[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện vùng cao biên giới Mường Lát luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo ANTT khu vực vùng biên. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa quản lý bảo vệ biên giới vừa phòng chống dịch, góp phần đem lại sự bình yên ở khu vực biên giới.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Huyện Mường Lát có 105,5km đường biên tiếp giáp với 2 huyện Viêng Xay và Sốp Bâu (nước CHDCND Lào), được đánh giá là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Mường Lát có 5 đồn biên phòng trực thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đứng chân trên địa bàn gồm: Đồn Biên phòng Trung Lý; Đồn Biên phòng Pù Nhi; Đồn Biên phòng Tam Chung; Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn; Đồn Biên phòng Quang Chiểu.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thực hiện “3 bám, 4 cùng”, những năm qua, lực lượng biên phòng trên địa bàn huyện Mường Lát luôn tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực, sát với thực tiễn cuộc sống; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo ANTT khu vực vùng biên; thực hiện tốt công tác phối hợp với lực lượng biên phòng nước bạn Lào tổ chức tuần tra song phương, kiểm tra đường biên, cột mốc.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng tiếp tục nhận nhiệm vụ gian khó, vất vả, tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên, mốc giới, canh gác đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, giữ vững khu vực biên giới bình yên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Theo tuyến quốc lộ 15C, người lữ hành vượt qua những cung đường đèo, dốc núi, phía xa xa là những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Dừng chân nơi cổng trời – cửa ngõ của huyện Mường Lát, nắng trải dài, vàng ruộm con đường, gió Lào phả vào mặt bỏng rát. Điểm đầu tiên trên hành trình lên với Mường Lát, chúng tôi dừng chân ở Đồn Biên phòng Trung Lý.

Đại úy Đỗ Xuân Chiến, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Lý đưa chúng tôi thăm cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 khu Cơn, bản Táo, xã Trung Lý.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Vượt qua con đường dốc khúc khuỷu, vừa đi Đại úy Đỗ Xuân Chiến chia sẻ, chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 khu Cơn có 12 cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Trung Lý và 2 cán bộ, chiến sỹ tăng cường của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Đồn Biên phòng Trung Lý quản lý bảo vệ 7,776km đường biên với 4 mốc quốc giới (từ mốc 313 đến 316). Xã Trung Lý có 15 bản, trong đó có 11 bản Mông. Địa hình đi lại khó khăn, có những bản cách xa trung tâm xã hơn 50 cây số. Thời gian qua, Đồn duy trì 1 chốt kiểm soát cố định và 2 tổ lưu động phòng, chống dịch COVID-19. Đầu tháng 4 năm 2021, Đồn Biên phòng Trung Lý tiếp nhận 4 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tăng phòng, chống dịch. Đầu tháng 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có quyết định lâm thời thành lập thêm 6 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên biên giới, trong đó có chốt Kéo Cưa, bản Táo (Đồn Biên phòng Trung Lý).

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Câu chuyện của Đại úy Đỗ Xuân Chiến làm cho quãng đường dốc đá vào chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở khu Cơn, bản Táo trở nên ngắn hơn. Những người lính trên chốt đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Trên lớp mái tôn của ngôi nhà lắp ghép phả hơi xuống nóng nực.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Thiếu tá Lương Ngọc Hùng, quê ở phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa thuộc Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Trung Lý) được điều động lên nhận nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 khu Cơn, bản Táo đủng đỉnh nói: “Nắng như này thôi nhưng dễ chừng lát trời lại đổ mưa đây”. Đã 3 năm công tác trên Đồn và nhận nhiệm vụ trên chốt biên giới nên cũng dễ hiểu khi anh cũng như những đồng đội ở đây nắm được quy luật khí hậu vùng biên.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

“Cho dù nắng mưa, thời tiết thất thường thì nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng, chống COVID-19 luôn được đặt lên hàng đầu. Thời tiết càng khắc nghiệt thì nhiệm vụ càng đẩy mạnh”, Thiếu tá Lương Ngọc Hùng chia sẻ.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Binh nhất Bùi Minh An, 21 tuổi, dân tộc Mường, quê xã Thành Tiến, huyện Thạch Thành, là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mê (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa) vừa được điều động, nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Trung Lý. Hơn 1 năm nay, An chưa về thăm nhà. Lên nhận nhiệm vụ trên biên giới, An còn nhiều bỡ ngỡ về địa hình, khí hậu và nhiệm vụ công việc nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của bộ đội biên phòng, An vững tin và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Chia tay những người lính ở Đồn Biên phòng Trung Lý, theo hành trình, chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng Pù Nhi. Đúng như lời nói ban nãy của Thiếu tá Lương Ngọc Hùng, bầu trời trong xanh, nắng trải dài gắt gỏng miền biên, vậy mà bầu trời bỗng tối sầm rồi mưa như trút nước.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Sau cái bắt tay thật chặt, Trung tá Dương Thế Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pù Nhi cho biết: Thời tiết miền biên giới rất dễ đổ mưa vào buổi chiều. Càng nắng gắt thì càng dễ mưa nhưng sẽ nhanh tạnh thôi. Để cho các em cảm nhận công việc, cuộc sống của bộ đội biên phòng, lát nữa ăn cơm xong, chúng ta sẽ vào thăm cán bộ, chiến sỹ đang làm việc tại Trạm kiểm soát liên hợp ở bản Pù Ngùa. Tối nay tại nhà văn hóa bản Cá Nọi cũng sẽ diễn ra Hội nghị tiếp xúc cử tri 2 bản Cá Nọi và Pù Quăn với những người ứng cử đại biểu HĐND xã Pù Nhi nhiệm kỳ 2021-2026, bộ đội biên phòng sẽ kết hợp để tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Trung tá Dương Thế Anh cho biết: Đồn Biên phòng Pù Nhi quản lý 21,839km đường biên, 8 cột mốc (từ 305 đến 312), 3 dấu mốc phụ, quản lý 3 xã Nhi Sơn, Pù Nhi, Mường Lý. Từ cuối năm 2019, trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, đơn vị thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kép “vừa quản lý bảo vệ biên giới vừa phòng chống dịch”. Hiện nay đơn vị có tổng số 23 cán bộ, chiến sỹ và 8 cán bộ, chiến sỹ tăng cường của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại 4 tổ, chốt trên biên giới và tại địa bàn làm công tác kiểm tra xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch COVID-19. Đơn vị thành lập 2 tổ lưu động làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch cho Nhân dân trên địa bàn.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

“Thời gian qua, đơn vị gặp nhiều khó khăn, địa bàn rộng, lực lượng đơn vị mỏng, quân số thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 ít. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sỹ đơn vị luôn luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, làm tốt công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống dịch COVID-19. Từ cuối năm 2020 đến nay, đơn vị bắt 9 đối tượng nhập cảnh trái phép, trốn cách ly đi từ Lào về và bàn giao cho ngành y tế thực hiện cách ly theo quy định”, Trung tá Dương Thế Anh chia sẻ.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

7h tối, nhà văn hóa bản Cá Nọi đã sáng đèn. Bà con là cử tri 2 bản Cá Nọi và Pù Quăn đã tập hợp đầy đủ.

Đại úy Nguyễn Quang Huy, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pù Nhi chia sẻ: “Xã Pù Nhi có 11 bản, trong đó có 7 bản có đồng bào Mông sinh sống, chiếm 74% dân số toàn xã. Với đặc thù của đồng bào dân tộc Mông nơi đây thường lên rẫy vào ban ngày nên hầu hết các hội nghị trong bản đều tổ chức vào ban đêm. Bởi vậy, những nội dung mà bộ đội biên phòng cần tuyên truyền, thường kết hợp, lồng ghép các hội nghị của bản để tổ chức tuyên truyền đạt hiệu quả”.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Hơn 10 đêm, hội nghị mới kết thúc. Sương mù giăng kín lối, chỉ còn tiếng côn trùng kêu rả rích, chúng tôi lên thăm Trạm kiểm soát liên hợp phòng, chống dịch COVID-19 ở bản Pù Ngùa. Con đường lên trạm chênh vênh giữa một bên núi và vực sâu, vẫn còn dư âm của cơn mưa buổi chiều vì vậy mà con đường càng trở nên khó khăn hơn.

Bên gác chặn tại trạm, 2 người lính đang đứng gác. Trời về đêm, se lạnh. Giờ này là phiên gác của Thiếu úy Lê Đức Hùng, Công an xã Pù Nhi. Thiếu úy Lê Đức Hùng sinh năm 1997 được điều động thực hiện nhiệm vụ từ khi trạm thành lập. Anh quê ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, chưa lập gia đình. Từ khi thành lập trạm đến nay, Hùng mới về nhà 1 lần. Bản Pù Ngùa giáp với bản Piềng Khạy (Viêng Xay, Lào). Trạm kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 Pù Ngùa là khu vực gần cột mốc 305 cách biên giới 6km, từ cột mốc 305 đến bản Piềng Khạy, Piềng Cầu, huyện Viêng Xay (Lào) hơn 100m. Trước kia chưa có dịch bệnh, chưa cấm biên, bà con 2 bản Pù Ngùa (Pù Nhi), Piềng Khạy và Piềng Cầu (Viêng Xay) thường qua lại thăm thân. Trước tình hình dịch bệnh mọi hoạt động qua lại biên giới đều quản lý nghiêm ngặt.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Y sĩ Vi Văn Huấn, Trạm Y tế xã Pù Nhi đang làm nhiệm vụ tại Trạm kiểm soát liên hợp phòng, chống dịch COVID-19 Pù Ngùa. Trung bình một ngày có từ 18-30 người qua lại Trạm, nơi đây là con đường dẫn lên khu vực nương rẫy của bà con cũng là con đường trước đây bà con nước bạn Lào và Pù Ngùa thường qua lại thăm thân. Hàng ngày, y sĩ Huấn tiến hành đo thân nhiệt, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và tuyên truyền người dân không qua lại biên giới trong thời gian cấm biên…Việc tuần tra kiểm soát, canh gác thường trực là lực lượng biên phòng, công an và quân sự, nhưng ở trạm chỉ có 6 người, địa bàn rộng, lực lượng mỏng, thường trực đứng gác 24/24h nếu không luân phiên, giúp đỡ nhau thì khó mà bám trụ. Bởi vậy, y sĩ Huấn cũng tham gia trực gác tại trạm.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Thượng úy Triệu Văn Dũng (Đồn Biên phòng Pù Nhi), dân tộc Dao, quê ở xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy là Trạm trưởng trạm kiểm soát liên hợp phòng chống dịch COVID-19 Pù Ngùa cho biết: “Khắc phục những khó khăn, anh em tại trạm luôn an tâm tư tưởng, quyết tâm bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên biên giới”.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Cây hoa hồng trước sân nhà lắp ghép của trạm nở những bông hoa đỏ rực, hương thơm thoang thoảng trong đêm. Ở những nơi thời tiết khắc nghiệt, gian khổ, khó khăn nhất, hoa vẫn nở, hương thơm luẩn quất trong từng kẽ tay người chạm. Nhiều cán bộ, chiến sỹ thường đùa khi tôi đến làm việc “Các anh trồng hoa cho người mềm mại hơn em ạ”.

Câu nói dí dỏm, tếu táo ấy dường như thay cho lời bộc bạch, biết bao thân thương. Xa gia đình, xa người thân, thiếu hơi ấm, bàn tay chăm sóc của phụ nữ. Quanh năm với nắng gió miền biên, với môi trường quân đội nghiêm khắc, giữ tay súng bảo vệ vững chắc miền biên cương Tổ quốc, những người lính can trường ấy vẫn dành giây phút hiếm hoi để làm những điều giản dị trong cuộc sống. Sau thời gian làm nhiệm vụ, họ tranh thủ tăng gia quanh trạm, chốt. Những luống rau xanh ấy, những quả mướp, quả bí lúc lỉu quả ấy không chỉ đơn thuần là để cải thiện cuộc sống mà hơn cả, họ dành thời gian để cho cuộc sống bớt buồn, tẻ nhạt, với bớt nỗi nhớ nhà, cô đơn ở nơi biên giới.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Trên cuộc hành trình đến thăm những cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng, các lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên huyện vùng cao biên giới Mường Lát, chúng tôi được chứng kiến, được nghe những người lính kể lại những câu chuyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 càng thêm cảm phục, trân trọng những gì mà những người lính biên phòng đã và đang làm.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Đưa chúng tôi vào thăm cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại Trạm kiểm soát liên hợp phòng, chống dịch COVID-19 bản Poọng, xã Tam Chung, Trung tá Phan Doãn Kiểu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung kể lại chuyện câu chuyện “hi hữu” mà đơn vị vừa thực hiện trong quá trình phòng, chống dịch, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép. Đó là, vào chiều ngày 8-5-2021, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, Trạm kiểm soát liên hợp số phòng, chống dịch COVID-19 bản Poọng, xã Tam Chung phát hiện 1 nam và 1 nữ đi trên 1 xe máy. Người đàn ông khai Vàng A Cu, sinh năm 2002, ở bản Poom Khuông, xã Tam Chung. Quá trình kiểm tra, người phụ nữ không có giấy tờ tùy thân (không biết tiếng Việt Nam) mà chỉ xuất trình 1 tờ giấy có ghi số điện thoại. Sau khi xác định sự việc của bà Dua có nhiều tình tiết phức tạp cán bộ, chiến sỹ ở trạm đã đưa bà Dua về đồn làm việc. Được biết, Vàng Thị Dua vừa chấp hành xong án phạt tù ở trại giam Thủ Đức, về cư trú tại bản Pưng, khu Pa Háng, Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, Lào. Theo hướng dẫn của Lãnh sự quán Lào tài TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Vàng Thị Dua sẽ về Thanh Hóa, qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) và có mặt ở cửa khẩu Nậm Sôi vào ngày 7-5, bên Lào đã thành lập đoàn chờ tiếp nhận bà Dua và thực hiện cách ly theo quy định. Tuy nhiên, do Vàng Thị Dua không muốn thực hiện cách ly nên đã qua Mường Lát để về nhà. Khi đến Trạm kiểm soát liên hợp số 1 phòng, chống dịch COVID-19 bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) thì lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Đồn Biên phòng Tam Chung phối hợp cơ quan liên quan bàn giao Vàng Thị Dua cho bạn tại cửa khẩu Nậm Sôi (Hủa Phăn, Lào).

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Trung tá Phan Doãn Kiểu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung chia sẻ, qua sự việc nêu trên để thấy nếu lực lượng chức năng không tỉnh táo, nghiêm túc trong quá trình kiểm tra, kiểm soát rất dễ để lọt các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Vì vậy trong mọi thời gian, mọi điều kiện, chỉ huy đồn luôn quan triệt cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đều không được chủ quan, lơ là, phải kiểm tra xác minh truy xét đến tận cùng của sự việc, tránh sự việc để lọt đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Mường Lát cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Mường Lát có 4 trạm kiểm soát, 11 chốt kiểm soát và 8 tổ kiểm soát lưu động phòng chống dịch COVID-19, với 182 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, ngành y tế, cán bộ địa phương, dân quân thường trực tham gia. Trong đó lực lượng biên phòng có 127 cán bộ, chiến sỹ vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, phòng chống dịch COVID-19. Vừa qua, nhằm tăng bề dày trên biên giới nhằm quản lý người xuất nhập cảnh và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định lâm thời thành lập thêm 6 chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên biên giới thì địa bàn huyện Mường Lát có 5 chốt gồm các chốt: Bản Ón 2, Đồn Biên phòng Tam Chung; Khu Piềng Mòn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn; bản Lách, Đồn Biên phòng Quang Chiểu; bản Chim, Đồn Biên phòng Pù Nhi; khu Kéo Cưa, Đồn Biên phòng Trung Lý.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Trong hành trình đến thăm các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại Mường Lát, chúng tôi càng hiểu thêm những khó khăn, vất cả của những người lính. Hiện nay, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ trên các trạm, chốt gặp không ít khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, sóng điện thoại chập chờn, yếu nên quá trình liên lạc với đồn gặp khó, bên cạnh đó điện thắp sáng chủ yếu dùng tua bin hoặc năng lượng mặt trời…Đặc biệt, đối với cán bộ, chiến sỹ tại các chốt do biên phòng thành lập đều không hỗ trợ nguồn kinh phí như Trạm kiểm soát liên hợp do UBND tỉnh thành lập. Trong khi đó các tổ, chốt hoạt động tuyến biên giới khó khăn, nguy hiểm và hoạt động xuất nhập cảnh, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, những người lính biên phòng, các lực lượng chức năng vẫn ngày đêm bám trụ trên những trạm, chốt phòng chống dịch, quyết tâm giữ vùng biên bình yên.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Bất chợt tôi nhớ đến ca khúc Hát về anh của nhạc sỹ Thế Hiển – ca khúc dành tặng những người lính biên biên phòng: “Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời/Xin hát mãi về anh người chiến sỹ biên cương…”. Mỗi chuyến đi, khi tận mắt chứng kiến những người lính âm thầm dành trọn tuổi thanh xuân bảo vệ miền biên cương Tổ quốc bình yên, khiến người chứng kiến xúc động, khâm phục và dành niềm tin cho những người lính nơi biên cương vững tay súng, can trường, khỏe mạnh trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 còn dài, giữ vững bình yên nơi biên cương.

[E-Magazine] - Đã có những hy sinh khó nói hết bằng lời...

Nội dung: Ngọc Huấn

Ảnh: Hoàng Đông

Thiết kế: Mai Huyền

Xuất bản: 5:21:05:2021:17:15

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM