(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ không xa, danh thắng động Eo Lê nằm giữa hai dãy núi đá vôi nối tiếp nhau, trên địa bàn thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc), như “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hóa.

Danh thắng động Eo Lê

Cách Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ không xa, danh thắng động Eo Lê nằm giữa hai dãy núi đá vôi nối tiếp nhau, trên địa bàn thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc), như “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hóa.

Danh thắng động Eo LêNgười dân địa phương tin rằng, động Eo Lê là nơi nghĩa quân Lam Sơn khi xưa dùng làm căn cứ đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

Tôi vẫn nhớ lần đầu ghé thăm nơi này, cung đường lên danh thắng là một trải nghiệm khó quên. Bám chân trần vào những phiến đá lớn, có chút mạo hiểm, tôi theo chân người dẫn đường lên cửa động. Hai bên lối đi tuy khá hẹp trên đá núi nhưng những hàng cây đại vẫn vươn mình tỏa bóng xanh mát, hương hoa nồng nàn khiến ta có cảm giác đang lạc vào nơi tiên cảnh. Không gian xanh thẫm của núi và bóng cây hòa vào nhau, ôm trọn lấy động. Dù chỉ cao khoảng hơn trăm mét so với đường lớn phía dưới nhưng cảnh đẹp nơi đây khiến người ghé thăm không khỏi xao lòng.

Từ trên độ cao thu vào tầm mắt kẻ bộ hành là bức tranh phong cảnh sinh động phía dưới. Xa xa về phía Nam là trung tâm huyện Vĩnh Lộc đang vươn mình phát triển, đổi thay từng ngày. Gần hơn chút nữa, Thành Nhà Hồ - Tây Đô sừng sững như thách thức thời gian. Và rất gần phía dưới thôi là mênh mông đồng lúa vàng ruộm đang vào mùa thu hoạch. Về phía tây Bắc là huyện Cẩm Thủy cùng sông Mã anh hùng... Cảnh sắc tuyệt đẹp thật dễ khiến người ta quên đi những mệt mỏi, lo toan.

Tôi đang miên man nghĩ suy, một cửa động “đột ngột” hiện ra trước mắt. Thật khó tin, giữa đá núi cheo leo lại có một động rộng rãi và bằng phẳng đến thế. Người dân địa phương gọi đây là động “Eo Lê” hay “động Lê Sơn”.

Ngay trước mắt chúng tôi là ba chữ Hán cổ “Lê Sơn Động” khắc trên cửa động. Đem thắc mắc về ba chữ này hỏi người đồng hành là một người dân địa phương, được biết: Không ai biết động có từ bao giờ. Tuy nhiên, hàng trăm năm nay, người dân nơi đây vẫn tin những chữ Hán cổ trên cửa động là do các tướng sĩ của nghĩa quân Lam Sơn khi xưa khắc lên.

Cửa động Eo Lê quay về hướng nam, nằm trên dãy núi giống như một “phòng tuyến” ôm trọn tòa Thành đá. Tương truyền, khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng đánh đuổi giặc Minh xâm lược diễn ra vô cùng ác liệt. Lúc bấy giờ, sau Thăng Long, Tây đô là điểm đóng quân vô cùng quan trọng với giặc Minh, bởi vậy chúng phòng ngự rất chắc chắn. Trong khi đó, quân ta tướng ít binh thiếu, thế mỏng, lực yếu, quân lương thiếu thốn, việc đánh giặc phải dựa vào núi rừng hiểm trở để từng bước tiêu hao sinh lực địch. Bởi vậy, cách thành Tây Đô không xa, lại có địa thế hiểm trở, nơi đây - Eo Lê là địa điểm lý tưởng để nghĩa quân Lam Sơn phòng ngự và rút quân khá an toàn. Đồng thời, có thể bất ngờ tấn công thành Tây Đô do giặc Minh đóng giữ. Và đây cũng là phòng tuyến để ngăn không để quân giặc đánh ngược lên miền thượng du phía Bắc. Vì thế, người dân địa phương tin rằng, Eo Lê - động Eo Lê từng là một trong những căn cứ đóng quân của nghĩa quân Lam Sơn. Chữ “Lê” trên cửa động là chỉ nghĩa quân Lam Sơn - nhà Lê - Lê Lợi. Ba chữ “Lê Sơn Động” được hiểu là hang động trên núi của nghĩa quân nhà Lê, có thể được khắc lên đây trong những ngày nghĩa quân Lam Sơn đóng quân; còn tên gọi Eo Lê cũng được hiểu là địa điểm “eo núi” gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Về sau, khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, thành Tây Đô cũng được họ Mạc sử dụng như địa điểm đóng quân. Và đã có những giả thuyết được đặt ra: Nguyễn Kim trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, cũng đã dùng “phòng tuyến Eo Lê” làm bàn đạp để chiếm lại thành Tây Đô.

Bước vào bên trong động, trên vách vẫn còn những ký tự tượng hình được khắc khá rõ nét. Cùng với đó là những di vật cổ: tượng đá, cối đá, chày đá... là tư liệu để các nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu.

Danh thắng động Eo LêTừ trong cửa động Eo Lê nhìn ra bên ngoài.

Động Eo Lê không quá rộng nhưng thật sự lung linh với những câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn được tạo nên bởi những nhũ đá mang hình thù độc đáo. Đó là “đường lên trời”, “cột chống trời”, “kho muối trắng”; “kho tiền”...Và người dân địa phương cũng mang theo niềm tin, động Eo Lê là nơi “ngự trị” của đấng tối linh - các vị thần có công phù trợ, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Vậy nên, vào ngày “tuần” (ngày rằm, mùng một) không quản ngại, người dân vẫn thường mang lễ vật vào trong động thắp hương, mong cầu điều tốt đẹp. Hàng năm người dân địa phương còn tổ chức lễ hội ở khu vực động Eo Lê.

Dẫu không phải danh thắng bậc nhất xứ Thanh, nhưng động Eo Lê với cảnh đẹp hoang sơ quện trong những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết thực - ảo khiến lòng người thực sự vấn vương.

Ông Phạm Doãn Mẫn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, cho biết: Năm 2011, động Eo Lê được xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp tỉnh. Với cảnh sắc thiên tạo và những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, lại nằm gần Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, danh thắng này hứa hẹn là điểm đến tham quan cho du khách ưa khám phá. Đường lên thắng cảnh động Eo Lê trước kia vô cùng khó khăn, nay đã được tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa, thuận tiện cho người dân, du khách tham quan, chiêm bái, khám phá di tích.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]