(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nếu ai đã đến một số điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, đều có thể nhận thấy Thanh Hóa có thế mạnh về một loại hình “Văn hóa - lịch sử” có khả năng hấp dẫn du khách. Đó là thơ văn Hán Nôm của các vua chúa, danh nho Việt Nam đề vịnh ở các thắng cảnh, chùa chiền, di tích lịch sử, núi non, hang động... khắp mọi miền trong tỉnh. Tuy nhiên, mặt mạnh này chưa được quan tâm, phát huy khai thác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần khai thác loại hình du lịch ‘văn hóa - lịch sử’ độc đáo

(VH&ĐS) Nếu ai đã đến một số điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, đều có thể nhận thấy Thanh Hóa có thế mạnh về một loại hình “Văn hóa - lịch sử” có khả năng hấp dẫn du khách. Đó là thơ văn Hán Nôm của các vua chúa, danh nho Việt Nam đề vịnh ở các thắng cảnh, chùa chiền, di tích lịch sử, núi non, hang động... khắp mọi miền trong tỉnh. Tuy nhiên, mặt mạnh này chưa được quan tâm, phát huy khai thác.

Động Hồ Công ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, có truyền thuyết là nơi tu luyện của vị tiên Phí Trường Phòng, gắn liền với huyền thoại về một người đốn củi tên là Trịnh Phát Giác, khi tới động này thấy tiên đang chơi cờ, chống rìu đứng xem. Lúc ván cờ tàn thì cán rìu của Phát Giác bị mối đục hết. Vị tiên cảm kích bèn cho Phát Giác ở lại với mình trong động (Quả bầu tiên) và cho theo học nghề làm thuốc... Câu chuyện trên đã được vua Lê Thánh Tông, vua Lê Hiến Tông, Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ và nhiều danh nho khác phản ánh trong các bài thơ họ làm còn khắc trên vách động. Không thiếu gì những câu thơ hay, biết đọc, ngâm lên sẽ làm rung động lòng người: “...Cưỡi gió ta mong lên chót núi/Xem mây cao tít nước mênh mông. (Vua Lê Thánh Tông); “...Vó ngựa thênh thênh viếng động trời/ Vin mây thẳng đến chốn tiên chơi/ Trăng đùa miếu cổ sau làn gió/ Đất mở song thông trước cửa trời...” (Vua Lê Hiến Tông); “... Trập trùng nẻo đá lượn quanh co/ Đỉnh núi nhô cao một Ngọc Hồ/ Đá hoá cóc già châu tỏa sáng/ Son phai tượng cũ tuyết loang mờ...”. (Chúa Trịnh Sâm).

Ngay khu du lịch Sầm Sơn đã thu hút nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, song cũng cần giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan các thắng cảnh, di tích xung quanh. Đền Độc Cước là điểm du khách thường tới để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vãn cảnh. Ở đền còn bài thơ của nhà Nho nổi tiếng Đặng Huy Trứ khắc trên bia đá, cách nay gần 160 năm, nhưng hầu như không hướng dẫn viên nào giới thiệu với du khách. Mặc dầu trong thơ nhà Nho họ Đặng có những nét phác họa rất đẹp về Sầm Sơn, nếu du khách nghe đọc, nghe ngâm cũng cảm thấy lòng dạ thêm thư thái: “... Sầm Sơn một dải dạ khôn nguôi/ Quay đầu nẻo Bắc mây vàng trải/ Phóng mắt khơi Nam sóng biếc dồi...”. Và: “Huống còn đền cổ ngàn năm đó/ Dấu biển thiêng sao nhắc nhở người”.

Nếu ngành chức năng và huyện Vĩnh Lộc biết đặt ở động Hồ Công bàn cờ đá, giường nằm đá, lò luyện đan, dựng một số bia viết các bài thơ theo thư pháp khác nhau và hướng dẫn viên du lịch biết giới thiệu những bài thơ trên, cùng câu chuyện huyền thoại về tiên ông chơi cờ, thì chắc du khách sẽ thích thú đến ngồi bên bàn cờ, nằm lên giường đá, đứng bên bia có khắc thơ... để chụp ảnh lưu niệm.

Dòng chữ thể hiện lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp trước động Hồ Công của một vị thi sĩ vô danh.

Hoặc điểm du lịch quần thể hang động Kim Sơn xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, cũng có nhiều điểm đặc sắc của loại hình văn hóa lịch sử nên khai thác. Ví như hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách các bài thơ, văn khắc trên vách động nói về dấu tích người xưa ở đây, rồi dẫn du khách vào thăm “Hang người ở ẩn”. Trên vách hang này còn thấy khắc các chữ Hán: “Oa Thiều Hy” (Nơi ở của một người tên là Thiều Hy), “Lầu thư” (Lầu để sách), “Cầm bích” (nơi treo đàn)... chắc chắn sẽ rất hấp dẫn đối với mọi du khách. Tiếc rằng các cơ quan chức năng chưa quan tâm khai thác loại hình du lịch này, nên hiện nay đã cho xây chùa bịt kín các bút tích thơ, văn nói về dấu tích người xưa ở Kim Sơn và rào chắn cả lối độc đạo lên cái hang “Người ở ẩn”.

Thanh Hóa nằm ở vị trí thuận lợi kết nối các tuyến du lịch với các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, lại có những loại hình du lịch độc đáo, hấp dẫn, nhưng do phát triển du lịch chậm, đầu tư, quảng cáo chưa tốt nên du khách trong và ngoài nước còn ít biết đến. Nếu Thanh Hóa tranh thủ được sự đồng tình củaBộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch, chủ động liên kết với các tỉnh bạn có thế mạnh về du lịch để“gia nhập vào các tour du lịch liên tỉnh, xuyên Việt, thì chắc chắn ngành Du lịchThanh Hóa sẽ phát triển vượt bậc và sẽ có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân và lôi cuốn được các hoạt động xã hội khác cùng đổi mới, phát triển.

Hương Nao



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]