(vhds.baothanhhoa.vn) - Loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc, thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương, góp phần khai thác tốt tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và từng bước khắc phục yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đưa du khách lên non

Loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc, thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương, góp phần khai thác tốt tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và từng bước khắc phục yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch của tỉnh.

Những kết quả mang tính bền vững

Với 11 huyện miền núi, diện tích rộng hơn 8.000 km2, chiếm đến ¾ diện tích của cả tỉnh, nơi đây sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, với: rừng, hồ, núi, hang động, thác nước và nhiều cảnh quan, danh thắng... Đặc biệt, đây cũng là vùng có tiềm năng, thế mạnh về văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc gắn với các lễ hội truyền thống... Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Thế nhưng, cách đây chưa đến 10 năm, mọi thứ ở đây vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được đông đảo du khách biết đến.

Nhắc đến du lịch cộng đồng, hiện nay Bá Thước được biết đến như đại diện “thương hiệu” của loại hình du lịch này. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã thu hút được 24 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng số vốn gần 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm đến công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm du lịch của địa phương; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm du lịch. Nhờ những cố gắng này, hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng của huyện Bá Thước đã có những nét khởi sắc rõ rệt. Năm 2018, toàn huyện ước đón được gần 50 nghìn lượt khách, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Khai trương tour du lịch cộng đồng Pù Luông.

Cùng với Bá Thước, trong những năm gần đây nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Năm 2018, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh ước đón 350.000 lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nổi bật như khu du lịch Suối cá Cẩm Lương ước đón được 300.000 lượt khách, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017; du lịch cộng đồng huyện Bá Thước ước đón được 49.000 lượt khách, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2017; huyện Lang Chánh ước đón được 29.000 lượt khách, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết: “Có thể nói sự phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch cộng đồng miền Tây của tỉnh đã mở ra hướng phát triển KT-XH cho người dân và các địa phương nơi đây. Và thành công nhất của việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ nằm ở những con số về lượng khách, doanh thu mà hơn cả đó là nhận thức của các địa phương, của cộng đồng trong việc phát triển du lịch bền vững. Thời gian tới, Sở VH,TT&DL sẽ nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển loại hình du lịch này. Và hiện nay Sở VH,TT&DL đang triển khai kế hoạch khảo sát và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức công bố tour du lịch mới kết nối Quan Sơn (Thanh Hóa) với Viêng Xay (Lào) trong năm tới”.

Du lịch cộng đồng miền Tây ngày càng thu hút đông đảo du khách.

Nhiều cơ hội để trở thành sản phẩm du lịch có thế mạnh

Cùng với việc coi trọng phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, các huyện: Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Lang Chánh, Bá Thước... đã tập trung khai thác, phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút khách tham quan, du lịch. Nhiều huyện đã khẩn trương xây dựng Đề án phát triển du lịch, xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, khai thác các giá trị tiềm năng phục vụ phát triển du lịch.

Cùng với đó, xác định phát triển du lịch tại các huyện miền núi đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm phát huy lợi thế vị trí địa lý, các giá trị tài nguyên khu vực này. Theo đó, tỉnh đã và đang quan tâm, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái văn hóa tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Vườn quốc gia Bến En, thác Ma Hao - bản Năng Cát, Suối cá Cẩm Lương...

Ngoài ra, theo Thông tư 12/2014/TT-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL, vùng dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số; nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng dân tộc thiểu số; phát triển mô hình du lịch miền núi có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số... Đây cũng chính là yếu tố “then chốt”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hoạt động du lịch cũng như xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng miền núi của tỉnh. Mặt khác, khu vực miền núi, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số còn được ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch...

Du khách thưởng thức những món đặc sản của địa phương.

Cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch khu vực miền núi, việc người dân tự ý thức được nguồn lợi kinh tế từ du lịch sẽ giúp họ có ý thức tự giác trong việc bảo vệ cảnh quan, tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ chữ tín với du khách. Đó cũng chính là giải pháp căn cơ để có thể phát triển du lịch bền vững khu vực này, hướng tới xây dựng thành công thương hiệu du lịch cộng đồng xứ Thanh.

Năm 2018 du lịch Thanh Hóa thu trên 10 nghìn tỷ đồng

Năm 2018, du lịch Thanh Hóa đã đón được 8.250.000 lượt khách, tăng 117,8% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 100,6% KH năm 2018 (trong đó khách quốc tế230.000 lượt khách, tăng 121,8% so với cùng kỳ 2017, đạt 100,1% KH năm 2018); tổng thu du lịch đạt: 10.605 tỷ đồng, tăng 132,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 100,2% KH năm 2018 (trong đó tổng thu từ khách quốc tế: 62.200.000 USD).

Cũng trong năm 2018, toàn tỉnh có 17 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang được triển khai, với tổng dự toán được phê duyệt hơn 3.200 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư năm 2018 là 626,75 tỷ đồng; Đã thu hút và cấp chứng nhận cho 13 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, nâng tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh lên 70 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng, trong đó thực hiện đầu tư đến năm 2018 là hơn 14.000 tỷ đồng... góp phần khẳng định quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ của du lịch Thanh Hóa.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]