(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm bên hữu ngạn sông Mã với cảnh quan uy nghi, hùng vĩ, đền Đồng Cổ từng là điểm dừng chân của nhiều tao nhân, mặc khách trên đường thiên lý. Cùng với các di tích: Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, núi Đọ, núi Nưa..., đền Đồng Cổ (thôn Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định) là một trong các điểm du lịch tâm linh và về nguồn lý tưởng ở xứ Thanh.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đền Đồng Cổ

Nằm bên hữu ngạn sông Mã với cảnh quan uy nghi, hùng vĩ, đền Đồng Cổ từng là điểm dừng chân của nhiều tao nhân, mặc khách trên đường thiên lý. Cùng với các di tích: Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, núi Đọ, núi Nưa..., đền Đồng Cổ (thôn Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định) là một trong các điểm du lịch tâm linh và về nguồn lý tưởng ở xứ Thanh.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đền Đồng CổĐền Đồng Cổ nhìn từ hồ bán nguyệt. Ảnh: Chi Anh

Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú: Núi Đồng Cổ thuộc huyện Yên Định là một danh sơn cổ tích. Sách “Đại Nam nhất thống chí” (biên soạn dưới triều vua Thành Thái) ghi chép rất kỹ về thế núi cũng như cảnh quan. Đền Đồng Cổ ở Đan Nê nằm dưới một chân núi trong dãy núi Tam Thai hướng về phía Tây Nam nhìn ra một khu đất rộng, có hồ bán nguyệt ở giữa, không gian sơn thủy hữu tình.

Tương truyền, có vị vua đi đánh giặc qua đây đã nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã (nay thuộc xã Yên Thọ). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Ðồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần nơi đây báo mộng, quân giặc nghe âm vang trống đồng sợ khiếp vía và rút chạy.

Sách “Việt điện U Linh” (NXB Văn hóa, 1960) được Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV) chép một đoạn về Lý Thái tông, đại ý: Phụng mệnh vua cha là Lý Thái tổ, Thái tử Lý Phật Mã (sau này là vua Lý Thái tông) đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu (núi Khả Lao ở làng Đan Nê) đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, thấy một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công. Thái tử vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh giấc. Quả nhiên, theo lời Đồng Cổ sơn thần, vua cho quân tiến đánh giặc Chiêm Thành, giành thắng lợi. Khải hoàn, về qua Trường Châu, Thái tử sai quân sĩ sửa sang miếu thần thành đền thần, rồi tạ lễ, rước bài vị về kinh đô để dựng đền giúp cho quốc thái dân an. Vì thế mà thần Đồng Cổ được nhà Lý phong làm quốc thần và cho dựng miếu thờ ở kinh thành Thăng Long với mục đích cầu mong cho quốc thái dân an và các vùng đất xa kinh thành đều thuần phục, yên ổn (sách Đại Việt sử ký toàn thư” - bộ quốc sử của nhà Hậu Lê đã chép).

Theo bảng thuyết minh treo ở thượng điện: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương, đến thời Lý (1020) được sửa sang lại, sang thời Lê - Trịnh được xây dựng khang trang, to đẹp hơn”...

Mang phong cách nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ XVI, XVII, kiến trúc khu đền Đồng Cổ tuân thủ theo một nguyên tắc quy hoạch của phương thuật địa lý thời cổ phù hợp với quy luật tự nhiên, hài hòa so với cảnh quan xung quanh, tận dụng tối đa lợi thế của môi trường.

Giá trị nghệ thuật kiến trúc của di tích ở đây thể hiện ở quy hoạch tổng thể và bố cục kiến trúc, ở sự kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên hòa quện với nhau tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp: vừa lãng mạn trữ tình, vừa uy nghi hùng vĩ bởi một quần thể di tích gồm có: núi Tam Thai, chùa Thanh Nguyên (chùa Đồng), quán Triều Thiên, hồ bán nguyệt, bến Trường Châu, hang Trung Vân (Tòng Quân) thông với sông Mã, động Ích Minh (động Quân Giới).

Kiến trúc khu đền Đồng Cổ gồm có: Tiền điện, trung điện, nhà ống muống và hậu cung. Tiền điện có các ban thờ thần Đồng Cổ, nhị vị Tồn công; trung điện có sập thờ trống đồng, long ngai, thánh vị của thần, hạc đồng, bát bửu, hai bên đặt hai cây hoa là hoa nơm và hoa thủy bào; đi qua nhà ống muống là tới hậu cung.

Mái đền lợp ngói mũi hài đã phủ rêu mốc, không cao lắm, nhưng các đầu đao cong vút vẽ lên trời xanh. Đền quay hướng Tây Nam, bố cục theo kiểu chuôi vồ gồm ba gian tiền đường, ba gian trung đường, ba gian hậu cung. Kiến trúc đền dựa trên hệ thống vì, kèo, chồng rường và đặc biệt là hàng cột lim to, tạo cho ngôi đình dáng vẻ bề thế và vững chãi. Cột lớn (cột cái) có đường kính xấp xỉ 0,5m, cao 4,2m.

Đền Đồng Cổ ngày nay được phục dựng theo quy mô và kiến trúc thời Lê Trung Hưng. Các hình được chạm khắc tinh vi với kỹ thuật tinh xảo trên cửa, cột, xà, mái nhà, hông nhà, bậu cửa, bậc tam cấp được thể hiện ở những con rồng, nghê, phượng, hoa lá, sóng nước... đường nét mềm mại uyển chuyển trên các chất liệu gỗ, đá, xi măng... hình trang trí thường được chạm nổi ít hoặc khắc chìm một cách đơn giản trên mặt phẳng nhẵn, đường nét tự nhiên và không theo khuôn thước nhất định. Với hình đầu rồng tại đền Đồng Cổ, nghệ thuật trang trí của Việt Nam thể hiện một lối tư duy chặt chẽ về bố cục, hình mẫu trọn vẹn, sự linh hoạt và thanh tú về đường nét...

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đền Đồng CổĐền thờ thần núi Đồng Cổ, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn. Ảnh: Chi Anh

Đồng Cổ được coi là một trong những đền thờ linh thiêng và hiển hách bậc nhất của xứ Thanh. Nhân vật thờ tại đền đã nhận được hai mươi tám sắc phong của vua và hàng chục đạo chỉ của chúa Trịnh. Đến thời Nguyễn còn được nhận nhiều sắc phong với nội dung chính là “Trung đẳng thần anh thanh minh chiếu đôn tín Đồng Cổ sơn chủ minh” (theo “Linh tích núi Tam Thai” của Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng). Vẻ đẹp cùng với những giá trị văn hóa - lịch sử to lớn của núi và đền Đồng Cổ không chỉ được ghi dấu trong những vần thơ của các tao nhân, mặc khách, mà còn được khẳng định trong tấm bia thời Tây Sơn do Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con vua Quang Trung) soạn năm 1802: “Núi và đền Đồng Cổ là một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa”.

Trải qua thời gian, di tích còn lại đến nay chỉ là hai tấm bia, ngôi miếu nhỏ lưng chừng đỉnh núi Xuân và nghinh môn nằm ở phía Tây. Năm 1994, chính quyền và Nhân dân địa phương lập lại đền trên nền đất cũ với quy mô nhỏ hơn trước để phụng thờ. Năm 2001, núi và đền Đồng Cổ được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia. Đến năm 2007, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Khu Di tích núi và đền Đồng Cổ với tổng diện tích 11 ha gồm núi Tam Thai, đền Đồng Cổ, bến Trường Châu, quán Trường Thiên, hồ bán nguyệt và hệ thống cảnh quan. Sau đó khu di tích được tôn tạo làm nơi để người dân tưởng nhớ công lao thần Đồng Cổ tối linh, các triều đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây cũng là điểm tham quan, thưởng ngoạn và cầu nguyện của du khách.

Với những giá trị to lớn đó, việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị của di tích là rất cần thiết. Theo đó cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di tích. Áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy di tích. Bổ sung vào di tích những yếu tố cần thiết nhằm phát huy hiệu quả của di tích như làm đường tham quan, tạo công viên xanh, xây dựng các tác phẩm nghệ thuật, nhà trưng bày bổ sung di tích... Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng các dịch vụ khai thác phục vụ khách nhằm giảm phiền hà không đáng có. Nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh, tổ chức lại việc đón tiếp khách, giới thiệu, trưng bày và tổ chức các sự kiện...

Di tích lịch sử đền Đồng Cổ là di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Trải qua thời gian, di tích lịch sử này đã tự thâu nạp cho mình những giá trị văn hóa độc đáo và trở thành thực thể văn hóa không thể thiếu đối với sinh hoạt của cộng đồng. Đảng và Nhà nước luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển trong giai đoạn hiện nay. Hy vọng đền Đồng Cổ sẽ được quan tâm hơn nữa, để phát huy giá trị một cách tốt nhất.

Trịnh Trọng Nam



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]