy rất mừng. Được công tác tại bản, chăm sóc, dạy dỗ các em như con em của mình, em thấy vui và hy vọng các em sẽ có tương lai tương sáng hơn.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Hơn 10 giờ. Bữa cơm bán trú do thầy Thao Tông Xai trực tiếp nấu cũng đã xong. Các em học sinh lớp cô Tuyết và cô Hoa nhanh chóng xếp bàn, ghế ngoài sân bắt đầu bữa cơm trưa. Đây là năm đầu tiên, các em được ăn bán trú ở điểm trường. Những suất ăn được hỗ trợ thông qua Dự án Nuôi em Thanh Hóa. Điểm trường mầm non Ché Lầu có 43 em học sinh được hỗ trợ tiền ăn bán trú, số tiền không nhiều nhưng góp phần giúp các em ở lại lớp, đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và quan trọng bữa cơm đã có thịt, cá, rau xanh.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Đối với học sinh miền xuôi đi học đều là chuyện bình thương nhưng ở miền núi, nhất là ở vùng đặc biệt xa xôi, khó khăn thì chuyện học sinh bỏ học giữa chừng là chuyện không hiếm nhưng hiện nay ở bản Ché Lầu, các em ở bậc học tiểu học đã đến lớp đầy đủ, trong đó có đóng góp rất lớn của thầy giáo Hơ Văn Pó và Thao Văn Dính. Là 2 người con bản Ché Lầu và được công tác ngay tại bản nên việc dạy học cho các em học sinh nơi đây cũng là điều thuận lợi. Có thầy giáo đều là tấm gương sáng về sự học nên bà con trong bản cũng đã thay đổi nhận thức rất nhiều về chuyện học con chữ.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Điểm trường tiểu học Na Mèo (Trường Tiểu học Na Mèo) ngay kề điểm trường mầm non Ché Lầu cũng vang lên tiếng thầy, trò dạy và học.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Lớp học thầy Hơ Văn Pó có 14 học sinh, trong đó lớp 3 có 8 học sinh, lớp 4 có 6 học sinh. Vừa hướng dẫn tập chép cho học sinh lớp 3, thầy quay sang dạy Toán cho học sinh lớp 4.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Thầy Pó cho biết: Được công tác tại bản và giảng dạy cho các em học sinh là con em trong bản là niềm vinh dự của bản thân, mong muốn được đóng góp phần nhỏ bé để đem đến kiến thức, truyền cho các em tinh thần học tập để các em nỗ lực. Tôi luôn tự nhủ bản thân phải bằng tình yêu thương và trách nhiệm trong công tác, mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình mang cái chữ đến với các em học sinh, giúp các em có thêm hy vọng về một tương lai tương sáng ở phía trước.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Còn thầy Thao Văn Dính cũng đang bận rộn với giảng dạy cho các em học sinh lớp 1 và lớp 2. Lớp thầy Dính có 8 học sinh lớp 1 và 6 học sinh lớp 2. Năm đầu tiên các em vào lớp 1 còn bỡ ngỡ. Thầy Dính vừa dạy các em tiếng phố thông lại quay sang nói tiếng dân tộc Mông, giải thích để các em thêm hiểu. Lớp học vì vậy cũng rôm rả hơn nhiều.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Sở dĩ việc phải ghép lớp giảng dạy ở Ché Lầu một phần là do thiếu giáo viên, một phần do học sinh ít nên không thể tổ chức thành lớp. Chia tay các em học sinh ở bản Ché Lầu, hình ảnh các em với đôi chân trần, manh áo mỏng khiến người đi cảm thấy chạnh lòng nhưng cũng cảm thấy ấm áp hơn khi vượt lên khó khăn, các em vẫn đến lớp, còn các các thầy cô giáo ở 2 điểm trường đã và đang khắc phục những khó khăn về đường sá, về điều kiện giảng dạy tiếp tục đem đến con chữ cho các em học sinh nơi đây. Tin rằng, khi con đường từ Son lên Ché Lầu hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, nâng bước cho những đôi chân các em học sinh nơi đây đi xa hơn, rồi mai này sẽ đem những kiến thức của mình trở về xây dựng quê hương ngày một ấm no, phát triển.

[E-Magazine] - Gieo chữ ở bản Ché Lầu

Nội dung: Ngọc Huấn

Ảnh: Hoàng Đông

Đồ họa: Mai Huyền

Xuất bản: 1:20:12:2021:09:38

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM