(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái xứ Thanh, đặc biệt trong dịp lễ hội, cưới hỏi, tết đến xuân về ta lại được thưởng thức một số loại hình văn hóa đặc trưng, trong đó phải kể đến Khua luống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đắm say nhạc hồn Khua luống

(VH&ĐS) Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái xứ Thanh, đặc biệt trong dịp lễ hội, cưới hỏi, tết đến xuân về ta lại được thưởng thức một số loại hình văn hóa đặc trưng, trong đó phải kể đến Khua luống.

Khua luống xuất phát từ cuộc sống lao động của người dân. Với người phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm thường xuyên, quen thuộc hàng ngày. Trong khi giã gạo, họ thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu. Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ tết, ngày cưới...

Đối với đồng bào Thái huyện Quan Hóa, luống được làm từ loại gỗ tốt, có tiếng vang, thanh, hay như gỗ mun, gỗ sú. Người ta chọn cây to, thẳng, được chặt thành khúc, tùy theo người muốn làm luống to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Luống đẽo bớt ruột, tạo thành máng rộng vừa phải, để dễ dàng cho lúa, sắn... vào giã.

Khua luống có nhiều điệu, điệu chào khách, điệu mừng cưới, mừng lúa mới... kết hợp với cồng, chiêng, trống, nhảy sạp... tăng thêm không khí vui tươi, náo nức. Số lượng người khua luống phụ thuộc vào luống dài, ngắn, thường thì từ 8 - 10 người. Mỗi người được phân công đảm nhiệm các nhịp điệu khác nhau.

Trong điệu mừng lễ tết, ngày hội, thường thì có 9 người chia thành hai hàng đứng hai bên của luống và một người làm cái thường đứng ở trên đầu của luống, trong đó hai người làm cái hay làm mẹ (ching mé) đứng ở hai đầu theo chiều dài của luống để hòa hai nhịp khác nhau, hai người khua điệu chọi gà (Tót cay), điệu này hai lần gõ luống và hai lần gõ chày, bốn người khua điệu con (Lúc) điệu này là một gõ một đập và hai gõ một đập, một người gõ cái (Tóng tại) có ý nghĩa dẫn dắt cả đội khua hòa nhịp vào nhau cho khéo, cho hay...

Khua luống trong đời sống văn hóa đồng bào Thái huyện Quan Hóa.

Cũng như người Thái huyện Quan Hóa, người Thái huyện Thường Xuân từ lâu đã xem Khua luống như một nét văn hóa tinh thần không thể tách rời trong đời sống cộng đồng dân cư. Ở đây Khua luống còn được gọi là Ha Long hay Túng Long - là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được tổ chức thường xuyên trong các dịp lễ tết, đón khách quý, giao duyên, tỏ tình trai gái. Không ai biết Khua luống ra đời từ khi nào, chỉ biết rằng tích xưa kể lại. Vào những đêm khuya, những người phụ nữ Thái thường đem lúa ra giã lấy gạo ăn cho cả nhà vào ngày hôm sau. Vậy là, ở mỗi gia đình trong bản làng vang lên tiếng giã gạo tưởng chừng đơn thuần nhưng lại có ý nghĩa to lớn, góp phần xua tan những mệt mỏi thường nhật, từ đó họ dùng tiếng giã gạo làm phương thức giao lưu với nhau, dần dà trở thành một nét đặc sắc riêng trong đời sống đồng bào Thái.

Vào mùa đông, khi mùa lúa mới bắt đầu, cũng chính là mùa cốm, khi con trăng lên qua ngọn núi, cũng là lúc bản nhạc “cồng kênh” rộ lên, như những tiếng mời gọi trai làng, nơi đó họ tụ tập đông vui, người tuốt thóc tươi, người rang cốm, các cô gái dành lấy phần giã và Khua luống, họ cười nói vui vẻ, rộn vang khắp cả núi rừng, làng bản...

Hiện nay, tại các bản làng, Khua luống luôn được người Thái sử dụng nhưmột lời chào đến với những du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc là việc làm rất cần thiết, để các giá trị đó không ngừng được phổ biến, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân.

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]