(vhds.baothanhhoa.vn) - “Như một lữ khách trong chuyến du lịch văn hóa – sinh thái trên những trang sách, người đọc có thể dừng lại, theo dõi và thưởng thức những cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, hoạt động kinh tế đến từng chi tiết hiếu kỳ và hấp dẫn của mỗi địa điểm, trong chuỗi 12 hải cảng được chọn lọc miêu tả ghi nhận từ 19 cửa sông, nằm dọc theo bờ biển vùng Bắc Trung Bộ (bao gồm 4 cảng thuộc tỉnh Thanh Hóa, 3 cảng thuộc tỉnh Nghệ An và 5 cảng thuộc tỉnh Hà Tĩnh) – Đó là nhận định sâu sắc của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ dành cho cuốn sách “Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X – XIX” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên (2021, NXB Thế giới và MaiHaBooks).

“Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X - XIX” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên: “Nhìn lại” để phát triển

“Như một lữ khách trong chuyến du lịch văn hóa – sinh thái trên những trang sách, người đọc có thể dừng lại, theo dõi và thưởng thức những cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, hoạt động kinh tế đến từng chi tiết hiếu kỳ và hấp dẫn của mỗi địa điểm, trong chuỗi 12 hải cảng được chọn lọc miêu tả ghi nhận từ 19 cửa sông, nằm dọc theo bờ biển vùng Bắc Trung Bộ (bao gồm 4 cảng thuộc tỉnh Thanh Hóa, 3 cảng thuộc tỉnh Nghệ An và 5 cảng thuộc tỉnh Hà Tĩnh) – Đó là nhận định sâu sắc của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ dành cho cuốn sách “Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X – XIX” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên (2021, NXB Thế giới và MaiHaBooks).

“Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X - XIX” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên: “Nhìn lại” để phát triển

Cuốn sách “Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X - XIX” của tác giả Nguyễn Văn Chuyên.

“Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X – XIX” là cuốn sách được phát triển từ luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Chuyên, bảo vệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 3 chương làm nên diện mạo bức tranh thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X – XIX gồm: “Cơ sở hình thành và hoạt động của các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ” (chương I), “Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ và những mối quan hệ thương mại” (chương II), “Nhận xét về các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ thế kỷ X – XIX” (chương III).

Nằm trên bán đảo Đông Dương, vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) có vị trí địa chiến lược trên tuyến giao thương quốc tế đường biển, đường bộ… Trong lịch sử, tiểu vùng này mang tính chất cửa ngõ đối với Đại Việt, Chămpa, Chân Lạp, Ai Lao, rộng hơn là cửa ngõ giữa các quốc gia này với thế giới bên ngoài.

Theo những ghi chép trong thư tịch, cùng với những bằng chứng khảo cổ học cho thấy, từ đầu thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX, ven biển Bắc Trung Bộ có sự hiện diện của nhiều thương cảng. Đó không chỉ là nơi cập bến của thuyền chài, thuyền buôn nội vùng, trong nước mà còn là điểm đến của thuyền buôn, thương nhân quốc tế. Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ có vai trò thúc đẩy kinh tế tiểu vùng phát triển, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Như cửa biển Lạch Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) – “cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa quan trọng hàng đầu của lỵ sở xứ Thanh”, “thắng cảnh thiên nhiên thu hút sự chú ý của con người”. Những dấu tích khảo cổ học ở đây cho thấy, thương cảng này hình thành từ thời cổ đại. Trong kỷ nguyên thương mại, Lạch Trường là một cửa ngõ giao thương của Đại Việt, có sự hiện diện của thương nhân quốc tế…

Hay một vùng Biện Sơn (xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) nổi danh trong lịch sử. Với ưu thế về địa hình, Biện Sơn có khả năng tiếp nhận tàu viễn dương trọng tải lớn khi so sánh với nhiều cửa sông, thương cảng khác. Trong lịch sử, thương cảng Biện Sơn là điểm thu thuế quan trọng với sự hiện diện của sở tuần ty. Vì có sự hiện diện của sở tuần ty ở Biện Sơn nên thương nhân phương tây coi đây là đảo đáng chú ý nhất vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó, đảo Biện Sơn còn là một vị trí quan trọng đối với hoạt động quân sự, quốc phòng của quốc gia Đại Việt. Hiện nay, tại xã đảo Nghi Sơn, dấu tích phòng tuyến thủy quân Tây Sơn còn được lưu lại qua sự tồn tại của một số đoạn tường thành như: Thành Đồn, thành Hươu… Phòng tuyến thủy quân Tây Sơn trên xã đảo Nghi Sơn là một phần của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn gắn liền với tên tuổi và công trạng của vua Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn. Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn được xem như bàn đạp của cuộc phản công chiến lược, là căn cứ xuất phát của các đạo thủy bộ hùng binh Tây Sơn tiến ra đại phá quân Thanh.

Những cái tên khác được “điểm mặt gọi tên” trong cuốn sách như: Cửa Cờn, Triều Khẩu, Hội Thống, Phù Thạch, cửa Sót, Kỳ La – cửa Nhượng, Kỳ Hoa – cửa Khẩu… vừa có nét chung của cụm cảng biển Bắc Trung Bộ vừa có những đặc trưng, vai trò, vị trí khác nhau. Trong đó, chuỗi cảng biển Bắc Trung Bộ ghi dấu ấn đậm nét trên một dải ven biển Việt Nam không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên sinh động, hấp dẫn. Hơn hết, các cảng biển Bắc Trung Bộ ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa – tín ngưỡng độc đáo.

Tác giả đã vận dụng linh hoạt lý thuyết hệ thống cấu trúc, lý thuyết, luận điểm về mô hình trao đổi thương mại ở các vùng duyên hải, qua nhiều cách tiếp cận vấn đề như: tiếp cận đa chiều, tiếp cận từ biển, tiếp cận địa – sinh thái, tiếp cận đa ngành và liên ngành… với 2 phương pháp chính của khoa học lịch sử là lịch đại và đồng đại. Gần 500 lời dẫn chú thích rút ra từ hơn 250 nguồn tư liệu tham khảo, về thư tịch cũng như về thực địa, với những phụ lục đa dạng, nhiều văn bản và bản đồ cổ hiếm quý đã thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, công phu trong khoảng thời gian tương đối dài của tác giả. Do đó, cuốn sách cung cấp nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy, phục vụ nhiều đối tượng độc giả. Cuốn sách không chỉ góp phần làm sáng tỏ các mối giao thương quốc tế, trong nước và tiểu vùng Bắc Trung Bộ nói riêng mà còn làm sáng tỏ bức tranh ngoại thương Việt Nam trong lịch sử. Bên cạnh đó, qua việc làm sáng tỏ quá trình phát triển, mối quan hệ thương mại của các thương cảng đó sẽ giúp cho việc nhìn nhận về vị thế, vai trò vùng đất Bắc Trung Bộ thêm toàn diện và sâu sắc hơn.

Từ những tư liệu, kiến thức tiếp nhận được qua cuốn sách, liên hệ với thực tế hiện này có thể giúp ích cho việc phân vùng kinh tế trọng điểm, quá trình liên kết đầu tư đối với các đối tác quốc tế, phát triển cảng biển và dịch vụ logistics… Trong bối cảnh Việt Nam nói chung, Bắc Trung Bộ nói riêng đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện chiến lược biển, việc phục dựng bức tranh kinh tế các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ cũng như rút ra những nhận xét về đặc điểm, vai trò, vị trí các thương cảng này từ thế kỉ X – XIX sẽ bổ sung thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn lịch sử, có tính chất tham khảo cho việc xây dựng các cảng biển, nhất là xác định quy mô các cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ. Cùng với đó, thông qua việc phân tích, làm sáng tỏ vai trò của yếu tố tự nhiên, nội sinh, ngoại sinh và những quy luật vận động, vận hành của các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ trong lịch sử sẽ gợi mở ra những bài học đối với việc xây dựng và phát triển các thương cảng Bắc Trung Bộ hiện nay.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]