(vhds.baothanhhoa.vn) - Làn sóng khởi nghiệp của các công ty công nghệ, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, công nghệ nông nghiệp… đang ngày một lên cao ở Việt Nam và thế giới. Đặc biệt trong kỷ nguyên 4.0, thì đây chính là cơ hội lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), giới trẻ hoàn toàn có thể tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách tự khởi nghiệp, tự phát triển các sản phẩm ứng dụng và kêu gọi nguồn vốn đầu tư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mở ‘cánh cửa’ kỷ nguyên 4.0

Làn sóng khởi nghiệp của các công ty công nghệ, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, công nghệ nông nghiệp… đang ngày một lên cao ở Việt Nam và thế giới. Đặc biệt trong kỷ nguyên 4.0, thì đây chính là cơ hội lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), giới trẻ hoàn toàn có thể tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách tự khởi nghiệp, tự phát triển các sản phẩm ứng dụng và kêu gọi nguồn vốn đầu tư.

Đã có nhiều diễn đàn cấp quốc gia nhằm phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Cụm từ startup tức KNĐMST đã trở nên phổ biến. KNĐMST thường dựa trên một công nghệ mới, hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, hoặc xây dựng một phân khúc thị trường mới...

Ở Thanh Hóa hiện nay, hoạt động KNĐMST tuy còn mới mẻ nhưng đã được các cấp chính quyền quan tâm, hệ sinh thái KNĐMST đang dần được hình thành. Trong đó, đã xây dựng và phát triển có hiệu quả doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu biểu như Công ty TNHH Minh Lộ, chuyên nghiên cứu sản xuất phần mềm quản lý bệnh viện. Những phần mềm này không chỉ giúp việc quản lý bệnh viện ở tất cả các hạng mục được đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi mà còn là công cụ đánh giá về mặt chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cho người bệnh. Theo đánh giá của các bệnh viện thì phần mềm giúp giảm tải 50% khối lượng công việc và thời gian. Bên cạnh đó, việc quản lý hồ sơ bệnh án của từng bệnh nhân cũng được rõ ràng, thuận tiện với việc ghi nhận chi tiết về số lần khám bệnh và thuốc điều trị đã sử dụng.

Với những ưu điểm vượt trội đó, hiện nay đã có 350 bệnh viện thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước ứng dụng phần mềm của Công ty TNHH Minh Lộ. Ở các tỉnh: Sơn La, Hải Phòng, Bắc Ninh... gần 100% bệnh viện tuyến huyện sử dụng phần mềm. Riêng tại Thanh Hóa đã có 40 bệnh viện, trong đó 100% bệnh viện huyện thực hiện cải cách hành chính bằng phần mềm. Ngoài ra, hàng trăm phòng khám trên cả nước đang thuê phần mềm của công ty. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm cho 100 lao động với mức lương từ 10 - 20 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm đạt 1 triệu USD.

Anh Hoàng Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Minh Lộ là doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2017.

Anh Hoàng Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Minh Lộ cho biết: “Phát triển doanh nghiệp phần mềm ở Thanh Hóa có thể tiết kiệm được đáng kể nguồn chi phí về cơ sở vật chất, từ đó giảm giá thành sản phẩm, chắc chắn sẽ có ưu thế trên thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững là phải luôn đổi mới, sáng tạo để sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường”.

Hiện tại, Thanh Hóa đã có 5 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, gồm: Công ty TNHH Minh Lộ, Công ty CP phát triển công nghệ Lam Kinh, Công ty CP ThinkLABs, Trung tâm công nghệ thông tin truyền thông, Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Hồng Đức là hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm.

Không gì là không thể

Trước đây nhiều người còn hoài nghi về việc đưa công nghệ nhằm giảm sức lao động, cải cách thủ tục hành chính hay việc một địa phương như Thanh Hóa mà có công ty phần mềm đủ mạnh là điều không tưởng. Bởi khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phần mềm đòi hỏi rất “đắt” về môi trường đầu tư kinh doanh, cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Thanh Hóa có lực lượng lập trình viên giỏi rất đông đảo, nhưng hầu hết trong số đó sau khi ra trường đã ở lại làm việc tại thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Thu hút lực lượng lao động này bắt buộc phải trả mức lương tương đương, tạo môi trường làm việc thoải mái, sáng tạo nhất, đồng nghĩa với việc hạn chế lợi nhuận cho công ty” - anh Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Lộ chia sẻ.

Trở lại với câu chuyện khởi nghiệp của anh Thanh, cách đây 8 năm khi một chàng trai tỉnh lẻ đi mời mua sản phẩm phần mềm công nghệ cao với giá hàng trăm triệu đồng thì không ai tin. Nhiều đơn vị khi nghe thuyết trình về phần mềm thì rất ưng thuận nhưng khi biết bản quyền thuộc một công ty tỉnh lẻ thì họ ngoảnh mặt đi, với nhiều lý do. Nhưng vượt lên trên tất cả, đến nay Minh Lộ là một trong 3 doanh nghiệp về phần mềm quản lý bệnh viện mạnh nhất cả nước. Điều đó chứng minh, chính ý tưởng, giải pháp và tư duy đã giúp họ làm nên cơ nghiệp từ chất xám và hai bàn tay trắng.

Phần mềm của Công ty TNHH Minh Lộ đang mang lại hiệu quả công việc ở nhiều bệnh viện.

Tiếp theo Minh Lộ là Công ty CP ThinkLABs mới được thành lập từ đầu năm 2017, chuyên về sản xuất phần mềm. Anh Hoàng Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT công ty, dù đã có công việc ổn định mới mức thu nhập cao nhưng anh vẫn mở công ty phần mềm ở Thanh Hóa bởi anh biết “không chỉ ở thành phố lớn mà Thanh Hóa có những lợi thế nhất định để phát triển các công ty phần mềm”.

Vậy, tại sao không khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phần mềm ở Thanh Hóa khi mà Minh Lộ đã nảy mầm và phát triển mạnh mẽ. Và không chỉ lĩnh vực sản xuất phần mềm mà ở các lĩnh vực khác như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục... ở Thanh Hóa cũng rất có tiềm năng để KNĐMST.

Hỗ trợ KNĐMST

Xác định vai trò của khoa học công nghệ trong KNĐMST, tập trung vào hàm lượng tri thức, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã chủ động chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách về KH&CN trong việc hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ, KNĐMST. Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và KNĐMST tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, hỗ trợ hình thành và phát triển 10 doanh nghiệp KNĐMST; hỗ trợ hoàn thiện, làm chủ công nghệ để thành lập mới ít nhất 15 doanh nghiệp KH&CN, hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường cho 15 doanh nghiệp KH&CN đã được thành lập. Với tổng kinh phí là 170 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Hiện tại UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương tăng thêm nguồn vốn cho Quỹ khởi nghiệp Thanh Hóa, vì vậy trong thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ có những chính sách khích lệ, hỗ trợ thiết thực đối với KNĐMST, cùng với các ngành chức năng tạo môi trường “ươm tạo” thuận lợi để biến các sáng chế, các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thành những “hạt giống tốt”, có cơ hội “nảy mầm” và phát triển thành doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội để nước ta bắt kịp với các nước phát triển. Và phong trào KNĐMST đang là chìa khóa để mở cánh cửa hội nhập đó. Hệ sinh thái KNĐMST ở Thanh Hóa đang dần được hình thành, mở ra tiềm năng rộng mở cho KNĐMST.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]