Bàn về văn minh: Con đường đến với thế giới văn minh
“Bàn về văn minh” là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản. Sách được viết, hoàn thành năm 1875. Song hơn 1 thế kỷ trôi qua, những giá trị cũng như gợi mở về con đường đến với thế giới văn minh vẫn còn có nhiều giá trị để soi chiếu và suy ngẫm.
Nếu muốn ví von, thì Fukuzawa Yukichi được coi là Voltaire của Nhật Bản. Người Nhật coi ông là ân nhân. Hình của ông được in trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản, tờ 10.000 yên. Cuộc đời của Fukuzawa Yukichi với các hoạt động dịch sách, viết sách và xuất bản hướng trọn mục tiêu nhằm khai sáng cho Nhân dân Nhật Bản. Phong cách viết của tác giả rất giản dị, khúc chiết, với tầm nhìn xa và lý luận chặt chẽ.
Bàn về văn minh, hay như lời nói đầu sách đó là: giáo trình về việc làm thế nào để lòng yêu nước chính đáng mà thô ráp trở nên tinh tế, đạt đến văn minh, đặng có thể giữ được độc lập và phát triển hùng cường.
Với một tinh thần cầu thị và khiêm tốn, tác giả Fukuzawa Yukichi khi xác lập cơ sở lý luận đã nêu rõ: vấn đề ở đây là chỉ được chọn một trong hai; tiến tới hoặc lùi. Bằng cách mềm mỏng và tinh tế, tác giả khuyến nghị: nếu có tinh thần tiến tới thì chắc chắn các bình luận của tác giả sẽ hữu ích; còn ứng dụng thế nào thì hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người.
Với các luận điểm: văn minh là nói cả về vật chất lẫn tinh thần; cái khó của việc mưu cầu tinh thần; tác giả đi đến khẳng định: điểm trọng yếu của việc phát triển văn minh nằm ở chỗ ra sức tăng cường và mở rộng các hoạt động cũng như nhu cầu của con người, đồng thời khuyến khích hoạt động tinh thần. Con người luôn tự thân là một sinh vật thích hợp với văn minh hiện đại.
Ở nghĩa rộng hơn, tác giả cho rằng: văn minh không phải chỉ là vấn đề thông minh hay ngu dốt của một cá nhân, mà chính là tinh thần lan tỏa trong cả quốc gia. Đó là sự thể hiện tri thức và đạo đức của toàn bộ dân chúng. Nó còn là “cội nguồn sinh khí của quốc gia”.
Theo suy ngẫm của tác giả, những bậc anh hùng hào kiệt ngày xưa thành công trong thời đại của mình không bởi họ dùng tài năng để thúc đẩy trình độ đạo đức và tri thức của dân chúng, mà đúng hơn là chính trình độ tri thức và đạo đức của Nhân dân đã giúp cho kế sách của họ được thành tựu viên mãn. Những trường hợp nghìn năm một thủa là do đã phát huy cao độ khí lực của dân chúng một cách phù hợp với thời thế.
Cách đây hơn một thế kỷ mà tác giả đã phát hiện ra rằng: trí lực của con người tương tự sức mạnh của cơ bắp. Có rèn luyện ắt có sức bền. Quan điểm này rất gần với ngày nay.
Vậy trở lại chủ đề cốt lõi của văn minh là gì? Làm thế nào để hướng đến văn minh không chỉ là một người, một nhóm người, mà rộng hơn là cả quốc gia, dân tộc.
Sách có 10 chương, các chương sau luận giải khá chi tiết về vấn đề này. Cụ thể, chương 7 khi nói về thời đại và nơi chốn thích hợp để thực hành trí tuệ và đạo đức, tác giả cho rằng: trong lịch sử tất cả những thất bại của nhân loại đều do sai lầm về thời gian và nơi chốn mà ra. Phải chăng đây là tính biện chứng và khoa học của quan điểm lịch sử mà lâu nay chúng ta vẫn tư duy?
Khi văn minh được mở mang và trí lực dần được tiến bộ, lòng người cũng theo đó mà sinh ra tinh thần hoài nghi. Mỗi một bước trí tuệ tiến lên thì dũng khí cũng sinh ra một bậc cao hơn. Trí tuệ càng tiến bộ vượt bậc thì dũng khí cũng theo đó sẽ phát sinh vô hạn.
Với một niềm tin tích cực, tác giả luôn khẳng định: khi nền văn minh trưởng thành lên thì hàm lượng của tri thức và đạo đức đều tăng trưởng. Từ đạo đức cá nhân đến đạo đức cộng đồng chính là sự lan tỏa: tinh thần lễ nghĩa, toàn dân tắm trong biển đạo đức, và đó là cảnh thái bình của văn minh.
Trong tư duy hạt nhân gia đình, tác giả cho rằng: quan hệ của gia đình chỉ tạo được vẻ đẹp kỳ diệu khi dựa vào nền tảng đạo đức. Quy tắc được sinh ra không phải bởi con người ta đa phần là xấu. Quy tắc càng chi tiết, càng chặt chẽ, thì sẽ đạt được đạo đức vĩ đại. Có lẽ những quan điểm từ rất sớm đó của Fukuzawa Yukichi cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đọc sách của Fukuzawa Yukichi thấy ông là một học giả yêu nước đến mức bền bỉ, kiên quyết và nhẫn nại như chính văn phong của ông vậy. Không quá đề cao học thuyết nào, viện dẫn nhiều quan điểm trào lưu trước và cùng thời ông sống, song điều mấu chốt đau đáu trong ông vẫn là tinh thần dân tộc, độc lập tự cường. Để văn minh là hồn cốt, là đích hướng đến như hình ảnh ông ví von: ngôi nhà kiên cố trước bão giông của thời cuộc. Sự vững chãi và ấm áp của ngôi nhà cũng chính là linh hồn của văn minh dân tộc. Cốt lõi vẫn là giữ được bộ óc “năng động qua hàng nghìn gian nan không bao giờ mất uy thế”.
Tinh thần khai sáng ấy đúng là đã thức tỉnh quốc dân đồng bào ông trong chính thời đại mà ông sống. Cho đến nay, người Nhật vẫn luôn tôn vinh ông như tôn vinh một con người biết lan tỏa tinh thần cộng đồng vì các giá trị văn hóa, văn minh, tiến bộ cho con người và vì con người.
Nguyễn Hường
- 2024-10-11 08:59:00
Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt 2 cuốn sách ảnh về đất nước và Bác Hồ
- 2024-10-11 07:25:00
Bếp ấm của mẹ
- 2024-08-07 08:01:00
Khúc tráng ca hào hùng tái hiện những ký ức về một “thời hoa lửa”
Phong trào UNESCO: Tạo kỷ nguyên mới cho công nghiệp văn hóa
Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa
Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới
Từ “bóng” đến “gió”
Điểm về nguồn ý nghĩa trong dịp hè
Mạng lưới UNESCO: Góp phần định hình tương lai của công nghiệp văn hóa
Du lịch cộng đồng Bản Ngàm
Người đẹp Hải Dương đăng quang cuộc thi Hoa Hậu Du lịch Việt Nam 2024
Bảo tồn, phát huy trò chạy chữ “thiên - hạ - thái - bình”