(vhds.baothanhhoa.vn) - Chứa đựng nhiều giá trị và những câu chuyện thú vị xoay quanh cổ vật, bảo tàng vốn lẽ phải được xem là điểm đến trung tâm, kết nối đến các khu, điểm du lịch văn hóa lịch sử khác. Thực tế, những nơi được kỳ vọng này lại đang vắng khách du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng đi nào cho du lịch bảo tàng? (Bài 1): Vắng như du lịch... bảo tàng

Chứa đựng nhiều giá trị và những câu chuyện thú vị xoay quanh cổ vật, bảo tàng vốn lẽ phải được xem là điểm đến trung tâm, kết nối đến các khu, điểm du lịch văn hóa lịch sử khác. Thực tế, những nơi được kỳ vọng này lại đang vắng khách du lịch.

Không kể mùa du lịch cao điểm hay thấp điểm, các điểm đến du lịch bảo tàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như: Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng gốm Tam Thọ hay Bảo tàng Hoàng Long... luôn được đặt trong chế độ “mặc định”. Có chăng chỉ là những đoàn khách phục vụ công tác nghiên cứu và học sinh, sinh viên đến tham quan.

Kho lưu giữ văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng

Nói đến bảo tàng, trước hết phải kể đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa). Tuy diện tích không lớn, nhưng với bố cục trưng bày theo một logic chặt chẽ. Bắt đầu từ không gian bên ngoài, nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật điêu khắc đá tiêu biểu thời Lê - Nguyễn, những hiện vật có thể khối lớn như súng thần công thời Nguyễn, máy cày DT24 của Bác Hồ tặng Hợp tác xã Yên Trường, máy bay Míc 17 của Trung đoàn Không quân 921 trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 3 - 4/4/1965... Tiếp đến là hệ thống trưng bày chính, với hơn 3.000 hiện vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử, từ khi xuất hiện những con người tối cổ đầu tiên trên đất Thanh Hóa đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Tại đây có 4 phòng trưng bày cố định là: “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”, “Thanh Hoá trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ (từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX)”, “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hoá, giai đoạn 1858 - 1945”, “Thanh Hoá trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975”. 3 phòng trưng bày chuyên đề: “Trống đồng Thanh Hoá”, “Đặc trưng văn hoá dân tộc Mường ở Thanh Hoá” và “Đặc trưng văn hoá dân tộc Thái ở Thanh Hoá”, cũng giới thiệu những sưu tập cổ vật đặc sắc, quý hiếm, hoặc là đặc trưng văn hóa độc đáo của các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...

Đối tượng khách đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Ông Trịnh Đình Dương - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết, bảo tàng lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn, sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, tạo điều kiện để có thể cập nhật những tư liệu, hiện vật mới làm cho “diện mạo” trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Ngoài ra, bảo tàng thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại như: bảng truy vấn điện tử tra cứu thông tin tài liệu hiện vật trưng bày, video, máy chiếu... giúp khách tham quan không chỉ thỏa mãn nhu cầu học tập, nghiên cứu mà còn có thể chủ động trong tiến trình tham quan bảo tàng.

Cũng theo ông Dương, nếu xét về góc độ văn hóa, lịch sử, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cần được xác định là điểm đến trung tâm, kết nối đến các khu, điểm du lịch văn hóa lịch sử khác. Từ đây du khách có thể tìm hiểu các điểm đến văn hóa, lịch sử ở xứ Thanh một cách dễ dàng và bài bản nhất. Bởi lẽ đây là nơi lưu giữ hiện vật, giá trị về lịch sử từ thời tiền sử đến nay, đằng sau mỗi hiện vật được trưng bày là câu chuyện dài sống động thông qua nội dung thuyết minh.

Chưa thu hút được khách du lịch

Nhằm thu hút du khách tham quan, không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ, trưng bày hiện vật một cách “cứng nhắc”, trong những năm gần đây cùng với việc chỉnh trang, đầu tư cơ sở vật chất, cùng với sự đổi mới của các bảo tàng tư nhân, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan tất cả các ngày trong tuần. Đồng thời tăng cường đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phát huy giá trị hiện vật. Đặc biệt chú trọng đổi mới hoạt động trưng bày gắn với trải nghiệm thực tế...

Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đón được trên 16 nghìn lượt tham quan. Tuy nhiên, 100% đối tượng khách đến từ các đoàn nghiên cứu và học sinh, sinh viên, trong đó không có khách tour. Đó cũng chính là thực trạng chung của các bảo tàng tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát, một số ý kiến cho rằng, vốn dĩ bảo tàng là nơi trưng bày hiện vật, lịch sử. Chính vì vậy, sau thời gian làm việc, mọi người thường đến những điểm du lịch mang tính giải trí, có dịch vụ đi kèm, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ.

Anh Trần Minh Huy (giáo viên bộ môn Lịch sử) cho rằng, vốn dĩ thực tế hiện nay rất ít học sinh yêu thích môn học Lịch sử. Chính vì vậy, cách giảng dạy truyền thống ít nhiều đã trở nên nhàm chán, do đó việc hướng học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu thực tế tại bảo tàng là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, đối với đối tượng là công chúng hay khách du lịch thì thực sự bảo tàng rất khó thu hút họ. Bởi sau thời gian mưu sinh, điểm đến của du khách thường là những không gian giải trí để vui chơi, giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc.

Có thể nói, giá trị của bảo tàng rõ ràng không cần bàn đến, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, nhưng vấn đề chung của các bảo tàng ở Thanh Hóa hiện nay là khó thu hút được công chúng và du khách tham quan. Vậy đâu là những nguyên nhân cơ bản và cách giải quyết “bài toán” này trong tương lai sẽ ra sao?

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]