(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây Thanh Hóa được biết đến với nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn, đồng thời cũng là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng cho mỗi vùng quê. Do đó, việc đưa sản phẩm OCOP đến với khách du lịch được xem là giải pháp tối ưu thúc đẩy du lịch cùng phát triển, đồng thời thông qua hoạt động du lịch là kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người dân, du khách gần xa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch

Những năm gần đây Thanh Hóa được biết đến với nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn, đồng thời cũng là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng cho mỗi vùng quê. Do đó, việc đưa sản phẩm OCOP đến với khách du lịch được xem là giải pháp tối ưu thúc đẩy du lịch cùng phát triển, đồng thời thông qua hoạt động du lịch là kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người dân, du khách gần xa.

Một mũi tên trúng hai đích

Nga Sơn là một trong những địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của tỉnh, với nhiều điểm đến hấp dẫn; đồng thời có thế mạnh về nghề truyền thống. Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất tại Nga Sơn đã tích cực tham gia các kênh xúc tiến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, nhiều cơ sở, hộ sản xuất chuyển sang xây dựng các sản phẩm OCOP, điển hình như Công ty TNHH Ngân Khương (xã Nga Thanh, Nga Sơn), với 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, xếp hạng 3 sao là thảm cói trải sàn và chiếu cói dệt tay thủ công. Theo bà Mai Thị Yến - Giám đốc Công ty TNHH Ngân Khương cho biết, cùng với việc quảng bá sản phẩm qua các kênh thông tin truyền thông, tham gia các hội chợ, xúc tiến, doanh nghiệp đã chủ động đấu mối với địa phương đưa khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Đến nay, đã có một số đoàn khách từ các địa phương khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm, cùng với đó là khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện, kết hợp tham quan, mua sắm các sản phẩm của đơn vị. Hi vọng, với sự phát triển của du lịch, đơn vị sẽ là điểm đến của du khách gần xa, đồng thời các sản phẩm từ cói của vùng đất Nga Sơn sẽ được quảng bá rộng rãi tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo của hộ sản xuất kinh doanh Đăng Khoa (thị trấn Nga Sơn) được giới thiệu đến du khách.

Có thể thấy, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, “một mũi tên trúng hai đích”. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP . Từ đó việc quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch theo hướng hoàn thiện, bền vững.

Để sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa được đông đảo người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước biết đến và tin dùng, mới đây Sở VH,TT&DL đã có Công văn số 2619/SVHTTDL-QLDL (ngày 6/8/2020) gửi BQL các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến khách du lịch. Theo đó, để sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa được đông đảo người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước biết đến và tin dùng, Sở đề nghị BQL các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh phối hợp tuyên truyền, quảng bá đến khách du lịch các sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời ưu tiên tiêu dùng, sử dụng, trưng bày, bán sản phẩm OCOP hoặc tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được gửi các ấn phẩm, vật phẩm để tuyên truyền quảng bá, giới thiệu và chào bán các sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch hoặc doanh nghiệp dịch vụ du lịch để quảng bá tới du khách.

Cần có sự đầu tư, định hướng cụ thể

Thực tế trong những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm OCOP. Đến nay, đã có nhiều sản phẩm được công nhận, phù hợp là điểm đến tham quan, cung ứng sản phẩm phục vụ khách du lịch như: nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Công ty TNHH thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia); rượu Chi Nê (Công ty CP Thương mại Hậu Lộc); bánh gai Lâm Thắm (cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm); tinh dầu sả chanh (Công ty TNHH sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng); rượu sâm báo cơ sở sản xuất kinh doanh rượu An Tâm); kẹo lạc, kẹo gạo lức Đức Giang (Công ty TNHH Đức Giang); đông trùng hạ thảo tươi Đăng Khoa (hộ sản xuất kinh doanh Đăng Khoa)...

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đông trùng hạ thảo Đăng Khoa (thị trấn Nga Sơn) cho biết, để phục vụ du khách làm quà, chúng tôi đã nghiên cứu quy cách đóng gói sản phẩm cho phù hợp, giá thành hợp lý. Cùng với sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, cơ sở chúng tôi sắp tới sẽ cho ra đời sản phẩm đông trùng hạ thảo khô và một số sản phẩm liên quan như rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong... đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn, tạo ra cho tỉnh Thanh Hóa những điểm đến, sản phẩm hấp dẫn du khách tham quan, mua sắm... bởi vậy cần được sự quan tâm, định hướng và tạo điều kiện hơn nữa từ các cấp, sở, ngành, địa phương; tạo sự tiếp cận, trao đổi giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất để có các sản phẩm phù hợp phục vụ du lịch. Trước mắt cần phát huy những chương trình quảng bá OCOP phục vụ khách du lịch hiệu quả; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; đưa sản phẩm OCOP phù hợp là đặc sản, đặc trưng vùng miền vào các điểm bán hàng đạt chuẩn phục vụ du lịch, các trung tâm thương mại, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch có sức hút lớn với du khách trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là: One commune one product, gọi tắt là Chương trình OCOP) - là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Thanh Hóa hiện có 42 sản phẩm OCOP tỉnh đạt hạng 3 - 4 sao. Trong đó, có 2 sản phẩm đủ điều kiện đề xuất Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xem xét đánh giá, phân hạng 5 sao. Đây là những sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh hoặc được thuần hóa, đặc biệt là những đặc sản vùng miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]