(vhds.baothanhhoa.vn) - Với sự huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa, công tác đầu tư hệ thống hạ tầng trọng điểm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chuyển biến tích cực. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo đột phá về hạ tầng trọng điểm phát triển du lịch

Với sự huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa, công tác đầu tư hệ thống hạ tầng trọng điểm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chuyển biến tích cực. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh.

Hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

Đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch

Trong những năm gần đây, việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được đặc biệt quan tâm, nguồn ngân sách Nhà nước được tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch, các dự án trọng điểm như: Tuyến đường ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; cải tạo nâng cấp đường Hồ Xuân Hương đoạn từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài (TP Sầm Sơn); đường giao thông từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đại lộ Nam sông Mã; dự ánQuốc lộ 1A nối với Khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh... Đồng thời, ưu tiên đầu tư một số dự án quy mô nhỏ nhưng có tác động trực tiếp đến việc hình thành và khai thác phát triển du lịch như: Đường vào thác Ma Hao - bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), đường kết nối các điểm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Quan Hóa, Bá Thước); nạo vét, xây dựng bến thuyền, cầu tàu tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...

Từ việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, đã tạo ra cho Thanh Hoá nhiều lợi thế trong công tác xúc tiến, đầu tư thương mại và du lịch. Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn. Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 25 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.411 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 18.945 ha, trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước đã được đầu tư, đưa vào khai thác, như: Sầm Sơn Golf links và khu đô thị sinh thái FLC; khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến... và một số dự án có quy mô lớn đang triển khai quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư, như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; Khu đô thị sinh thái ven biển Quảng Nham và Quảng Thạch của Tập đoàn ORG. Nâng tổng số dự án kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 lên 60 dự án với tổng số vốn triển khai thực hiện ước đạt trên 13 nghìn tỷ đồng.

Nhờ hệ thống hạ tầng trọng điểm ngày càng được đầu tư đồng bộ, việc thu hút các dự án đầu tư cơ sở lưu trú du lịch đạt kết quả khả quan, giai đoạn 2016 - 2020, có 200 cơ sở lưu trú được đầu tư mới, nâng tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh lên 925 cơ sở với 41.300 phòng; chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch cũng được cải thiện, số lượng khách sạn xếp hạng từ 3 - 5 sao tăng nhanh. Nếu như năm 2016 mới có 10 khách sạn từ 3 - 5 sao với 1.400 phòng, thì đến năm 2020 toàn tỉnh đã có 42 khách sạn, với trên 4.400 phòng.

Từ sự huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hoá, hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, tạo ấn tượng tốt cho du khách, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư kinh doanh du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch

Trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, thì giao thông được xem là “mạch máu” vận hành cả hệ thống, là ưu tiên hàng đầu để thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, trong những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Cao tốc Thanh Hóa - Ninh Bình; đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; đường giao thông nối khu du lịch tâm linh Am Tiên đến Khu du lịch Bến En; dự án giao thông nối QL 45 - QL41 - QL217; đường Tây Sầm Sơn 3; các tuyến giao thông kết nối từ đường cao tốc Bắc - Nam với khu du lịch Bến En; tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân; tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đến TP Ninh Bình... Ngoài ra, tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu (đường giao thông trục chính, giao thông đối nội, trung tâm đón tiếp kết hợp bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...) tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Sầm Sơn, Hàm Rồng, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, suối cá Cẩm Lương, Pù Luông...; đầu tư, nâng cấp Cảng Hàng không Thọ Xuân trở thành cảng hàng không quốc tế, mở thêm các đường bay thẳng từ Thanh Hóa kết nối trực tiếp đến các thị trường trọng điểm du lịch ở trong nước và khu vực; hoàn thiện hệ thống cảng nước sâu ở Khu Kinh tế Nghi Sơn kết hợp với khai thác phát triển tuyến du lịch biển; quan tâm hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ tuyến du lịch dọc sông Mã. Đồng thời, Thanh Hóa tạo mọi điều kiện thuận lợi, tăng cường thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn ORG, Tập đoàn Flamimgo, Tập đoàn T&T, Saigontourist, Viettravel... đầu tư hình thành các khu du lịch phức hợp, dự án quy mô lớn, các trung tâm nghỉ dưỡng biển kết hợp với vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại; hình thành các khu nghỉ dưỡng (resort) kết hợp hội nghị, hội thảo, bổ sung các dịch vụ bổ trợ phù hợp với tính chất nghỉ dưỡng sinh thái như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dịch vụ làm đẹp... tại khu du lịch biển Sầm Sơn, Hoằng Hoá, ven biển huyện Quảng Xương, khu đảo Mê - Nghi Sơn...

Có thể nói, việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật những năm qua, đã góp phần “mở đường” đón làn sóng lớn đầu tư vào du lịch, cũng như kết nối các khu, điểm, tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh. Để đạt được mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo, cùng với các giải pháp về phát triển đa dạng sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá... việc đầu tư hệ thống hạ tầng sẽ tiếp tục được ưu tiên nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển cơ sở vật chất, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao, nhất là khai thác tiềm năng lợi thế về biển, đảo, sinh thái cộng đồng, văn hoá... Từ đó, khẳng định vị thế, sự phát triển nhanh, ổn định của du lịch xứ Thanh, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trọng điểm du lịch cả nước.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]