(vhds.baothanhhoa.vn) - So với những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa như du lịch biển hay du lịch văn hoá lịch sử, tâm linh, có lẽ sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng được xem là “đứa em út”. Mặc dù mới phát triển trong những năm gần đây, song sản phẩm này đã sớm được định danh, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức hút từ du lịch sinh thái, cộng đồng

So với những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa như du lịch biển hay du lịch văn hoá lịch sử, tâm linh, có lẽ sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng được xem là “đứa em út”. Mặc dù mới phát triển trong những năm gần đây, song sản phẩm này đã sớm được định danh, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Khu du lịch sinh thái, cộng đồng Pù Luông thu hút du khách.

Trải nghiệm hấp dẫn

Thực tế trong những năm gần đây, du lịch sinh thái, cộng đồng xứ Thanh ngày càng được đông đảo du khách biết đến và yêu thích, không chỉ bởi sự mới mẻ, mà sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ở xứ Thanh lấy thiên nhiên làm yếu tố căn bản. Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều bí ẩn, cùng sự bình yên và nhịp sống chậm rãi của những bản, làng lọt giữa các thung lũng, chính là “đặc sản” riêng có của sản phẩm này. Cùng với đó là văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, được thể hiện qua tập tục sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc, nghề cổ truyền... vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt và tập trung chỉ đạo triển khai nhiều đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương như: xã Trí Nang (Lang Chánh); xã Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ) và nhiều địa phương khác tại các huyện Bá Thước, Quan Hoá, Quan Sơn, Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Vĩnh Lộc. Trên cơ sở đó, đã hình thành nên “tên tuổi” nhiều điểm đến nổi tiếng như: bản Năng Cát, bản Hiêu, bản Đôn, bản Hang, bản Ngọc...

Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng ước đón được trên 2,3 triệu lượt khách, chiếm 5,5% tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh, gấp 2 lần so với giai đoạn trước đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25,6%/năm...

Và thực tế, ngay sau khi tỉnh Thanh Hoá cho phép mở cửa trở lại các khu, điểm du lịch, trong khi công suất sử dụng phòng dịp cuối tuần tại các trung tâm du lịch biển chỉ đạt khoảng 30 - 40%, thì ngay tại khu du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), lượng khách đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019, dịp cuối tuần đón hàng nghìn lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt 100%. Cùng với đó, tại các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng của các huyện Cẩm Thuỷ, Lang Chánh, Thạch Thành... cũng thu hút lượng lớn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Cho đến nay, không chỉ các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, mà nhiều địa phương khác cũng đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng như: Vĩnh Lộc, Hoằng Hoá, TP Thanh Hoá, Quảng Xương...

Để trở thành sản phẩm “mũi nhọn” của du lịch xứ Thanh

Thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng có sự phát triển khá mạnh mẽ, từng bước khẳng định chỗ đứng trong cơ cấu sản phẩm du lịch đặc trưng Thanh Hóa. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận du lịch sinh thái, cộng đồng vẫn là sản phẩm chiếm tỷ lệ không lớn trong cơ cấu lượng khách đến Thanh Hóa, thị trường khách hẹp, khả năng cạnh tranh ở mức trung bình, có khả năng phát triển độc lập nhưng việc liên kết và thúc đẩy các sản phẩm khác hạn chế... Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng khu vực miền núi còn thiếu, nhất là đường giao thông kết nối nội vùng và ngoại vùng chưa đồng bộ; các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước... còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm ở các bản, làng, nhà sàn truyền thống phục vụ khách du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế về trình độ và kỹ năng nghề... Đâylà những hạn chế cơ bản khiến du lịch sinh thái, cộng đồng chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Thông qua các chương trình khảo sát du lịch, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, để du lịch sinh thái, cộng đồng xứ Thanh có thể thực sự trở thành một trong những sản phẩm “mũi nhọn”, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, trước hết cần tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá... Mặt khác, để tạo đòn bẩy cho du lịch sinh thái, cộng đồng phát triển thì việc kêu gọi đầu tư một số khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với các hoạt động trải nghiệm cộng đồng, bổ trợ cho các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực truyền thống tại các điểm đến là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, cần hình thành thêm một số điểm nhấn cho loại hình du lịch sinh thái như: xây dựng các tuyến đi bộ, xe đạp xuyên rừng, các chòi vọng cảnh, các tuyến quan sát động thực vật, đầu tư hệ thống tàu thuyền phục vụ du lịch khám phá, thưởng ngoạn lòng hồ... Đồng thời, cần có sự liên kết giữa các địa phương lân cận trong việc ban hành chính sách khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch chung và thị trường khách du lịch.

Thiết nghĩ, những đề xuất, giải pháp kể trên có thể được giải quyết một cách căn bản bằng các chính sách và nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, vốn lấy thiên nhiên và văn hóa bản địa làm yếu tố cơ bản, là sức hút đối với du khách, bởi vậy đôi khi nguồn lực lại không phải là tất cả. Do đó, phải làm sao để vừa đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, vừa bảo vệ được cảnh quan, môi trường tự nhiên cũng như văn hoá bản địa đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và cư dân bản địa.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]