(vhds.baothanhhoa.vn) - Bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng với những thay đổi tích cực từ nhận thức đến hành động trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua Hoằng Hóa đã đạt được không ít hiệu quả thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cụ thể là khôi phục, duy trì hàng loạt các trò chơi, trò diễn, văn nghệ dân gian đặc sắc, đậm nét: chọi cù, trống hội, chèo chải...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống: Cách làm hay của Hoằng Hóa

Bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng với những thay đổi tích cực từ nhận thức đến hành động trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua Hoằng Hóa đã đạt được không ít hiệu quả thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cụ thể là khôi phục, duy trì hàng loạt các trò chơi, trò diễn, văn nghệ dân gian đặc sắc, đậm nét: chọi cù, trống hội, chèo chải...

Sống lại những làn điệu

Làng Phú Khê, xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) vốn nổi tiếng khắp vùng là đất hiếu học, khoa bảng. Nơi đây còn được biết đến là cái nôi văn hóa với những lễ hội truyền thống kéo dài suốt trăm năm. Và ở Lễ hội làng Phú Khê, có một đặc sản không thể thiếu là biểu diễn trống hội. Tuy vậy, cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài và những năm bao cấp kinh tế nhiều khó khăn, thiếu thốn khiến cho những giá trị văn hóa dần mai một. Và trống hội làng Phú Khê cũng không tránh khỏi nỗi niềm chung.

Đầu những năm 2000 tại Lễ hội truyền thống làng Phú Khê, bên cạnh nghi lễ truyền thống, người dân ấn tượng với sự xuất hiện của tiết mục trống hội âm vang khắp vùng. Những tiếng trống dồn dập, rộn rã như thúc giục, mời gọi làm cho lễ hội trở nên sôi động, hấp dẫn hơn. Và đó cũng là những ngày tháng đầu đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng tiếng trống hội. Ban đầu, chỉ là sự góp mặt của một vài thành viên có tuổi vẫn luôn tâm huyết, qua thời gian, với sự vận động, kêu gọi người dân hưởng ứng tham gia, ủng hộ đến nay, đã phát triển trở thành CLB trống hội có tiếng vang lớn. CLB này thường xuyên tham gia biểu diễn các lễ hội, sự kiện lớn trong huyện, tỉnh: Lễ hội biển Hải Tiến; Đón giao thừa của huyện Hoằng Hóa; Lễ hội Lê Hoàn...

CLB trống hội cung đình xã Hoằng Phú biểu diễn trong ngày hội làng truyền thống tại đình Thượng (Phú Khê).

Cùng với CLB trống hội cung đình, năm 2013 xã Hoằng Phú lại tiếp tục khôi phục được CLB Tuồng cổ sinh hoạt, biểu diễn trong các sự kiện văn hóa của địa phương. Sau hơn 5 năm sinh hoạt, đến nay CLB tuồng cổ xã Hoằng Phú đã thu hút sự tham gia sinh hoạt của trên 25 thành viên, với nhiều lứa tuổi kế cận nhau. Điều đáng mừng là bên cạnh những thành viên cao tuổi như ở nhiều CLB văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh nói chung thì CLB Tuồng cổ xã Hoằng Phú đã bước đầu có những thành viên ở ngưỡng tuổi mới trên 35 cùng tham gia.

Khôi phục được vốn đã khó, để CLB văn hóa truyền thống sinh hoạt đều đặn, thường xuyên, hiệu quả lại là điều khó khăn bội phần. Chị Lê Thị Thúy, cán bộ văn hóa xã Hoằng Phú chia sẻ: Dù CLB trống hội và tuồng cổ xã Hoằng Phú hoạt động khá hiệu quả song cũng không dễ dàng vượt qua được những khó khăn thường thấy nhiều CLB hiện nay (nguồn kinh phí, sinh hoạt tự nguyện...), rất khó để tổ chức những hội nghị, cuộc họp riêng rẽ về hoạt động văn hóa truyền thống riêng rẽ, độc lập. Từ chủ trương đã được Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể thông qua khi triển khai xuống thôn được khéo léo lồng ghép vào các cuộc họp của nhân dân trên tinh thần kêu gọi, vận động, tuyên truyền để nhân dân hưởng ứng, ủng hộ...

Một địa phương khác là xã Hoằng Quỳ, sau hơn 10 năm đã khôi phục được 3 CLB văn hóa truyền thống: CLB tuồng; chèo chải; múa Tú Huần. Điều đáng mừng, đến thời điểm hiện tại, cả ba CLB đều được duy trì hoạt động khá hiệu quả.

Hay như các CLB chèo (Vĩnh Gia; Phượng Mao) xã Hoằng Phượng; Nhân Trạch (Hoằng Đạo); múa đội đèn xã Hoằng Trạch... đều được khôi phục bắt đầu từ nhưng năm 2000 và duy trì hoạt động đến ngày nay. Các CLB đã góp phần tạo nên không gian văn hóa đậm nét của địa phương đồng bằng ven biển. Tự xa xưa, Hoằng Hóa vẫn được ví là đất hát chèo với những làn điệu í a, lơi lả... đắm say lòng người. Và đến nay, danh hiệu “đất chèo” dường như vẫn được cộng đồng dân cư gìn giữ, trao truyền.

Khôi phục trò chơi, trò diễn

Bên cạnh các CLB văn hóa được khôi phục, duy trì thì những năm gần đây, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hàng loạt các trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo, đặc trưng của huyện cũng được khôi phục và thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương mỗi dịp tổ chức.

Nếu có dịp về xã Hoằng Hà vào ngày mùng 2 tết hàng năm, sẽ được chứng kiến và tham gia trò chơi vật cù vô cùng độc đáo, gắn với tín ngưỡng tâm linh thờ Thành hoàng. Giữa vòng tròn sân chơi, hàng trăm nam thanh niên lực lưỡng, khỏe mạnh cùng tranh tài ném cù vào giỏ trên cao, xung quanh là tiếng reo hò, cổ vũ hàng ngàn người già, em nhỏ. Vật cù là trò chơi truyền thống lâu đời của người dân Hoằng Hà, sau nhiều năm gián đoạn đã được chính quyền và nhân dân tổ chức khôi phục và duy trì qua mỗi mùa xuân.

Cùng với vật cù thì trong dịp đầu xuân, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa còn có hàng loạt các trò chơi được duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị, trở thành nét văn hóa như: đấu vật (Hoằng Phong, Hoằng Lưu); nấu cơm thi (Hoằng Quỳ; Hoằng Trung)...

Trò nấu cơm thi sau khi được khôi phục không chỉ là nét đẹp văn hóa trong những ngày đầu xuân mà còn đại diện cho huyện Hoằng Hóa tham dự Liên hoan Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh dịp đầu năm 2018.

Nói về việc khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện trong những năm qua, ông Lê Thanh Cảnh - Trưởng phòng VHTT huyện Hoằng Hóa cho biết: “Để việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạt hiệu quả, huyện Hoằng Hóa đã có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho mỗi địa phương. Theo đó, thành lập CLB văn hóa dân gian, khôi phục trò chơi, trò diễn truyền thống sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng và trong 5 năm tiếp theo, mỗi năm được hỗ trợ 5 triệu đồng để duy trì. Đến nay, đã có 22 trò chơi, trò diễn được nhận hỗ trợ từ chính sách này. Kinh phí hỗ trợ tuy không nhiều song nó có tác dụng kích cầu, là động lực cho các phong trào văn hóa, văn nghệ còn nhiều khó khăn ở cơ sở hiện nay”.

Cũng theo ông Cảnh, để việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở mỗi địa phương đạt hiệu quả tốt nhất thì cần thiết có sự thay đổi trong nhận thức, đến chỉ đạo, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng nhân dân. Có như vậy, việc khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mới thực sự được bền vững.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]