Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Xã Trung Lý (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá) có 15 bản, trong đó 11 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Riêng bản Tà Cóm nằm xa trung tâm xã nhất và có tỷ lệ hộ nghèo là 99%. Hành trình đi tìm cái chữ vốn chưa bao giờ dễ dáng, và thầy trò ở điểm trưởng Tà Cóm vẫn đang tiếp tục nỗ lực.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Tà Cóm, bản nghèo, những đứa trẻ mắt to tròn, tóc mỏng dài che kín mặt. Xa xa, một đứa trẻ nép sau cánh cửa lớp nhìn chúng tôi. Đó là Hờ Thị Pàng, em là học sinh lớp 1 của điểm trường Tà Cóm (Trường Tiểu học Trung Lý 2). Vẫy tay gọi em lại gần mà không được, hỏi ra mới biết, hôm nay em không có áo mặc đi học. Cô giáo vừa phải mượn cho em chiếc áo. “Tại sao đầu con đầy mụn nhọt thế này? Tôi hỏi, nhưng Pàng không hiểu. “Nhà nghèo lắm, bố mẹ đi nương cả ngày. Chiều muộn mới về thì nhà tối um, nào có biết con bị gì đâu”, cô giáo Lò Thị Văn, giáo viên chủ nhiệm nói.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Cô Văn quê ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức năm 2017 đã lên đây dạy học.

“Nhớ lại ngày đầu tiên cách đây hơn 4 năm bước chân lên Tà Cóm, tôi đứng khóc tu tu. Dù biết đây là một trong số những bản nghèo ở xã Trung Lý, nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng hết được”, cô nói.

Tuy vậy, từng ngày từng ngày gắn bó, cô giáo trẻ sinh năm 1994 này càng thấy yêu và thương bọn trẻ. Năm nay cô tiếp tục dạy bọn trẻ lớp 1. Bọn trẻ lơ ngơ, đánh vần mãi mới xong một câu thơ... 12 đứa trẻ lúc nào cũng cáu bẩn, loẹt quẹt đôi dép tổ ong, cả năm chỉ có một bộ quần áo. Nhiều đứa tội nghiệp lắm!

Rồi cô kể cho chúng tôi nghe chuyện Phàng A Bài. Mồ côi cha, mẹ nghiện nặng, em ở với ông bà ngoại. Em chẳng có gì ăn. Lúc nào cũng chỉ có gói cơm trắng mang theo đến trường.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Ở bản có 108 hộ gia đình thì tới 107 hộ nghèo. Ngoài cái giường ra, vật đáng giá nhất là mấy cái xoong, cái mâm. Đường đến trường cũng chẳng dễ dàng gì. Gập ghềnh và vất vả. Cùng trong bản mà có em phải đi cả tiếng mới tới nơi.

Trong buổi chiều đông lạnh buốt, những vạt nắng len qua những khe nứt của cánh cửa, chiếu vào những gương mặt bọn trẻ. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ, nếu chị em Hiên trong “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam thường mơ về Hà Nội những khi con tàu chạy qua và rú lên. Còn bọn trẻ ở đây, có lúc nào chúng mơ ước về một không gian khác xa nơi chỉ có đất, đá và những con suối róc rách ngày đêm chảy.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

“Có chứ, qua những câu chuyện tôi kể, bọn trẻ cũng mơ ước một ngày được đặt chân về thành phố”, thầy giáo Sùng A Chai cho biết.

Thầy là cái tên được nhiều người nhắc đến ở đây khi nói về giáo dục và sự đổi thay phụ thuộc vào nỗ lực của cá nhân.

Sùng A Chai sinh ra ở Sơn La, di cư sang Thanh Hóa từ khi còn nhỏ. Học lớp 6 đã bị bố mẹ bắt lấy vợ. Lấy vợ xong, Chai bỏ học luôn vì bố mẹ bảo phải lên rừng, làm rẫy để nuôi vợ nuôi con. Bỏ học hết kỳ 2 năm lớp 6 thì Chai thấy nhớ trường, nhớ bạn. Thế là anh lại vác gạo, đi bộ 50 km ra bản Táo (xã Trung Lý) để học tiếp. Chai là 1 trong 4 người của Tà Cóm cho đến nay học hết đại học.

“Có thể bọn trẻ không hiểu hết những lời mình nói, nhưng sau mỗi giờ học, tôi đều nói với bọn trẻ: Ở Tà Cóm nếu không đi học thì không thể thoát nghèo. Hãy đừng lấy vợ quá sớm, đừng rời xa trường lớp. Cứ nỗ lực học, dù khó khăn cũng đừng bỏ con chữ, rồi cuộc đời các em sẽ khác”, thầy nói.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Có thể Chai sẽ tìm được công việc nào đó ở dưới TP Thanh Hóa, sau khi anh tốt nghiệp Khoa Tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức, nhưng anh vẫn quyết mang con chữ về bản. Thầy là động lực, là tấm gương để bọn trẻ và người dân Tà Cóm hiểu rằng, chỉ có cái chữ mới giúp người dân ở đây có được tương lai tốt đẹp hơn.

Chính nhờ gương thầy Chai mà trong chương trình Sao nối ngôi hồi tháng 6-2021, trong vai trò giám khảo, danh ca Phương Dung cho biết, bà chỉ chờ khi tình hình dịch bệnh kiểm soát được sẽ đi đến Tà Cóm. “Sự học của Sùng A Chai và hành trình đầy nỗ lực mà không phải ai cũng đi được đến đích. Đôi lần con chữ bị đứt gãy, nhưng rồi Chai biết chỉ có học mới thoát được cái nghèo, cái khổ ở Tà Cóm. Tôi xúc động với câu chuyện này và mong muốn dịch chóng qua để tôi đến vùng đó, xem tình hình của các em. Tôi dự định mỗi tháng sẽ quyên góp từ cá nhân, gia đình, từ các con của tôi đang ở Úc, để giúp đỡ 76 em nhỏ đang theo học tại đây”.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Chỉ cách đây hơn 1 năm, tháng 12-2020, lần đầu tiên trong bản có công trình nước sinh hoạt tập trung, bà con vui mừng hơn rất nhiều. Trẻ nhỏ không phải chờ con suối có nước để nấu ăn, vệ sinh cá nhân. Từ lúc có nước, bọn trẻ đến trường sạch sẽ hơn nhiều.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Bản không chỉ có những ngôi nhà đất, xen kẽ là những ngôi nhà 3 cứng: “Nền cứng, mái cứng, vách cứng” theo chương trình của Bộ Công an phối hợp với tỉnh Thanh Hóa cùng Ngân hàng Vietcombank. Có nhà mới, nhiều bà con yên tâm khi trái gió trở trời.

Gần đây nhất, tháng 5-2021, bản đã có sóng điện thoại của Viettel, có 4G. Học sinh thành phố sử dụng điện thoại là vấn nạn, còn ở đây, nhờ có điện thoại, các con biết và học tiếng Việt dễ dàng hơn. Các con hiểu được những điều cô giáo nói. Thầy Hà Văn Hơn, khu trưởng bản Tà Cóm cho biết thêm: “Điểm trường Tà Cóm có 76 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng chỉ có 4 giáo viên dạy học nên tôi hiện kiêm cả dạy lớp 4 và lớp 5. Ban đầu lên đây, không có điện lưới, không nước, không điện thoại, chúng tôi sống như người rừng. Đến nay, nhiều điều đã đổi thay, bà con vẫn nghèo, nhưng đã quan tâm hơn đến con em mình”.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Cô Lò Thị Văn chia sẻ cảm xúc lần đầu nghe được lời hỏi thăm của phụ huynh về việc học của con em mình: “Cùng với sự đầu tư của nhà nước, những người dân bản cũng đang dần thay đổi nhận thức. Nếu trước đây phụ huynh chỉ đến ngày đến tháng hỏi về khoản tiền trợ cấp, thì nay họ đã quan tâm đến việc học của con. Có thể một phần vì hầu hết phụ huynh có tuổi đời rất trẻ. Họ có cơ hội đi ra khỏi bản, họ hiểu thêm vai trò của việc học. Ngày 20-11, dù không được nhận hoa, nhưng chỉ một lời chúc mừng của các con, thật ấm áp".

Là thầy giáo gắn bó lâu nhất ở bản Tà Cóm, thầy Phạm Văn Mùi quê ở huyện Cẩm Thủy kể lại: Sau 8 năm dạy học ở đây, tôi thấy nhiều sự thay đổi. Trước đây, học sinh cấp 2 lấy vợ là điều rất bình thường. Nhiều lần, thầy được học sinh mời đến dự cưới mà không biết có nên đi hay không. Đi dự cưới thì đồng nghĩa với việc ủng hộ các em tảo hôn, bỏ học lấy vợ lấy chồng. Nhưng nếu không đi thì không thể tiếp tục công tác dân vận được. Từ chính những người trong gia đình, trong bản, chúng tôi cho học trò hiểu rằng chỉ có việc học mới tạo điều kiện để các em đến với thế giới bên ngoài tươi sáng và rộng mở.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

Nắng chiều vẫn xiên qua khe cửa len lỏi vào từng lớp học. Thầy Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2 cho biết: Trường Tiểu học Trung Lý 2 có 1 điểm chính (bản Cò Cài) và 5 điểm lẻ ở các bản: Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm, Lìn, Pá Búa. Duy chỉ bản Lìn là có điện lưới. Điều này đã gây ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học của thầy trò. Theo kế hoạch của Điện lực, trong năm 2022, Tà Cóm sẽ có điện. Và nghị quyết nhiệm kỳ 2021-2026 của xã Trung Lý, sẽ có con đường nối từ bản Tà Cóm sang xã Trung Sơn.

Xuân đến mang theo niềm hy vọng mới. Có điện, có đường, hành trình tìm con chữ của các cô và trò nơi đây chắc chắn sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Những đứa trẻ sẽ được đi giày đẹp, xách chiếc ba lô, nhảy chân sáo tung tăng tới trường.

Xuân mang đến hy vọng ở ngôi trường vùng biên

KIỀU HUYỀN - HÀ HIẾU

Xuất bản: 0:23:01:2022:10:50

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM