(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, hiện tượng lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép có chiều hướng gia tăng. Mới đây, sự việc hơn 150 du khách bỏ trốn tại Đài Loan, rung lên hồi chuông báo động về thực trạng này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chặn tour “bỏ trốn”

Thời gian qua, hiện tượng lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép có chiều hướng gia tăng. Mới đây, sự việc hơn 150 du khách bỏ trốn tại Đài Loan, rung lên hồi chuông báo động về thực trạng này.

Mục đích chính là đi nước ngoài lao động

Tháng 12/2013, đoàn khách Việt 15 người đi tour sang Israel, bỏ trốn cả 15 người. Tiếp năm 2016, 59 du khách Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc trong chuyến du lịch 6 ngày tới đảo Jeju. Gần đây nhất, cuối năm 2018, có tới 152/153 người người “bỏ trốn bất hợp pháp” tại Đài Loan.

Tại Thanh Hóa, mặc dù chưa đơn vị lữ hành nào để xảy ra tình trạng đáng tiếc như trên, nhưng thực tế việc lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài trái phép không phải là không có. Nhất là khi gần đây, nhiều kênh xuất khẩu lao động (XKLĐ) hợp pháp và một số địa phương trên địa bàn tỉnh bị siết chặt hoặc tạm dừng chỉ tiêu XKLĐ, thủ tục XKLĐ ngày càng phức tạp hơn, kèm theo nhiều yếu tố khác như khả năng ngoại ngữ, chi phí đặt cọc, chi phí môi giới tốn kém... Do đó, tour du lịch “bỏ trốn” lại càng trở nên hấp dẫn hơn, bởi chi phí rẻ, thủ tục gọn nhẹ, hơn nữa nhiều trường hợp không bị truy cứu hình sự khi bị bắt, nặng nhất chỉ bị phạt tiền và trục xuất...

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 75 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Theo quy định mới của Luật Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 9 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch và Sở VH,TT&DL cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; trong đó, có 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 2 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Theo bà Phạm Hoài Thương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Eagle, việc lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài chủ yếu là đi XKLĐ. Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều đơn vị lữ hành hoạt động, nhưng số đơn vị được cấp giấy phép lữ hành rất ít, đặc biệt là lữ hành quốc tế. Thậm chí có không ít công ty du lịch chỉ hoạt động mang tính thời vụ, không có văn phòng. Theo quy định, những đơn vị được cấp giấy phép lữ hành quốc tế phải ký quỹ với số tiền 500 triệu đồng, nếu vi phạm ngay lập tức sẽ bị phạt nặng và thu hồi giấy phép kinh doanh, còn đối với lữ hành nội địa thì không phải ký bất cứ khoản quỹ nào.

Thế nhưng, hiện nay hầu hết đơn vị lữ hành nội địa nào cũng chào bán tour quốc tế sang các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức... nếu xảy ra sai phạm, đưa người ra nước ngoài trái phép họ có thể bị thu hồi giấy phép và nộp phạt, sau đó họ lại thành lập công ty khác mà không bị ràng buộc bởi bất cứ lý do gì, còn người lao động thì “tiền mất, tật mang”.

Công tác quản lý khách khi tham gia tour du lịch nước ngoài cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ để tránh “lọt lưới”

Những năm qua, để hạn chế du khách bỏ trốn khi đi tour du lịch nước ngoài, nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phải tiến hành nhiều biện pháp sát sao, nỗ lực siết chặt thẩm định đối với việc sàng lọc hồ sơ du khách. Được biết, các khâu sàng lọc thường được áp dụng là: yêu cầu chứng minh tài chính, xác định nghề nghiệp, nơi cư trú, phỏng vấn, về địa phương xác minh, thậm chí xác minh thông tin về khách hàng qua cả mạng xã hội...

Theo kinh nghiệm từ các hãng lữ hành uy tín, để tránh bị “qua mặt”, bên cạnh việc xem xét giấy tờ tài sản, sổ tiết kiệm ngân hàng, còn cần phải để ý độ tuổi, kiểm tra các mối quan hệ nhân thân, công việc, cơ quan của người đi du lịch... khi có nghi ngờ nên yêu cầu khách bổ sung hồ sơ, nếu du khách chân chính sẽ không ngần ngại bổ sung ngay. Ngoài ra, ngay cả khi khách đã tham gia hành trình tour, nhân viên phụ trách vẫn phải tiếp tục quan sát du khách từ hành trang, thái độ, cảm xúc... của họ trong hành trình, bởi những người có ý định trốn lại thường có biểu hiện và thái độ khác hẳn với những du khách thật sự.

Có thể nói, lỗi để “lọt lưới” trách nhiệm chính vẫn ở các đơn vị lữ hành. Bởi thực tế, có nhiều trường hợp, các cá nhân, đơn vị môi giới sẵn sàng chi tiền để “bắt tay” doanh nghiệp du lịch “gài” thêm người đi xuất khẩu lao động. Trong khi đó, nhiều công ty du lịch mới, chưa có thương hiệu cũng như lượng khách ổn định vì thế mà sẵn sàng “tiếp tay” để kiếm thêm lợi nhuận.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết, trước thực trạng lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài trái phép, Sở VH,TT&DL cũng đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc quản lý, giám sát hoạt động đưa khách đi du lịch nước ngoài. Đồng thời ban hành Công văn số 58/SVHTTDL-QLDL (ngày 7/1/2019) về việc tăng cường quản lý đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Trong đó yêu cầu các đơn vị lữ hành quốc tế trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt việc kiểm tra, rà soát các đối tượng trước khi nhận khách, thực hiện thủ tục thị thực xuất cảnh và tổ chức chương trình đi du lịch nước ngoài; tuyên truyền nâng cao nhận thức của khách du lịch về hậu quả của việc xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp khi tổ chức chương trình du lịch cho khách; có biện pháp quản lý đoàn chặt chẽ trong quá trình tổ chức tour... Bên cạnh đó, Sở VH,TT&DL cũng sẽ thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các công ty đưa khách đi du lịch nước ngoài và xử lý nghiêm nếu để xảy ra vi phạm.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]