(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tiềm năng du lịch của Thanh Hóa tương đối đa dạng và phong phú cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, tạo điều kiện cho Thanh Hóa phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đa dạng sản phẩm du lịch mang thương hiệu xứ Thanh

(VH&ĐS) Tiềm năng du lịch của Thanh Hóa tương đối đa dạng và phong phú cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, tạo điều kiện cho Thanh Hóa phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, một trong những hạn chế lớn nhất của du lịch xứ Thanh đó là hệ thống sản phẩm du lịch còn thiếu tính hấp dẫn, đơn điệu. Để khắc phục hạn chế này, nhiều người cho rằng, điều quan trọng là phải nhanh chóng phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới mang thương hiệu Thanh Hóa.

Trong đó, tập trung vào một số sản phẩm chính như: du lịch nghỉ dưỡng - tắm biển; văn hóa - tâm linh; sinh thái, cộng đồng, làng nghề; du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, mua sắm, công vụ; du lịch đường sông. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển khu, tuyến, điểm du lịch có tính liên kết.

Cụ thể, chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đề ra các phương án xây dựng, đưa vào khai thác các khu nghỉ dưỡng, bãi tắm mới theo hướng du lịch sinh thái cao cấp nhằm thu hút khách quốc tế tại một số điểm như: Quảng Cư, Nam Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn - Tĩnh Gia. Cùng với đó, tỉnh tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tổ chức các dịch vụ trên biển như: đua thuyền buồm, lướt ván, mô tô nước, dù bay, các khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh…

Đối với sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, Thanh Hóa tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án tôn tạo và khai thác các giá trị phục vụ du lịch tại một số khu, điểm như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích văn hóa lịch sử Lam Kinh, đền Bà Triệu, Am Tiên. Đồng thời lựa chọn và xây dựng một số lễ hội văn hóa đặc trưng, tổ chức thường niên nhằm quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Thanh Hóa như: Lễ tế Nam Giao Thành Nhà Hồ. Mặt khác, xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các khu du lịch trọng điểm, làng du lịch cộng đồng phục vụ du khách.

Sản phẩm du lịch đường sông - một trong những sản phẩm du lịch mới của xứ Thanh.

Cùng với du lịch biển, du lịch văn hóa - tâm linh, thì du lịch sinh thái cộng đồng cũng là một trong những sản phẩm chiến lược của xứ Thanh. Hiện nay, một số dự án du lịch cộng đồng đã và đang được triển khai, thực hiện khá hiệu quả, thu hút lượng lớn khách quốc tế như: làng Năng Cát, làng Lương Ngọc, khu du lịch Pù Luông…

Bên cạnh đó, các địa phương còn đầu tư triển khai các điểm du lịch làng nghề thuộc dự án Quy hoạch các điểm du lịch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3136 ngày 25/9/2014.

Ngoài ra, sản phẩm du lịch công vụ và du lịch đường sông, mặc dù mới phát triển trong thời gian gần đây, song phần nào đã cho thấy tính hiệu quả tích cực. Chính vì vậy, trong thời gian tới sẽ thu hút mở rộng các dịch vụ du lịch như: dịch vụ bơi thuyền, ca nô; tổ chức các lễ hội truyền thống trên sông nhằm thu hút du khách như: bơi chải, đua thuyền…; xây dựng và triển khai đề án phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể (hò sông Mã, múa đèn Đông Anh…) phục vụ tuyến du lịch đường sông.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH,TT&DL cho biết, việc xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Tuy nhiên, để các sản phẩm du lịch đến được với đông đảo du khách, tạo nên diện mạo mới cho du lịch xứ Thanh, việc đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, vùng, doanh nghiệp trong nước cũng như thị trường nước ngoài là hết sức cần thiết.

Trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch liên kết các tỉnh, thành để nối tuyến thu hút du khách; hợp tác xúc tiến, quảng bá giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố đã và đang dự kiến mở đường bay; kết nối các khu, điểm du lịch, các dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan báo chí trong cả nước để triển khai đưa vào hoạt động có hiệu quả các sản phẩm, tuyến du lịch đã được công nhận. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, đại sứ quán, lãnh sự quán trong hoạt động xúc tiến thị trường quốc tế…

Có thể nhận thấy, du lịch trong khu vực và trên thế giới ngày càng cạnh tranh gay gắt, đặc biệt sẽ đẩy lên ở mức cao trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập nền kinh tế. Thậm chí, ngay trong nội bộ các vùng, miền trong nước cũng diễn ra cạnh tranh, nhất là giữa các địa phương có những điều kiện tương đồng. Vì vậy, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng, với dịch vụ chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết đối với một tỉnh giàu tiềm năng như xứ Thanh.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]